Ra Hà Nội, được giao lưu mới thấy nhiều thầy cô giáo còn khổ quá...

28/11/2019 06:30
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Đó là những chia sẻ của cô giáo trẻ Nguyễn Nữ Thu Thủy - một trong hai giáo viên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự Lễ tri ân, tôn vinh các nhà giáo 2019.

Tốt nghiệp đại học ngành sư phạm mầm non, cô giáo trẻ Nguyễn Nữ Thu Thủy được xét tuyển về trường Mầm Non 1/6, thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công tác gần mười năm nay.

Cô Nguyễn Nữ Thu Thủy nhận bằng khen tại Lễ tri ân, tôn vinh các nhà giáo 2019. (Ảnh NVCC)
Cô Nguyễn Nữ Thu Thủy nhận bằng khen tại Lễ tri ân, tôn vinh các nhà giáo 2019. (Ảnh NVCC)

Trải qua nhiều bỡ ngỡ ban đầu, để trở thành cô giáo nuôi dạy trẻ được đồng nghiệp mến phục, phụ huynh tin yêu, trong quá trình công tác cô luôn gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trong dạy học cô Thủy luôn tôn trọng nhân cách của trẻ, đối xử công bằng với các em, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của trẻ, yêu thương trẻ như người thân của mình.

Cô Thủy tổ chức, chăm sóc và giáo dục trẻ sáng tạo, linh hoạt, lấy yêu thương, sẻ chia làm nòng cốt của mọi phương pháp dạy học.

Bên cạnh đó, cô Thủy tuyên truyền, phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ với phụ huynh; lập nhóm zalo với tất cả phụ huynh trong lớp để có thêm kênh thông tin giữa giáo viên và phụ huynh, phụ huynh với phụ huynh.

Nhờ qua nhóm zalo của lớp, cô Thủy nắm bắt được hoàn cảnh, thói quen của mọi trẻ mình phụ trách; gần gũi với phụ huynh, kịp thời giải đáp mọi thắc mắc, cùng phụ huynh sẻ chia khó khăn trong dạy học. 

Để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, cô không ngại khó, ngại khổ tự học; tham gia và hoàn thành xuất sắc các lớp tập huấn của Phòng, Sở, Bộ Giáo dục; chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp; báo cáo tham luận đổi mới phương pháp dạy học do nhà trường, Phòng và Sở Giáo dục tổ chức. 

Tại sao cô giáo được tôn vinh tại “Vinh quang Việt Nam”?
Tại sao cô giáo được tôn vinh tại “Vinh quang Việt Nam”?

Chia sẻ về kinh nghiệm dạy học, cô Thủy tâm sự “Những năm gần đây em đã tìm tòi và áp dụng phương pháp giáo dục trẻ bằng tình yêu thương.

Bởi cái trẻ cần không phải là vẻ mặt luôn nghiêm túc, cau có, những lời quát tháo, nạt nộ.

Cái trẻ cần là tình yêu thương của cô giáo, những lời động viên, những hành động khích lệ, nụ cười, ánh mắt ghi nhận những cố gắng của trẻ so với bản thân trẻ.

Đó mới chính là cái trẻ cần nhất, là con đường ngắn nhất giúp trẻ tự tin, độc lập và thể hiện mình trong các hoạt động giáo dục, giúp cho trẻ mỗi ngày đến trường thật sự là một niềm vui.

Nhưng để thay đổi một thói quen, một cách làm mới với đồng nghiệp là điều không dễ dàng, đôi lúc em cũng nản chí với phương pháp của mình nhưng khi nghĩ đến những điều tốt đẹp đến với các con, em lại cố gắng”.

Cùng với hoạt động chuyên môn, cô Thủy là một “hạt nhân” của các phong trào giáo dục khác.

Bất cứ hoạt động nào cô Thủy tham gia, đều nhiệt tâm, nhiệt tình, đạt kết quả cao như: giải Nhất cuộc thi Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh; giải khuyến khích cuộc thi “Tiếng hát giáo viên”; Đạt giải Ba - Thi lý thuyết trong hội thi giáo viên dạy giỏi, cô nuôi giỏi cấp tỉnh Giáo dục mầm non v.v...

Với nhiều nỗ lực và cố gắng, cô Thủy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nhiều năm liền, được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liên tiếp, nhiều năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp Huyện, giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh, được Chủ tịch Tỉnh tặng bằng khen.

Nhớ lại kỉ niệm trong chương trình “Lễ Tri Ân, tôn vinh nhà giáo tiêu biểu năm 2019” tại Hà Nội, cô Thủy tâm sự:

“Đêm 16/11 tại buổi gặp mặt các thầy giáo, cô giáo tiêu biểu của năm, cảm giác của em vừa vinh dự vừa hồi hộp vì lần đầu được gặp trực tiếp Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Cảm giác đó nhanh chóng tan biến khi lắng nghe những chia sẽ, những lời động viên, ghi nhận hết sức chân thành của Bộ trưởng đối với đội ngũ nhà giáo.

Buổi gặp mặt tối hôm ấy em cũng được nghe những trăn trở tâm huyết, những kỷ niệm vui buồn trong nghề giáo của quý thầy cô trên mọi miền Tổ quốc; em cảm thấy những cống hiến của bản thân mình còn nhỏ nhoi so với quý thầy cô ấy.

Được giao lưu, mới thấy nhiều thầy cô giáo còn khổ quá; cảm phục sự yêu nghề và trên hết là sự gan dạ, dũng cảm để từng ngày vật lộn với cuộc sống, đưa con chữ đến với học trò.

Em đã rất xúc động khi được nghe những câu chuyện sẻ chia của quý thầy cô vùng sâu, vùng xa ấy.

Cô giáo Nguyễn Nữ Thu Thủy (bên phải) Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong buổi gặp mặt các thầy cô giáo tiêu biểu, tôn vinh các nhà giáo của năm, năm 2019 (Ảnh: NVCC)
Cô giáo Nguyễn Nữ Thu Thủy (bên phải) Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong buổi gặp mặt các thầy cô giáo tiêu biểu, tôn vinh các nhà giáo của năm, năm 2019 (Ảnh: NVCC)

Em đồng cảm sâu sắc với chia sẻ của một cô giáo “Làm nghề giáo hãy bắt đầu bằng tình yêu thương  và luôn nuôi dưỡng tình yêu thương ấy, sẽ đem đến nhiều niềm vui cho học trò của mình và chính mình”.

Làm giáo viên mầm non nếu không kiên nhẫn, kiềm chế, rất dễ dùng bạo lực đối với trẻ. Chỉ có giáo dục trẻ bằng tình yêu thương mới thành công.

Cô giáo Thủy cùng các thế hệ giáo viên công tác tại trường Mầm Non 1/6. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Cô giáo Thủy cùng các thế hệ giáo viên công tác tại trường Mầm Non 1/6. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Em xin gửi lời tri ân đến quý thầy giáo cô giáo đã tận tình dạy dỗ, rèn luyện, hướng dẫn giúp em nên người, trở thành cô giáo mầm non.

Em cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Ban giám hiệu, các đoàn thể, đồng nghiệp, quý anh chị em nhân viên, quý cha mẹ học sinh tại trường Mầm Non 1/6, luôn hỗ trợ và tạo môi trường giáo dục thân thiện, đoàn kết, cởi mở để em có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ, có những trải nghiệm bước đầu như hôm nay”.

Nghề giáo hôm nay với nhiều người, là nghề nguy hiểm; đặc biệt là các giáo viên mầm non; chỉ thật sự yêu nghề, mới mang lại hạnh phúc cho trò và cho mình.

Chúc cô giáo Thủy ngày càng có những trải nghiệm tuyệt vời bên những mầm non tương lai của đất nước.

Sơn Quang Huyến