Học nghề phổ thông toàn đối phó, bỏ ưu tiên cộng điểm là đúng

10/01/2018 07:22
Bùi Minh Tuấn
(GDVN) - Việc bỏ quy định học nghề để chỉ để nhận “điểm thưởng” này, việc tuyển sinh vào lớp đầu cấp bậc trung học phổ thông sẽ đảm bảo công bằng và khách quan hơn.

LTS: Bày tỏ quan điểm trước việc Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ quy định cộng điểm nghề trong tuyển sinh vào lớp 10, thầy Bùi Minh Tuấn đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Đồng thời, thầy Bùi Minh Tuấn cũng thẳng thắn cho rằng, quy định này nên thực hiện từ lâu chứ không phải đợi đến thời điểm hiện tại, nhưng dù sao, muộn còn hơn không.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Trong đó có quy định, không sử dụng kết quả các cuộc thi do các địa phương, đơn vị tổ chức làm căn cứ tuyển sinh đầu cấp.

Như vậy, khi Quy chế mới chính thức được thông qua, học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ở cấp trung học cơ sở sẽ không còn được cộng điểm khuyến khích khi tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ quy định cộng điểm nghề trong tuyển sinh vào lớp 10 (Ảnh minh họa: TTXVN).
Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ quy định cộng điểm nghề trong tuyển sinh vào lớp 10 (Ảnh minh họa: TTXVN).

Với tình trạng học nghề, thi nghề phổ thông đã diễn ra ở như thời gian qua, cá nhân tôi cho rằng, lẽ ra quy định này nên thực hiện từ lâu chứ không phải đợi đến thời điểm hiện tại, nhưng dù sao, muộn còn hơn không.

Việc học và thi nghề phổ thông được tổ chức nhằm mục tiêu giúp học sinh bổ sung thêm các kỹ năng thực tế bên cạnh việc học kiến thức các môn văn hóa.

Ngoài ra, mục đích quan trọng khác của chương trình dạy nghề ở cấp trung học cơ sở còn để phân luồng học sinh phổ thông sang đào tạo nghề, góp phần giải quyết tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Tuy nhiên, thực tế dạy, học và tổ chức các kỳ thi nghề trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập khiến cho những mục tiêu trên khó có thể đạt được.

Theo quy định hiện hành, trong khung phân phối chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh bậc trung học cơ sở bắt đầu được học nghề từ cuối năm lớp 8.

Ngoài ra, học sinh còn được học hai môn Công nghiệp và Hướng nghiệp. Tuy nhiên, nội dung của các môn học này còn có những điểm tương đồng, thậm chí còn chồng chéo lên nhau.

Các nghề để học sinh lựa chọn khá phong phú, gồm: Điện, tin học, trồng trọt, may vá… Lý thuyết là vậy, nhưng phần lớn học sinh không thể học nghề mình thích mà thường phải theo “số đông” do nhà trường sắp xếp.

Có đơn vị trường học, trong suốt nhiều năm chỉ cho học sinh đăng ký học hai nghề là nghề điện và nghề trồng trọt.

Học nghề phổ thông toàn đối phó, bỏ ưu tiên cộng điểm là đúng ảnh 2Hướng nghiệp cấp 3: Nền tảng bền vững cho sự nghiệp

Điều đáng nói là, có rất ít học sinh trung học cơ sở sử dụng những kiến thức thu nhận được từ việc học nghề trong nhà trường để có thể lập nghiệp trong tương lai.

Đa số học sinh đều mong muốn học lên trung học phổ thông và sau đó sẽ cố gắng thi vào một trường đại học, cao đẳng nào đó.

Những học sinh có học lực yếu cũng bằng mọi cách để theo học lên trung học phổ thông hệ ngoài công lập. Việc học nghề vì thế dường như chỉ để biết, mang nặng tính hình thức, đối phó.

Do tham gia học nghề theo kiểu lấy lệ, đối phó, không ít học sinh được cấp giấy chứng chỉ nghề loại khá, giỏi hẳn hoi nhưng không bao lâu sau, những kiến thức thu được từ lớp học nghề đã “rơi rụng” hết.

Chương trình dạy nghề được nhiều đơn vị trường học áp dụng nhìn chung còn mang nặng tính lý thuyết, điều kiện cơ sở vật chất để học sinh thực hành chưa đảm bảo.

Do đó, tình trạng dạy “chay”, học “chay” là khá phổ biến, điều này đã tạo cho học sinh tâm lý bị động, không có hứng thú đối với các tiết học nghề.

Bên cạnh đó, hiện nay, việc bố trí giáo viên chuyên trách dạy nghề trong các trường trung học cơ sở gặp rất nhiều khó khăn.

Các giáo viên bộ môn Vật lý, Kỹ thuật, Sinh học, Công nghệ thường được phân công “kiêm” luôn việc dạy nghề. Do dạy trái chuyên môn, chưa từng được đào tạo bài bản về chương trình dạy nghề, chất lượng giảng dạy vì thế khó có thể đảm bảo.

Giáo viên thì do sức ép từ trách nhiệm được phân công mà phải lên lớp, học sinh thì không mặn mà, hứng thú với việc học nghề nhưng vì sao việc học và thi nghề ở các trường trung học cơ sở vẫn được duy trì bấy lâu nay?

Câu trả lời đơn giản là do học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông sẽ được cộng điểm khuyến khích khi tham gia tuyển sinh vào lớp 10 bậc trung học phổ thông.

Đối với những học sinh cuối bậc trung học cơ sở có học lực yếu hoặc trung bình, khi tham gia kỳ thi chuyển cấp, để có được thêm 1 điểm trong các môn thi Toán hoặc Ngữ văn không phải là điều dễ dàng nhưng chỉ cần có chứng chỉ nghề loại khá hoặc giỏi là có thể được cộng từ 1 đến 1,5 điểm. Thậm chí, có địa phương còn “mạnh tay” cộng tới 2 điểm đối với học sinh có chứng chỉ nghề loại giỏi.

Học nghề phổ thông toàn đối phó, bỏ ưu tiên cộng điểm là đúng ảnh 3Học nghề phổ thông chệch mục tiêu, gánh nặng tốn kém cho học sinh

Ngoài những tồn tại trong công tác dạy và học nghề, việc tổ chức thi nghề phổ thông hiện nay cũng đang có nhiều bất cập.

Để tổ chức được một kỳ thi nghề, những người có trách nhiệm phải triển khai một khối lượng công việc lớn với chi phí không phải là nhỏ cho việc ra đề thi, thành lập hội đồng coi thi, thanh tra thi, hội đồng giám khảo chấm thi lý thuyết, thực hành…

Trong khi đó, hiệu suất công việc của các bộ phận được phân công là chưa cao, nhất là bộ phận giám thị coi thi và thanh tra thi. Không ít người còn mang nặng tâm lý cả nể, dễ dãi, muốn “tạo điều kiện” cho học sinh có thêm một vài điểm khuyến khích nên việc thực hiện quy chế thi chưa nghiêm.

Cũng bởi vậy tỷ lệ học sinh vượt qua kỳ thi nghề và có giấy chứng chỉ nghề của các trường thường đạt từ 99-100%, phần lớn đều xếp loại khá, giỏi.

Học đối phó, thi hình thức và dễ dàng có được giấy chứng chỉ nghề cho mục tiêu cộng điểm khuyến khích, nhiều học sinh và các bậc phụ huynh xem nhẹ “ra mặt” đối với việc học và thi nghề cũng là điều dễ hiểu.

Một số phụ huynh, học sinh “có lợi” từ việc cộng điểm khuyến khích khi có chứng chỉ nghề trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có thể cảm thấy nuối tiếc khi Quy chế mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo được thông qua.

Mặc dù vậy, với tình trạng học nghề, thi nghề ở cấp trung học cơ sở đã diễn ra ở như thời gian qua, cá nhân tôi cho rằng, lẽ ra quy định bỏ cộng điểm khuyến khích này nên thực hiện từ lâu chứ không phải đợi đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, muộn còn hơn không.

Việc bỏ quy định học nghề để chỉ để nhận “điểm thưởng” này, việc tuyển sinh vào lớp đầu cấp bậc trung học phổ thông sẽ đảm bảo công bằng và khách quan hơn.

Bùi Minh Tuấn