Cán bộ quản lý đi xin học cho con, cháu vào trường ngoài công lập sẽ hiểu

27/01/2020 06:00
Hồng Thủy (Ghi)
(GDVN) - Người dân chỉ quan tâm đến việc học hành, ăn ở, đi lại của con cái họ, nếu họ thích và yên tâm thì họ gửi, không thì thôi.

(Tiếp theo phần trước, "Chỉ có cái đẹp và sự tử tế mới quyến rũ được cha mẹ học sinh")

Khoảng năm 1997, anh Đặng Quốc Bảo - Giám đốc trường cán bộ quản lý giáo dục, nhân dịp thăm Trường Marie Curie, đã mời tôi sang báo cáo thực tế cho giảng viên, học viên.

“Trường tôi không có Ban giám hiệu, không có Hiệu phó, không có công đoàn, chỉ có Hiệu trưởng được công nhận là tôi. Các tổ chức trong trường chỉ có Đoàn thanh niên và Đội thiếu niên của học sinh”.

Sau khi báo cáo khoảng 45 phút, người ta mới hỏi tôi: “Chúng em học ở đây, tổ chức bộ máy nhà trường nó phải có như thế này, sao bên thầy lại như thế?”

Anh Bảo mời tôi sang báo cáo thực tế. Đó là thực tế, tôi không nói dối. Việc anh Bảo dạy như thế nào, trường công lập nên có hay không nên có, tôi không dám bàn. Nói cho dễ hiểu, một cái tivi có chất lượng thì hình phải nét, tiếng phải rõ.

Giờ lật phía sau tivi, rút 1 linh kiện ra mà hình vẫn nét, tiếng vẫn rõ. Rút cái thứ 2, vẫn thế. Rút 3 - 4 cái linh kiện ra, tivi hình vẫn nét, tiếng vẫn rõ. Điều đó có nghĩa 3 - 4 cái linh kiện ấy là thừa.

Trường tôi như cái tivi, chỉ có tôi là Hiệu trưởng, hình vẫn nét, tiếng vẫn rõ. Vì thế tôi không hứng thú với việc cắm thêm những linh kiện không cần thiết.

Chân dung nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội
Chân dung nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội

Cháu nội anh Bảo đang học trường tôi. Sở dĩ tôi có mặt tại đây hôm nay, là vì một buổi chiều anh Bảo đến trường tôi. Tôi biết anh Bảo và anh Bảo cũng biết tôi.

Anh hỏi thăm việc dạy, việc học, việc ăn ngủ của học sinh. Tôi dẫn anh đi thăm chỗ ăn chỗ học của học sinh. Lúc bấy giờ Marie Curie là trường dân lập bán trú đầu tiên, anh thích lắm.

Sau đó, anh Bảo mời tôi sang trường nói chuyện theo tinh thần một buổi báo cáo thực tế: “Anh làm trường dân lập, chúng tôi đang đào tạo Hiệu trưởng, Hiệu phó công lập. Anh cứ nói những gì là thực tế”. Tôi nhận lời.

“Còn một việc nữa, tôi có đứa cháu nội đang chuẩn bị thi vào lớp 6 trường anh. Thằng con nó bảo thi vào lớp 6 Trường Marie Curie khó lắm, bố đến nói với thầy Khang cho con.

Nếu cháu nó thi ngon lành thì chớ, nếu không, anh cho tôi 1 suất ngoại giao”.

Hiệu trưởng không còn là công chức thì làm không được, cho nghỉ luôn
Hiệu trưởng không còn là công chức thì làm không được, cho nghỉ luôn

“Ai chứ anh Bảo thì để em lo. Anh cứ để cháu thi bình thường, cho cháu tự khẳng định, sơ sảy gì thì anh để em lo”.

Đấy, hôm đó anh Bảo đến thăm trường và tìm hiểu chỗ học cho cháu nội. Anh chỉ quan tâm xem chỗ các cháu ăn, ngủ thế nào, học hành, vui chơi ra sao.

Anh Bảo không hề hỏi có Chi bộ hay không, có Công đoàn không, có Thanh tra nhân dân không?

Anh Bảo lúc bấy giờ là một người dân đích thực. Anh đến không phải với tư thế Giám đốc Trường cán bộ quản lý giáo dục. Anh đến với tư cách ông nội của 1 đứa cháu chuẩn bị thi vào lớp 6 trường này.

Người dân chỉ quan tâm đến việc học hành, ăn ở, đi lại của con cái họ, nếu họ thích và yên tâm thì họ gửi, không thì thôi.

Anh Bảo là một người dân tuyệt vời, ông nội đáng kính và sau đó cháu anh thi đỗ. Trường chúng tôi là trường tư thục, không làm theo nguyện vọng của dân thì làm theo nguyện vọng của ai?

Người ta muốn con cháu mình được học như thế, ăn ngủ như thế, thậm chí hơn thế, chứ không quan tâm đến Chi bộ, Ban giám hiệu, Công đoàn hay Thanh tra”.

Mọi người cười. Đó là sự thật dung dị ai cũng biết, nhưng có nói hay không.

Hồng Thủy (Ghi)