Đã có giáo viên nào "trượt" chứng chỉ bồi dưỡng môn tích hợp chưa?

23/09/2023 07:14
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên cả nước đang nóng lòng chờ phương án điều chỉnh về môn tích hợp, những điều gì còn hạn chế, vướng mắc mong sớm được điều chỉnh.

Câu chuyện giáo viên các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý phải học bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý để đủ điều kiện tối thiểu có thể dạy được 2 môn tích hợp trên ở bậc trung học cơ sở được giáo viên và học sinh cả nước đặc biệt quan tâm.

Điều mà rất nhiều người quan tâm là hiệu quả ra sao khi giáo viên đi học và có chứng chỉ liệu có khả năng dạy được cả môn tích hợp gồm 2,3 phân môn hay không? Và có giáo viên nào sau quá trình học bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp không được cấp chứng chỉ 2 môn trên không?

Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Đa số giáo viên bồi dưỡng đều được cấp chứng chỉ tích hợp

Hiện nay, một số địa phương trong cả nước cũng đã có một số giáo viên được bồi dưỡng và cấp chứng chỉ môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Tuy nhiên, dù có chứng chỉ Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý nhưng nhiều giáo viên vẫn lo lắng vì tự nhận thấy khó dạy được tốt 2, 3 phân môn trong 2 môn tích hợp nhất là đối với kiến thức ở những môn Khoa học tự nhiên (gồm 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) ở khối lớp 8,9 với nhiều kiến thức khó, chuyên sâu, nhiều thí nghiệm, hóa chất tương đối khó.

Những bài dạy chuyên sâu và Hóa học, Sinh học, giáo viên Vật lý đều rất khó tiếp thu, nên chủ yếu ngồi nghe cho có hình thức và đương nhiên việc áp dụng vào dạy hiệu quả đến đâu cũng là một dấu hỏi lớn.

Thực tế, trong các buổi bồi dưỡng, nhiều giáo viên vắng trong các buổi học một phần do không hiểu, khó tiếp thu, một phần vì sức khỏe, điều kiện gia đình, công việc,…

Người viết tham dự lớp chứng chỉ tích hợp Khoa học tự nhiên với số lượng hơn 70 giáo viên nhưng có ngày chỉ khoảng 40-50 người học, còn lại vắng khá nhiều.

Vì không hiểu, không nắm bắt được kiến thức nên cũng được các giảng viên “động viên” giáo viên yên tâm học, sẽ tạo mọi điều kiện để giáo viên có được chứng chỉ và sẽ khó có ai không được cấp chứng chỉ.

Mỗi học phần sẽ có 1 bài kiểm tra hết học phần và kiểm tra cuối khóa, từng học phần sẽ được cung cấp câu hỏi ôn tập (kèm gợi ý), việc kiểm tra sẽ được thực hiện theo hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm với đề mở, việc làm bài dựa trên các gợi ý để thực hiện và được gợi ý cách thực hiện bài và động viên sẽ không có học viên “trượt”.

Người viết, cũng tìm hiểu các lớp của đồng nghiệp địa phương khác, thầy cô cũng chia sẻ các cơ sở đào tạo đều tạo mọi “điều kiện” để giáo viên có chứng chỉ tích hợp. Theo tìm hiểu của người viết chưa thấy ai không đạt chứng chỉ tích hợp khi bồi dưỡng, trừ trường hợp không tham dự các kỳ kiểm tra.

Tuy nhiên, bản thân người viết và không ít đồng nghiệp đều thú thật là dù có chứng chỉ bồi dưỡng nhưng không tự tin để giảng dạy cả 2, 3 phân môn trong môn tích hợp.

Giáo viên có chứng chỉ tích hợp có phải bắt buộc dạy cả môn tích hợp?

Theo 2 Quyết định 2454, 2455 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo và cấp chứng chỉ 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đều quy định chứng chỉ này là điều kiện tối thiểu để có thể dạy được môn tích hợp trên.

Như vậy, theo quy định trên, chứng chỉ là điều kiện tối thiểu để dạy học được các môn tích hợp. Có nghĩa là không có chứng chỉ thì không được dạy cả 2,3 phân môn trong môn tích hợp. Tuy nhiên, nếu có chứng chỉ tích hợp nhưng vẫn không đủ kiến thức để dạy cả 2,3 phân môn thì vẫn chưa bắt buộc phải dạy cả 2,3 phân môn.

Vì, tại Công văn Số: 3899/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023-2024 đối với hướng dẫn thực hiện dạy học môn Khoa học tự nhiên như sau: “a) Đối với môn Khoa học tự nhiên: Phân công giáo viên dạy học môn học bảo đảm yêu cầu phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Xây dựng kế hoạch dạy học trong đó bố trí thời gian, thời điểm dạy học các mạch nội dung linh hoạt trong từng học kì phù hợp với việc phân công giáo viên dạy học, bảo đảm tính khoa học, sư phạm và khả năng thực hiện của giáo viên.”

Có nghĩa, đối với môn Khoa học tự nhiên, dù có chứng chỉ Khoa học tự nhiên nhưng giáo viên không đảm bảo kiến thức, không đủ khả năng đảm nhận cả 3 phân môn thì có thể phân công giáo viên giảng dạy phân môn phù hợp với năng lực và khả năng thực hiện.

Thực tế, một số địa phương giáo viên đã có chứng chỉ tích hợp nhưng giáo viên thiếu tự tin, không đủ năng lực để giảng dạy được môn tích hợp, nên sau khi học xong chứng chỉ, giáo viên nào dạy phân môn đó, một môn học như Khoa học tự nhiên do 3 giáo viên giảng dạy, môn Lịch sử và Địa lý do 2 giáo viên giảng dạy.

Dù biết là học chứng chỉ tích hợp tốn nhiều thời gian, tốn kém công sức, tiền của nhưng vì không đủ khả năng, năng lực để dạy cả 2,3 phân môn nên các trường đành chọn phương án có lợi cho học sinh là giáo viên chuyên môn nào dạy môn đó, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn và lâu dài đến học sinh và giáo viên cũng không đủ tự tin để giảng dạy.

Tuy nhiên, nếu 2,3 giáo viên giảng dạy 1 môn học thì lại vô cùng phức tạp về sắp xếp thời khóa biểu cho nhà trường, với 2 môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, nhà trường phải thay đổi liên tục khoảng 2 tuần 1 lần, học sinh cũng đổi giáo viên dạy liên tục ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, tiếp thu của học sinh.

Một môn học mà 2,3 giáo viên dạy, mỗi phân môn có cách dạy, phương pháp dạy khác nhau nên rất dễ ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu, lưu trữ của học sinh.

Và một môn học có 2,3 giáo viên giảng dạy không chỉ khó khăn trong thời khóa biểu, khả năng tiếp thu mà còn khó khăn trong việc ra đề kiểm tra, vào điểm, đánh giá, nhận xét học sinh hay việc ghi sổ điểm cá nhân, học bạ của giáo viên, rất phức tạp vì không ai chịu trách nhiệm khi học sinh ở lại, thi lại,…

Sau một thời gian được đi học chứng chỉ tích hợp Khoa học tự nhiên, với lực lượng giáo viên hiện tại thì người viết cho rằng, không nhiều giáo viên sau đào tạo dạy tốt cả 2,3 phân môn nhất là đối với lớp 8,9 ở môn Khoa học tự nhiên.

Như vậy, một giáo viên rất khó để nắm tường tận kiến thức để dạy được cả 2, 3 phân môn nhưng nếu để 1 môn có đến 2,3 giáo viên giảng dạy thì sẽ vô cùng phức tạp, rắc rối, dễ gây mất đoàn kết do không ai chịu trách nhiệm,…

Giáo viên cả nước đang nóng lòng chờ phương án điều chỉnh về môn tích hợp, những điều gì còn hạn chế, vướng mắc mong sớm được điều chỉnh để giáo viên yên tâm công tác, giảng dạy và không ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu của học sinh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi