Nếu tốn kém thì nên tư nhân hóa hoặc cổ phần hóa trường chuyên

29/06/2020 07:18
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu ngân sách cứ cố giữ mà không trụ nổi thì cần có sự tham gia của các tầng lớp xã hội để đào tạo nhân tài.

Những ngày gần đây xung quanh việc có nên tồn tại mô hình trường chuyên, học chuyên có nhiều quan điểm trái chiều.

Chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, một nhà giáo (đề nghị không nêu tên), từng công tác tại Viện khoa học giáo dục Việt Nam đã nói về cơ sở thực tiễn hình thành lớp chuyên, trường chuyên.

Vào những năm 1964, 1965 của thế kỉ XX, nhận được sự quan tâm, đồng ý của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại học Tổng hợp đã thành lập lớp Toán đặc biệt đầu tiên năm 1965 mà sau này chúng ta quen gọi là “lớp chuyên”.

Giữa lúc cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ bước sang giai đoạn vô cùng khốc liệt trên cả hai miền Nam, Bắc, sự ra đời của lớp chuyên Toán đầu tiên đã chứng tỏ, việc đào tạo học sinh năng khiếu, học sinh giỏi đã được quan tâm đặc biệt.

Đặc biệt, kết quả thật không ngờ khi học sinh lớp chuyên đó đi dự thi Olympic Toán học, đây là lần đầu tiên Việt Nam dự thi và đạt kết quả ngoài sức tưởng tượng có huy chương vàng, nhiều huy chương bạc, đồng.

Nếu tốn kém thì nên tư nhân hóa hoặc cổ phần hóa trường chuyên (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: VTV)

Nếu tốn kém thì nên tư nhân hóa hoặc cổ phần hóa trường chuyên (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: VTV)

Và từ cái mốc lớp chuyên Toán đầu tiên ấy, lúc đó người ta nghĩ đến việc nên chăng có thể đưa ra hình thức tổ chức, lớp học như thể để tập hợp những học trò ham học Toán vào cùng một lớp để giảng dạy.

Sau đó thành phố, địa phương, trường đại học đua nhau mở trường chuyên, hình thành hệ thống trường chuyên, không dừng lại ở trung học phổ thông mà phát triển ra cả ở bậc trung học cơ sở thậm chí tiểu học.

Trước tình hình hệ thống trường chuyên dày đặc như vậy, và có chiều hướng vận hành không đúng mục đích nên Trung ương Đảng đặt vấn đề xem xét lại.

Và cuối cùng ra Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII trong đó nêu rõ “không tổ chức trường chuyên ở tiểu học và trung học cơ sở, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật và thể thao”.

Như vậy có thể thấy dù câu chuyện có nên tồn tại trường chuyên hay không đã được đưa ra thảo luận từ năm 1996 (tức là sau 32 năm hình thành, phát triển) nhưng Ban chấp hành Trung ương lúc đó vẫn quyết định cuối cùng là vẫn giữ trường chuyên ở bậc trung học phổ thông, chỉ bỏ trường chuyên ở bậc tiểu học, trung học cơ sở.

Dần dần, từ đó chúng ta xác định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”

Và bồi dưỡng nhân tài bằng cách nào thì trường chuyên là một trong cách thức.

Tuy nhiên không phải mọi học sinh học trường chuyên ra trường đều là nhân tài nhưng ít nhất qua môi trường trường chuyên với điều kiện như vậy, tố chất như thế giúp xã hội có niềm tin rằng có thể em đó sẽ có khả năng trở thành nhân tài.

Nhưng sau đó hệ thống trường chuyên đã chen vào đó những hiện tượng tiêu cực, nếu như ở nước ngoài người ta gọi là trường năng khiếu tức là thấy học trò giỏi về lĩnh vực nào thì đào tạo sâu về lĩnh vực đó tuy nhiên ở ta thì tìm học trò giỏi ở bộ môn tức là chuyên Toán, chuyên Lý, chuyên Hóa, chuyên Văn, chuyên Sử…

Cứ như vậy đã hình thành hệ thống trường chuyên rất bề thế, đủ các khoa, đủ các môn.

Khi chỉ có môn Toán thì nhà trường chỉ cần đội ngũ giáo viên Toán dạy giỏi là được nhưng trên cơ sở khi học Toán không cần thiết bị gì thì khi có thêm Lý, Hóa thì hệ thống thiết bị thí nghiệm phải được trang bị từ đó đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải giỏi và trang thiết bị phải khác trường đại trà, cùng với đó là chế độ chính sách phải thay đổi.

Thầy giáo họ không thể dạy ở trường chuyên giống thể điều kiện cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ….như trường thường, buộc nhà quản lý phải đổi thay điều kiện trong nhà trường làm cho nó khác với các trường thường.

“Điều này không sai nhưng ta quản lý, vận hành trường chuyên làm người ta cảm thấy như biệt lập với hệ thống bên ngoài và cảm thấy người học ở đó được đối xử, được đào tạo trong hệ điều kiện khác với đa số. Đó chính là điều khiến nhiều người nghĩ tới công bằng xã hội”, nhà giáo này nêu quan điểm.

Ngoài ra, tuyển sinh đầu vào ở trường chuyên là khâu nhiều tiêu cực bởi nếu tuyển theo năng khiếu là chuyện rất khác, nhưng ở ta ai có điều kiện chuẩn bị cho con cái từ trước và có điều kiện chạy chọt đằng sau thì lại đỗ chứ những cháu thực sự có năng lực thì không được vào.

Thậm chí nhiều người cố "nhét" con bằng được vào trường chuyên để con đường đi du học nhanh hơn.

Điều này tạo nên sự bực bội, làm mờ đi mục đích cao cả ban đầu của trường chuyên, thậm chí làm cho vai trò trường chuyên bị biến dạng đi.

“Theo tôi, chủ trương phát triển, bồi dưỡng nhân tài để nhân tài phát triển là chủ trương đúng nhưng nhân tài phải bắt đầu từ năng khiếu tức là nhận ra năng khiếu, đào tạo năng khiếu, nâng niu năng khiếu để phát triển nó thì phải có điều kiện riêng, nhưng do ta không đi đúng tinh thần năng khiếu”.

Phàm là nhân tài thì tuyển chọn, đào tạo, phát triển là việc nhà nước nào cũng làm tuy nhiên họ có nguyên tắc để tuyển chọn chứ không như ở ta.

Học trò không em nào giống em nào từ quan điểm, hứng thú, sở thích… do đó chỉ có thể cào bằng ở một mức nào đó sau đó phải phân hóa để có điều kiện phát triển năng lực cho các em. Theo nhà giáo này, ở nước ngoài họ có nguyên tắc phân hóa học sinh theo 2 cách:

Một là, dạy đồng loạt trong lớp nhưng chú ý tới từng đối tượng học sinh: yếu, kém, trung bình, khá, giỏi. Tuy nhiên cách này thường khó.

Hai là tổ chức riêng những học sinh khá, giỏi và thấy cách này thích hợp, hiệu quả.

Do đó với chính sách bồi dưỡng nhân tài và phân hóa học trò thì trường chuyên có lí do để tồn tại.

Tuy nhiên, đừng nên đặt chuyện bán – buôn trường chuyên vì như vậy sẽ có cảm giác như nhân tài, tài năng bị mang ra chợ búa, hơn nữa, hệ thống trường chuyên tồn tại gần 6 thập kỉ đến nay thì chắc chắn phải có lý do hợp lý, nếu không đã bị dẹp lâu rồi.

Dù đúng là chưa công bằng nhưng nếu quản lý tốt đều có thể làm được khi có quan điểm đúng đắn về mục đích, đào tạo và đặc biệt ngăn chặn được tiêu cực.

“Giải tán trường chuyên hệ lụy rất lớn, tôi chắc không Bộ trưởng nào dám làm”, vị này nhấn mạnh.

Đến một lúc nào đó đòi hỏi rất cao trong đào tạo nhân tài từ đội ngũ giáo viên, trang thiết bị… thì hãy tư nhân hóa, cổ phần hóa bởi nếu ngân sách cứ cố giữ mà không trụ nổi thì cần có sự tham gia của các tầng lớp xã hội để đào tạo nhân tài.

Theo tìm hiểu của phóng viên Giáo dục Việt Nam, dù Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, đã khẳng định rõ là không có trường chuyên ở bậc trung học cơ sở tuy nhiên trong khi các trường trung học cơ sở công lập khác của Hà Nội đều tuyển sinh theo tuyến thì riêng trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam hệ trung học cơ sở được tuyển sinh toàn thành phố.

Việc tuyển sinh này không khác gì với hệ chuyên trung học phổ thông.

Trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam hệ trung học cơ sở được tuyển sinh toàn thành phố (Ảnh chụp màn hình)

Trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam hệ trung học cơ sở được tuyển sinh toàn thành phố (Ảnh chụp màn hình)

Dù quy định và chính sách hiện hiện hành không công nhận trường chuyên lớp chọn ở bậc trung học cơ sở, nhưng xã hội và phụ huynh nghiễm nhiên mặc định "khối trung học cơ sở Chuyên Hà Nội - Amsterdam" đó là trường chuyên, tạo nguồn cho hệ chuyên cấp trung học phổ thông.

Ngày 17/3/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu chỉ đạo các trường tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6.

Theo văn bản chỉ đạo, các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc “không tổ chức trường chuyên ở Tiểu học và Trung học cơ sở, trừ các trường năng khiếu nghệ thuật và thể thao”.

Thùy Linh