Ngày 17/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết Hội thi Giáo viên dạy giỏi Thành phố môn Vật lý, Hóa học, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông năm học 2023-2024.
Tham dự hội nghị, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, có Tiến sĩ Phạm Quang Hưng – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế; Tiến sĩ Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học.
Về phía đại biểu khách mời, có Nhà giáo ưu tú Đoàn Văn Ninh - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xuất bản- Thiết bị Giáo dục Việt Nam, đơn vị tổ chức bản thảo, liên kết xuất bản bộ sách giáo khoa Cánh Diều.
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, dự và chủ trì hội nghị có Tiến sĩ Trần Thế Cương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cùng các Phó Giám đốc Sở.
Ông Đỗ Văn Nam - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, các lãnh đạo phòng, chuyên viên các phòng trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Về phía đại biểu huyện Đông Anh, có ông Lê Trung Kiên – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện, bà Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện.
Hội nghị có sự tham dự của hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn các trường trung học phổ thông công lập và ngoài công lập và giáo viên tham dự Hội thi Giáo viên dạy giỏi Thành phố năm học 2023-2024.
Hội thi giáo viên dạy giỏi Thành phố cấp trung học phổ thông năm học 2023-2024 được tổ chức dựa trên kết quả thi của 16 cụm trường trung học phổ thông.
Báo cáo tổng kết Hội thi Giáo viên dạy giỏi Thành phố cấp trung học phổ thông năm học 2023-2024, ông Hà Xuân Nhâm – Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, thành công của hội thi là sự đổi mới mạnh mẽ về phương pháp dạy học. Nhiều phương pháp dạy học sáng tạo, mang tính đột phá đã xuất hiện. Hiệu quả trong sử dụng, sáng tạo việc tự làm đồ dùng dạy học cũng là điểm mới của hội thi. Các thầy, cô giáo đã thực sự chú trọng và có nhiều sáng kiến để sử dụng hiệu quả trang thiết bị sẵn có, có khả năng làm chủ và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong giảng dạy.
“Tham gia hội thi năm nay chiếm tỷ lệ lớn là các thầy, cô giáo trẻ (cả về tuổi đời và tuổi nghề). Song, chất lượng tiết dạy của các thầy, cô giáo đều không thua kém các thầy, cô đã có kinh nghiệm giảng dạy”, Trưởng phòng Giáo dục trung học chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, hội thi cũng là dịp để chỉ ra những hạn chế, tồn tại. Theo vị trưởng phòng, nhiều thầy cô đã tạo được tình huống có vấn đề, định hướng suy nghĩ, tìm tòi, giải quyết vấn đề cho học sinh nhưng một số tiết dạy vẫn còn những tình huống gượng ép, thiếu tính khơi gợi. Một số tiết dạy còn máy móc, có sự chuẩn bị công phu song vẫn chỉ là hình thức, chưa hướng đến mục tiêu cần đạt.
Có giáo viên còn lúng túng trong việc tổ chức các bước của hoạt động học, nhầm lẫn hoạt động học với hoạt động nhóm nên đã biến tiết học thành tiết hoạt động nhóm một cách hình thức, không hiệu quả, biến bài học đơn giản thành cầu kỳ, phức tạp; có tiết học giáo viên giao quá nhiều nhiệm vụ cho học sinh.
Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Trần Thế Cương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định, để có học sinh giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, ngoại ngữ, công nghệ tin học thì phải có các thầy, cô giáo dạy giỏi.
“Hội thi đã góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn, đẩy mạnh phong trào thi đua dạy và học ở trong trường học, khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho giáo viên rèn luyện tự học, tự sáng tạo, học hỏi, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm trong giảng dạy.
Tôi thấy được sự lo lắng, hồi hộp, ý thức trách nhiệm trong mỗi vòng thi của các thầy, cô giáo. Những đêm miệt mài nghiên cứu bài dạy đã giúp thầy cô khám phá, hiểu biết sâu sắc hơn về chương trình, sách giáo khoa mới”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chia sẻ.
Tại hội nghị, Tiến sĩ Trần Thế Cương gửi lời chúc mừng giáo viên, và các nhà trường đã nỗ lực cố gắng đạt thành tích xứng đáng, góp phần tạo thành công cho hội thi.
Để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của Thủ đô, Giám đốc Sở yêu cầu, sự nhiệt tình, tâm huyết và năng lực sư phạm của mỗi thầy cô giáo rất cần được thể hiện trong những năm học tiếp theo. Mỗi nhà trường, giáo viên cần phấn đấu nhiều hơn nữa để có nhiều tiết dạy chất lượng cao, tránh tình trạng chỉ tập trung vào tiết giảng của hội thi.
Hội nghị đã công bố quyết định và khen thưởng cho 07 tập thể, 142 giáo viên đạt thành tích trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi Thành phố cấp trung học phổ thông năm học 2023-2024 (bao gồm 23 giải Nhất, 45 giải Nhì, 52 giải Ba và 22 giải Khuyến khích).
Tự hào là một trong những giáo viên đạt giải Nhất của Hội thi Giáo viên dạy giỏi Thành phố năm học 2023-2024, nhà giáo Tăng Thị Hà – Giáo viên Giáo dục Quốc phòng và An ninh – Trường Trung học phổ thông Bất Bạt chia sẻ, với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, khi thiết kế bài giảng, hay lên lớp, cô Hà luôn xác định phải lấy học sinh làm trung tâm. Một bài giảng của giáo viên có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào học sinh.
Trong bối cảnh, xu hướng đổi mới giáo dục hiện nay, đòi hỏi giáo viên phải sáng tạo rất nhiều. Lúc này, những nguồn tài liệu, sách giáo khoa có vai trò quan trọng đối với mỗi giáo viên trong quá trình giảng dạy. Cô Hà cho biết, sách giáo khoa là hành trang gắn liền với cô trong mỗi tiết dạy. Với bộ môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh, các tài liệu, sách để giáo viên tham khảo không nhiều như các bộ môn khác. Hiện, Trường cô đang sử dụng sách giáo khoa và sách hướng dẫn của bộ sách Cánh Diều. Những kiến thức mà giáo viên muốn mở rộng có thể tham khảo, tìm hiểu trên các trang mạng internet.
“Một bước ngoặt lớn khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đó là sách giáo khoa được thể hiện từ hình ảnh, mô hình, cho đến các câu hỏi để khi học sinh ở nhà, chỉ cần giáo viên định hướng tìm hiểu hoạt động của bài nào, sách giáo khoa đều đã gợi mở cho các em đầy đủ.
Sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới là học liệu hữu ích, phục vụ rất tốt cho học sinh và giáo viên”, cô Hà chia sẻ.