Dạy tăng tiết khi chống dịch không được thanh toán, còn bị cho là "cứng đầu"

09/03/2022 06:54
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không có hướng dẫn từ Bộ nên mới xảy ra tình trạng chỉ trong một tỉnh mà mỗi nơi làm mỗi khác thì trong cả nước còn bất cập đến mức nào?

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo không có hướng dẫn việc tính tiết dạy chuẩn cho giáo viên trong mùa dịch bệnh sẽ dễ dàng xảy ra tình trạng “trăm hoa đua nở”.

Điển hình, chỉ trong một tỉnh như Bình Thuận mà mỗi địa phương thực hiện mỗi khác, giáo viên nhiều trường học cảm thấy bị thiệt thòi.

Bình Thuận thiếu giáo viên nên các thầy cô hiện dạy tăng tiết khá nhiều (Ảnh tác giả)

Bình Thuận thiếu giáo viên nên các thầy cô hiện dạy tăng tiết khá nhiều (Ảnh tác giả)

Năm dịch bệnh có thời gian học sinh dừng đến trường nhưng thầy cô dạy trực tuyến, hướng dẫn các em học ở nhà, nhiều trường vẫn khẳng định giáo viên dạy không đủ tiết.

Năm học 2019-2020, tỉnh Bình Thuận thiếu giáo viên trầm trọng ở 2 cấp học. Nhiều trường học đăng thông tin tuyển dụng giáo viên hợp đồng nhưng không có nguồn cung.

Giáo viên trong trường buộc phải đảm đương chuyện dạy vượt tiết. Nếu là năm học bình thường sẽ không sao. Cứ lấy tổng số tiết giáo viên giảng dạy trong tuần, nhân với số tuần quy định thực dạy của Bộ Giáo dục (tiểu học 35 tuần, trung học 37 tuần) rồi trừ đi tổng số tiết tiêu chuẩn giáo viên phải dạy trong năm học ấy, phần chênh lệch sẽ được tính tăng giờ.

Học được 28 tuần thì dịch bệnh bùng phát, học sinh tại Bình Thuận phải ngừng đến trường. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục học sinh vẫn không ngừng học. Giáo viên vẫn đến trường xịt khuẩn, dọn vệ sinh, học thay sách, vẫn dạy học ở nhà bằng nhiều hình thức.

Thế nhưng, cuối năm không giáo viên nào được tính tiền dạy tăng giờ cho 28 tuần đã dạy xong.

Khi giáo viên thắc mắc, hiệu trưởng nhà trường, phòng giáo dục đều cho rằng không có hướng dẫn mới thì cứ căn cứ theo quy định cũ mà tính.

Nghĩa là, quy định giáo viên tiểu học dạy 35 tuần/năm, giáo viên trung học dạy 37 tuần/năm. 7 tuần học sinh không đến trường xem như không dạy và thầy cô nào cũng thiếu tiết.

Trong một tỉnh mà mỗi địa phương thực hiện mỗi khác

Tại huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Tân, giáo viên đã được nhận tiền tăng tiết của năm học 2019-2020. Thầy giáo T. (đề nghị không nêu tên), hiệu trưởng một trường tiểu học cho biết, trong 7 tuần học sinh không đến trường giáo viên vẫn dạy học dưới nhiều hình thức.

Bởi thế, không thể nói 7 tuần ở nhà thầy cô giáo thiếu tiết dạy chuẩn. Vì thế, trong 28 tuần thầy cô nào dạy tăng tiết vẫn sẽ được tính hết mà không bị khấu trừ.

Tại huyện Hàm Thuận Nam cũng vậy, giáo viên vẫn nhận đủ số tiết đã dạy tăng trong 28 tuần. Một số hiệu trưởng khẳng định, nhà trường chi không sai vì trong 7 tuần ấy giáo viên vẫn làm việc.

Huyện Tánh Linh, thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi lại có cách lý giải khác.

Tại thành phố Phan Thiết, do hiệu trưởng nhà trường không chịu ký công nhận số tiết vượt quy định cho giáo viên nên chưa có thầy cô giáo nào được nhận.

Giáo viên tại huyện Tánh Linh cũng không được nhận số tiền tăng tiết trong 28 tuần. Khi nhà giáo thắc mắc, Phòng tài chính - kế hoạch huyện Tánh Linh đã trả lời: cách tính tiền dạy tăng tiết là thanh toán theo năm học và định mức giờ dạy/năm của giáo viên được xác định đối với khối THCS là 37 tuần. Như vậy, giáo viên phải thực hiện nhiệm vụ giảng dạy của mình cho cả năm học đúng theo định mức là 19 tiết/tuần, tương đương 703 tiết/năm học.

Khi số tiết giảng dạy thực tế cao hơn số tiết chuẩn thì được thanh toán. Đơn vị này cho biết thêm đặc thù năm học 2019 - 2020 tất cả trường học được nghỉ gần hai tháng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, khi quy đổi số giờ thực học thì không đủ chuẩn. [1]

Tại thị xã La Gi cũng vậy, gần như các trường học đã được nhận đủ tiền nhưng bất ngờ bị nhà trường lên thông báo buộc nộp lại. Có hiệu trưởng vẫn phải công nhận với giáo viên (đương nhiên sau lề cuộc họp và không ghi biên bản) là số tiền tăng giờ ấy hoàn toàn là công sức của thầy cô. Nhưng cấp trên yêu cầu nộp lại buộc nhà trường phải thu hồi.

Vì chuyện này mà một thời gian dài trong các trường học, có hiệu trưởng nhắn tin đòi tiền giáo viên hằng ngày, còn giáo viên đi đến nơi nào cũng “đấu tố” hiệu trưởng vì bị đòi truy thu.

Ông Trần Thanh Quế - Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị xã La Gi – khi trả lời phóng viên báo Tuổi trẻ đã cho biết:

Do năm học qua ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên các giáo viên được nghỉ gần hai tháng nhưng vẫn nhận lương.

Căn cứ tình hình thực tế, địa phương đã tính toán lại số tuần thực dạy trong năm học nên không còn tiền dạy tăng giờ cho các giáo viên.

Nói giáo viên được nghỉ gần 2 tháng (7 tuần học sinh ở nhà) là hoàn toàn vô lý, hoàn toàn chưa hiểu về giáo dục). Tuy nhiên, lỗi này là do ngành giáo dục địa phương mà đặc biệt là hiệu trưởng các trường đã không báo cáo đầy đủ việc giáo viên ở các cơ sở giáo dục vẫn duy trì việc dạy học cho học sinh.

“Ngừng đến trường nhưng không ngừng học” là câu nói đã trở thành khẩu hiệu của ngành giáo dục. Giáo viên ở nhà nhưng vẫn dạy học sinh học bằng nhiều hình thức như dạy online, dạy qua Zalo, tin nhắn, email, gửi bài tận nhà, chấm chữa bài hằng ngày, liên hệ với phụ huynh để duy trì việc học của các em thì sao lại nói là được nghỉ 2 tháng?

Bức xúc vì bao công sức giảng dạy suốt năm học bị đổ sông, đổ biển, nhiều giáo viên đã làm đơn gửi các cấp mong được cứu xét. Có giáo viên gửi đơn về trường, về phòng giáo dục, gửi ra tỉnh, ra Liên đoàn Lao động và ra tận Cục Nhà giáo.

Tuy nhiên, đơn thư thì cứ đi lòng vòng rồi lại trở về nơi xuất phát nhưng cuối cùng quyền lợi nhà giáo vẫn không được thực hiện.

Vì chuyện này mà xích mích trong nội bộ tăng cao. Lãnh đạo cho rằng, giáo viên "cứng đầu cứng cổ" có tư tưởng chống đối, còn nhà giáo lại oán trách lãnh đạo không biết thấu hiểu, cảm thông cho công sức giáo viên đã bị vắt kiệt.

Bộ Giáo dục cần có những hướng dẫn cụ thể, thống nhất cho năm học dịch bệnh

Thông tư 28/2009 TT-BGDĐT và Thông tư 15/2017 TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT (có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2017) quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông như cũ:

Ví dụ: Thời gian làm việc của giáo viên tiểu học trong năm học là 42 tuần, trong đó:

35 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học. Hiện các địa phương khi tính tiền tăng giờ cho giáo viên vẫn đang căn cứ vào những quy định này.

Không có hướng dẫn từ Bộ nên mới xảy ra tình trạng chỉ trong một tỉnh mà mỗi nơi làm mỗi khác thì trong cả nước còn bất cập đến mức nào?

Để các địa phương trong cả nước thống nhất cách tính tiết chuẩn, tiết dạy phụ trội ở những năm dịch bệnh, để đoàn kết nội bộ trong mỗi trường học không bị phá vỡ, để thầy cô thêm lòng tin yêu với nghề mà cống hiến công sức không biết mệt mỏi, rất cần Bộ Giáo dục có công văn hướng dẫn cụ thể việc quy đổi tiết dạy, cho giáo viên mùa dịch.

Có thế mới tránh cho nhà giáo khỏi bị thiệt thòi khi quần quật làm thêm cả năm nhưng vẫn không được công nhận.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/day-tang-tiet-khong-duoc-tang-tien-20210417083200091.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết