Đừng đánh mất con, nếu trượt đại học

01/07/2018 08:13
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Nếu điểm số của con không như mơ ước của mình, phụ huynh nên động viên, sẻ chia; tuyệt đối không phê phán, khích bác, dằn vặt con em mình.

LTS: Con cái thi trượt đại học là điều không mong muốn của bất kì gia đình nào.

Nhưng, làm thế nào để có cách ứng xử phù hợp, cảm thông, chia sẻ với con để không xảy ra những sự việc đáng tiếc là điều mà không phải vị phụ huynh nào cũng làm tốt.

Chia sẻ về vấn đề trên, thầy giáo Sơn Quang Huyến gửi đến độc giả bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia đã kết thúc, các em sĩ tử đã có thể ngủ thoải mái bù lại những ngày đầu tắt mặt tối cho ôn tập.

Thế nhưng trong sâu thẳm tâm trí của các em vẫn còn không ít suy tư, tiếc nuối cho bài làm của mình.

Kỳ thi kết thúc cũng là lúc bao phụ huynh kỳ vọng mơ ước “cho” chính mình. Con cái mình đang làm thay cho mình những ước mơ mà vì lý do nào đó phải dang dở.

Chính ước mơ đó, đã khiến không ít phụ huynh phải trả giá quá đắt cho bài học “giá như”, “phải chi”…

Các bậc phụ huynh đừng nên tạo áp lực cho con em mình khi kết quả thi không tốt (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Các bậc phụ huynh đừng nên tạo áp lực cho con em mình khi kết quả thi không tốt (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Hơn ba mươi năm dạy học, buồn vui với bao thế hệ học trò qua mỗi mùa thi cử. Tôi còn nhớ rõ em H. sau thi đại học đã bị tâm thần.

H. có lực học tốt nhưng chẳng hiểu sao bài làm môn văn của em điểm không được như ý nên trượt trường Luật.

Bố mẹ H. căn vặn em từ khi biết kết quả, thế là H. trở bệnh.

Hàng ngày, H. lại đến cổng trường, nhìn mọi người qua lại với đôi mắt vô hồn, có khi thì đứng đọc vanh vách các tác phẩm trích giảng trong sách giáo khoa.

Hiện nay, thời gian của H. ở bệnh viện tâm thần nhiều hơn ở nhà.

Mới đây thôi, khi M. thi về, đối chiếu kết quả môn Toán, Lý, Hóa chỉ đạt 27 điểm không đủ vào ngành công an của bố mẹ.

Thất vọng, bố mẹ M. buồn ra mặt. Em cũng trở nên lầm lỳ, không nói, nay em vẫn phải uống thuốc trầm cảm sau mấy lần tự tử bất thành.

Hãy ứng xử có văn hóa, phù hợp khi con thi trượt

Khi gặp phụ huynh của H., M., tôi đã nghe họ sẻ chia “giá như em không…”, “phải chi em đừng…” thì con em đâu như thế.

Đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp, biết bao vĩ nhân trên thế giới chưa qua cổng trường đại học đó thôi.  

D. là học sinh cũ của tôi, em đi học nghề, sau đó đi làm vệ sinh cho một khách sạn. Chỉ 3 năm làm việc, D. đã tích lũy được kinh nghiệm, em mở một cơ sở vệ sinh công nghiệp nhỏ.

Nay doanh nghiệp của D. có hàng trăm công nhân, có uy tín trong lĩnh vực vệ sinh công nghiệp, điều đặc biệt là có rất nhiều bạn bè học đại học đang làm cho doanh nghiệp của D.

Sau kỳ thi, học sinh đã cố gắng hết sức mình học tập, đó là điều quan trọng nhất. Kết quả thi không phải là tất cả của một con người.

Nếu điểm số của con không như mơ ước của mình, phụ huynh nên động viên, sẻ chia; tuyệt đối không phê phán, khích bác, dằn vặt con em mình.

Điều này rất nguy hiểm, nó có thể dẫn đến các hành động không mong muốn của con em mình.

Đừng bắt con học để thỏa mãn niềm vui và sỹ diện của cha mẹ

Ngày nay địa phương nào cũng có trường đại học. Vì thế không học trường này thì học trường khác, đừng vì không đạt ước mơ của mình mà các bậc phụ huynh vô tình “đánh mất con mình”.

Nước ta hàng năm có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp, cái tâm lý thích làm “thầy” đang làm cho các kỳ thi trở nên căng thẳng hơn.  Không ít cử nhân đã phải bỏ bằng đại học khi đi xin việc, hoặc phải quay trở lại học nghề.

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động nghề rất lớn, phần lớn các địa phương đều có khu công nghiệp.

Vì thế học nghề là một phương án không tồi cho bất cứ sĩ tử nào muốn có cuộc sống ổn định sau này.

Vì thế, trượt đại học chưa phải là điều gì ghê gớm, biết đâu đó là cơ hội cho tương lai của các em.                                                                

Sơn Quang Huyến