Sửa sai trong giáo dục, xin chớ nửa vời

24/12/2017 08:04
Hồng Thủy
(GDVN) - Cách nói của phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành và cách làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo dường như có phần "rón rén" mà chưa thực sự dũng cảm thừa nhận thiếu sót.

Xung quanh việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều trong quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT xin ý kiến xã hội, chúng tôi đã có vài lời bàn về bản chất quy định cấm thi tuyển sinh lớp 6 và hệ lụy của nó.

Chúng tôi hoan nghênh tinh thần lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, đặc biệt là các trường ngoài công lập gặp rất nhiều khó khăn vì lệnh cấm tuyển sinh này, để có những sửa đổi phù hợp với thực tế từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, khi đọc những phát biểu của các phó giáo sư, tiến sĩ đang làm công tác tham mưu, hoạch định chính sách cho lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi không khỏi giật mình vì tư duy bao cấp, nhưng lại nửa vời và thiếu trách nhiệm của các vị ấy với cơ sở giáo dục.

Nay xin phân tích tiếp một số vấn đề quý thầy đặt ra xung quanh dự thảo "nới lỏng lệnh cấm tuyển sinh lớp 6", ngõ hầu góp thêm tiếng nói, góc nhìn để quý thầy có thể cân nhắc thấu đáo hơn mỗi khi đưa ra các chính sách, chỉ đạo mới.

Năng lực đọc hiểu văn bản có vấn đề, hay thói quen dùng uyển ngữ che đậy sự thiếu trung thực trong giáo dục?

Báo Lao Động Online ngày 22/12 dẫn lời phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết:

Điều chỉnh về phương thức thi được nêu trong dự thảo thông tư lần này nhằm cụ thể hóa quy định tại công văn 1258 năm 2015 của Bộ. 

Công văn nêu rõ việc giao cho cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học đông hơn so với chỉ tiêu thì được quyền xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện. [1]

Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo thành công cuộc thi giải toán năm 2013-2014. Ảnh: Violympic.vn.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo thành công cuộc thi giải toán năm 2013-2014. Ảnh: Violympic.vn.

Công văn số 1258/BGDĐT-GDTrH: V/v không thi tuyển sinh vào lớp 6 do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký ngày 17/3/2015 đã từng đẩy hết trách nhiệm xuống cho các trường, Bộ chỉ biết cấm tuyệt đối thi tuyển vào lớp 6.

Xin trích dẫn kết luận chỉ đạo của thầy Hiển trong công văn này, như sau:

Thực hiện các chủ trương và quy định trên, nếu cơ sở giáo dục có số lượng học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục này căn cứ các quy định hiện hành để xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình cấp có thẩm quyền ở địa phương xem xét quyết định; 

Tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996, Ban Chấp hànhTrung ương Đảng khoá VIII “không tổ chức trường chuyên ở tiểu học và trung học cơ sở, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật và thể thao”. [2]

Nội dung Công văn số 1258/BGDĐT-GDTrH kết luận rõ ràng, chắc như đinh đóng cột: Tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6.

Dự thảo sửa đổi bổ sung quy chế tuyển sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT rõ ràng nhằm khắc phục sai lầm của quy chế cấm thi tuyển lớp 6 và chỉ đạo trong Công văn 1258/BGDĐT-GDTrH.

Ấy vậy nhưng phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành lại cho rằng: Điều chỉnh về phương thức thi được nêu trong dự thảo thông tư lần này nhằm cụ thể hóa quy định tại công văn 1258 năm 2015 của Bộ.

Nói cách khác, cứ theo cách giải thích của phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành, thì chỉ có dư luận hiểu sai, chứ Bộ không sai?

Đây không phải lần đầu phó giáo sư Thành giải thích công văn kiểu này.

Lần trước, ngày 3/10/2017, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ ký văn bản số 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018.

Công văn yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”

Thầy Thành lên tiếng phân trần với báo giới:

Sửa sai trong giáo dục, xin chớ nửa vời ảnh 2

Mâu thuẫn tư duy trong chỉ đạo "cấm dạy ngoài nội dung sách giáo khoa"

“Do sách giáo khoa cụ thể hóa mục tiêu của chương trình nên ý cuối cùng trong câu này nhằm nhấn mạnh yêu cầu không dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. 

Bộ cũng yêu cầu "bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu", nghĩa là không hạn chế giáo viên chỉ dạy học với ngữ liệu trong sách giáo khoa. 

Tuy nhiên việc diễn đạt như trên đã gây ra hiểu lầm là Bộ chỉ cho phép giáo viên khai thác sử dụng sách giáo khoa để dạy học. Điều này không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ. [3]

"Diễn đạt như trên đã gây ra hiểu lầm", vậy "ai" đã diễn đạt "như trên"? Và "ai hiểu lầm"?

Ví dụ thứ 3 khiến chúng tôi rất "băn khoăn" về phát biểu phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành thể hiện qua thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo tạm dừng / rút ra khỏi các cuộc thi trên mạng mà thầy công bố. [4]

Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên ngày 19/8, thầy Nguyễn Xuân Thành cho biết, trong năm học tới (2017-2018) Bộ Giáo dục và Đào tạo tạm dừng tổ chức các cuộc thi trên mạng (ViOlympic và IOE).

Có thể nói rằng, đây là một quyết định sáng suốt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thể hiện sự lắng nghe dư luận và tìm hiểu thực tế.

Tuy nhiên, phản biện của tiến sĩ Lê Thống Nhất đã cho thấy, câu chuyện không hề đơn giản:

"Phó Vụ trưởng (phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành) có được uỷ quyền tuyên bố không?

Việc thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức cũng như Thể lệ của 2 cuộc thi đều do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký thay Bộ trưởng. 

Vậy khi dừng 2 cuộc thi này cần có văn bản chính thức của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kể cả bút phê ý kiến dừng 2 cuộc thi này của lãnh đạo cấp cao hơn khi Phó Vụ trưởng công bố với báo chí." [5]

Ngày 7/12/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 5814-BGDĐT-GDTrH về việc tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh phổ thông từ năm học 2017-2018, do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký.

“Đối với cuộc thi giải Toán và Vật lý trên mạng, cuộc thi tiếng Anh trên mạng, cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị chủ trì:

Sửa sai trong giáo dục, xin chớ nửa vời ảnh 3

Cỗ máy kiếm tiền thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng hoạt động thế nào?

Tổ chức rà soát và đổi mới nội dung, hình thức thi gắn liền với đổi mới hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá của chương trình giáo dục phổ thông, đăng công khai đề án tổ chức trên mạng và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để theo dõi. 

Các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và các cơ sở giáo dục có trách nhiệm theo dõi, giám sát trong quá trình diễn ra cuộc thi;

Bảo đảm tính thiết thực và hiệu quả, theo nhu cầu thực tế của học sinh, không tạo áp lực cho học sinh, không thu kinh phí, không yêu cầu các trường tổ chức đội tuyển;

Không xét giải cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp toàn quốc, không lấy thành tích cuộc thi để đánh giá thi đua đối với đơn vị tham gia”. [6]

Như vậy, công văn giấy trắng, mực đen, dấu đỏ của "lãnh đạo có thẩm quyền" Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn không có chỉ đạo nào về việc dừng các cuộc thi này như phát biểu của thầy Thành.

Nhắc lại chuyện này để thấy rằng dường như đang có những mâu thuẫn, giằng xé giữa bộ máy lãnh đạo cũ với bộ máy đương nhiệm tại số 35 Đại Cồ Việt?

Cuối cùng thì người ta cũng thu xếp được phương án hai bên có thể chấp nhận được, thi thì vẫn cứ thi, nhưng không được lấy thành tích cuộc thi để đánh giá thi đua với đơn vị tham gia.

Có điều, những quy định này không phải là mới.

Ngay từ ngày 6/11/2014 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 6373/BGDĐT-GDTH chấn chỉnh việc này, quy chế các cuộc thi cũng được sửa lại sau đó, bổ sung những nội dung: không thu kinh phí, không lập đội tuyển, không xét thi đua.

Nhưng thực tế các cuộc thi này vẫn diễn ra sôi nổi, thầy và trò phải "tự nguyện" chạy theo, để thầy có được cái gọi là "tương đương 1 sáng kiến kinh nghiệm", còn trò có điểm ưu tiên để nộp hồ sơ tuyển sinh chuyển cấp.

Chúng tôi xin nhắc lại rằng, những điều chỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thể lệ các cuộc thi, sân chơi trí tuệ và "nới lỏng lệnh cấm thi tuyển sinh lớp 6" là đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên cách nói của phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành và cách làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo dường như có phần "rón rén" mà chưa thực sự dũng cảm thừa nhận thiếu sót / sai lầm của mình trong hoạch định chính sách để có hiệu chỉnh phù hợp và sửa chữa rốt ráo.

Điều này không chỉ làm hạn chế hiệu quả điều hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của xã hội, giáo viên và cha mẹ học sinh mỗi khi quý thầy lãnh đạo các vụ lên tiếng giải thích về chính sách.

Sai thì hãy nhận sai, để rồi sửa cho đúng. Sai không thể không sửa, nhưng sửa trong tâm thế đối phó và không thừa nhận cái sai của mình, càng khiến dư luận hoài nghi, đàm tiếu.

Ở cương vị của quý thầy mà có vấn đề về năng lực đọc hiểu chính các văn bản do quý thầy soạn ra, hoặc thái độ làm việc thiếu cầu thị, dùng uyển ngữ để che lấp cái sai của mình / cơ quan mình / lĩnh vực mình phụ trách, đều không xứng đáng với vị trí, trọng trách quý thầy đang đảm nhận.

Có như vậy, mới mong xã hội bớt đi cách sử dụng uyển ngữ "gạt tay vào má", "giơ chân quá cao" khiến dân chúng bức xúc, ngán ngẩm.

Đừng bao cấp nửa vời, đẩy cái khó xuống cơ sở

Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành được Báo Lao Động Online dẫn lời nói rằng:

Sửa sai trong giáo dục, xin chớ nửa vời ảnh 4

Thầy Lê Thống Nhất "đẻ", Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển "nuôi" ViOlympic, IOE ra sao?

"Chúng ta đang đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Việc quy định đánh giá năng lực học sinh cần phải được nhận thức và thực hiện đúng đắn.

Điều này khác với đánh giá kiến thức vì kiến thức là nguyên liệu để hình thành nên năng lực.

Đánh giá năng lực học sinh là đánh giá khả năng sử dụng kiến thức mà học sinh có được trong quá trình học tập để giải quyết những vấn đề cụ thể.

Ví như kiểm tra kiến thức ở môn toán học có thể giao cho học sinh một phương trình hay nội dung nào đó dùng kiến thức để giải.

Còn khi đánh giá năng lực, sẽ giao cho học sinh vận dụng kiến thức mình làm để giải quyết vấn đề cụ thể.

Học sinh phải lập phương trình để giải chứ không phải chỉ là giải phương trình cho sẵn."

Ngoài ra. ông Thành nhấn mạnh thêm, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng ta đang có định hướng sẽ phát triển 10 năng lực cho học sinh bao gồm:

Tự chủ - tự học, giao tiếp - hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo; toán học; ngôn ngữ; tìm hiểu tự nhiên và xã hội; công nghệ; tin học; nghệ thuật; thể chất.

Vì thế, tùy mục tiêu, yêu cầu, nhà trường có thể lựa chọn để đánh giá năng lực nào đó của học sinh cho phù hợp.

Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học nói:

“Việc thi và kiểm tra đánh giá sẽ có tác động trở lại đối với quá trình dạy học. Các thầy cô không chỉ trang bị kiến thức, mà con phải làm sao cho học sinh biết vận dụng kiến thức đó để giải quyết tình huống phù hợp”.

Quả thực chúng tôi không hiểu, các nhà trường và thầy cô giáo sẽ thực hiện chỉ đạo chuyên môn này của Phó vụ trưởng Thành như thế nào. 

Nếu phó giáo sư Thành, Vụ Giáo dục trung học hay Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn muốn cầm tay chỉ việc các trường trong tuyển sinh lớp 6, xin thầy Thành và lãnh đạo vụ, lãnh đạo Bộ hãy ra một số cách "đánh giá năng lực toán học" cho học sinh lớp 5.

Nếu quý thầy không ra nổi 1 giải pháp cụ thể, xin đừng chỉ đạo kiểu này nữa.

Nó chỉ làm khổ các cơ sở giáo dục phải tìm cách đối phó, thay tên đổi họ cho các bài thi, kiểm tra, hay phỏng vấn vốn dĩ hết sức bình thường, giờ được các thầy khoác lên chiếc áo "phẩm chất và năng lực".

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khi chưa làm Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã từng khuyến cáo:

Có thể thấy 6 chữ “phát triển năng lực, phẩm chất” tự nó không phải là cây đũa thần kỳ tạo ra sự đổi mới căn bản, toàn diện trong giáo dục phổ thông. 

Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn đã kêu gọi Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ lối "bao cấp tư duy", dừng mô hình VNEN trên toàn quốc là có lý do của thầy Hãn.

Quý thầy trên Bộ cứ thường xuyên nghĩ ra những cái mới cho cơ sở áp dụng, nhưng bản thân các thầy chưa bao giờ thực nghiệm và thực chứng cái mới ấy.

VNEN, công nghệ giáo dục, Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT đánh giá học sinh tiểu học, "tích hợp" 2-3 môn vào 1 sách rồi đến thi tuyển sinh theo kiểu đánh giá năng lực...đã khiến các thầy cô và học sinh xoay như chong chóng.

Chúng tôi trình độ non kém, hiểu biết hời hợt nên không thể hình dung nổi một học sinh lớp 5 có thể "vận dụng kiến thức toán học" để giải quyết tình huống phù hợp nào trong thực tế?

Nhất là để các trường tuyển sinh, thì sẽ phải chuẩn bị bao nhiêu "tình huống" để thử "năng lực, phẩm chất" của học trò?

Hy vọng phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành, Vụ Giáo dục trung học giải thích rõ hơn và có những ví dụ minh họa cụ thể để giúp xã hội dễ hình dung. Thiết nghĩ đó là cách truyền thông hiệu quả nhất, nếu thực sự đó là những "đổi mới" cần thiết và khoa học.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://laodong.vn/giao-duc/tuyen-sinh-lop-6-kiem-tra-danh-gia-nang-luc-khac-thi-kien-thuc-582692.ldo

[2]http://bariavungtau.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=4475&Itemid=459

[3]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-nhan-sai-sot-trong-chi-dao-khong-day-nhung-noi-dung-ngoai-sach-giao-khoa-post180478.gd

[4]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-Giao-duc-va-Dao-tao-moi-chi-co-khau-du-dung-thi-Toan-tieng-Anh-qua-mang-post180522.gd

[5]https://bigschool.vn/phai-chang-bo-gd-dt-khong-quan-ly-duoc-nen-dung-2-cuoc-thi-tren-mang

[6]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-Giao-duc-da-thuong-xin-hay-thuong-cho-trot-post182220.gd

Hồng Thủy