Phụ huynh bắt đầu chóng mặt với các khoản thu đầu năm

10/09/2017 06:16
Phan Tuyết
(GDVN) - Nói đến tiền trường đầu năm hầu như phụ huynh nào cũng cùng chung một tâm trạng lo lắng, áp lực vì sợ gia đình không đủ tiền đóng học cho con.

LTS: Năm học mới đã bắt đầu, và đó đây chuyện lạm thu đã lại xuất hiện.

Đặc biệt, khi hai loại tiền bảo hiểm lại tăng cao so với những năm trước.

Và đây là câu chuyện của cô giáo Phan Tuyết chia sẻ với mọi người về tiền trường và sự khủng hoảng với các khoản thu đầu năm của các vị phụ huynh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nói đến tiền trường đầu năm hầu như phụ huynh nào cũng cùng chung một tâm trạng lo lắng, áp lực vì sợ gia đình không đủ tiền đóng học cho con

Khoan hãy nói đến những khoản tiền lạm thu “trời ơi đất hỡi” của một số trường, chỉ tính riêng những khoản tiền phải đóng một cách “quang minh chính đại” của đại đa số các trường học thì phụ huynh cũng đủ kêu đất, than trời. 

Bởi, nhiều khoản tiền tăng gấp nhiều lần so với những năm trước đây đặc biệt là hai loại tiền bảo hiểm. 

Các khoản thu của học sinh khiến nhiều phụ huynh phải hoang mang (Ảnh chụp màn hình từ phóng sự của kênh VTV1).
Các khoản thu của học sinh khiến nhiều phụ huynh phải hoang mang (Ảnh chụp màn hình từ phóng sự của kênh VTV1).

Tiền bảo hiểm liên tục tăng

Nếu trong năm học 2010-2011 thu bảo hiểm y tế cho học sinh là 142.000 đồng, bảo hiểm thân thể 35.000 đồng. 

Năm học 2012-2013 là 289.800 đồng, bảo hiểm thân thể 75.000 đồng thì năm 2016-2017 đã tăng lên 457.380 đồng, bảo hiểm tai nạn 152.000 đồng.

Năm học 2017-2018 học sinh lại phải đóng tiền mua bảo hiểm y tế lên đến 689.000 đồng…

Nếu tính luôn tiền bảo hiểm tai nạn 187.000 đồng một học sinh tiểu học dù không phải đóng tiền học phí, tiền xây dựng trường thì số tiền các em buộc phải đóng cũng lên tới 876.000 đồng. 

Nhiều phụ huynh cứ ngỡ số tiền này đóng cho nhà trường nên thường lên gặp Hiệu trưởng để xin được miễn giảm. 

Sau khi biết được toàn bộ số tiền phải đóng cho con vào học đầu năm mà gọi chung là tiền trường thực ra chỉ là số tiền nhà trường thu hộ cho công ty bảo hiểm mà thôi.

Chị Thùy vốn là dân lao động tự do ngoài Thanh Hóa vào Đồng Nai buôn đồng nát rầu rĩ “vợ chồng tôi có hai cháu đang tuổi ăn học. 

Phụ huynh bắt đầu chóng mặt với các khoản thu đầu năm ảnh 2

Phụ huynh cần nắm chắc điều này để tránh bị nhà trường lạm thu

Đứa lớn học cấp 2 phải đóng tiền trường 1.500.000 đồng. Đứa em học tiểu học đóng gần 1 triệu, tôi chẳng biết xoay xỏa thế nào. 

Gia đình có làm đơn xin miễn giảm vì gia cảnh quá khó khăn nhưng cũng chẳng được bao nhiêu”. 

Khi chị được giáo viên giải thích “thực ra số tiền phải nộp nhiều như thế là do tiền hai cái bảo hiểm đội lên.

Ở bậc trung học cơ sở vì có tiền học phí khoảng 85-100.000 đồng/tháng nên nhà trường chỉ có thể xét miễn giảm cho số tiền này. Riêng tiền bảo hiểm thu của học sinh nhà trường phải nộp đủ”.

Chị Mai Thảo ở phường Tân Thiện thị xã La Gi có hai con học tiểu học, chị nói chồng đi biển, chị ở nhà chăm con nên chẳng thể chạy ra số tiền gần 2 triệu để đóng cho nhà trường. 

Đó là chưa kể tiền sách vở, áo quần, bút viết…chị phân trần “tôi phải đi vay tiền nóng về sắm sửa cho con” và nhất quyết không đóng tiền bảo hiểm. 

Chị cho rằng mấy năm trước “tôi có đóng đầy đủ bảo hiểm nhưng mỗi lần con bệnh không thể đưa lên viện khám vì phải chầu chực đợi phát thuốc hết trọn một buổi không thể đi làm được nên toàn phải mua thuốc ngoài tiệm bên ngoài cho nhanh”.

Giáo viên đã phải giải thích hết lời rằng “đóng bảo hiểm là bắt buộc và nhà trường đang thu giúp công ty bảo hiểm nên không có quyền miễn giảm cho ai”.

Quá nhiều khoản phải nộp

Ngoài khoản tiền bắt buộc phụ huynh phải đóng là hai loại bảo hiểm y tế và tai nạn ra, còn nhiều khoản tiền khác học sinh cũng phải nộp theo quy định của nhà trường

Phụ huynh bắt đầu chóng mặt với các khoản thu đầu năm ảnh 3

Nếu trường thu các khoản ngoài học phí, phụ huynh hãy "giơ" công văn này

Một phụ huynh ở Đồng Nai cho biết học sinh còn phải đóng tiền trang trí lớp học 100 ngàn đồng/em. Tiền mua rèm cửa, lát phòng học 150.000 đồng/em…

Học sinh vào lớp 1, lớp 6 và lớp 10 phải đóng tiền ghế ngồi chào cờ 30.000đồng, tiền ấn phẩm từ 30-50.000 đồng, tiền vệ sinh từ 10.000-50.000 đồng. 

Học sinh tiểu học không phải đóng học phí nhưng phải đóng tiền phụ trội buổi 2 (đối với trường 2 buổi). 

Nếu học sinh vùng nông thôn mức thu thường là 50.000 đồng em/tháng, vùng thành phố từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/em/tháng.

Ngoài ra, còn có các khoản tiền hội phí tự nguyện, tiền quỹ lớp. Một số trường tiểu học đưa mức sàn hội phí chung là 100.000 đồng, có trường 150.000 đồng. 

Theo một số phụ huynh đây là mức thu chấp nhận được. Nhiều trường bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông đưa mức sàn tối thiểu là 200.000 đồng trở lên.

Có trường phổ thông trung học chỉ riêng tiền quỹ lớp một năm đóng cũng gần 400.000 đồng/em. 

Có trường còn bày vẽ cả chuyện đồng phục từ cái cặp, áo khoác, mũ, nhãn vở, bút, thước, viết…

Chỉ nhẩm tính sơ sơ một học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông số tiền phải đóng lên tới gần 2 triệu đồng/em. Bậc tiểu học hơn 1 triệu đồng/em. 

Nếu gia đình có hai con đi học cũng sẽ gặp khó khăn nói gì đến những gia đình đông con. Chỉ tính số tiền phải nộp cho hai con đã gần 3 triệu đồng đó là chưa kể tiền đồng phục, sách vở, giày dép, bút viết…

Chia nhỏ khoản thu phụ huynh đỡ lo nhưng giáo viên mệt mỏi

Thông cảm với những nỗi lo toan của phụ huynh, nhiều trường học đã chia nhỏ số tiền học sinh phải đóng thành nhiều đợt. 

Điều này đã bớt đi gánh nặng tiền bạc đầu năm cho nhiều phụ huynh nghèo, tạo cho họ cơ hội cùng một lúc phụ huynh chăm lo cho các con được chu đáo hơn. 

Phụ huynh bắt đầu chóng mặt với các khoản thu đầu năm ảnh 4

Năm nay trường ấy đóng bao nhiêu?

Ngược lại, nó lại trở thành áp lực cho nhiều giáo viên chủ nhiệm. Bởi trong thực tế, không phải phụ huynh nào cũng tự nguyện đóng tiền đúng hạn. 

Không ít phụ huynh đến kì nộp tiền cho con lại tìm cách khất lần khất lữa, có người còn tắt cả điện thoại để giáo viên khó liên lạc. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho giáo viên. 

Có thầy cô hằng ngày lên lớp chưa kịp vào bài dạy đã lo sốt vó chuyện thu tiền. Thế rồi cái điệp khúc “hôm nay em nào nộp tiền” hay “về nhắc ba mẹ nộp tiền nghe con” lại được vang lên gióng giã trước mỗi tiết học. 

Phụ huynh luôn nói rằng nộp tiền trường quá cao. Nhưng số tiền nộp nhiều như thếchỉ là tiền thu hộ bảo hiểm.

Vậy nên để hạn chế gánh nặng tiền bạc đổ lên đầu thầy cô, đã đến lúc chúng ta cần tách riêng hai khoản tiền thu hộ bảo hiểm để trả về đúng vị trí của nó. 

Có nhất thiết hàng năm, cứ vào đầu năm học mới, học sinh đều buộc phải đóng tiền mua bảo hiểm hay không? 

Chúng ta đang áp dụng chính sách bảo hiểm toàn dân nên khi các xã phường triển khai việc mua bảo hiểm ở các hộ gia đình nên chăng vận động các gia đình mua luôn cho các em đang độ tuổi đến trường để giảm gánh nặng thu tiền cho thầy cô? 

Trả việc bán bảo hiểm về đúng cơ quan bảo hiểm sẽ tạo cho nhân viên bảo hiểm vận dụng hết khả năng đã được học tập của mình để tư vấn, vận động các gia đình mua bảo hiểm. 

Cũng nhờ đó mà họ biết lắng nghe những chia sẻ, những tâm tư nguyện vọng của khách hàng để điều chỉnh những bất cập và phục vụ người mua ngày một tốt hơn.

Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà.

Chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được các câu chuyện tấm gương người tốt việc tốt, những bài viết phản ánh hơi thở cuộc sống học đường từ các thày cô, các nhà quản lý giáo dục và các bạn học sinh sinh viên trên cả nước.

Các thông tin và bài viết, quý bạn đọc vui lòng gửi về hòm thư điện tử 

toasoan@giaoduc.net.vn

Ngoài ra, quý vị vui lòng cung cấp thông tin cá nhân (số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ATM, địa chỉ liên hệ / nơi công tác) để Tòa soạn tiện liên hệ xác minh và chi trả nhuận bút, nếu bài được đăng.

Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước.

Trân trọng cảm ơn!

Phan Tuyết