Giao bài tập Tết như thế này, cả thày trò lẫn phụ huynh đều hào hứng

12/02/2021 06:17
Đình Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Tết là học kỳ về gia đình, là học kỳ về nữ công gia chánh, là những bài học về sự sẻ chia chứ không còn là những bài tập toán hay là những bài tập làm văn”.

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa – Vũng Tàu và Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình đã có chủ trương yêu cầu các đơn vị trực thuộc không giao bài tập về nhà cho học sinh khi nghỉ Tết Nguyên đán.

Mục đích là tạo điều kiện cho phụ huynh, học sinh và sinh viên sum họp gia đình, đón Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi, nghỉ ngơi và vui chơi giải trí lành mạnh, an toàn.

Sau khi chủ trương từ 2 Sở Giáo dục này được công bố, bên cạnh những ý kiến đồng tình cũng có không ít những ý kiến cho rằng vẫn phải giao bài tập về những môn khoa học cơ bản dịp Tết cho học sinh.

Theo luồng quan điểm này, nếu không giao bài cho học sinh, ra Tết chất lượng học tập đi xuống thì trách nhiệm sẽ lại thuộc về giáo viên.

Với một năm học đầy biến động, ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh, nhiều trường học đã có những sáng kiến về các bài tập Tết đặc biệt để tạo động lực và hứng khởi cho học sinh.

Phiếu bài tập Tết đặc biệt của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, phường Cát Dài, quận Lê Chân (Hải Phòng). Ảnh: Đình Hùng

Phiếu bài tập Tết đặc biệt của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, phường Cát Dài, quận Lê Chân (Hải Phòng). Ảnh: Đình Hùng

“Ngày 29 Tết, hãy bắt đầu cùng bố mẹ dọn dẹp nhà cửa. Ngày 30 Tết, hãy cùng gia đình chuẩn bị mâm cơm tất niên. Ngày mùng 1 Tết, hãy ôm thật chặt và nói lời yêu thương với những thành viên trong gia đình mình”, đó là nội dung bài tập Tết mà Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, phường Cát Dài, quận Lê Chân (Hải Phòng) đã giao cho học sinh trước khi nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương.

Một năm học đặc biệt đi kèm theo đó cũng là những bài tập đặc biệt khi mà trẻ học cách trân trọng những giây phút bên gia đình của mình.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, phường Cát Dài, quận Lê Chân (Hải Phòng) cho biết những bài tập Tết này xuất phát từ mong muốn trang bị thêm cho học sinh những kiến thức về kỹ năng sống:

“Nhiều năm nay, ở Hải Phòng có quy định không giao những bài tập về những môn kiến thức khoa học cơ bản cho học sinh dịp Tết.

Để tuân thủ theo đúng chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cũng như mong muốn học sinh có những bài tập Tết để gắn kết yêu thương, trang bị thêm kỹ năng sống, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố đã đưa ra những bài tập đặc biệt này”.

Cô Thắm chia sẻ thêm: “Nội dung của những bài tập này đều gắn liền với đời sống hàng ngày, ví dụ như: Học sinh tham gia giúp đỡ bố mẹ dọn dẹp việc nhà, chuẩn bị một bữa cơm; Nhớ lại một truyền thống ngày lễ Tết của cha ông, sự sum họp của gia đình trong những ngày được nghỉ”.

Trong thời gian nghỉ kéo dài, việc học không chỉ đơn thuần là kiến thức mà còn là những giá trị sống cần hun đúc, tại thành phố Cần Thơ, Trường Tiểu học Ngô Quyền đã lựa chọn hình thức bài tập giao về cho học sinh dịp Tết này là những món ăn cổ truyền tại địa phương.

Học sinh được học những công thức, cách làm để có thể tự chế biến ngay tại nhà cho các thành viên trong gia đình.

Cô Lương Thị Thùy Dung, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền (Cần Thơ) cho biết: “Có thể ở nhà, bố mẹ sẽ sợ học sinh không thể làm được những món ăn này nên sẽ làm thay.

Với bài tập Tết là thực hành làm những món ăn cổ truyền tại địa phương, học sinh sẽ được trợ giúp để nấu những món ăn này.

Từ đó, bố mẹ cũng sẽ vui mừng vì con mình đã làm được những món ăn ngon để trong những lúc hội họp cả gia đình cùng thưởng thức”.

“Thời gian nghỉ tết năm nay, nhiều trường định hướng giáo viên không gây áp lực, tạo không khí nặng nề đối với học sinh bằng những bài tập về nhà.

Những bài tập về kỹ năng sống đặc biệt này sẽ tạo khoảng thời gian nghỉ Tết thật vui vẻ và thoải mái. Có như vậy mới tạo động lực và hứng khởi cho học sinh bắt nhịp lại với việc học sau Tết”, cô Dung nhấn mạnh.

Đình Hùng