Quy định lạ đời: Gác lương giáo viên khi sai sót trong khâu làm sáng kiến

14/04/2019 06:34
Phan Tuyết
(GDVN) - Cả tháng thầy cô đi làm trông ngóng đồng lương ít ỏi để duy trì cuộc sống. Thế nhưng hiệu trưởng lại ra lệnh “gác” lương chỉ vì viết sáng kiến còn sai sót.

Chuyện viết sáng kiến kinh nghiệm trong ngành giáo dục được nói khá nhiều trên các báo đài, các diễn đàn.

Ai cũng biết, cũng hiểu cái được gọi là sáng kiến kinh nghiệm của ngành giáo dục thực chất chỉ là những bản sao, bản photocopi của người làm sau, ăn cắp của người làm trước.

Danh sách 9 giáo viên chưa được nhận lương vì hiệu trưởng yêu cầu giữ lại. Ảnh: Minh Lý (Báo Lao động)
Danh sách 9 giáo viên chưa được nhận lương vì hiệu trưởng yêu cầu giữ lại. Ảnh: Minh Lý (Báo Lao động)

Một cái sáng kiến được nhân bản ra hàng trăm cái sáng kiến khác mỗi năm. Bởi thế, chẳng ai còn tin vào chất lượng những sáng kiến ấy.

Nhiều giáo viên vẫn phải viết vì vướng quy định, nhà trường vẫn phải phát động vì làm theo phong trào, các cấp vẫn phải chấm và công nhận giải (dù chẳng có chất lượng gì) vì chạm vào công tác thi đua.

Vậy mà vẫn có một nơi, giáo viên bị hiệu trưởng “gác” lương chỉ vì viết sáng kiến còn mắc một số sai sót.

Đây có lẽ là câu chuyện lần đầu tiên xảy ra trong ngành giáo dục.

Chẳng hiểu ông Hiệu Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Lĩnh huyện Hương Sơn áp luật gì để thực hiện việc “gác” lương giáo viên?

Cả tháng thầy cô đi làm trông ngóng vào đồng lương ít ỏi để duy trì cuộc sống.

Ai đang làm giáo viên ghét sáng kiến kinh nghiệm?

Nhưng hiệu trưởng đã ra lệnh “gác” lương, giáo viên biết lấy gì để sống?

Sáng kiến gửi đi chấm sao còn được trả lại?

9 giáo viên bị hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Lĩnh huyện Hương Sơn ra lệnh “gác” lương, khi sáng kiến của chính họ được chuyển lên phòng giáo dục chấm và đã bị trả về.

Lý do được phòng giáo dục nêu ra, vì mắc những sai sót như: Lỗi phông chữ, trùng đề tài khoa học của những năm trước, lỗi chính tả, lỗi về bố cục văn bản…

Ui chao, nếu nói về lỗi trùng đề tài khoa học ở các năm trước, chúng tôi có đầy đủ chứng cớ để chỉ ra một đề tài khoa học trong ngành giáo dục hiện nay phải có đến hàng chục ngàn sáng kiến trùng lắp.

Sáng kiến của giáo viên mà gửi về phòng giáo dục chấm chỉ có 2 trường hợp:

Thứ nhất, thầy cô ấy đăng ký giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thị

Thứ hai, những thầy cô giáo này đăng kí Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Theo lẽ thường, nếu chấm thấy có vấn đề về hình thức, về nội dung thì cấp phòng sẽ ra tay loại trực tiếp và những sáng kiến ấy đương nhiên không đạt.

Làm gì có quy định nào viết không đạt lại trả về còn được “đặc ân” cho làm lại?

Phải chăng liên quan đến vấn đề thi đua của trường khi cả 9 sáng kiến gửi đi đều không đạt ưu cầu?

Phải chăng, phòng sợ trường “trắng” sáng kiến sẽ mất thi đua nên mới “mở đường” ưu ái?

Riêng trường, phải chăng lại sợ giáo viên chây lì, buông xuôi nên dùng “hạ sách” này để buộc giáo viên hoàn thành gấp?

Giá trị thật của Sáng kiến kinh nghiệm là gì?

Trả lời trên Báo Lao động, ông Phạm Đình Cát Hiệu trưởng nhà trường giải thích:

"Nhà trường chỉ “giữ lại” lương đến khi nào những giáo viên trên hoàn thành sáng kiến kinh nghiệm của mình rồi mới cho nhận".

Trả lời việc không phát lương cho những giáo viên đó đúng hay sai thì vị Hiệu trưởng nói:

“Chậm ít ngày không ảnh hưởng gì đến đời sống của ai” (?!){1}

Trong giáo dục hiện nay, vẫn chưa có quy định nào buộc tất cả giáo viên phải viết sáng kiến kinh nghiệm.

Không viết sáng kiến, giáo viên sẽ không được dự thi giáo viên dạy giỏi, không được đăng kí chiến sĩ thi đua.

Việc làm của Phòng Giáo dục Hương Sơn và Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Lĩnh chính là sự ép buộc giáo viên phải tham gia thi đua khi họ không có nhu cầu.

Và như thế đã làm trái tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo thi đua không thực chất và tránh tạo áp lực cho tất cả giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

https://laodong.vn/ban-doc/9-giao-vien-bi-gac-luong-vi-sai-sot-khi-lam-sang-kien-kinh-nghiem-727670.ldo{1}

Phan Tuyết