Gian lận trong thi cử, đánh giá là kẻ thù đáng ghét nhất của giáo dục

27/11/2021 06:40
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Gian lận trong thi cử, đánh giá chắc chắn là kẻ thù đáng ghét nhất của giáo dục – của nền giáo dục đích thực – của học thật, thi thật.

Lâu nay, “học thật, thi thật, nhân tài thật” là câu chuyện thường được đặt ra để bàn thảo và tìm giải pháp. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, học thật có 2 kẻ thù.

Kẻ thù số 1 của học thật là gian lận và sai lệch trong thi cử, đánh giá

Gian lận trong thi cử, đánh giá chắc chắn là kẻ thù đáng ghét nhất của giáo dục – của nền giáo dục đích thực – của học thật, thi thật.

Đáng ghét nhất, nhưng không hẳn là nguy hiểm nhất, bởi trò gian lận và kẻ gian lận một khi đã bị phát hiện thì có thể vạch mặt chỉ tên, tóm gọn, trừng phạt chúng theo các quy định của pháp luật.

Nói ngay, trò gian lận trong thi cử, đánh giá thời nào cũng có, ở đâu cũng có, khác nhau chỉ ở mức độ và tính chất mà thôi.

Giáo sư Phạm Hồng Tung- Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) (ảnh: Thùy Linh)

Giáo sư Phạm Hồng Tung- Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) (ảnh: Thùy Linh)

Theo Giáo sư Phạm Hồng Tung: “Sợ nhất là gian lận không còn xảy ra cá biệt. Nếu gian lận xảy ra từ bậc học thấp nhất đến bậc học cao nhất, từ đánh giá trò đến đánh giá thầy, từ đánh giá thứ dân cho đến đánh giá quan chức, nó sẽ làm hủy hoại lòng tin của mọi người trong xã hội.

Vì vậy, phải kiên quyết ngăn ngừa và triệt để tiêu diệt nạn gian lận trong giáo dục Việt Nam”.

Phóng viên băn khoăn về biện pháp để “trị” gian lận thì Giáo sư Tung cho rằng, cần phải thật cứng rắn, thậm chí gọi là cực đoan cũng được.

Cụ thể, nếu học trò, từ học sinh tiểu học, đến nghiên cứu sinh, đã vi phạm thì đánh trượt, đuổi học, thậm chí cấm không cho học những ngành như: công an, luật, kiểm soát, sư phạm...

Thầy vi phạm thì đuổi việc, truy tố, cấm vĩnh viễn làm các nghề có liên quan đến giáo dục, công an, tư pháp.

Kẻ nào tiếp tay cho gian lận trong giáo dục đều phải bị trừng phạt nặng, công khai.

Cần thì sửa hệ thống pháp luật cho có hành lang, cơ sở pháp lý đủ mạnh để phục vụ cuộc chiến chống gian lận trong thi cử, đánh giá. Bởi lẽ, nếu thất bại trong cuộc chiến này thì sẽ rất nhiều hệ lụy lâu dài. Cho nên, dẫu phải trả giá thế nào cũng phải giành chiến thắng. Để đến khi giáo dục nhà trường trở thành biểu tượng của sự trung thực, công bằng, thì mới thành công 50%.

Đến khi nào tuyệt đại đa số thầy và trò coi trung thực, công bằng như lẽ tự nhiên, như văn hóa, như đạo của đạo thầy – trò, thì lúc đó mới gọi là thành công 100%.

Vẫn cần nhắc lại, gian lận mới chỉ là kẻ thù bé nhất, dễ chống nhất của học thật, thi thật. Trong đánh giá, khó hơn, tệ hơn là đánh giá sai dẫn tới kết quả sai, không đảm bảo công bằng trong giáo dục.

Kẻ thù thứ hai của học thật là bệnh thành tích

Giáo sư Phạm Hồng Tung vào năm 2006, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã có khẩu hiệu: Nói “không” với tiêu cực trong thi cử và với bệnh thành tích! Đây có lẽ là lãnh đạo ngành giáo dục đầu tiên công khai đấu tranh với "bệnh thành tích".

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh chống bệnh thành tích của ngành giáo dục chắc chắn vẫn còn đầy gian nan.

Bởi lẽ căn bệnh này có gốc rễ sâu xa từ trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam: đó là thói ham chuộng hư danh, thích mê thích mẩn mấy cái danh tiếng hão, nào là “một miếng giữa làng hơn sàng xó bếp”, “tốt đẹp phô ra, xấu xa đạy lại”... Từ háo danh nên hay ưa nịnh. Không chỉ quan mới ưa nịnh, dân lại càng ưa nịnh.

Thật khó lý giải được việc học kỳ nào cũng khen thưởng gần như cả lớp, cả trường. Con nhà ai đi học, giấy khen chả dán kín mọi bức tường! Các trường nhận học bạ xét chuyển cấp thì hàng nghìn học bạ phủ kín điểm 10! Đó là điều rất bất thường.

Những câu chuyện "hài hước", có phần đau xót về những tiết “dự giờ”, “thao giảng” của thầy cô mang tính "diễn" nhiều khi trong lớp được dự giờ có mấy bạn kém, bướng ... được “du học” sang lớp bên cạnh, đồng thời mấy bạn giỏi, nhanh nhẹn, ngoan từ lớp khác được bế sang để cùng thầy cô “diễn”.

Ở đâu đó, các thầy cô, nhà trường còn "diễn", còn ấn tượng giả dối, thi đua giả vờ vì thành tích ảo lại thấm sâu vào đạo đức, nhân cách học trò. Nếu các trò lớn lên trong môi trường giả dối, nhiễm nặng bệnh thành tích như thế thì sẽ cực kỳ nguy hiểm!

Để thoát khỏi bệnh thành tích, Giáo sư Phạm Hồng Tung nhấn mạnh, mỗi người trong chúng ta phải gắng sức gột rửa thói háo danh, khao khát những danh hiệu hão huyền, và phải tự mình biết trọng danh dự của mình, của gia đình và của dân tộc.

Xã hội cũng phải có cơ chế tiễu trừ bệnh thành tích. Dứt khoát bỏ đi những thứ thi đua hình thức. Cần phải có những cuộc thanh tra thành tích và trừng phạt thật nặng những kẻ man khai thành tích.

Rồi đó mới có cơ hội cho cuộc đấu tranh kiên trì, quyết liệt chống bệnh thành tích trong ngành giáo dục. Mỗi thầy cô, mỗi học sinh, từng phụ huynh phải nghiêm cẩn trong từng câu, từng lời khen thưởng, chỉ khen thưởng khi thực sự xứng đáng.

Siết thật chặt các hình thức đánh giá – đánh giá theo triết lý tích cực, nhưng công khai, minh bạch, khách quan, dám thách thức các loại hậu kiểm.

Chỉ khi nào vượt qua được nạn gian lận trong thi cử, đánh giá và chỉ khi nào chữa trị được căn bệnh thành tích thì ngành giáo dục mới thực sự là ngành dạy dỗ, rèn luyện con người cách làm người, biết trung thực, lương thiện và có ích.

Thùy Linh