Tết buồn của những giáo viên hợp đồng

10/02/2019 06:49
Vũ Ninh
(GDVN) - Chỉ còn ít ngày nữa là hết kỳ nghỉ Tết, VTH (24 tuổi) lại canh cánh nỗi lòng khi trở lại công việc dạy học của một giáo viên hợp đồng.

Lương còm không đủ nuôi thân

Tết năm nay VTH nhận được tháng lương thứ 3 kể từ sau khi nhận dạy hợp đồng cho một trường tiểu học.

Nhìn đồng lương của con, cô VTN không khỏi xót xa.

"Gia đình tôi sau khi cố gắng đủ mọi cách lo cho cháu vào dạy học một trường tiểu học trong tỉnh đều cảm thấy xót xa khi thấy đồng lương cháu nhận lại quá bèo bọt.

Tết buồn của những giáo viên hợp đồng ảnh 1Rất vất vả nhưng tôi luôn trân quý nghề giáo viên mầm non

Lương của cháu chỉ khoảng 1,3 triệu đồng và được thưởng Tết 300.000 đồng.

So với lương công nhân thì còn không bằng.

Lương không đủ nuôi thân thì nói gì đến việc lo cho gia đình.

Bên cạnh đó cháu vẫn còn phải học thêm để thi công chức nên tốn một khoản tiền không hề nhỏ.

Gia đình cũng phải tự động viên nhau mới ra trường thì coi như đây là sự khởi đầu, dần dần sẽ thấy tốt hơn".

Lớp đại học của VTH có quá nửa sinh viên không theo nổi nghề hoặc bỏ nghề.

"Lúc đi học thì chỉ mong nhanh chóng ra trường để xin việc và đi làm.

Ai ngờ đi làm thì mới thấy thực sự cuộc sống không còn màu hồng như chúng em đã từng nghĩ.

Mức lương thấp đến mức chỉ đủ tiền xăng xe. Tôi  hiện nay vẫn vẫn sống nhờ tiền do bố mẹ chu cấp.

Những điều này hoàn toàn nằm ngoài dự tính của tôi.

Hoặc có thể do tôi không có đủ kinh nghiệm và vốn sống để lường trước điều này".

Ảnh minh họa, nguồn: Báo Đầu Tư.
Ảnh minh họa, nguồn: Báo Đầu Tư.

Sau Tết, VTH lại tất bật trở lại công việc dạy học.

Đối với một giáo viên hợp đồng và mới ra trường như VTH việc giảng dạy không chỉ áp lực về đồng lương mà còn đến từ nhiều phía.

"Tôi nghĩ giáo viên hợp đồng luôn mơ ước có một suất vào biên chế.

Nhưng thực tế như hiện nay ở trường tôi rất khó để có thể đợi một suất biên chế. Gia đình tôi và cả bản thân tôi cũng rất hoang mang.

Vì hiện giờ nếu tiếp tục dạy hợp đồng thì sẽ sống như thế nào với mức lương 1.3/ 1 tháng.

Nhưng nếu bỏ đi làm việc khác thì coi như công sức để tôi có thể vào dạy trong trường coi như bỏ không".

Ngoài ra VTH cũng chia sẻ những áp lực vô hình đối với giáo viên hợp đồng

"Mọi người luôn có một cái nhìn khác đối với giáo viên hợp đồng. Tôi ở đây không có ý so sánh giáo viên biên chế hay giáo viên hợp đồng.

Nhưng rõ ràng vị thế của giáo viên hợp đồng trong trường không thể nào bằng giáo viên biên chế.

Thậm chí ngay cả phụ huynh học sinh nếu họ biết giáo viên dạy con họ là giáo viên trẻ hoặc giáo viên mới chuyển về họ cũng có cái nhìn và sự đối xử rất khác.

Tuy nhiên về khối lượng công việc cũng như chuyên môn giáo viên hợp đồng như chúng tôi đều phải đảm bảo đủ yêu cầu và chất lượng như giáo viên biên chế".

Trong năm nay, mong ước của VTH cũng như rất nhiều giáo viên hợp đồng  khác là có một suất vào biên chế để tăng lương cũng như ổn định công việc.

Tráp đuổi việc luôn treo trên đầu

Có một thực tế là các giáo viên hợp đồng như VTH có thể bị chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào.

Đây là một trong những nỗi lo canh cánh trong lòng các giáo viên dạy hợp đồng.

Thầy Trần Văn Thanh, giáo viên đã có 18 năm liên tiếp dạy hợp đồng tại một trường tiểu học ở Nghệ An cho biết:

"Tôi ra trường vào năm 2002 cũng phải chạy vạy đủ đường cũng như nhờ vả các mối quan hệ thì mới được ký hợp đồng.

Ngày đó cơ chế dành cho giáo viên hợp đồng của tôi nhận được chỉ là 250.000 đồng/ tháng.

Tết buồn của những giáo viên hợp đồng ảnh 3Mức lương tối thiểu của giáo viên phải cao hơn mức lương tối thiểu vùng

Cho đến những năm gần đây mới lên được 1,5 triệu đồng/ tháng.

Gia đình tôi là nông dân chính gốc.

Mặc dù đóng vai trò trụ cột trong gia đình nhưng tối lại không lo được cho vợ con.

Vì thế ngoài giờ lên lớp tôi phải làm thêm nhiều công việc như làm ruộng, trồng rừng, xin đi làm thợ xây".

Bên cạnh nỗi vất vả và đồng lương bèo bọt theo thầy Thanh nỗi khổ của giáo viên dạy hợp đồng là thấp thỏm chờ được gia hạn mỗi khi sắp hết hạn hợp đồng.

"Cũng kể từ đó, năm nào tôi cũng thấp thỏm chờ được gia hạn hợp đồng mỗi khi hợp đồng sắp hết hạn.

Đến năm 2005, sau thời gian cống hiến và "chạy vạy" tôi bắt đầu được đóng bảo hiểm nhưng sau chưa đầy 2 năm thì bị chấm dứt việc đóng bảo hiểm.

Khốn khổ hơn nữa đến năm 2008 huyện chấm dứt hợp đồng với tất cả các giáo viên trong huyện.

Từ đây mỗi giáo viên phải tự tìm trường để xin ký hợp đồng cho bản thân mình.

Hai từ hợp đồng trở thành nỗi ám ảnh cho giáo viên chứ đừng nói cao sang gì đến biên chế" – thầy Thanh tâm sự.

Với mức lương như thế này thì giáo viên dạy hợp đồng sẽ sống như thế nào? (Ảnh: Vũ Ninh)
Với mức lương như thế này thì giáo viên dạy hợp đồng sẽ sống như thế nào? (Ảnh: Vũ Ninh)

Cô PTT là một giáo viên trẻ thế hệ 9X.

Sớm nhận ra được nỗi vất vả khi dạy hợp đồng cô PTT đã định hướng cho mình học và rèn luyện tiếng Anh sau đó xin dạy ở mộ trường tư.

"Tôi nhìn từ tấm gương thực tế các anh chị và cô chú đi trước nên ngay từ khi học đại học và sau khi ra trường tôi luôn cố gắng học ngoại ngữ cho thật tốt và xin vào một trường tư.

Tôi thấy nhiều người bị nặng tư tưởng biên chế và làm trong các trường công.

Nhưng theo tôi không quan trọng trường công hay trường tư, một công việc tốt là một công việc mình yêu thích và phải đáp ứng được cuộc sống của mình.

Hiện nay mức lương của tôi tốt hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa và tôi cũng không phải lo việc chạy biên chế như nhiều người".

Vũ Ninh