Dạy thêm bán sức lao động và chất xám để sống, xin chớ vội chỉ trích giáo viên

02/02/2021 06:10
Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để sống cho ra sống, không còn cách nào khác, nhiều giáo viên phải “bán cháo cháo phổi” bằng cách dạy thêm, chỉ mong dư luận đừng vội chỉ trích.

Gõ cụm từ “vấn nạn dạy thêm”, kết quả tìm kiếm Google cho ra khoảng 10.300.000 kết quả trong vòng 0,34 giây. [1]

Cụ thể, ở trang web đầu tiên xuất hiện hàng loạt bài viết đáng chú ý như:

“Trăn trở của một phụ huynh trước vấn nạn dạy thêm”, Báo VnExpress đăng ngày 18/5/2016. [2]

“Vấn nạn dạy thêm, học thêm - bao giờ mới chấm dứt?”, Báo Lao động online đăng ngày 16/6/2016. [3]

“Dạy thêm, học thêm: Nhu cầu hay vấn nạn?”, Báo Tiền phong online đăng ngày 11/6/2020. [4]

Có thể thấy rằng, dạy thêm học thêm nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và nhiều năm qua vấn đề này đã nâng lên thành “vấn nạn” (“vấn đề khó khăn lớn có tính chất xã hội, đang phải đương đầu đối phó một cách cấp thiết” – từ điển định nghĩa).

Đôi khi, buộc phải dạy thêm là một lựa chọn khó khăn của giáo viên. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)

Đôi khi, buộc phải dạy thêm là một lựa chọn khó khăn của giáo viên. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)

Giáo viên không dạy thêm đàng hoàng, nhiều người sẽ sống lay lắt

Công bằng mà nói, dư luận lên án việc dạy thêm, học thêm nhìn chung là chính đáng, bởi nó để lại nhiều hệ lụy cho học sinh như: tâm lí ỷ lại; không có thời gian vui chơi giải trí; ảnh hưởng đến sức khỏe; thụ động trong học tập; tác động về kinh tế đối với những gia đình khó khăn…

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ trao đổi về công việc dạy thêm, một loại hình cung cấp dịch vụ sòng phẳng, bán sức lao động và chất xám đàng hoàng của các thầy cô giáo.

Tất cả những ai lợi dụng cương vị công tác của mình để dồn/ép/lùa học sinh trên lớp học chính khóa ra trung tâm hoặc về lớp học thêm của mình để dạy, đều đáng bị lên án và xử lý thích đáng theo quy định của pháp luật. Nói như vậy, để quý đồng nghiệp, quý phụ huynh hay bạn đọc khỏi mất công tranh luận vì đánh đồng giữa "nghề" dạy thêm với "người" dạy thêm.

Quay trở lại với vấn đề tôi nêu ra trong bài viết này, với đồng lương rất eo hẹp không đủ sống như hiện nay, giáo viên phải làm gì để sống cho ra sống nếu không phải dạy thêm hoặc làm thếm các công việc khác không liên quan gì đến chuyên môn?

Người xưa nói, “buôn có bạn bán có phường”, giáo viên vốn dĩ quen với bảng đen phấn trắng, hằng ngày chỉ thuần túy tiếp xúc với học sinh, đồng nghiệp thì biết chọn “nghề tay trái” nào để kiếm sống nếu không phải là dạy thêm?

Thực tế có nhiều giáo viên chọn “nghề tay trái” để mưu sinh nhưng nhận về phần rủi ro cũng không ít.

Cá nhân người viết bài này (giáo viên dạy bậc phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh) đã từng làm “nghề tay trái”, đó là liên kết với một công ty sách ở Sài Gòn để xuất bản tài liệu tham khảo môn Ngữ văn, nhưng do hợp đồng thiếu chặt chẽ nên bị Giám đốc ăn chặn một phần tiền nhuận bút.

Tác giả sách phải năm lần bảy lượt đến công ty lấy sách… trừ nợ, rồi bán rẻ sách cho đồng nghiệp, học sinh thì mới thu hồi… công sức bỏ ra được phần nào.

Sở dĩ giáo viên phải làm nghề tay trái vì người mới ra trường chỉ nhận mức lương hơn 3 triệu đồng thì không đủ sống. Như bản thân tôi công tác trong ngành giáo dục hơn 15 năm, có đầy đủ các danh hiệu, đã được nâng lương trước thời hạn nhưng mức lương hiện hưởng chỉ 7,5 triệu đồng – kể cả phụ cấp chức vụ.

Trong khi đó, tôi học đại học 4 năm, học cao học 2 năm, học trung cấp Chính trị-hành chính 1,5 năm – tổng cộng là 7,5 năm, nhưng mức lương còn thua cả công nhân làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng lương đó không đủ cho tôi trả tiền thuê nhà và các chi phí kèm theo như điện, nước, Internet… chưa nói đến việc nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ già yếu và các việc hiếu hỉ khác.

Đành rằng, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” nên giáo viên chưa ai chết đói, nhưng phải nói thật lòng "đói gần chết" là có thật nếu như không dạy thêm.

Dạy thêm là "bán cháo phổi", có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống nhưng ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng

Dạy thêm, suy cho cùng cũng chỉ là công việc làm thêm ngoài giờ chính đáng, thuận mua vừa bán với phụ huynh, học sinh – ngoại trừ giáo viên dùng các thủ đoạn như ép buộc, hù dọa người học mới là điều đáng lên án, mới là “vấn nạn”.

Dạy thêm không đơn giản chỉ là đến tháng thu tiền. Bởi giáo viên phải phải thuê mướn mặt bằng; trả tiền điện, nước, bảo vệ; chi phí xăng xe; kể cả thuê mướn người đưa đón con đi học.

Học sinh đi muộn, nghỉ học, giáo viên phải kịp thời thông báo cho phụ huynh được biết. Học sinh học mãi mà không tiến bộ, giáo viên cũng ăn không ngon, ngủ không yên. Học sinh làm bài kiểm tra điểm thấp, có khi giáo viên còn bị phụ huynh trách móc, chê bai - khiến người thầy luôn ở trong trạng thái quá tải với công việc.

Giáo viên dạy thêm có sướng không? Chắc chắn là không! Bởi nghề giáo được gọi là nghề “bán cháo phổi” (vì bệnh lí liên quan về đường hô hấp), còn nói còn có tiền, tắt tiếng coi như hết tiền.

Ngoài tiết dạy trên lớp, giáo viên chủ yếu dạy thêm vào các buổi tối hay ngày cuối tuần (thứ Bảy, Chủ nhật). Lẽ ra thời gian ấy giáo viên phải chăm lo cho gia đình hoặc nghỉ ngơi, giải trí để tái tạo sức lao động thì trái lại họ phải làm thêm để kiếm sống.

Tiền có thể mua được nhiều thứ nhưng sức khỏe thì không. Giáo viên vừa dạy trên lớp, vừa dạy thêm nên hay mắc các bệnh về đường hô hấp do thường xuyên tiếp xúc với bảng đen phấn trắng.

Bên cạnh đó, giáo viên có thể mắc các bệnh lí về thần kinh vì hằng ngày tiếp xúc với nhiều học sinh “nổi loạn” trong hành xử (do bất ổn tâm lí của tuổi mới lớn, kể cả những em cho rằng mình bỏ tiền ra học thêm là có “quyền”), dẫn đến căng thẳng.

Nhiều đồng nghiệp của tôi cho biết, ngày nào dạy nhiều tiết, rồi còn phải xử lí những học sinh vi phạm nội quy kỉ luật là người mệt nhoài, không muốn ăn cơm, không muốn làm gì cả - thậm chí nhiều lúc cáu gắt, trút bực tức lên con cái.

Trước khi ngồi viết những dòng này, tôi đã đưa một đồng nghiệp đi khám bệnh ở Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh và được bác sĩ chuyên khoa kết luận “rối loạn cảm xúc”.

Một đồng nghiệp khác của tôi cũng bị bệnh trầm cảm từ nhiều năm nay, tuy đã điều trị nhưng vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm - cũng chỉ vì dạy thêm để trang trải cho cuộc sống.

Cùng với đó, đa số giáo viên dạy nhiều đều mắc các chứng bệnh về mắt do bụi phấn, đọc sách, soạn giáo án điện tử nhiều giờ trên máy tính, rồi chấm liên tục hàng ngàn bài kiểm tra định kì, học kì, bài luyện tập.

Nhiều người nói rằng, giáo viên nhờ dạy thêm mà trở nên giàu có thì tôi xin khẳng định, số này là rất ít.

Chỉ giáo viên thực sự giỏi cộng với ứng xử khéo léo với phụ huynh, học sinh mới có khả năng mang về thu nhập cao (phải dạy nhiều ca tối trong tuần, một ca 90 phút, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật).

Còn giáo viên hù dọa, ép buộc học sinh đi học thêm thì đừng có mơ, bởi ngày nay học sinh, phụ huynh thừa sức hiểu biết mọi chuyện, và chắc chắn không ai để yên. Chưa kể, báo chí, truyền thông vào cuộc phanh phui tiêu cực từ học thêm là xem như giáo viên mất hết – mất danh dự, mất uy tín, kể cả mất việc chứ không phải chuyện chơi.

Ngày nay, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, kéo theo đó giáo viên cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, bỏ nhiều thời gian, công sức để trau dồi chuyên môn thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu người học, chứ không phải thầy được bao nhiêu kiến thức là cứ nói đi nói lại hết năm này qua tháng khác.

Thời điểm này, khi mà cái Tết Nguyên đán đang đến rất gần thì nhiều giáo viên dạy môn ít tiết – thường được gọi là “môn phụ” như Công nghệ, Giáo dục công dân, Thể dục…, vì không thể dạy thêm nên phải làm rất nhiều “nghề tay trái” khác nhau, kể cả chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm một chút thu nhập.

Và trong số đó, không ít giáo viên đã bao năm chưa có dịp về thăm quê cũng bởi đồng lương không đủ chi phí trong khoảng 10 ngày Tết. Vậy nên, bắt giáo viên sống thanh cao để đánh đổi nhiều thứ, liệu có đáng không?

Nhìn chung, nếu chương trình học còn nặng nề, thậm chí hàn lâm, rồi ngành giáo dục chưa có những giải pháp căn cơ, phụ huynh còn gây áp lực cho con về điểm số và đặc biệt đồng lương giáo viên không đủ sống thì câu chuyện dạy thêm và học thêm sẽ còn nhiều bàn cãi không hồi kết.

Tài liệu tham khảo:

[1]//www.google.com/search?q=v%E1%BA%A5n+n%E1%BA%A1n+d%E1%BA%A1y+th%C3%AAm&oq=v%E1%BA%A5n+n%E1%BA%A1n+d%E1%BA%A1y+th%C3%AAm&aqs=chrome..69i57j0j0i22i30l3j69i61l3.7459j1j7&sourceid=chrome&ie=UTF-8

[2] //vnexpress.net/tran-tro-cua-mot-phu-huynh-truoc-van-nan-day-them-3404664.html

[3] //laodong.vn/ban-doc/van-nan-day-them-hoc-them-bao-gio-moi-cham-dut--525521.ldo

[4] //www.tienphong.vn/giao-duc/day-them-hoc-them-nhu-cau-hay-van-nan-1671378.tpo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Thế Hoài