Hạng II cũ sang hạng III mới vẫn giữ hệ số lương, thầy cô bận tâm làm gì

23/10/2021 07:42
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên đang hưởng lương theo bậc, hệ số chung giống như mọi ngành nghề thuộc lĩnh vực công lập khác thì giờ đây chẳng có lý do gì để lương giáo viên xếp khác.

Ngày 02/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường từ mầm non đến trung học phổ thông công lập.

Tiếp theo, ngày 12/3/2021, Bộ đã ban hành Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập thì chuyện chuyển hạng, xếp lương giáo viên.

Vì thế, sự việc này đã được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh và giáo viên bàn tán khá nhiều trên các diễn đàn.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, có nơi đã và đang xét chuyển hạng cho giáo viên nhưng cũng có nhiều địa phương chưa triển khai công việc này, mọi chuyện vẫn đang im lìm, chưa có gì thay đổi so với trước đây.

Rất khó để giáo viên hưởng lương mới theo chùm Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT (Ảnh minh họa: VOV.vn)

Rất khó để giáo viên hưởng lương mới theo chùm Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT

(Ảnh minh họa: VOV.vn)

Chính vì thế, chúng tôi cho rằng chuyện lương giáo viên cũng sẽ chưa có gì mới nên giáo viên cũng không phải quá lo lắng, băn khoăn về chuyện chuyển hạng, xếp lương theo chùm Thông tư số 01, 02, 03 ,04/2021/TT-BGDĐT.

Hơn nữa, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa kết thúc vào ngày 7/10 vừa qua thì Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Rất khó để giáo viên được hưởng lương theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT trong lúc này

Một số giáo viên lo lắng về chuyện mình sẽ bị xuống hạng khi mà địa phương, nhà trường áp dụng chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT (theo từng cấp học) thì những thầy cô không đạt được các tiêu chuẩn theo quy định sẽ bị xuống hạng mà mình đang giữ.

Bởi, nếu soi vào những tiêu chuẩn của 4 Thông tư này thì nhiều giáo viên từ cấp mầm non đến trung học phổ thông công lập sẽ không đáp ứng được vì nhiều tiêu chuẩn quá cao, phải là những giáo viên cốt cán, tổ trưởng chuyên môn mới có thể đảm nhận các công việc cụ thể đối với giáo viên hạng II, hạng I.

Vậy nên, nhiều thầy cô lo mình sẽ không còn giữ được hạng như hiện nay (chủ yếu là hạng II) mà phải xuống hạng III theo Thông tư mới.

Tuy nhiên, nếu so sánh hệ số lương hạng II cũ (Thông tư liên tịch 21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) so với hệ số lương hạng III mới (Thông tư 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT) thì hệ số cũng như nhau, có khác gì đâu.

Hạng II cũ hay hạng III mới thì cũng hưởng hệ số lương từ 2,34 đến hệ số lương 4,98 thì giáo viên bận tâm làm gì. Hơn nữa, muốn thực hiện được bảng lương mới thì phải có sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan, ban ngành chứ mình Bộ Giáo dục làm sao có thể quyết định được việc này.

Nếu nhìn lại Thông tư liên tịch 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV trước đây cũng xếp hạng, xếp lương rầm rộ nhưng cuối cùng về cơ bản thì lương giáo viên cũng có thay đổi gì đâu.

Giáo viên vẫn hưởng lương theo bậc, hệ số chung giống như mọi ngành nghề thuộc lĩnh vực công lập khác thì giờ đây chẳng có lý do gì để lương giáo viên xếp khác.

Vì thế, theo quan điểm của chúng tôi thì đội ngũ thầy cô giáo ở các cấp học, đặc biệt là giáo viên phổ thông cũng không cần thiết phải lo lắng về chuyện chuyển hạng, xếp lương theo chùm Thông tư mới làm gì.

Hãy đợi thời điểm áp dụng đề án trả lương theo vị trí việc thì lúc đó mới hy vọng lương giáo viên sẽ có những thay đổi cơ bản so với hiện nay.

Tiếp tục lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 được Ban Chấp hành Trung ương ban hành tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, thời điểm thực hiện chính sách cải cách tiền lương là ngày 1/7/2021.

Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp nêu rõ: Từ năm 2021 sẽ áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Theo đó, đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công), thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Thế nhưng, tại Hội nghị lần thứ 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã quyết định lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương đến ngày 1/7/2022, thay vì năm 2021 theo Nghị quyết 27-NQ/TW.

Và, mới đây nhất, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa kết thúc vào ngày 7/10/2021 vừa qua thì Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định tiếp tục lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Như vậy, chúng ta dễ dàng nhìn thấy là lương cán bộ, công chức, viên chức nói chung và lương giáo viên nói riêng sẽ chưa có những thay đổi đáng kể trong thời gian tới đây bởi ai cũng nhìn thấy rất rõ là dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội và nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Vì thế, chúng tôi cho rằng các địa phương, các nhà trường có chuyển hạng, xếp lương cho giáo viên cấp mầm non đến trung học cơ sở theo hướng dẫn của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT trong thời điểm này thì vẫn khó thực hiện việc áp dụng bảng lương mới. Đó là một thực tế mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy trong bối cảnh hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

https://www.vietnamplus.vn/lui-cai-cach-tien-luong-vi-chua-dap-ung-cac-dieu-kien-can-va-du/747694.vnp

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN