Quốc hội mong muốn xây dựng mô hình đại học không phân biệt công lập hay tư thục

22/12/2016 15:53
Thùy Linh
(GDVN) - Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục Thanh Thiếu niên & Nhi đồng mong muốn xây dựng mô hình đại học, một mô hình đúng nghĩa chứ không phân biệt tư thục hay công lập.

Ngày 22/12, Hiệp hội tổ chức hội thảo “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập".

Khẳng định tại hội thảo, GS.Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, hiện nay các trường ngoài công lập đang gặp rất nhiều khó khăn thậm chí đang đứng trước vấn đề tồn tại hay giải thể. 

Dù tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các trường ngoài công lập có việc làm là tương đối cao nhưng định kiến xã hội với các trường vẫn rất cao. 

Do vậy đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận lại chủ trương chính sách về xã hội hóa giáo dục mà các trường ngoài công lập chính là sản phẩm của nó. 

Từ đó, GS.Trần Hồng Quân yêu cầu tại hội thảo đại diện các trường trao đổi thẳng thắn vào những vấn đề bất cập đang gặp phải từ thuế, đất, sự phân biệt đối xử, sở hữu và quá trình chuyển đổi ra sao?...

Tới dự hội thảo, đại diện văn phòng Quốc hội, PGS.Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội cho biết, Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục Thanh Thiếu niên & Nhi đồng đang đặt vấn đề xây dựng mô hình đại học, một mô hình đúng nghĩa chứ không phân biệt tư thục hay công lập dựa trên thuộc tính là tự chủ. 

PGS.Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Thùy Linh)
PGS.Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Thùy Linh)

PGS.Phan Thanh Bình chỉ rõ, từ năm 1996 giáo dục đại học bắt đầu xuất hiện cả công lập và ngoài công lập nhưng 20 năm sau chính sách cho các trường tư thục vẫn đặt ra 3 vấn đề cần giải quyết. 

Thứ nhất, nhận thức chưa thống nhất từ xã hội đến quản lý, nhà giáo đến các nhà đầu tư. Bởi tâm lý xã hội thích trường công lập hơn tư thục. 

Thứ hai, cơ chế nhà nước.

Thứ ba, vấn đề tự thân của nhà trường như thế nào?

Thế nào là cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận?

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đề cập tới mô hình giáo dục không vì lợi nhuận bởi hiện nay nhiều người chưa thực sự hiểu đúng về mô hình này. 

Theo lý giải của PGS.TS Trần Quốc Toản (Hội đồng lý luận Trung ương), ở các cơ sở giáo dục hoạt động theo cơ chế không vì lợi nhuận thì lợi nhuận thu được không chia cho những chủ thể góp vốn (hay tài trợ). 

Đơn vị hoạt động theo cơ chế không vì lợi nhuận không có nghĩa là không có hoặc không tìm kiếm lợi nhuận, vấn đề chủ yếu nằm ở việc sử dụng lợi nhuận đó cho sự phát triển chung của đơn vị.

Vậy là, tại các cơ sở giáo dục hoạt động không vì lợi nhuận, các nguồn vốn, thu nhập bất kỳ nào sau khi chi trả các chi phí hoạt động được giữ lại để đưa vào phát triển chương trình và các dịch vụ giáo dục mà không chia phần đó.
 
Nghĩa là không có bất kỳ lợi nhuận thương mại nào được mang chia cho các thành viên.

PGS.TS Trần Quốc Toản nêu ví dụ trường Đại học Harvard nổi tiếng của Mỹ là trường tư không vì lợi nhuận năm tài chính 2007 đã tạo ra lợi nhuận tới 23% từ việc sử dụng nguồn tài trợ 34,9 tỷ USD.

Chính vì xét từ giác độ tiêu chí lợi ích của người được hưởng dịch vụ, PGS.Trần Quốc Toản chỉ rõ, cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận phân ra làm 3 loại: 

Một là, các cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận cung cấp các dịch vụ giáo dục - đào tạo miễn phí. Loại cơ sở này tồn tại và hoạt động hoàn toàn dựa trên nguồn kinh phí tài trợ của nhà nước, các tổ chức và cá nhân.

Quốc hội mong muốn xây dựng mô hình đại học không phân biệt công lập hay tư thục ảnh 2

Trường ngoài công lập và những vướng mắc về cơ chế sở hữu

(GDVN) - Sự lẫn lộn về bản chất sở hữu các loại hình trường trong các văn bản là nguyên nhân chính gây tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ nhiều trường ngoài công lập.

Hai là, các cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận có thu phí từ các dịch vụ cung cấp, nhưng ở mức thấp, chủ yếu để cân đối thu chi cho các hoạt động và không chia lợi nhuận (nếu có).

Nguồn kinh phí hoạt động của các cơ sở này dựa vào sự tài trợ của nhà nước, các tổ chức, cá nhân và vào thu phí từ các dịch vụ (phí thấp).
  
Ba là, các cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận hoạt động có thu phí từ cung cấp các dịch vụ theo cơ chế thị trường (thu phí như các cơ sở vì lợi nhuận). Nhưng lợi nhuận thu được không chia cho bất kỳ ai, mà được giữ lại để đầu tư phát triển cơ sở, mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ.

Loại thứ ba này cũng vẫn có thể nhận được kinh phí của nhà tài trợ; ví dụ một số trường đại học tư nổi tiếng trên thế giới như Harvard của Mỹ, Waseda của Nhật… thu học phí rất cao, nhận được tài trợ rất lớn của các nhà hảo tâm, nhưng vẫn là trường không vì lợi nhuận.

Từ những phân tích cụ thể này, một lần nữa PGS.TS Trần Quốc Toản khẳng định: Cơ sở giáo dục đào tạo không vì lợi nhuận không phải tất yếu là cung cấp các dịch vụ miễn phí hoặc phí thấp; không phải là không hoạt động theo cơ chế thị trường. 

Do vậy, việc cung cấp các dịch vụ giáo dục, đào tạo miễn phí không phải là hệ quả tất yếu của việc cơ sở hoạt động theo cơ chế không vì lợi nhuận mà tiền đề cơ bản để hình thành và phát triển cơ sở giáo dục, đào tạo không vì lợi nhuận là phải có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng và vận hành không vì lợi nhuận và không chia lợi nhuận (nếu có) của các nhà đầu tư (tài trợ). 

Ưu- nhược điểm của loại hình cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận

Là người đứng đầu cơ sở giáo dục ngoài công lập, GS.Trần Phương – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, loại hình trường không vì lợi nhuận sẽ không thu hút được nhà đầu tư do đó không có nguồn vốn lớn ngay từ đầu. 

GS.Trần Phương nêu cụ thể, ngay như trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã phải tập hợp vốn góp của trên 800 cán bộ giảng viên thì mới có được số tiền hơn 100 tỷ đồng để xây dựng được cơ sở khang trang ban đầu. 

Hội thảo “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập". (Ảnh: Thùy Linh)
Hội thảo “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập". (Ảnh: Thùy Linh)

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của vị lãnh đạo này, do cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận không phải chia lợi nhuận cho ai và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nên quỹ tích lũy tập trung không chia sẽ được tích tụ hàng năm. 

Quỹ này thuộc sở hữu tập thể của các cổ đông. Nó là cơ sở vật chất cho sự trường tồn của trường. 

Hơn nữa, do trường không phải của các nhà đầu tư nên không có mâu thuẫn giữa các nhà giáo và nhà đầu tư. 

Nhận thức những thế mạnh của trường tư thục không vì lợi nhuận, GS.Trần Phương khuyến nghị, nên khuyến khích mô hình tư thục không vì lợi nhuận để sự phát triển ổn định của trường được đảm bảo. 

Một số vấn đề bất cập hiện nay khi phát triển các trường đại học không vì lợi nhuận

Theo Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao. 

Trong Nghị quyết đó, Nhà nước chủ trương: “Phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập hoạt động theo cả cơ chế lợi nhuận và cơ chế phi lợi nhuận, nhưng đặc biệt khuyến khích phát triển các cơ sở phi lợi nhuận”. 

Đồng thời, Nghị quyết cũng chỉ rõ phải hoàn thiện “quy định chế độ tài chính và trách nhiệm thực hiện chính sách và nghĩa vụ xã hội của các tổ chức hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận và áp dụng cơ chế doanh nghiệp đối với các cơ sở hoạt động theo cơ chế lợi nhuận”.

Chính vì vậy, trong bài tham luận của mình, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định: Rõ ràng, ngay từ năm 2005, Nghị quyết 05 đã quy định các Bộ, Ngành liên quan phải “làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất lợi nhuận và phi lợi nhuận” của các loại hình cơ sở ngoài công lập.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng các đại học tư thục thì định hướng của Đảng và Nhà nước chưa được quán triệt. 

Bởi lẽ, gần 10 năm qua, các hành lang pháp lý cho các trường tư thục mới chỉ được xây dựng theo mô hình công ty cổ phần (thực chất là “áp dụng cơ chế doanh nghiệp đối với các cơ sở hoạt động theo cơ chế lợi nhuận”) còn hành lang pháp lý cho các “tổ chức hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận” vẫn hoàn toàn vắng bóng.

Chính vì điều này mà năm 2014, tôi góp ý với các đồng chí có trách nhiệm trong ngành giáo dục rằng: “Nhà nước vẫn còn “nợ” xã hội các quy định về hành lang pháp lý cho sự ra đời của các trường đại học tư thục không vì lợi nhuận””, bà Nguyễn Thị Bình nói. 

Quốc hội mong muốn xây dựng mô hình đại học không phân biệt công lập hay tư thục ảnh 4

Bộ trưởng lo lắng "Hữu sinh vô dưỡng" ở đại học ngoài công lập

(GDVN) - Bộ trưởng muốn thấu hiểu một bức tranh trung thực về trường đại học ngoài công lập để từ đó đưa ra những mục tiêu, những giải pháp cụ thể.

Do thiếu hành lang pháp lý nên một số trường đại học tư thục ngay từ đầu mong muốn đi theo hướng không vì lợi nhuận nhưng đã buộc phải chấp nhận cơ chế vì lợi nhuận để được hoạt động hợp pháp trong hành lang luật lệ đã có. 

Mặc dù đến cuối năm 2014, các cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận mới thực sự có một hành lang pháp lý, thể hiện ở một chương trong Điều lệ trường Đại học ban hành theo Quyết định của Thủ tướng 70-2014/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, trong điều 34 của Điều lệ này, để một trường đại học tư thục đang hoạt động theo cơ chế “vì lợi nhuận” chuyển sang hoạt động theo cơ chế “không vì lợi nhuận” thì “phải được sự đồng thuận của đại diện tối thiểu 75% tổng số vốn góp của các thành viên góp vốn”.
 
Với yêu cầu này, bà Nguyễn Thị Bình băn khoăn: Tại sao không quy định 51% (đủ biểu thị ý kiến đa số) hay 65% như các quyết định của đại học toàn trường như thể chế nêu ra mà lại quy định 75%. Đây là một tỷ lệ rất khó đạt được. 

Do vậy, việc chuyển đổi thành trường đại học tư thục không vì lợi nhuận là bất hợp lý, đi ngược lại với tinh thần của Nghị quyết 05. 

Khó khăn về mặt pháp lý là vậy, đến khi điều hành cụ thể thì các trường cũng gặp nhiều bất cập. 

Theo bà Bình được biết, Đại học Phú Xuân (ở Huế) xin được chuyển sang hoạt động theo cơ chế đại học tư thục không vì lợi nhuận nhưng một số người có trách nhiệm ở Bộ GD&ĐT chỉ đạo phải đi đường vòng, trước hết phải chuyển thành trường đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận, rồi sau đó mới làm thủ tục chuyển sang trường đại học tư thục không vì lợi nhuận. 

Trong khi việc chuyển đổi sang trường đại học không vì lợi nhuận thì lại không dễ dàng. 

Chính vì đòi hỏi rất khó khăn đó nên một vài trường đại học từ đầu vốn mong muốn đi theo hướng không vì lợi nhuận nhưng đã phải bất đắc dĩ hoạt động vì lợi nhuận vì không có hành lang pháp lý, nay muốn dựa vào văn bản pháp lý mới để chuyển sang hoạt động không vì lợi nhuận, nhưng đã không thành công. 

Kết quả là cho đến nay ở nước ta chưa hề có một trường đại học tư thục không vì lợi nhuận nào chính thức được thành lập.

Nhìn nhận thấy những khó khăn này, nguyên Phó Chủ tịch nước cho rằng để tạo lập và nuôi dưỡng loại hình đại học tư thục không vì lợi nhuận ở nước ta thì Nhà nước cần: 

Thứ nhất, sớm có chính sách ưu đãi khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. 

Cụ thể là việc thành lập các trường đại học tư thục không vì lợi nhuận không bị hạn chế về số lượng theo mạng lưới hiện hành. 

Và cũng không bị đòi hỏi vốn điều lệ và đất đai ở mức cao như đối với các trường vì lợi nhuận. 

Hơn nữa, các trường này nên được Nhà nước ưu tiên cho mượn đất dài hạn và sinh viên được hưởng quyền bình đẳng với sinh viên của các trường công lập về chế độ học bổng, vay tiền dài hạn…

Thứ hai, xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tài trợ cho các trường đại học tư thục không vì lợi nhuận như miễn thuế cho phần kinh phí tài trợ và vinh danh các nhà tài trợ.  

Thứ ba, cần tạo cơ chế thuận lợi để các trường đại học dân lập hoặc tư thục vì lợi nhuận được chuyển đổi qua loại hình trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận nếu nhận được sự đồng thuận của quá bán số thành viên chủ chốt của trường.

Thùy Linh