Học sinh vùng cao không được học trực tuyến, lo lắng thi Quốc gia

24/04/2020 06:28
Nguyễn Đức Minh
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - “Ở trên trường của tôi khó dạy học trực tuyến lắm. Bởi vì học sinh ở vùng cao không có sóng điện thoại, không có sóng wifi nên không dạy được”.

Triển khai dạy học trực tuyến ở vùng cao gặp nhiều khó khăn

Trong khoảng thời gian các em học sinh nghỉ học vì dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai dạy học trực tuyến. Đây là một hình thức thay thế cho việc học trên lớp, nhằm đảm bảo cho các em học sinh vừa an toàn ở nhà tránh dịch, vừa không bị mất kiến thức.

Tuy nhiên để việc học trực tuyến diễn ra thuận lợi cần rất nhiều yếu tố. Trong đó quan trọng nhất vẫn là phải có sóng và mạng internet. 

Đối với các em học sinh ở miền xuôi, đồng bằng, sóng ổn định, mạng 3G, 4G, mạng wifi phủ sóng thì không nói. Nhưng còn đối với học sinh ở vùng cao và những vùng còn gặp nhiều khó khăn thì sao?

Dạy trực tuyến- giáo viên cần sự cảm thông, sẻ chia hơn là sự chê bai, quở trách
Dạy trực tuyến- giáo viên cần sự cảm thông, sẻ chia hơn là sự chê bai, quở trách

Chia sẻ với phóng viên, cô Nguyễn Thị Quý, giáo viên trường Trung học phổ thông Sông Mã (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) cho biết: 

“Ở trên trường của mình khó dạy học trực tuyến lắm. Bởi vì học sinh ở vùng cao không có sóng điện thoại, không có sóng wifi nên không dạy được. Nếu mà có dạy thì cũng chỉ có mấy bạn ở thị trấn học được thôi”. 

Thầy Phạm Văn Vượng, giáo viên trường Trung học phổ thông Sông Mã cũng nói rõ: 

“Học trực tuyến cần phải có wifi, mạng internet đủ mạnh thì các em mới vào học được. 

Trong hoàn cảnh nghỉ dịch như này, mình cũng tổ chức vài lớp để dạy cho các em nhưng mà đa số là chỉ có những em ở thị trấn, các em có 4G hoặc nhà có mạng internet đủ mạnh thì các em mới tham gia.

Đại đa số các em ở vùng khó khăn này không tham gia được. Một số em nhà còn không có điện để học.

Khi dạy học trực tuyến này nó thiếu đi một sự tương tác, nên có một số em có vào học được thì cũng chỉ là chống đối. 

Rồi là việc tạo ra các bài tập online để các em làm cũng chỉ giải quyết được phần nào thôi. Nói chung là hiệu quả cũng không cao lắm.

Mình dạy lớp 12 là cả khối có 349 em học sinh. Nhưng lượng học sinh vào làm bài sau 2 ngày mới được 210-220 học sinh.

Chứng tỏ gần một nửa các em không đụng đến bài tập. Có thể có một số em lười, nhưng mà có những em không có điều kiện để học”. 

Khó khăn trong việc tổ chức dạy trực tuyến tại vùng cao (Ảnh:V.N)
Khó khăn trong việc tổ chức dạy trực tuyến tại vùng cao (Ảnh:V.N)

Không chỉ gặp khó khăn về sóng và mạng internet, một bộ phận các em học sinh vùng cao vì gia đình còn nhiều khó khăn, nên các em còn phải dành thời gian để phụ giúp công việc cho bố mẹ. Vì vậy ít khi học trực tuyến được đầy đủ, có học cũng khó tập trung. 

Em Lò Thị Hồng Nhung, học sinh trường Trung học phổ thông Sông Mã tâm sự về việc học trực tuyến của mình: “Học trực tuyến cũng tốt nhưng e nghĩ kiến thức không bao quát đc hết.

Có bài thầy cô giảng trên lớp còn khó hiểu nữa là học trực tuyến, học trên lớp vẫn tốt hơn rất nhiều.

Mà nghỉ dịch ở nhà thì em cũng phải làm việc giúp bố mẹ chứ không có điều kiện học đầy đủ đâu. Trừ những bạn ở thành phố không phải làm nương rẫy gì thì chắc sẽ tham gia học đầy đủ hơn bọn em ở nông thôn này”.

Hồng Nhung cũng chia sẻ rằng, thường thì sáng với chiều bạn ấy sẽ đi quốc vườn, làm ít nương, ngô để nuôi lợn, gà. Thời gian để Hồng Nhung tranh thủ xem lại bài và học bài chỉ là lúc nghỉ trưa và buổi tối. 

Học sinh vùng cao lo lắng cho kỳ thi Quốc gia năm nay

Em Lường Thị Băng, học sinh trường Trung học phổ thông Sông Mã (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về việc học online của mình: 

“Đối với cá nhân em thì em thấy học trực tuyến không hiệu quả cho lắm. Không đi học chính khóa nên có bạn học, có bạn không. Các thầy cô cũng không thể kiểm soát đc là có bạn nào học hay không. 

Có khi 1 lớp 40 người mà số người học online không quá 10 bạn. Vì nghỉ như này mấy bạn không không hẳn đc nghỉ ngơi, mà còn phụ gia đình rất nhiều vì mùa vụ.

Thêm nữa là không phải gia đình bạn nào cũng có điều kiện để sắm sửa cho các bạn máy tính, laptop, wifi để online được vì ở miền núi, ở vùng sâu vùng xa.

Ngay cả việc làm bài tập về nhà mà các cô giao. Thực sự cũng khá khó hiểu. Đa số các bạn đều nói là khó, và làm để chống đối chứ không học”.

Theo tôi, năm nay nên xét tốt nghiệp trung học phổ thông
Theo tôi, năm nay nên xét tốt nghiệp trung học phổ thông

Không riêng gì các em học sinh ở vùng cao, mà một số học sinh ở dưới xuôi cũng thấy việc học trực tuyến không đạt hiệu quả cao. 

Em Hoàng Ngọc Anh, học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Hưng yên cho rằng:

“Khi học online, về mặt giao tiếp thì nó sẽ không được như trực tiếp, kiểu giáo viên không kiểm soát được toàn bộ học sinh là có học thật không, hay đối phó.

Còn về kiến thức thì sẽ không thể đầy đủ bằng học trên lớp, cũng chỉ một phần. Vì có những nội dung cần truyền tải trực diện. Ví dụ như kiểu bài khó ở lớp giáo viên có thể gọi lên bảng làm bài, nhưng qua Internet thì chỉ có thể nói thôi. 

Việc học trực tuyến không đạt hiệu quả, trong khi đó, chưa biết bao giờ toàn bộ học sinh cả nước mới có thể quay trở lại học bình thường. 

Vì thế, việc tháng 8 tới đây bắt đầu diễn ra kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia, có lẽ sẽ khiến một bộ phận học sinh không có đủ thời gian để ôn tập thật tốt".

Học sinh vùng cao lo lắng về kỳ thi Quốc gia năm nay (Ảnh minh họa:thanhnien.vn)
Học sinh vùng cao lo lắng về kỳ thi Quốc gia năm nay (Ảnh minh họa:thanhnien.vn)

Em Bùi Hải Nam, học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương cho biết: 

“Các bạn khác em nghĩ là kịp ôn. Còn em là thành phần học đội tuyển Quốc gia về. Học đội tuyển về xong thì nghỉ tết, tết xong thì nghỉ dịch, thế nên chưa học được cái gì mấy. Đặc biệt là môn văn. Hầu hết các tác phẩm em chưa được nghe giảng kĩ.

Nên trong đợt dịch em cũng phải cố tự học nhiều tuy nhiên thì học xong 1 tác phẩm cũng mất kha khá thời gian và còn phải luyện tập các đề nữa. Nếu còn có chút xíu thời gian như vậy thì em nghĩ là không kịp để em có kiến thức tốt nhất”. 

Trước việc một bộ phận học sinh lo lắng về việc học trực tuyến, cũng như không đủ thời gian để ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia sắp tới, thầy Phạm Văn Vượng, giáo viên trường Trung học phổ thông Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La có cho rằng: 

“Mình nghĩ việc xét tốt nghiệp thực ra chỉ là cấp cho các em một tấm vé để vào đời thôi. Vì thế nên giao cho địa phương, thậm chí là bây giờ xét tốt nghiệp giao cho trường cũng được. Các trường sẽ chịu trách nghiệm về chất lượng của mình. 

Còn các trường Đại học sẽ tự tổ chức thi riêng vào một thời điểm nào đó hợp lý. Các trường Đại học cũng có thể về tỉnh, tổ chức thi ở các tỉnh”. 

Nguyễn Đức Minh