Khác với nhiều năm học trước đây, việc tổ chức kiểm tra học kỳ II của năm học này có rất nhiều điều đặc biệt khi mà học sinh đã phải nghỉ nhiều tháng trời.
Vì vậy, Bộ đã chủ trương tinh giản nhiều đơn vị kiến thức ở tất cả các môn học, đa phần đề kiểm tra học kỳ đều do các nhà trường tự chủ nên Sở, Phòng không còn ra đề nhiều như mọi năm nữa.
Tuy nhiên, việc ra đề kiểm tra học kỳ năm nay nếu mà giáo viên không cẩn thận rất dễ dẫn đến sai sót khi để rơi vào những đơn vị kiến thức đã được giảm tải.
Vì thế, trách nhiệm của các tổ trưởng chuyên môn, Phó hiệu trưởng chuyên môn của nhà trường là rất lớn.
Khâu ra đề rất quan trọng đối với việc kiểm tra học kỳ (Ảnh minh họa: Báo Hà Nội mới) |
Thực tế, để ra một đề kiểm tra học kỳ thường mất rất nhiều thời gian khi giáo viên phải thiết lập ma trận, biên soạn đề bài, đáp án…
Chỉ riêng việc lựa chọn các đơn vị kiến thức để đưa vào đề bài cho phù hợp với các đối tượng học sinh cũng đã mất rất nhiều thời gian.
Chính vì thế, những năm qua thì một số giáo viên vẫn thường lấy đề của năm học trước làm đề của năm sau cho tiện, hoặc chỉ chỉnh sửa một chút là có thể hoàn thành đề kiểm tra học kỳ và nộp cho tổ trưởng chuyên môn duyệt.
Nhưng, năm nay hoàn toàn khác khi phần lớn các đơn vị kiến thức của môn học đã được giảm tải, chuyển sang các hình thức tự học, tự làm, tự học có hướng dẫn.
Nếu giáo viên được phân công ra đề mà không cẩn thận sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng lẫn lộn các đơn vị đã kiến thức đã được giảm tải.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng để chuẩn bị công tác ra đề cương, kế hoạch ôn tập, làm đề kiểm tra thì các nhà trường phải thật sự cẩn thận.
Thứ nhất: Để chuẩn bị cho kiểm tra học kỳ, Ban Giám hiệu họp toàn bộ tổ trưởng chuyên môn trong trường lại để triển khai công tác chuẩn bị về việc ra kế hoạch, đề cương, đề kiểm tra.
Sau đó, các tổ trưởng chuyên môn sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể cho giáo viên tổ của mình. Đúng ngày quy định, các giáo viên bộ môn sẽ nộp cho tổ trưởng cả bằng văn bản và gửi email.
Việc triển khai công tác ra đề kiểm tra không cần nhiều, giáo viên dạy mỗi khối bao nhiêu người không quan trọng, tổ trưởng chỉ cần lựa chọn 2 giáo viên/ khối, mỗi giáo viên ra mỗi đề kiểm tra cho khối đó.
Bởi, một khi tổ đã thống nhất ma trận, đơn vị kiến thức với nhau là ai cũng có thể ra đề được và có định hướng ôn tập học kỳ cho học sinh được tốt nhất.
Công tác phân công giáo viên ra đề kiểm tra sẽ được xoay vòng theo từng học kỳ (nếu tổ đông người) để tất cả giáo viên trong tổ đều phải ra đề mà tránh được tình trạng đề năm sau cũng giống đề năm trước.
Thứ hai: Khi tập hợp được toàn bộ đề kiểm tra, Phó Hiệu trưởng chuyên môn của nhà trường sẽ triển khai công tác trộn đề đến các tổ trưởng.
Trước khi trộn đề, các tổ trưởng chuyên môn rà soát lại 2 đề/ khối mà giáo viên đã nộp xem có sai sót về ma trận, về nội dung, hình thức không.
Nếu có sai sót thì đánh dấu để sửa chữa và tiến hành trộn đề. Trong 2 đề đó, tổ trưởng chuyên môn sẽ chọn câu và trộn lẫn vào nhau để thành 1 đề hoàn chỉnh.
Nếu cả 2 đề vẫn có một số câu hỏi, bài tập chưa phù hợp thì tổ trưởng có thể linh hoạt thay thế bằng những câu tương tự trong phạm vi đơn vị kiến thức mà tổ chuyên môn đã thống nhất.
Công việc trộn đề hơi mất công, vì thế, Ban Giám hiệu làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ tổ trưởng chuyên môn.
Các tổ trưởng chịu khó đầu tư thêm một chút thời gian sẽ có một đề kiểm tra hoàn chỉnh cho từng khối.
Làm như vậy, các tổ sẽ tránh được sai sót về chuyên môn và không bị phê bình, góp ý khi cấp trên về kiểm tra chuyên môn của nhà trường.
Hơn nữa, giáo viên trong tổ cũng khó biết được đề kiểm tra nào là cụ thể nên chuyện lộ đề, ôn theo bài kiểm tra sẽ không xảy ra.
Khi ra đề xong, tổ trưởng chuyên môn chuyển file qua email của Phó Hiệu trưởng chuyên môn để tổ chức in sao đề.
Thứ ba: Ngày tổ chức kiểm tra theo lịch, Ban Giám hiệu nhà trường cần quán triệt tốt giáo viên để tạo sự công bằng cho toàn thể học sinh trong trường.
Tất cả các thí sinh đều được xếp theo thứ tự A, B, C… để bố trí phòng, những giáo viên dạy khối này thì bố trí làm giám thị cho khối khác.
Khi hoàn thiện khâu kiểm tra trên lớp, các bài kiểm tra sẽ được rọc phách và chấm tập trung tại trường. Khâu rọc phách, ráp phách thì Ban Giám hiệu phân công cụ thể cho bộ phận văn phòng.
Thứ tư: Trong quá trình kiểm tra học kỳ, Ban Giám hiệu nhà trường cũng cần thiết sâu sát nhiệm vụ và có những giám sát cần thiết ở tất cả các khâu để tạo sự công bằng giữa các thí sinh.
Tránh tình trạng để giáo viên đem bài kiểm tra về nhà chấm.
Các phần mềm điểm điện tử cần khóa lại đến khi chấm xong bài kiểm tra học kỳ để tránh tình trạng giáo viên sửa điểm thường xuyên, điểm định kỳ cho học sinh trên phần mềm khi thấy điểm học kỳ thấp.
Thứ năm: Muốn làm được tốt các vấn đề trên thì các trường phải xây dựng được đội ngũ tổ trưởng có chuyên môn tốt.
Thực tế, các trường hiện nay, nhiều giáo viên có chuyên môn tốt nhưng lại không được bổ nhiệm hoặc cá nhân giáo viên đó không thiết tha với công tác tổ trưởng.
Vì thế, trong các nhà trường vẫn có một số tổ trưởng chuyên môn không đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy học và đổi mới kiểm tra.
Khi ra đề kiểm tra hàng năm, có những tổ phải làm đi, làm lại và còn bị cán bộ kiểm tra của Phòng, Sở phê bình..
Kiểm tra học kỳ là dịp để đánh giá lại chất lượng giảng dạy, của nhà trường, của từng tổ chuyên môn, từng cá nhân giáo viên qua từng lớp dạy.
Tuy nhiên, một số trường chưa chú trọng việc này dẫn đến những thị phi không đáng có.
Vì thế, Ban Giám hiệu cần chú ý những điều giản đơn nhất và chắc chắn một điều muốn trường đi lên thì đội ngũ giúp việc phải là những người có chuyên môn tốt để thúc đẩy chất lượng bộ môn.
Học kỳ này cũng là lúc các tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường phổ thông thể hiện bản lĩnh, trình độ của mình khi đọc và duyệt đề kiểm tra học kỳ.
Nếu người tổ trưởng không bao quát, không đọc hết được các đơn vị kiến thức đã giảm tải thì những sai sót trong việc ra đề kiểm tra học kỳ rất dễ xảy ra.