Thanh xuân đã qua mất rồi, đường sống nào cho giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn?

31/03/2019 06:28
THANH AN
(GDVN) - Tuổi trẻ dần qua đi, nhiều thầy cô tóc đã ngả màu mà công việc vẫn bấp bênh, bế tắc.

Thân phận những giáo viên hợp đồng ở các trường công lập từ lâu đã trở thành một câu chuyện buồn ở trong ngành giáo dục nước nhà.

Khi mới ra trường, bao nhiêu những hoài bão, khát vọng, các giáo viên trẻ đều cống hiến cho ngành giáo dục.

Dù cho họ không được xét biên chế, hợp đồng dài hạn thì ký hợp đồng với trường, ủy ban huyện... miễn sao là được giảng dạy, được đứng lớp.

Tuổi trẻ dần qua đi, nhiều thầy cô tóc đã ngả màu mà công việc vẫn bấp bênh, bế tắc.

Sự việc 256 giáo viên ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) lại đang rơi vào tình trạng như thế.

Hàng trăm giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn (Hà Nội) sẽ phải thi viên chức (Ảnh: Vũ Ninh)
Hàng trăm giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn (Hà Nội) sẽ phải thi viên chức (Ảnh: Vũ Ninh)

Xét về lý thì việc Hà Nội chủ trương tổ chức thi tuyển viên chức trong năm 2019 là đúng với hướng dẫn hiện hành.

Đồng thời, đây cũng là lúc thực hiện việc tinh giản đội ngũ giáo viên hợp đồng dư thừa.

Hơn nữa, cũng sẽ tạo cho những thầy cô giáo hợp đồng có một thân phận rõ ràng hơn với công việc mà mình đã và đang gắn bó.

Thế nhưng, xét về tình đây lại là câu chuyện rất buồn về cách ứng xử. Nó giống như chuyện “vắt chanh bỏ vỏ” vậy.

Khi cần thì họ ký hợp đồng, không cần thì ngưng ký hợp đồng, kệ mặc tương lai của hàng trăm con người rơi vào cảnh khốn cùng.

Trong đó, các cơ quan chức năng sở tại cũng không thể phủ nhận những sai sót của mình khi đẩy hàng trăm giáo viên rơi vào ngõ cụt, bế tắc.

Bởi, rất nhiều thầy cô đã lớn tuổi nên thi viên chức thì cũng không dễ gì đậu, không thi thì chấp nhận rời xa bục giảng khi cái tuổi đã lỡ cỡ để làm lại từ đầu.

Trong số 256 giáo viên của Sóc Sơn đang kêu cứu, có thầy cô đã dạy hợp đồng gần 30 năm trời- cái tuổi đã trên dưới 50 rồi.

Gần 30 năm cống hiến cho giáo dục địa phương biết bao nhiêu những thăng trầm, khắc khoải.

Cái ngày đầu đến đây được lãnh đạo chào đón bởi địa phương thiếu giáo viên và chính những thầy cô giáo này đã giải quyết được bài toán nhân lực cho ngành giáo dục sở tại lúc bấy giờ.

Điều mà chúng ta thấy bất ngờ nhất là quyền lợi của những giáo viên hợp đồng này cũng đã được xếp ngang như những viên chức giáo dục khác.

Có thầy cô cũng đã được hưởng lương lên đến bậc 9, có thầy cô được xét kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục, được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên giỏi cấp thành phố. 

Thanh xuân đã qua mất rồi, đường sống nào cho giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn? ảnh 2Giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn bật khóc trước nguy cơ mất việc

Trong đó, có thầy cô được bổ nhiệm làm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, được tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi.

Vô hình trung đây đã là sự thừa nhận về quyền lợi và nghĩa vụ của những thầy cô đã là viên chức và những thầy cô là giáo viên hợp đồng đều như nhau.

Tuy nhiên, thời thế đã đổi thay khi địa phương có chủ trương thi tuyển viên chức ngành giáo dục sau hàng chục năm không thi tuyển.

Tất nhiên, việc thi tuyển cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho giáo viên trẻ, sinh viên sư phạm mới ra trường có thêm cơ hội việc làm. Nếu làm đúng, làm khoa học sẽ tìm được những nhân lực tốt nhất cho ngành.

Nhiều giáo viên trẻ họ có sức vươn lên tốt, ngoài chuyên môn, họ có ngoại ngữ, tin học, thích nghi tốt với những đổi mới của ngành hiện nay.

Và, đây cũng là cách để “tinh giản” hợp lý những thầy cô giáo hợp đồng (nếu không đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi).

Thực tế, các cơ quan chức năng hiện nay của Sóc Sơn cũng rơi vào thế khó xử. Bởi, câu chuyên dây dưa này được kéo dài hàng chục năm qua với nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo khác nhau.

Nếu không sửa, nó còn dây dưa mãi. Tất nhiên, chọn phương nào cũng có những ưu điểm, hạn chế đối với cả hai bên.

Tổ chức thi thì nhiều thầy cô giáo không đáp ứng được yêu cầu thực tế- đây là mấu chốt của sự phản đối.

Không thi, xét đặc cách cho đội ngũ giáo viên hợp đồng thì chắc chắn lại gặp phải sự phản đối của những người trẻ mới ra trường.

Nếu thi, làm không công bằng, khách quan lại trở nên tiêu cực như ở Quảng Ngãi và một số địa phương khác gần đây.

Giải pháp nào cho vẹn cả đôi đường?

Thứ nhất: Như ở phần đầu bài viết đã phản ánh, trong số giáo viên này có nhiều thầy cô đã trên 50 tuổi, có gần 30 năm công tác. Đội ngũ này có thể linh hoạt để thầy cô về hưu sớm theo chế độ.

Thanh xuân đã qua mất rồi, đường sống nào cho giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn? ảnh 3Gần 300 nhân viên trường mầm non ở Hà Tĩnh bị chấm dứt hợp đồng sẽ đi về đâu?

Thứ hai: Những thầy cô độ tuổi trên 40 nếu quá trình công tác của thời gian qua có những thành tích thật sự xuất sắc, đem lại thành qủa tốt cho ngành giáo dục (số này không nhiều).

Những thầy cô này có thể xét đặc cách để công nhận viên chức hoặc tiếp tục duy trì hình thức hợp đồng như hiện nay.

Thứ ba: Những thầy cô còn lại đều tham gia kỳ thi tuyển viên chức tới đây sẽ công bằng nhất.

Ai đạt yêu cầu thì tiếp tục công tác trong ngành giáo dục, ai không đạt cũng đành chấp nhận với kết quả kỳ thi.

Thực tế, những thầy cô dưới 40 tuổi đa phần đều được học tiếng Anh ở các trường đại học, cao đẳng sư phạm. Tất nhiên, trong hàng chục năm ra trường có thể gặp khó khăn nhưng không thể nói là không biết.

Tin học thì đa phần các thầy cô cũng nắm được những kiến thức cơ bản. Bởi, hàng chục năm nay ngành giáo dục cũng đã yêu cầu giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Những kiến thức chuyên môn, pháp luật bắt buộc giáo viên phải biết, phải nắm được. 

Vì thế, các thầy cô lớn tuổi thua các em trẻ chỉ là ở môn ngoại ngữ nhưng cũng có nhiều lợi thế về kinh nghiệm chuyên môn, kiến thức pháp luật và xã hội.

Thứ tư: Việc tổ chức kỳ thi phải được làm nghiêm minh. Các bài thi đều được thực hiện trên máy tính được thiết kế phần mềm tự động.

Khi thí sinh nộp bài là biết kết quả ngay giống như các cuộc thi dành cho học sinh để tránh tiêu cực.

Những cán bộ được phân công ra đề thi cần cách ly trong quá trình làm đề và làm bài của thí sinh.

Thứ năm: Những thầy cô không đậu, cần nhanh chóng được giải quyết thỏa đáng các quyền lợi liên quan. Được ưu tiên ký một số công việc giảng dạy, hành chính trong ngành giáo dục (nếu có nhu cầu của cả 2 bên).

Tổ chức kỳ thi công bằng, khách quan để chọn ra những thầy cô xứng đáng nhất, phù hợp nhất cũng là điều cần thiết để giải quyết dứt điểm đội ngũ giáo viên hợp đồng hiện nay ở các trường công lập ở Sóc Sơn cũng như ở các địa phương khác.

Bởi, năm nào câu chuyện này cũng thấy xảy ra. Nhìn thấy gương mặt các thầy cô tiều tụy, hốc hác, nước mắt lưng chòng liên tục xuất hiện trên các mặt báo...tội lắm.

THANH AN