Con sợ học quá mẹ ơi!

11/07/2017 07:40
Phan Tuyết
(GDVN) - “Tại mẹ đấy! Tại mẹ không cho con đi học thêm giống mấy bạn nên con không làm được những bài tập khó. Cô nói cứ học thế này, con sẽ là bạn đội sổ của lớp”.

LTS: Chia sẻ câu chuyện của một người bạn, cô giáo Phan Tuyết phản ánh tình trạng nhiều học sinh Tiểu học phải chịu áp lực học hành đến mức sợ hãi việc học.

Theo đó, nếu học sinh không đi học thêm thì các em sẽ không thể theo nổi các bạn trên lớp vì thế dần nảy sinh tâm lý chán nản, không muốn đến trường.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Gặp cô bạn có cậu con trai năm nay vào lớp 4 ở thành phố về chơi. Cô bạn than thở: “Tôi không hiểu ngành Giáo dục của bạn cải cách kiểu gì mà để học sinh ngày càng khiếp sợ mỗi khi nghe đến từ học?

Nói rồi bạn kể, cậu con trai mình đã hoàn thành xong chương trình lớp 3 một cách vật vã.

Bởi thế, cu cậu lại sợ rằng lớp 4 còn khó hơn nhiều nên đã không ít lần thảng thốt nói với mẹ: “Con sợ học quá mẹ ơi! Con không muốn đến trường học nữa”.

Qua tìm hiểu, cô bạn biết rằng phần lớn học sinh lớp con tan học đều đi học thêm. Em đến nhà cô giáo, em lại vào lò luyện toán nâng cao.

Vì thương con đã học cả ngày trên trường nên cô bạn đã không đăng kí cho con đi học thêm kiểu ấy.

Học sinh tiểu học chán học vì áp lực học hành. (Ảnh minh hoạ trên Vietnamnet.vn)
Học sinh tiểu học chán học vì áp lực học hành. (Ảnh minh hoạ trên Vietnamnet.vn)

Sau khi ăn uống, tắm rửa, cô cũng cho con ngồi vào bàn học để ôn lại những kiến thức đã học trong ngày, ghi thứ ngày và xem trước bài học ngày mai.

Những tưởng thế là tới lớp, con có thể dễ dàng hoàn thành các yêu cầu của môn học hôm đó.

Ngày đón con ở cổng trường, cậu bé không còn vô tư nhảy chân sáo, miệng hát líu lo bài ca đi học về mà con yêu thích như mấy tuần đầu mới vào học.

Nhìn con ủ rũ, buồn rầu và mệt mỏi, cô nói mình biết chắc trên lớp con lại có chuyện không vui.

Khi được hỏi, cu cậu thổn thức nói rằng: “Tại mẹ đấy! Tại mẹ không cho con đi học thêm giống mấy bạn nên con không làm được những bài tập khó. Cô nói cứ học thế này, con sẽ là bạn đội sổ của lớp”.

Con sợ học quá mẹ ơi! ảnh 2

Nhà trường đang ép học sinh học thêm

Tuy có phần thắc mắc vì đêm nào cô chẳng học cùng con và kiến thức trong sách giáo khoa con nắm khá chắc nhưng cô vẫn an ủi và động viên cậu bé.

Đêm ấy, khi mở sách giáo khoa ra học như mọi ngày, cậu bé mới la lên:

Không phải học trong này đâu mẹ. Những bài toán cô dạy khó lắm, nó nằm trong cuốn sách violympic kia”.

Gọi điện hỏi cô, cô nói: “Nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa mới đạt khoảng 60-70% yêu cầu cần đạt của chương trình. Khoảng 30-40% còn lại, học sinh phải học nâng cao bên ngoài sách”.

Nghe giáo viên nói mà cô thấy tá hỏa, xây xẩm mặt mày. Chương trình toán lớp 3 trong sách giáo khoa đã thấy quá nặng đối với một đứa trẻ mới 8 tuổi đầu như con mình.

Dù con học cả ngày trên trường, tối về mẹ vẫn kèm thêm mới có thể hiểu được bài.

Nếu cứ để các em học ở trên trường dám chắc nhiều em còn không thể nắm được kiến thức chứ nói gì đến những bài toán nâng cao bên ngoài.

Một số phụ huynh có trình độ đại học cũng than phiền rằng khi hướng dẫn cho con phép chia 5 chữ số có người còn phải kiểm tra bằng máy tính, chưa nói đến phép tính có dư.

Rồi bài toán dạng rút về đơn vị mẫu 1, mẫu 2 chỉ tìm ra lời giải các con cũng vật vã đến toát mồ hôi còn sai lên sai xuống.

Nay lại yêu cầu thêm phần toán nâng cao bên ngoài khó như thế chẳng phải làm khó học sinh hay sao? Có phải em nào sinh ra cũng phải giỏi toán thì mới thành tài?

Gần đến ngày thi học kì, nhìn những bài toán con mang về tự giải để mai lên cô kiểm tra, một thạc sĩ như cô cũng phải toát mồ hôi khi tìm ra cách giải, nhưng giải được rồi hướng dẫn cho con hiểu lại chẳng đơn giản chút nào.

Ví dụ 1: Một quãng đường AB dài 102 km. Ở A có cột mốc ghi số 0 km là cột mốc thứ nhất và cứ sau 1 km lại có một cột mốc lần lượt ghi 1km, 2km ... đến B cột mốc ghi số 102 km. Hỏi có bao nhiêu cột mốc trên quãng đường AB? Cột mốc chính giữa quãng đường AB là cột mốc thứ mấy và ghi số nào?

Ví dụ 2: Bạn An viết dãy số: 1, 0, 0, 1, 0, 0, 1, 0, 0, 1... (Bắt đầu là số 1, tiếp đến 2 số 0 rồi lại đến số 1, ...) Hỏi:

a. Số hạng thứ 31 là số 1 hay số 0?

Con sợ học quá mẹ ơi! ảnh 3

Quản lý nhận thức hời hợt, dạy thêm học thêm sẽ mãi là nỗi ám ảnh của học sinh

b. Khi viết đến số hạng thứ 100 thì ta viết bao nhiêu số 1, bao nhiêu số 0?

Cô bạn nói, mình đã đem mấy bài toán nâng cao của lớp 3 hỏi một số học sinh lớp 12 năm nay thi đại học, không ít em vò đầu bứt tai vì không giải được.

Những tưởng, học sinh nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa đã đạt yêu cầu.

Vậy mà những dạng toán này sao có thể dạy đại trà trên lớp bắt học sinh phải học?

Sao có thể có trong đề thi cho học sinh toàn khối phải làm?

Nghe cô bạn than thở, tôi cũng cho bạn biết, chẳng riêng gì lớp 3, những khối lớp còn lại ngoài việc dạy cho các em nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa.

Thầy cô cũng phải dạy thêm cho học sinh những dạng toán nâng cao như thế. Yêu cầu này mới chỉ thực hiện trong năm học vừa qua theo sự hướng dẫn của việc ra đề theo Thông tư 22 ở 4 mức độ.

Nhiều giáo viên cũng phản ánh lại rằng, khi dạy chỉ mong tất cả các em trong lớp nắm được kiến thức trong sách giáo khoa đã là tốt lắm rồi. Em nào có năng khiếu riêng về toán thì tìm hiểu thêm như trước đây là hợp lý nhất.

Phan Tuyết