Đây là các lý do khiến người ta muốn làm thày thì phải... chạy

19/03/2018 06:20
Đỗ Quyên
(GDVN) - Nếu muốn vào nghề, giáo viên phải “chạy” tiền nhưng muốn tồn tại với nghề thì buộc phải “chạy” chất lượng.

LTS: Lý giải nguyên nhân vì sao giáo viên buộc phải "chạy", tác giả Đỗ Quyên - một nhà giáo với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục đã có bài viết chia sẻ.

Qua đó, tác giả mong rằng, để chấm dứt được nạn "chạy” và đưa giáo dục về đúng vị trí phải cần đến sự vận động của toàn xã hội. 

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có quá nhiều từ hoa mỹ đã được dùng khi nói về nghề giáo.

Nào là nghề thanh cao, nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý…thế mà ngay thời điểm này đây, hết học sinh bóp cổ cô, cha mẹ đánh thầy, bắt giáo viên quỳ xin lỗi…cùng với đó là hàng trăm thầy cô phải bỏ hàng đống tiền để chạy được làm thầy với đồng lương quá bèo bọt.

Phải chăng nghề giáo rẻ mạt nên cũng bị cả xã hội xem thường, coi khinh?

Vì sao giáo viên phải "chạy" (Ảnh minh họa: TTXVN).
Vì sao giáo viên phải "chạy" (Ảnh minh họa: TTXVN).

Ai cũng có thể làm thầy

Nếu như ngày xưa để làm được thầy thì người thầy phải học rộng tài cao, có đức cao vọng trọng, người có uy tín không chỉ về học thức còn về cả nhân cách sống mẫu mực hơn người.

Còn ngày nay câu nói “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” vẫn đang ứng nghiệm. Thế nên, nói nghề giáo rẻ mạt chẳng ngoa chút nào.

Rẻ mạt ngay từ khâu tuyển sinh. Trước đây, những vùng thiếu giáo viên trầm trọng người ta còn tới từng nhà năn nỉ học sinh lớp 9 đi học cấp tốc để ra dạy tiểu học.

Thậm chí có vùng núi còn tuyển cả học sinh lớp 5 rồi lớp 7 ra trợ giảng một thời gian là chính thức được làm thầy.

Về sau, đòi hỏi cao hơn nữa là tuyển học sinh lớp 12 thi trượt đại học ở nhà chỉ học vài tháng cấp tốc là đứng lớp dạy cấp 2, cấp 3. Ai đăng kí đi học gần như đều toại nguyện.

Những năm gần đây đã gần bớt đi kiểu đào tạo cấp tốc. Học sinh muốn vào sư phạm phải tham gia kì thi tuyển vào các trường.

Đây là các lý do khiến người ta muốn làm thày thì phải... chạy ảnh 2Dễ dãi cho điểm học sinh: Hậu quả đây!

Có ngành nghề nào thi 3 môn 9 điểm là đỗ như ngành sư phạm không? Chắc cũng chẳng có nhiều.

9 điểm cho 3 môn là đỗ ngay cao đẳng. Còn đại học cũng chỉ 12, 13 điểm (áp dụng môn tự chọn nhân 2).

Có không ít học sinh chỉ thi được 6 điểm cũng đỗ. Bởi, em đã được cộng tới vài ba điểm ưu tiên cho gia đình chính sách và cho điểm vùng.

Có nỗi buồn, sự xót xa nào hơn khi được hỏi “vì sao chọn ngành sư phạm?” không ít học sinh chẳng cần giấu giếm mà huỵch toẹt ra rằng “vì sư phạm lấy điểm thấp, thi vào sư phạm dễ đỗ hơn” chứ mấy ai nghe được lời nói “vì yêu trẻ em hay có lòng nhiệt huyết yêu nghề?”.

Trường đại học, cao đẳng thì muốn tuyển được số lượng học sinh thật nhiều nên bất chấp đầu vào sư phạm có thấp đến đâu. Còn học sinh chẳng thể thi được trường gì nên đành đăng kí thi vào sư phạm.

Chỉ với hai nguyên nhân này thôi thì số lượng giáo sinh ra trường ngày một đông.

Do chính sách sinh đẻ có kế hoạch, trường lớp ngày một co lại nên nhu cầu tuyển dụng vào ngành cũng bị bó hẹp.

Hàng ngàn giáo sinh ra trường thất nghiệp nên ai muốn có chỗ đứng trên bục giảng, ai muốn làm thầy phải bỏ tiền ra để chạy cũng là điều dễ hiểu.

Thế là để trở thành nhà giáo, các giáo sinh buộc phải tham gia cuộc thi “maraton tài chính” mà phần thắng sẽ thuộc về kẻ nhanh, kẻ mạnh hơn.

“Rẻ” trong các chế độ đãi ngộ

Người ta cứ nói rằng, giáo viên được ưu tiên vì có nhiều chế độ ưu đãi. Nào là phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp nhưng so lương của giáo viên với những áp lực công việc lại quá khập khiễng.

Vào nghề đi dạy lương của một cử nhân đại học chưa tới 3 triệu đồng. Hơn 30 năm công tác lương cao nhất cũng mới đạt 8, 9 triệu đồng.

Đây là các lý do khiến người ta muốn làm thày thì phải... chạy ảnh 3Đề xuất tăng hệ số lương, bỏ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên giáo viên

Ngoài tiền lương, giáo viên hầu như không có một khoản thu nhập gì khác. Đến cả ngày 20/11 ngày lễ lớn được cả xã hội tôn vinh thì thầy cô cũng tự bỏ tiền túi ra tổ chức một bữa liên hoan mặn theo kiểu “mình tự đãi mình” để làm vui.

Ngày Tết cổ truyền khi nhiều ngành nghề khác nhận thưởng tiền triệu thì giáo viên vẫn phải tươi cười với món tiền thưởng vài trăm nghìn đồng là lớn.

Đằng sau bức tranh mĩ miều về một cái nghề thanh cao, cao quý là thân phận bi đát của nhiều thầy cô giáo. Chưa bao giờ nghề giáo lại khốn cùng và chịu nhiều áp lực như thế.

Giáo viên lên lớp nhưng mang theo biết bao nỗi lo sợ. Ngoài việc sợ bị chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào như nhiều giáo viên ở Đắc Lắc, Hải Dương, Thanh Hóa…là sợ học sinh quậy phá, vô lễ, sợ mình không bình tĩnh sẽ rước họa vào thân, sợ phụ huynh bạo lực khi họ chưa vừa lòng, sợ Ban Giám hiệu chèn ép, sợ học sinh nghỉ học, sợ chất lượng giáo dục không đạt…sẽ bị cắt thi đua.

Nếu muốn vào nghề, giáo viên phải “chạy” tiền nhưng muốn tồn tại với nghề thì buộc phải “chạy” chất lượng.

Hàng chục nỗi sợ cứ quấn lấy chẳng khác gì sợi dây thòng lọng đang thít dần quanh cổ. Muốn mọi chuyện yên bình buộc thầy cô phải gồng mình chống đỡ. Và đương nhiên giải pháp được chọn nhiều nhất vẫn là “chạy”.

Vì điều này mà chuyện học sinh ngồi nhầm lớp đang trở nên khá phổ biến trong ngành giáo dục hiện nay.

Chấm dứt được nạn "chạy” để đưa giáo dục về đúng vị trí, để nghề giáo trở nên cao quý như nhiều người vẫn ca tụng, xưng hô những thầy cô thấp cổ bé họng chẳng thể làm được nhiều mà phải cần đến sự vận động của toàn xã hội. 

Bài viết là kinh nghiệm, nhận thức, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.

Đỗ Quyên