Tâm sự của thầy giáo cấp 2 gửi thày cô cấp 1 về học sinh "chữ như gà bới"

07/09/2017 06:45
Lê Đức Bảo
(GDVN) - Giáo viên dạy tiếng Việt, dạy tập làm văn ở cấp I hay môn ngữ văn ở cấp II cần phải ý thức được trách nhiệm của chính mình.

LTS: Xã hội Việt Nam lâu nay vẫn tồn tại quan niệm "nét chữ, nết người". Nhưng trong thực tế, việc rèn luyện chữ viết cho học sinh còn nhiều câu chuyện đáng bàn.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết từ thày giáo Lê Đức Bảo đang giảng dạy ở cấp trung học cơ sở về "vấn nạn" học sinh viết chữ xấu.

Tòa soạn xin mời quý bạn đọc theo dõi bài viết và trân trọng cảm ơn thầy Lê Đức Bảo. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Những ngày tựu trường chuẩn bị cho năm học mới luôn là những ngày vất vả với giáo viên chủ nhiệm.

Họ phải hoàn thành hàng tá hồ sơ, sổ sách từ cá nhân cho đến chuyên môn. Trong đó, có việc cho học sinh viết sơ yếu lí lịch và xác minh lại thông tin cũng là một vấn đề. 

Ngày đầu tiên nhận lớp, tôi viết lên bảng những mục cần có của một bản sơ yếu lí lịch; cho học sinh viết theo mẫu; dặn các em về nhà hỏi lại thông tin từ bố mẹ; hoàn thành và nộp lại cho thầy vào ngày mai.

Đúng ngày hôm sau lớp đã nộp đầy đủ. 

Trong hơn 40 bản mà học sinh nộp lại, tôi đặc biệt chú ý đến phần khai thông tin của một học sinh nữ trong lớp.

Không phải vì nội dung quá đặc biệt hay đáng quan tâm mà vì chữ viết trình bày quá xấu. Xấu đến mức tôi cố gắng dịch từng chữ nhưng cũng không ra. 

Hình minh họa, nguồn: VTV.
Hình minh họa, nguồn: VTV.

Tôi gọi học sinh nữ đó lên, nhờ em nhìn, đọc lại thì em cũng rất lúng túng mới đọc được một số thông tin cơ bản. 

Tôi thật sự lo lắng cho em vì biết em là học sinh tương đối thông minh, học giỏi các môn tự nhiên và những nét chữ thiếu "nghiêm túc" này có thể làm ảnh hưởng đến kết quả học tập cuối kì nếu không sửa đổi kịp thời.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Dựa vào số điện thoại em cung cấp, tôi liên lạc với phụ huynh, hẹn gặp và trao đổi riêng tại trường. Không quên nhắc phụ huynh mang giúp tôi một vài cuốn vở Tập làm văn cấp I của em học sinh ấy. 

Chắc phụ huynh đã biết rõ lí do tôi muốn gặp nên tâm trạng khá thoải mái và chỉ nói:

"Nó viết chữ xấu đúng không thầy?

Gia đình cũng biết nhưng vì bận đi làm suốt ngày nên không kèm cặp em nó thường xuyên. 

Mà thầy cũng không nên lăn tăn chi cho mệt, giờ tụi nhỏ viết chữ xấu là phổ biến lắm, mà chữ xấu có khi sau này nó lại làm bác sĩ hay kĩ sư đó chứ!". 

Tôi chưng hửng vì câu nói bông đùa không đúng lúc của vị phụ huynh kia, không thể lấy lí do cá nhân để đổ lỗi cho những sai phạm rành rành trước mắt. 

Xem sơ qua vở Tập làm văn cấp I mà nỗi lo của tôi càng tăng thêm, vì chữ viết của em rất xấu, không ra hàng thẳng lối, đã vậy do học sinh tiểu học phải viết bằng bút máy bơm mực nên trang vở nào cũng lem luốc, thiếu cẩn thận

Tâm sự của thầy giáo cấp 2 gửi thày cô cấp 1 về học sinh "chữ như gà bới" ảnh 2

Thầy giáo viết chữ đẹp đến khó tin

Nhìn lên ô lời phê thì chỉ có một dòng ngắn gọn: "Chữ viết chưa cẩn thận".

Tôi tự hỏi sau dòng lời phê trên thì giáo viên cấp I của em có liên lạc với phụ huynh hay có đưa ra những giải pháp để rèn chữ hay không?

Để bây giờ nó đã trở thành thói quen thì rất khó sửa đổi.

Liệu rằng, "trái bóng trách nhiệm" rèn chữ sẽ đá qua đá lại giữa giáo viên tiểu học, phụ huynh và giờ là cho chính tôi - giáo viên cấp II đến bao giờ, nên chăng tôi lại đá "trái bóng" này cho giáo viên ở những năm học tiếp theo?

Những hệ lụy không mong muốn

Ngày xưa, khi học sinh đến trường thì được giáo viên nhắc nhở "nét chữ là nết người". Còn ngày nay, chắc cũng có nhưng đã ít dần.

Khi công nghệ ngày càng phát triển thì người lớn như chúng ta lại xem nhẹ việc rèn chữ viết cho con em mình.

Người ta lấy lí do thời đại công nghệ thông tin thì tất cả đều soạn thảo trên máy tính, trên điện thoại không cần viết làm gì cho mệt, chữ xấu và chữ đẹp cũng y như nhau cả thôi.

Thật khó có thể chấp nhận sự lười nhác của chúng ta bằng những lời biện minh đầy tính chủ quan như vậy. Khi mà hậu quả sau này sẽ do chính học sinh gánh lấy.

Bản thân là giáo viên dạy văn, tôi vẫn ví von so sánh cho học sinh để các em hình dung được chữ viết nắn nót và cẩn thận có tầm quan trọng như thế nào:

"Một món ăn ngon thôi chưa đủ mà còn phải trình bày cho bắt mắt. 

Cũng như một bài văn hay thôi chưa đủ, mà nó còn phải có cấu tứ mạch lạc và trình bày sạch sẽ."

Để hàng ngày lên lớp, tôi bớt phải tiếp xúc trực tiếp những "sản phẩm" ngôn từ của học sinh và phải "bội thực" với những bài văn kém chất lượng.

Tâm sự của thầy giáo cấp 2 gửi thày cô cấp 1 về học sinh "chữ như gà bới" ảnh 3

Cô bé viết chữ đẹp và vẽ đẹp nhất lớp học Hy vọng

Tâm lý chung của những giáo viên dạy các môn xã hội là những bài kiểm tra, bài thi nào mà giám khảo không đọc ra thì sẽ không thể nào cho điểm. 

Nếu có cho điểm thì cũng chỉ là mức điểm tối thiểu của câu hoặc bài đó. Hiển nhiên phần thua thiệt luôn dành cho những em viết chữ xấu.

Còn sau này, sẽ có nhiều công ty bắt người xin việc tự viết hồ sơ giới thiệu bản thân bằng tay chứ không phải đánh máy. 

Liệu rằng những nhà tuyển dụng khi cầm đọc với những nét chữ nguệch ngoạc ấy, họ có đủ dũng cảm để nhận nhân viên đó vào làm trong công ty hay không? 

Năm học mới đã bắt đầu.

Tôi xác định trong thời gian giảng dạy tới đây sẽ là những ngày tháng vô cùng vất vả với em học sinh này, không chỉ là giáo viên chủ nhiệm dạy văn mà tôi phải làm luôn nhiệm vụ rèn chữ của giáo viên cấp I. 

Chỉ mong sao chữ viết của em sẽ cải thiện và dễ nhìn hơn so với đầu năm, chứ tôi không hi vọng một "truyền nhân mới" của cụ Cao Bá Quát sẽ xuất hiện giữa thời hiện đại này.

Suy cho cùng, giáo viên dạy tiếng Việt, dạy tập làm văn ở cấp I hay môn ngữ văn ở cấp II cần phải ý thức được trách nhiệm của chính mình. 

Chúng ta dạy học trò không chỉ dạy về kiến thức mà còn phải dạy về cách thể hiện nội dung đó bằng chữ viết sao cho thật đẹp, thật chỉn chu.

Viết chữ sạch đẹp không chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu "hưởng thụ" cái đẹp từ phía người đọc mà nó còn thể hiện sự tôn trọng tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ của người Việt Nam ta.

Lê Đức Bảo