ĐH Công nghệ Đông Á: GV bảo vệ thành công luận án tiến sĩ được thưởng 1 triệu

08/09/2023 06:34
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Để khuyến khích cán bộ giảng viên học tập nâng cao trình độ được phong học hàm, bảo vệ thành công luận án sẽ được nhà trường thưởng.

Được thành lập từ năm 2008 theo Quyết định số 1777/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Công nghệ Đông Á có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu xã hội; nghiên cứu khoa học theo định hướng ứng dụng và chuyển giao tri thức để phục vụ sự phát triển của đất nước.

Hiện, trường do Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Thuận - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn POLYCO làm Chủ tịch Hội đồng trường; Tiến sĩ Đinh Văn Thành làm Hiệu trưởng nhà trường.

Trải qua nhiều năm phát triển, đến năm 2016, Nhà trường đã mở rộng thêm cơ sở 2 tại Hà Nội. Tính đến nay, nhà trường có hai cơ sở đào tạo với trụ sở chính ở Bắc Ninh và cơ sở đào tạo và thực hành tại Tòa nhà POLYCO (Hà Nội).

Không chỉ công khai báo cáo Ba công khai, Trường Đại học Công nghệ Đông Á còn niêm yết cả Sổ tay giảng viên (Ban hành kèm Quyết định số 34/2020/QĐ/ĐHCNĐA ngày 09 tháng 03 năm 2020 của Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Đông Á) trên website nhà trường. Trong đó có nêu rõ về các quy định, chính sách, hỗ trợ,… đối với giảng viên.

Tổng quỹ thời gian làm việc của giảng viên/năm học là 1760 giờ

Theo Sổ tay giảng viên này, tổng quỹ thời gian làm việc của giảng viên trong một năm học để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác trong nhà trường là 1760 giờ (đã trừ số ngày nghỉ theo quy định).

Trong đó, giảng viên phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Mỗi năm giảng viên phải hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được giao tương ứng với chức danh hoặc vị trí công việc đang đảm nhận.

Đáng chú ý, định mức giờ chuẩn đối với giảng viên tại mục II về Định mức giảng dạy và quy đổi trong Sổ tay này được quy định như sau:

Định mức giảng dạy theo chức danh nghề nghiệp của giảng viên Trường Đại học Công nghệ Đông Á.

Định mức giảng dạy theo chức danh nghề nghiệp của giảng viên Trường Đại học Công nghệ Đông Á.

Theo bảng trên, định mức giảng dạy giờ chuẩn của Giáo sư và Giảng viên cao cấp là cao nhất với 510 giờ giảng dạy cho các môn học và 720 giờ đối với môn giáo dục thể chất, số giờ thực trong việc nghiên cứu khoa học cũng ở mức cao nhất là 600 giờ.

Tuy nhiên, đối với giảng viên được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo hoặc kiêm nhiệm các công tác quản lý, Đảng, Đoàn thể sẽ có mức quy định giờ chuẩn khác.

Định mức giờ chuẩn đối với giảng viên được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo hoặc kiêm nhiệm các công tác quản lý, Đảng, Đoàn thể của Trường Đại học Công nghệ Đông Á.

Định mức giờ chuẩn đối với giảng viên được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo hoặc kiêm nhiệm các công tác quản lý, Đảng, Đoàn thể của Trường Đại học Công nghệ Đông Á.

Như vậy, định mức giờ chuẩn giảng dạy của Hiệu trưởng là thấp nhất với tỷ lệ 15%; xếp sau đó là Chủ tịch Hội đồng trường, Phó hiệu trưởng và tương đương với 20%. Trong khi đó, tỷ lệ định mức giờ chuẩn đối với giảng viên giữ chức vụ là Phó Bí thư chi bộ, Phó chủ tịch Văn đoàn khoa và tương đương là cao nhất với 90%.

Sổ tay này cũng nêu rõ quy định về tiền vượt giờ chuẩn đối với giảng viên. Theo đó, nếu vượt giờ 25% giờ chuẩn theo quy định, 1 tiết dạy được thanh toán bằng 100% giá trị 1 tiết mời giảng viên thỉnh giảng; nếu vượt giờ 50% giờ chuẩn theo quy định, 1 tiết được thanh toán bằng 50% giá trị 1 tiết mời giáo viên thỉnh giảng; vượt giờ 80% giờ chuẩn theo quy định, 1 tiết được thanh toán bằng 20% giá trị 1 tiết mời giáo viên thỉnh giảng.

Ngoài ra, tiền lương làm việc thêm giờ cũng được quy định cụ thể trong phần chế độ, chính sách, phúc lợi, khen thưởng được tính như sau:

Tiền lương làm thêm giờ vào ngày thường = Tiền lương thực trả theo giờ x 150% x Số giờ làm thêm;

Tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hàng tuần (Chủ nhật)=Tiền lương thực trả theo giờ x 200% x Số giờ làm thêm;

Tiền lương làm thêm vào ngày nghỉ Lễ, Tết = Tiền lương thực trả theo giờ x 300% x Số giờ làm thêm.

Tại Sổ tay giảng viên được công khai này, Trường Đại học Công nghệ Đông Á quy định về kinh phí hỗ trợ giảng viên được cử đi học căn cứ Quyết định số 11/2020/QĐ-HĐQT ngày 01/02/2020 của Chủ tịch Hội đồng quản trị về việc ban hành Quy chế tài chính nội bộ Trường Đại học Công nghệ Đông Á).

Với quy định trên, người được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị (bồi dưỡng trong nước) được Hiệu trưởng phê duyệt được hưởng các chế độ về Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng; được thanh toán tiền mua tài liệu; chi phí đi lại; hỗ trợ tiền ăn tối đa 30.000 đ/ngày (áp dụng với trường hợp học học ở ngoại thành).

Hơn nữa, để khuyến khích cán bộ giảng viên học tập nâng cao trình độ được phong học hàm, bảo vệ thành công luận án sẽ được nhận mức thưởng như sau: Cán bộ được phong chức danh Giáo sư được thưởng 5.000.000 đồng; Cán bộ được phong chức danh Phó Giáo sư được thưởng 3.000.000 đồng; Cán bộ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ được thưởng 1.000.000 đồng. Ngoài các trường hợp trên, Hiệu trưởng quyết định đối với các trường hợp khen thưởng đột xuất nhằm kịp thời động viên cán bộ nhân viên trong trường.

Mặt khác, Trường Đại học Công nghệ Đông Á cũng đưa ra quy định về công nhận học hàm, học vị.

Về học hàm, đối với các giảng viên nước ngoài do nhà trường mời thỉnh giảng được giữ nguyên học hàm, học vị do nước sở tại cấp; Giảng viên từ đơn vị đào tạo khác trong nước chuyển sang làm việc tại trường, Nhà trường công nhận toàn bộ học hàm, học vị của giảng viên theo quy định hiện hành của nhà nước gồm: Giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp, Phó Giáo sư, Giáo sư.

Về học vị, nhà trường công nhận học vị của giảng viên ghi trên bằng cấp đạt được với các cơ sở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để phòng ngừa gian lận bằng cấp, nhà trường sẽ chủ động gửi công văn đến các cơ sở đào tạo giảng viên đã theo học để xác minh bằng cấp.

Hiện, trường đang đào tạo với định hướng ứng dụng đa ngành, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu ứng dụng để phát triển bền vững và tự chủ toàn diện.

Số sinh viên hệ vừa học vừa làm tăng mạnh

Theo tìm hiểu của phóng viên qua thông báo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của cơ sở giáo dục đại học năm học 2020 - 2021 (năm học gần nhất được công khai trên website của Trường Đại học Công nghệ Đông Á) cho thấy, quy mô sinh viên giữa các khối ngành mà trường đang đào tạo có nhiều sự khác biệt và thay đổi rõ rệt qua các năm học.

Cụ thể, quy mô người học bậc thạc sĩ của trường năm học 2020 - 2021 chỉ nằm ở khối ngành III với tổng 292 người. Khối ngành III cũng là khối ngành duy nhất có số người học ở cả 3 loại hình đào tạo là thạc sĩ, hệ đại học chính quy, hệ đại học vừa học vừa làm.

Bên cạnh đó, số sinh viên hệ đại học chính quy lại nằm chủ yếu ở số khối ngành V với 710 người học.

Quy mô tổng số người học ở các loại hình đào tạo của Trường Đại học Công nghệ Đông Á cũng có sự thay đổi qua các năm học, cụ thể như sau:

Quy mô sinh viên phân theo loại hình đào tạo của Trường Đại học Công nghệ Đông Á.
Quy mô sinh viên phân theo loại hình đào tạo của Trường Đại học Công nghệ Đông Á.

Như vậy, số lượng người học bậc thạc sĩ vẫn giữ nguyên với 292 người sau 2 năm học. Tuy nhiên, số lượng sinh viên học đại học hệ vừa học vừa làm lại tăng mạnh từ 71 người lên 194 người sau 2 năm học.

Cũng tại thông báo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của cơ sở giáo dục đại học năm học 2020 - 2021, Trường Đại học Công nghệ Đông Á cũng công khai thông tin về sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên có việc làm.

Năm học 2020 – 2021, trường có tổng 34 sinh viên tốt nghiệp với 21 em của khối ngành III và 13 em của khối ngành V.

Tuy nhiên, trong số sinh viên tốt nghiệp của trường năm 2020 - 2021 tại Khối ngành III không có sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, có 4,76% sinh viên tốt nghiệp loại giỏi; Loại khá và Loại trung bình của sinh viên tốt nghiệp khối ngành này đều đạt 47.62%; không có sinh viên tốt nghiệp loại trung bình. Khối ngành V không có sinh viên nào tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi; Loại khá chiếm 46.15% và Loại trung bình khá chiếm đến 53.85%; không có sinh viên tốt nghiệp loại trung bình.

So với năm học 2018 – 2019, tỷ lệ này gần như không có sự thay đổi.

Mặc dù số lượng sinh viên tốt nghiệp ở phân loại cao như xuất sắc và giỏi của trường còn rất thấp, gần như không có, thế nhưng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 01 năm ra trường lại rất cao (đạt 94-98% tùy khối ngành).

Để độc giả rõ hơn về khối ngành gắn với lĩnh vực đào tạo, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam giới thiệu bảng lĩnh vực đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảng lĩnh vực đào tạo (nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bảng lĩnh vực đào tạo (nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Khánh An