Nếu môn Văn không từ từ chết thì xã hội ít phải chứng kiến những chuyện đau lòng

14/10/2017 07:11
Thanh An
(GDVN) - Môn Văn đã mất dần vị thế trong đời sống con người hiện đại. Những giá trị cốt lõi nhất của con người, của xã hội bỗng trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

LTS: Ngữ Văn là môn học vô cùng quan trọng trong chương trình giáo dục tại các nhà trường.

Tuy nhiên, hiện nay số lượng các em học sinh không thích học Văn hoặc học một cách đối phó đang ngày càng gia tăng.

Nhằm chỉ ra nguyên nhân, và sự nguy hại của việc xem nhẹ tầm quan trọng của việc học môn ngữ Văn, thầy giáo Thanh An đã gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong các môn học về kiến thức phổ thông ở nhà trường hiện nay không có môn học nào lại theo chúng ta đi hết cả cuộc đời như môn ngữ Văn

Vì thế, người xưa thường nói: “Văn là người”. Người học Văn mà thẩm thấu được những giá trị của văn chương sẽ có nhiều cảm xúc trước vạn vật. 

Từ đó, chúng ta biết yêu thương và trân trọng cái đẹp, biết ghét rồi từ bỏ cái xấu, biết cảm thông chia sẻ với mọi người, với xã hội để rồi có thể biết dừng lại trước cái ác mà hướng tới cái tốt, làm những điều tốt đẹp cho đời, cho xã hội.

Những năm gần đây, chúng ta phải chứng kiến nhiều chuyện đau lòng từ sự vô cảm của học trò và kể cả những người lớn tuổi. Cái ác lên ngôi, cái tốt bị ngờ vực. 

Hiện nay, môn ngữ Văn đang mất dần vị thế quan trọng của mình (Ảnh minh họa: giaoduc.edu.vn).
Hiện nay, môn ngữ Văn đang mất dần vị thế quan trọng của mình (Ảnh minh họa: giaoduc.edu.vn).

Chưa bao giờ chúng ta hết đau đớn khi những người lớn chen lấn nhau để xem những phụ nữ đánh nhau, lột đồ của nhau vì ghen tuông, hay những em học sinh đứng vỗ tay, cổ vũ, reo hò cho bạn bè đánh nhau một cách thích thú. 

Rồi, biết bao những vụ án đau lòng, biết bao những cán bộ, công chức tha hóa, tham lam và hoang phí. Tất cả vì đâu, nếu không phải là tình yêu, trách nhiệm, đạo đức của một bộ phận con người hiện đại đang mai một dần?

Tại sao, trong những năm kháng chiến đã có hàng triệu thanh niên xung phong ra mặt trận dù họ biết rằng mình đang đi vào cõi chết?.

Những câu thơ của Tố Hữu hay của nhiều văn nghệ sĩ lúc bấy giờ đã có sức lay động, thôi thúc những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi đang tràn đầy nhựa sống sẵn sàng đến với bom đạn ở những chiến trường ác liệt nhất.

Khi đó, đời sống văn chương khá phong phú, người yêu văn chương rất nhiều. Mỗi đầu sách xuất bản hàng mấy chục nghìn bản, những quyển sách được truyền tay nhau đọc đến nhàu nát mà vẫn thích thú, say mê.

Giờ đây, chỉ có một số nhà văn, nhà thơ lớn mới dám xuất bản đầu sách của mình đến con số hàng nghìn. Còn lại, đa số các đầu sách xuất bản vài trăm cuốn và chủ yếu là để tặng nhau làm…kỉ niệm.

Nếu môn Văn không từ từ chết thì xã hội ít phải chứng kiến những chuyện đau lòng ảnh 2

Học văn là học chơi với chữ

Song, có nhiều người nhận sách biếu xong gần như không đọc, nhiều khi ta còn thấy những quyển sách còn mới nguyên mùi sách và chữ kí của tác giả kí tặng nhưng lại nằm ở các vựa phế liệu.

Còn nhớ những năm trước đây, chương trình đọc truyện đêm khuya đã lôi cuốn nhiều người thức để chờ nghe, hay chương trình tiếng thơ lúc 10 giờ đêm là sự háo hức chờ đợi của bao người. 

Nhiều trường từ cấp 3 trở lên thường mời các nhà văn, nhà thơ đến nói chuyện văn chương. Người nghe như nuốt từng lời của các diễn giả. 

Những bài văn của học sinh lúc bấy giờ cũng được viết bằng những cảm xúc thật, chứ không phải là những bài văn gượng gạo, chắp vá từ cách sao chép văn mẫu giống bây giờ.

Đời sống văn chương bây giờ thật ngậm ngùi, đâu còn mấy người yêu văn chương nữa. 

Mỗi tỉnh có một tạp chí văn học in vài trăm bản tặng hội viên và tuyệt nhiên gần như không thể bán được ngoài thị trường. Kinh phí phải lấy từ ngân sách địa phương để duy trì sự hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật.

Trong nhà trường thì môn Văn không được chú trọng. Sách giáo khoa cùng với các hướng dẫn giảng dạy, ra đề kiểm tra thì cứng nhắc, máy móc. Môn Văn phải cõng trên lưng rất nhiều thứ “tích hợp” vô hồn.

Nhiều giáo viên dạy Văn mà không một chút mảy may đam mê, trong những giờ đứng lớp không có sự bay bổng, lãng mạn như bản chất của môn học. Những tiết dạy Văn nhàn nhạt, đều đều đến… buồn ngủ.

Học trò cứ đến giờ Văn là sợ, sợ phải chép bài nhiều, sợ phải trả bài, sợ phải kiểm tra vì có quá nhiều cột điểm. Vì thế, cứ đến giờ kiểm tra là học sinh lên mạng tìm văn mẫu để chuẩn bị trước. 

Nhiều phụ huynh thì mải lo định hướng cho tương lai của con em mình bằng những ngành nghề gắn liền với các môn học tự nhiên.

Trong các trường phổ thông, nhiều em học sinh có năng khiếu văn chương thì không thi vào văn chương, không vào đội tuyển học sinh giỏi môn Văn. 

Bởi, theo cách lí giải của các em, của thời hiện đại là học Văn cho vui thôi chứ theo đuổi với môn học này thì sau này ra trường khó xin việc và công việc cũng không đem lại một cuộc sống đầy đủ. 

Nếu môn Văn không từ từ chết thì xã hội ít phải chứng kiến những chuyện đau lòng ảnh 3

Sự thật là học trò học Văn chỉ để thi, không vì một mục đích nào khác

Vì thế, trong trường có em nào ôn thi học sinh giỏi môn Văn cũng chịu nhiều áp lực.

Có những giáo viên khi biết tôi đang ôn học sinh giỏi cho một vài em thì nói với tôi rằng: “Con bé A học được nhiều môn mà đi ôn Văn thì thật phí”. Nghĩ mà thật buồn…

Môn Văn đã từ từ chết yểu một cách không thể nào cứu vãn trong ngày một, ngày hai. Một sự thất bại khi nhiều người Việt không rành tiếng Việt và hiểu cặn kẽ được cái hay, cái đẹp của tiếng mẹ đẻ.

Sự lơ là hoặc coi thường môn Ngữ văn đã được báo động từ nhiều năm nay nhưng vẫn không cải thiện được nhiều. 

Môn Văn đã mất dần vị thế trong đời sống con người hiện đại. Những giá trị cốt lõi nhất của con người, của xã hội bỗng trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Phải chăng đó là sự khởi nguồn cho những cái xấu, cái ác lên ngôi?

Ngày trước, đất nước còn khó khăn, thậm chí là phải đương đầu với các thế lực xâm lược bên ngoài mà lòng người yên ổn. Đạo đức con người, xã hội luôn được phát huy những giá trị của đạo đức truyền thống.

Bây giờ, đất nước hòa bình, vậy mà nhiều người không biết quí trọng những máu xương mà cha anh mình đã đổ xuống.

Nhiều quan chức thì tham lam, tha hóa chỉ biết lợi ích của riêng mình, của người thân mình. Nhiều người thì sẵn sàng chà đạp lên nhau để sống. Nhiều người bán rẻ nhân cách của mình để chạy theo đồng tiền.

Môn Ngữ văn đang đứng ở đâu trong đời sống hiện đại thì ắt mọi người đã biết, đã rõ. Muốn xã hội tốt phải bắt đầu từ những con người tốt, như cố nhà giáo Văn Như Cương đã từng nói:

“Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kĩ thuật có chuyên môn, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc. Nhưng trước hết phải là người tử tế”.

Vậy nhưng, môn Văn đang mất dần vị thế của mình, đang bị học trò và mọi người quay lưng, ngoảnh mặt - một nỗi buồn đang hiện hữu ở thời hiện đại!

Thanh An