Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Sơn La nói về “học thật, thi thật, nhân tài thật”

31/01/2022 07:18
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Là một tỉnh còn khó khăn, nhưng Sơn La đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục, đặc biệt là sau sự cố thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2018.

Đầu tháng 5/2021, khi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có nhiều ý kiến chỉ đạo, định hướng cho giáo dục. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh mong muốn ngành giáo dục cần phải “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Ngày 19/5, trả lời với báo chí, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện tốt những định hướng quan trọng mà Thủ tướng đã chỉ đạo.

Là một tỉnh còn khó khăn, nhưng Sơn La đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục, đặc biệt là sau sự cố thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2018, toàn ngành đã có những bước đi cụ thể hướng đến mục tiêu toàn ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Nhân dịp Xuân Nhâm Dần, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La về những chuyển biến của ngành Giáo dục Sơn La để hướng tới “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Gám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng chỉ đạo buổi tập huấn nghiệp vụ, thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La.

Gám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng chỉ đạo buổi tập huấn nghiệp vụ, thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La.

Phóng viên: Thưa Giám đốc, ngành Giáo dục Sơn La đã lĩnh hội và có những bước đi cụ thể nào để chuẩn bị cho công cuộc chuyển hóa về chất, hướng tới “học thật, thi thật, nhân tài thật”?

PGS. TS Nguyễn Huy Hoàng: Nhận thức được tầm quan trọng của việc “học thật, thi thật, nhân tài thật” đối với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh Sơn La, ngay từ năm học 2019 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt toàn ngành để thảo luận, thống nhất các giải pháp cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục một cách thực chất và bền vững. Hội nghị đã thống nhất chủ trương, quan điểm cốt lõi, quan trọng, xuyên suốt trong toàn ngành là: “Quyết tâm, tập trung cao, kiên trì để thực hiện có hiệu quả các giải pháp, biện pháp cải tiến chất lượng giáo dục một cách thực chất và bền vững với lộ trình phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La”.

Chủ trương, quan điểm này đã được cụ thể hóa tại Thông báo kết luận số 544/TB-SGDĐT ngày 16/9/2019 của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo sau hội nghị và đã được tập trung tham mưu với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2020-2025 và triển khai quyết liệt, cụ thể trong toàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La trong 2 năm học vừa qua.

Nhiều mô hình học tập được ứng dụng tại trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Sơn La.

Nhiều mô hình học tập được ứng dụng tại trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Sơn La.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh về việc phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định khâu đột phá đầu tiên để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh:

“Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo các cấp, nhất là bậc trung học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp”, “Xây dựng tỉnh Sơn La thành trung tâm giáo dục đào tạo của vùng Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào”.

Với tình hình thực tiễn của tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo Sơn La đã xác định công tác đảm bảo, cải tiến chất lượng phải được làm tốt, đồng bộ từ các cấp học nền tảng như mầm non, tiểu học (đặc biệt chú trọng công tác tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở các cấp học này vì tỉnh Sơn La có 83,51% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số) đến trung học cơ sở và trung học phổ thông, bao gồm cả hệ giáo dục thường xuyên.

Phóng viên: Với cương vị một nhà quản lý giáo dục, theo ông để có được “học thật, thi thật, nhân tài thật”, ngành giáo dục phải bắt đầu từ khâu nào? Nhân tố nào có vai trò quyết định?

PGS. TS Nguyễn Huy Hoàng: Ngành giáo dục và đào tạo Sơn La xác định khâu đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục, coi trọng quản lý chất lượng là khâu cốt lõi, quyết định sự thành bại của công tác cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục một cách thực chất và bền vững.

Trong đó, giải pháp trọng tâm là nâng cao hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở, các phòng giáo dục và đào tạo huyện/thành phố và nâng cao hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm quản trị nhà trường của người đứng đầu và cán bộ quản lý các trường học. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ quản lý của ngành giáo dục và đào tạo là nhân tố quyết định đối với “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Chất lượng giáo dục mầm non ở tỉnh còn nhiều khó khăn như Sơn La được cải thiện.

Chất lượng giáo dục mầm non ở tỉnh còn nhiều khó khăn như Sơn La được cải thiện.

Các cơ quan quản lý giáo dục từ tỉnh đến huyện (sở và phòng), đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp (lãnh đạo sở, lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc sở, lãnh đạo phòng giáo dục, hiệu trưởng) là cơ quan và người chịu trách nhiệm chính về chất lượng giáo dục của tỉnh, của huyện, của trường; đội ngũ giáo viên các cấp đóng vai trò then chốt trong công tác cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục.

Cán bộ quản lý giáo dục phải có nhận thức đúng về chủ trương, lộ trình cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục, phải có quyết tâm và cam kết thay đổi phương pháp quản lý chất lượng giáo dục để có chất lượng dạy và học thực chất và phải đủ năng lực để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng đối với từng học sinh trong từng nhà trường một cách thực chất.

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã và đang triển khai các nhiệm vụ cụ thể đặc biệt là công tác bồi dưỡng đội ngũ thông qua đề nghị sự hỗ trợ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc kết nối, phối hợp các cơ sở đào tạo sư phạm, các viện nghiên cứu về giáo dục có chất lượng để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành, qua đó nâng cao năng lực tham mưu của Sở cũng như các phòng giáo dục và đào tạo với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp để có được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư các nguồn lực đảm bảo chất lượng giáo dục cho các cơ sở giáo dục.

Quy định rõ, cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục trong báo cáo, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục theo văn bản quy định về trách nhiệm phối hợp đã ký kết giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Phóng viên: Sau bài học của kỳ thi Trung học phổ thông năm 2018, ngành Giáo dục Sơn La đã và đang có những hành động cụ thể gì để những vụ việc tương tự không lặp lại?

PGS. TS Nguyễn Huy Hoàng: Ngành giáo dục và đào tạo cũng chủ động, tích cực, thường xuyên tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, để có chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị tham gia, phối hợp tổ chức các kỳ thi đảm bảo nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, đúng quy chế và đạt chất lượng, hiệu quả tốt; phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể và các cơ quan thông tấn, báo chí ở địa phương, đồng hành cùng cha mẹ học sinh tạo sự đồng thuận, chung tay của cả hệ thống chính trị, của xã hội trong nhận thức, tâm thế và hành động để tổ chức các kỳ thi các kỳ thi nghiêm túc, trung thực, khách quan, đúng quy chế và đạt chất lượng, hiệu quả tốt.

Trong việc tổ chức các kỳ thi của tỉnh nói chung và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nói riêng, Sở chú trọng khâu rà soát, lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi, đảm bảo nhân sự tham gia phải đáp ứng các yêu cầu của từng nhiệm vụ trong các khâu của kỳ thi. Việc phân công nhiệm vụ phải cụ thể, rõ người, rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm, đúng quy định.

Sở Giáo dục và Đào tạo đặc biệt chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, quy chế tổ chức các kỳ thi cho cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành. Sau mỗi đợt quán triệt đều có kiểm tra, đánh giá kết quả và thông báo tới các đơn vị yêu cầu các cán bộ quản lý, giáo viên chưa đạt yêu cầu phải tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ, quy chế thi cho đến khi được đánh giá đạt yêu cầu.

Giờ học trên thư viện.

Giờ học trên thư viện.

Tổ chức tốt công tác truyền thông, quán triệt tinh thần trách nhiệm, lương tâm và đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh trong toàn ngành để có nhận thức rõ, hành động đúng đắn đối với việc tổ chức, tham gia các kỳ thi đảm bảo nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, đúng quy chế và đạt chất lượng, hiệu quả tốt; trong đó đề cao ý thức trách nhiệm, tính kỷ luật và gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo và các cơ sở giáo dục.

Một yếu tố rất quan trọng, cốt lõi để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nghiêm túc, an toàn đúng quy chế, đạt hiệu quả cao đó là tập trung cao trong thực hiện các biện pháp, giải pháp về quản lý, tổ chức dạy học, tâm lý học đường để nâng chất lượng giáo dục, nhất là đối với lớp 12 để các em học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ, tâm thế tốt tham gia kỳ thi đạt chất lượng hiệu quả cao nhất.

Phóng viên: Là địa phương còn nhiều khó khăn, ngành Giáo dục Sơn La có sẵn sàng đánh giá thật dù những con số có thể thấp hơn so với các địa phương khác? Lộ trình và mục tiêu để khắc phục những yếu kém được xác định như thế nào?

PGS. TS Nguyễn Huy Hoàng: Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La đang triển khai đồng bộ các giải pháp để các cơ sở giáo dục từng bước nâng cao chất lượng giáo dục một cách thực chất và bền vững phù hợp với thực tiễn và điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh, đồng thời triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng các cấp học, từng bước cải tiến công tác thi, kiểm tra, đánh giá để xác định thực chất kết quả học tập, rèn luyện của học sinh về phẩm chất, năng lực.

Ngành đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị giáo dục trong tỉnh thực hiện việc đánh giá chất lượng giáo dục thực chất ở tất cả các cấp học, quyết tâm xóa bỏ “bệnh thành tích” trong đánh giá chất lượng giáo dục.

Cán bộ quản lý, giáo viên nào không nỗ lực nâng cao chất lượng một cách thực chất, để tồn tại “bệnh thành tích” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm trước các cấp quản lý.

Trong giờ học tin học.
Trong giờ học tin học.

Ngành đã triển khai thực hiện phương châm đánh giá đúng, thực chất, công bằng, khách quan chất lượng giáo dục, tập trung cao cho các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6 và lớp 10) ngay từ đầu năm học 2019 - 2020 thông qua công tác chỉ đạo chuyên môn, thi, kiểm tra theo chương trình và đánh giá, thi đua - khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên gắn với kết quả cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục.

Ví dụ hiệu trưởng trường trung học phổ thông sẽ không được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đề nghị khen cao nếu các chỉ tiêu về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, phổ điểm thi trung bình so với toàn tỉnh/toàn quốc, khoảng cách giữa điểm trung bình môn thi và điểm trung bình trong học bạ lớp 12 của học sinh không có tiến bộ.

Trong trường hợp có học sinh lưu ban, nhà trường và giáo viên cần có đầy đủ hồ sơ chứng minh về việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục của nhà trường, giáo viên đối với học sinh (thực hiện kế hoạch giáo dục và bồi dưỡng học sinh yếu kém của giáo viên; việc kiểm tra, giám sát, đánh giá của hiệu trưởng; công tác giáo viên chủ nhiệm và phối hợp với cha mẹ học sinh…); nếu nhà trường, giáo viên chứng minh được đã làm hết trách nhiệm, khai thác hết năng lực để giáo dục học sinh nhưng vẫn có học sinh lưu ban theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì không thực hiện giảm trừ thi đua đối với những đơn vị, cá nhân đó.

Thực hiện nghiêm túc công tác bàn giao, nghiệm thu chất lượng giữa các cấp học và giữa các khối lớp trong cùng một cấp học một cách thực chất.

Gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục, chất lượng giáo dục của nhà trường với trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt trách nhiệm kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, giáo viên thuộc quyền quản lý.

Đặc biệt chú trọng giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy thực tế của giáo viên.

Gắn trách nhiệm của giáo viên đứng lớp với việc bàn giao chất lượng cuối năm học để nâng cao ý thức trách nhiệm trong giảng dạy và giáo dục của giáo viên trong các nhà trường, giúp giáo viên kịp thời nắm bắt kết quả học tập “thực chất” của từng học sinh để xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục phù hợp; thực hiện ký cam kết chất lượng, gắn trách nhiệm của người đứng đầu, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn với kết quả học tập của học sinh trong đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, tránh để xảy ra tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”, hạn chế sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các lớp học, cấp học; các giáo viên có học sinh không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng phải chịu trách nhiệm trước các cấp quản lý và có trách nhiệm phụ đạo, dạy bổ sung kiến thức cho học sinh đến khi học sinh đó có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết theo quy định.

Định kỳ tổ chức khảo sát chất lượng đối với các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10) vào đầu năm học.

Tổ chức phân tích, đối sánh kết quả khảo sát với kết quả bàn giao chất lượng giữa các cấp học để thực hiện tốt 3 mục tiêu: (1) đánh giá việc thực hiện công tác bàn giao, nghiệm thu chất lượng của các đơn vị giáo dục và các phòng giáo dục và đào tạo; (2) đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu, mục tiêu chất lượng giáo dục của cấp học dưới, đồng thời phản hồi về kết quả khảo sát chất lượng với cấp học dưới để đảm bảo năm học sau cấp học dưới bàn giao học sinh cho cấp học trên phải có sự tiến bộ về chất lượng; (3) làm cơ sở để các nhà trường tổ chức bổ sung kiến thức, kỹ năng cho học sinh các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10) ngay từ khi học sinh mới vào cấp học, đảm bảo cho học sinh đáp ứng được yêu cầu kiến thức, kỹ năng cần thiết của chương trình cấp học.

Tổ chức kiểm tra học kỳ theo đề chung của Sở, của phòng giáo dục và đào tạo và của các nhà trường phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng của lớp học, cấp học nhằm mục tiêu kiểm soát chất lượng giảng dạy của giáo viên tại các trường, hạn chế tình trạng giáo viên và các nhà trường chạy theo thành tích, thực hiện chỉ tiêu chất lượng được giao không thực chất. Sử dụng kết quả thi theo đề thi chung để đánh giá chính xác chất lượng và kiểm soát hiệu quả công tác quản lý, dạy học của các đơn vị.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp thực hiện không nghiêm túc việc ra đề, coi thi, giám sát, chấm thi, đánh giá kết quả học tập của học sinh để đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng, đúng quy chế của công tác kiểm tra học kỳ.

Từ năm học 2021 - 2022, Sở dự kiến tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức kỳ đánh giá chất lượng đối với học sinh trung học cơ sở ngay sau khi học sinh hoàn thành chương trình lớp 9.

Kết quả đánh giá được phân tích đến từng trường trung học cơ sở và được thông báo tới ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về chất lượng thực chất của cấp trung học cơ sở để có sự phối hợp chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục, qua đó từng bước hạn chế ‘‘bệnh thành tích’’ ở cấp trung học cơ sở, khắc phục tình trạng đánh giá kết quả học tập của học sinh lớp 9 không thực chất của các trường trung học cơ sở.

Kết quả đánh giá được sử dụng làm thước đo để kiểm soát chất lượng của bậc học trung học cơ sở, là căn cứ tham khảo để xem xét trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của giáo viên và các đơn vị giáo dục đồng thời là căn cứ để các trường trung học cơ sở, các phòng giáo dục và đào tạo có các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục thực chất và bền vững.

Các trường trung học phổ thông có thể sử dụng kết quả đánh giá chất lượng cùng với kết quả học tập của học sinh để tuyển sinh vào lớp 10 theo hình thức xét tuyển.

Đối với Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ kết quả thi tốt nghiệp năm trước và điều kiện thực tiễn của tỉnh, các cơ sở giáo dục có cấp trung học phổ thông để thực hiện giao chỉ tiêu chất lượng cho các đơn vị theo các tiêu chí sau: (1) Giữ vững và tiếp tục cải thiện tỉ lệ đỗ tốt nghiệp Trung học phổ thông; (2) Giảm khoảng cách giữa trung bình điểm thi các môn thi và từng môn thi với trung bình điểm thi các môn thi và từng môn thi toàn tỉnh và toàn quốc; (3) Giảm khoảng cách giữa trung bình điểm thi các môn thi với điểm trung bình học bạ lớp 12 của học sinh.

Ngoài ra, Sở cũng đang tham mưu với tỉnh thực hiện việc rà soát toàn diện và đề xuất sửa đổi chính sách khuyến học khuyến tài, trong đó quan tâm loại bỏ các yếu tố có thể dẫn tới bệnh thành tích trong ngành, tập trung vào các yếu tố thúc đẩy chất lượng giáo dục thực chất, bền vững.

Với tất cả các nhiệm vụ, giải pháp đã và đang triển khai, kết quả giáo dục đại trà (tỷ lệ học sinh tốt nghiệp, phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông) và giáo dục mũi nhọn (học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia, đạt giải kỳ thi khoa học kỹ thuật toàn quốc) trong 2 năm học 2019-2020, 2020-2021 cho thấy quyết tâm của ngành đối với việc tổ chức thi, đánh giá trung thực, khách quan, công bằng chất lượng giáo dục để cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục thực chất đã có chuyển biến tích cực.

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2019-2020 đạt 95,74% (tăng 23,75% so với năm học 2018-2019), năm học 2020-2021 đạt 98,34% (tăng 2,6% so với năm 2020).

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La xác định đạt được sự tiến bộ về chất lượng giáo dục thực chất có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh nhà và đất nước; các cơ sở giáo dục hàng năm đều có sự tiến bộ tốt hơn về chất lượng giáo dục so với chính mình và mặt bằng chung của tỉnh, cả nước là rất quan trọng.

Với lộ trình, mục tiêu và các nhiệm vụ giải pháp phù hợp, tin tưởng các con số minh chứng về chất lượng giáo dục của tỉnh Sơn La sẽ từng bước được cải thiện một cách thực chất, bền vững và sẽ đạt được thứ hạng tốt hơn trong tương lai trên bản đồ chất lượng giáo dục của cả nước.

Trân trọng cảm ơn Giám đốc!

* Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cung cấp

Lại Cường