Vụ trưởng Nhàn trả lời thầy cô Trường Tôn Đức Thắng, tóm lại là không liên quan

02/01/2020 09:14
Thùy Linh
(GDVN) - Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Giáo dục và Đào tạo không nhận được Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ ngày 16/10/2019 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34/2018/QH14) được xây dựng trên tinh thần thể chế hóa chủ trương tự chủ đại học của Đảng, Nhà nước đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 nhưng ngày 16/10/2019, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ký Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ trong đó có một số nội dung đi trái với chủ trương tự chủ đại học; cũng như trái với quy định trong Luật số 34/2018/QH14.

Trước vấn đề này, ngày 9/12/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam gửi câu hỏi tới Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Đến ngày 1/1/2020, Báo nhận được phản hồi của Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ - Lê Thị Thanh Nhàn. 

Tòa soạn trích nguyên văn câu hỏi của Báo và ý kiến của Vụ trưởng để độc giả tiện theo dõi như sau:  

Phóng viên: Hiện Luật Giáo dục Đại học sửa đổi đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 nhưng ngày 16/10/2019 Tổng liên đoàn ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ với nhiều nội dung trái với luật này về thẩm quyền của Hội đồng trường và quyền tự chủ đại học. Vụ Tổ chức cán bộ có biết Quyết định này của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam không?

Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Giáo dục và Đào tạo không nhận được Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ ngày 16/10/2019 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lí trực tiếp 36 cơ sở giáo dục đại học theo Quyết định số 960/QĐ-TTg ngày 6/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định không nhận được Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ ngày 16/10/2019 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định không nhận được Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ ngày 16/10/2019 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Đối với các cơ sở giáo dục đại học khác, theo Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục về mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. 

Mặc dù Trường Đại học Tôn Đức Thắng là điểm sáng của cả hệ thống giáo dục đại học, nhưng trường lại đang gặp phải những rào cản khó khăn từ chính cơ chế “chủ quản”. Quan điểm của Vụ Tổ chức cán bộ xử lý vấn đề này như thế nào?

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đưa ra nhiệm vụ, giải pháp:

“Phân định công tác quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục, đào tạo… Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo”.

Thủ tướng nên ban hành một Nghị định cho riêng Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học đã được quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017, … 

Đặc biệt, quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học được quy định tại Luật giáo dục đại học ngày 18/6/2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học ngày 19/11/2018 (Luật số 34).

Song song với việc thực hiện quyền tự chủ, cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm giải trình trong các hoạt động, các quyết định của mình; chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan quản lí trực tiếp và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Xung quanh vấn đề này, tới đây Bộ có ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn cụ thể, chi tiết về các vấn đề của tự chủ đại học hay không?

Luật số 34 giao Chính phủ quy định chi tiết về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật.

Theo thẩm quyền, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hướng dẫn những quy định được Luật số 34 giao.

Các quyền tự chủ về chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản của các cơ sở giáo dục đại học sẽ do các cơ quan quản lý ngành/lĩnh vực có liên quan ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành theo thẩm quyền.

Với chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định về chuẩn chất lượng giáo dục đại học, trong đó có quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học về tuyển sinh, đào tạo và các hoạt động chuyên môn. 

Thùy Linh