Đã thẩm định Công nghệ giáo dục, Bộ cần chấm dứt thí điểm tràn lan

18/09/2019 06:49
Hồng Thủy
(GDVN) - Trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sau 40 năm triển khai, tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại mới được thẩm định.

Báo điện tử Vietnam Plus ngày 13/9/2019 đưa tin, "bộ sách giáo khoa" công nghệ giáo dục dành cho lớp 1 của giáo sư Hồ Ngọc Đại vừa bị Hội đồng thẩm định sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo loại ngay từ vòng một. 

Theo đó, sách công nghệ giáo dục cũng sẽ bị dừng triển khai ở lớp 1 trong năm học 2020-2021.

Trong khi hội đồng thẩm định cho rằng việc sửa chữa (nếu có) cũng phải mất một năm, sau đó có thể tiếp tục thẩm định lại, thì Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã lên tiếng khẳng định bộ sách của ông đã hoàn thiện và ông sẽ không sửa chữa gì thêm. 

Điều đó đồng nghĩa với việc sách công nghệ giáo dục có thể sẽ bị dừng hẳn. [1]

930 ngàn học sinh học Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục vì VNEN

Báo Công an Nhân dân ngày 15/9/2019 đưa tin, chia sẻ với báo chí ngay sau khi bộ sách Công nghệ giáo dục bị “trượt” khỏi vòng thẩm định, Giáo sư Hồ Ngọc Đại đặt câu hỏi: "15 người trong hội đồng hơn hay 930.000 học sinh đang học sách Công nghệ Giáo dục hơn"? [2]

Về âm mưu tấn công thầy Hồ Ngọc Đại
Về âm mưu tấn công thầy Hồ Ngọc Đại

Ngày 14/9/2019, tác giả Quyên Quyên / Báo điện tử Zing.vn phỏng vấn Phó giáo sư - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu về việc này. Thầy Nguyễn Lân Hiếu đặt vấn đề:

Năm học 2019-2020 có khoảng 930.000 học sinh lớp 1 học tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục. Trong suốt 40 năm qua, hàng triệu học sinh học chương trình này. Vậy bên nào có tiếng nói trọng lượng hơn?

Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu được Zing.vn dẫn lời chia sẻ: "Tôi là người làm khoa học nên tin vào khoa học thực chứng" [3]. Tuy nhiên, tiếc rằng thầy Nguyễn Lân Hiếu không đưa ra được số liệu nào cho thấy khoảng 930.000 học sinh lớp 1 học tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục là tự nguyện hay bị ép buộc. 

Cho nên lấy 930 ngàn học sinh ra để "so" với 15 thành viên hội đồng thẩm định xem bên nào có tiếng nói trọng lượng hơn, e có phần khiên cưỡng và không phản ánh bản chất vấn đề.

Còn trên thực tế, sở dĩ có khoảng 930 ngàn học sinh lớp 1 học Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, là vì tài liệu này được chèn vào Dự án Mô hình trường học mới (VNEN) tạo thành một đường dây bán sách khép kín từ các lớp về 1 doanh nghiệp mà Giáo sư Hồ Ngọc Đại có cổ phần sáng lập, chúng tôi đã có nhiều bài viết phản ánh, thí dụ:

"Học mẫu giáo đã phải đăng ký mua sách Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại" ngày 24/10/2016; "Bộ Giáo dục nên dừng o bế Giáo sư Đại, chấm dứt lấy ngân sách làm sách giáo khoa" đăng ngày 2/9/2018;

"Về "âm mưu tấn công" thầy Hồ Ngọc Đại" đăng ngày 14/9/2018; "Ngoài thầy Hồ Ngọc Đại, còn cá nhân nào ở Bộ Giáo dục có cổ phần bán sách?" đăng ngày 16/10/2018;...

Hình minh họa, nguồn: VTV.vn
Hình minh họa, nguồn: VTV.vn

Ở đây chúng tôi xin không bàn về góc độ khoa học hay chuyên môn, đó là công việc của Hội đồng thẩm định quốc gia.

Chúng tôi chỉ xin dẫn lại một vài thông tin ngõ hầu giúp quý bạn đọc tìm hiểu xem vì sao chưa được thẩm định, nhưng Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục lại có tới gần 930 ngàn học sinh đang học.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã rất cầu thị

Ngày 28/12/2015, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết về công nghệ Tiếng Việt của Giáo sư Hồ Ngọc Đại:

“Giáo sư Hồ Ngọc Đại tặng tôi công trình đó. Đây là công trình có tác dụng tốt, đặc biệt tác dụng với các vùng dân tộc ít người. Trước đây nhiều học sinh đi học về lại mù chữ, nhưng khi dùng chương trình của Giáo sư Hồ Ngọc Đại thì giải quyết triệt để vấn đề ấy. 

Công nghệ này kết hợp tốt với VNEN, vì khi áp dụng VNEN thì ở lớp 2 các cháu phải biết đọc tròn vành rõ chữ rồi, phải dùng công nghệ này thì các cháu mới không tái mù.” [4]

Sao thầy Đại lại nói liều như thế...?
Sao thầy Đại lại nói liều như thế...?

Khi đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận không đưa ra thông tin, số liệu nào để khẳng định hiệu quả của Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục.

Nhưng ông xác nhận Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã tặng mình (Bộ Giáo dục và Đào tạo) công trình này, vậy tại sao việc xuất bản và kinh doanh độc quyền, khép kín tài liệu này và các tài liệu đi kèm lại thuộc về 1 công ty tư nhân mà thầy Hồ Ngọc Đại có cổ phần?

Ngày 16/11/2016, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đã hỏi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ:

Đề nghị Bộ trưởng cho biết những cuốn sách công nghệ giáo dục được đưa vào giảng dạy ở trường tiểu học từ trước khi có Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông có được Hội đồng thẩm định Quốc gia thẩm định và kiến nghị Bộ trưởng cho sử dụng hay không?

Nếu có thì Hội đồng thẩm định đã thẩm định khi nào và Hội đồng gồm những ai?

Nếu không thì tại sao một bộ sách gây nhiều tranh cãi vẫn ung dung vào trường học, từ 16 tỉnh với 50 nghìn học sinh nay lên đến 48 tỉnh.

Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc này như thế nào?

Nếu cho rằng sách này được đưa vào triển khai theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì tại sao chưa có chương trình mới mà đã có sách giáo khoa mới? [5]

Gần 1 năm sau, ngày 23/10/2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có văn bản trả lời Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy về kết quả thẩm định tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục. [6]

Cần chấm dứt các hoạt động thí điểm triền miên trong giáo dục

Nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới căn bản, toàn diện trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ điều hành, theo chúng tôi rất đáng được trân trọng và ghi nhận.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại trong một cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, ảnh minh họa: Báo Vietnamnet.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại trong một cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, ảnh minh họa: Báo Vietnamnet.

Riêng trong lĩnh vực chương trình - sách giáo khoa, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã "thai nghén" từ năm 2011, đến năm 2014 Quốc hội ra Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 duyệt chủ trương 1 chương trình nhiều sách giáo khoa cũng như kinh phí, nhưng mọi việc gần như vẫn cứ dậm chân tại chỗ.

Cho đến khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp quản công việc, chuyện đổi mới chương trình - sách giáo khoa mới được thúc đẩy quyết liệt, để cuối cùng ban hành được Chương trình giáo dục phổ thông mới và triển khai biên soạn sách giáo khoa.

Cũng trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sau 40 năm triển khai, tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại mới được thẩm định theo đúng quy định của Luật Giáo dục, thẩm định 2 lần theo cả chương trình cũ lẫn chương trình mới.

Có thể nói đây là một việc không đơn giản, bởi áp lực từ dư luận lên Bộ Giáo dục và Đào tạo là không hề nhỏ. 

Tuy nhiên, nếu đã kêu gọi thượng tôn pháp luật, đã kêu gọi Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định tài liệu này như chính Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu đã từng chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ [7], thì khi có kết quả, thiết nghĩ nên tôn trọng ý kiến của hội đồng thẩm định quốc gia.

Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định sách thầy Hồ Ngọc Đại lên tiếng
Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định sách thầy Hồ Ngọc Đại lên tiếng

Còn ý kiến “tại sao mô hình đã thu được những thành công và được xã hội đánh giá cao nhưng lại chưa được đánh giá cao và nhân rộng?” mà Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu hỏi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thiết nghĩ:

Trước hết thầy Nguyễn Lân Hiếu, thầy Hồ Ngọc Đại cần đưa ra các bằng chứng khoa học chứng minh sự "thành công và được xã hội đánh giá cao" của Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục nói riêng, các tài liệu khác của Công nghệ giáo dục nói chung.

Thứ đến, cần công bố các thông tin liên quan đến đường dây bán sách công nghệ giáo dục độc quyền và khép kín từ các lớp đến các trường, lên phòng giáo dục, sở giáo dục rồi về Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông công nghệ giáo dục cũng như những ai đã, đang hưởng lợi từ việc bán sách độc quyền của công ty này.

Nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ Giáo dục và Đào tạo trong nhiều năm đã ưu ái, tạo điều kiện cho Giáo sư Hồ Ngọc Đại thực nghiệm, thí điểm và nhân rộng tài liệu này, thiết nghĩ đã đến lúc Giáo sư cần chứng minh hiệu quả của nó bằng các dữ liệu khoa học, thuyết phục và có thể kiểm chứng.

Còn về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi cho rằng ngoài sự nỗ lực và quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong thực hiện chính sách, pháp luật về chương trình - sách giáo khoa, Bộ cũng cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm về các mô hình "thí điểm", các dự án liên quan đến đổi mới giáo dục.

Nếu thấy các quy định của pháp luật về giáo dục, về chương trình sách giáo khoa còn bất cập, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động tham mưu và xây dựng, trình Chính phủ, Quốc hội các phương án sửa đổi, chứ không thể "lách luật" như cách Giáo sư Hồ Ngọc Đại mô tả về Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giúp thầy Đại triển khai Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục khi ông Luận còn đương chức.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.vietnamplus.vn/nam-hoc-20202021-se-dung-chuong-trinh-cong-nghe-giao-duc-lop-1/595064.vnp

[2]http://cand.com.vn/giao-duc/Tham-dinh-SGK-moi-Co-can-them-kenh-lay-y-kien-giao-vien-561653/

[3]https://news.zing.vn/ai-chiu-trach-nhiem-khi-loai-sach-giao-khoa-cua-gs-ho-ngoc-dai-post989706.html

[4]https://tuoitre.vn/bo-truong-bo-gddt-noi-vnen-lam-thay-doi-ca-thay-va-tro-1028893.html

[5]https://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Dai-bieu-hoi-ve-sach-cong-nghe-giao-duc-Bo-truong-noi-tra-loi-bang-van-ban-post172500.gd

http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-bo.aspx?ItemID=4359

[6]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ket-qua-tham-dinh-tieng-viet-1-cong-nghe-giao-duc-cua-giao-su-ho-ngoc-dai-post180857.gd

[7]https://news.zing.vn/pgs-nguyen-lan-hieu-co-loi-ich-nhom-sau-tranh-luan-ve-gs-ho-ngoc-dai-post875574.html

Hồng Thủy