Hội đồng trường: Từ chủ trương đến hiện thực

15/02/2021 06:16
Phó giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vấn đề là tại sao Luật 08 đã quy định về hội đồng trường, có hiệu lực từ 01/01/2013 mà đến nay vẫn có trường chưa thành lập hội đồng trường?

Khái niệm hội đồng trường ở các trường đại học được xã hội quan tâm trong thời gian gần đây kể từ khi có Luật Giáo dục đại học sửa đổi (gọi tắt là Luật 34) ra đời.

Thế nhưng Luật số 34 không phải luật đầu tiên quy định về hội đồng trường trong các trường đại học, mà hội đồng trường đã được luật hoá từ năm 2012 tại Luật Giáo dục Đại học (gọi tắt là Luật 08).

Vấn đề là tại sao Luật 08 đã quy định về hội đồng trường, có hiệu lực từ 01/01/2013 mà đến nay vẫn có trường chưa thành lập hội đồng trường?

Hoặc có trường đại học đã thành lập hội đồng trường nhưng viên chức – người lao động trong trường không hề biết có sự tồn tại một tổ chức có tên như vậy?

Từ khi Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành hướng dẫn thi hành một số điều của Luật 34, có hiệu lực từ ngày 15/02/2020, thì xã hội mới bắt đầu quan tâm bàn luận, thậm chí có một số diễn đàn còn đặt câu hỏi về “quyền lực” của chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng “ai to hơn?”.

Đó là câu hỏi đáng lưu tâm, không phải bởi “quyền lực” hay “quyền lợi”, mà cái chính là ở cách nghĩ và cách làm.

Làm thế nào để các trường đại học công lập hiện nay thay đổi mô hình quản trị vẫn đảm bảo phát triển một cách bền vững, không triệt tiêu tính sáng tạo, năng động của thủ trưởng đơn vị, không xung đột giữa cơ chế quản trị cũ và mới, đảm bảo đúng pháp luật và mọi việc vẫn trôi chảy, suôn sẻ?

Phó Giáo sư Võ Văn Minh hiện là Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.

Phó Giáo sư Võ Văn Minh hiện là Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.

Từ chủ trương đến luật hoá

Theo Giáo sư Phạm Phụ (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) thì “Hội đồng trường là một cơ chế được sử dụng rất phổ biến trong quản trị giáo dục đại học ở các nước phát triển trên thế giới.

Có rất nhiều mô hình và nhiều tên gọi khác nhau để chỉ hội đồng trường. Nhưng tất cả đều có bản chất là một “hội đồng cai quản” (governance) có thẩm quyền cao nhất trong cơ cấu của một trường đại học”.

Từ năm 2003, Điều lệ trường đại học do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 30/7/2003, tại Điều 30 ghi rõ: “Hội đồng trường là cơ quan quản trị của nhà trường”.

Qua tìm hiểu, ở Việt Nam cũng có một ít trường triển khai thực hiện, quy định vai trò hội đồng trường trong quy chế tổ chức và hoạt động. Nhưng phần lớn các trường đại học không thành lập hội đồng trường lúc bấy giờ.

10 năm sau đó, Luật 08 ra đời, tại Điều 14 ghi rõ: “Cơ cấu tổ chức của trường cao đẳng, trường đại học, học viện công lập gồm: a) Hội đồng trường; b) Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng, trường đại học; giám đốc, phó giám đốc học viện…

Cũng theo Luật 08, Điều 16 quy định hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của nhà trường và nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trường.

Tại Quyết định 70/2014/QĐ-TTg (quyết định ban hành Điều lệ trường đại học) cũng đã phân định về vai trò hội đồng trường và hiệu trưởng.

Mặc dù, sau khi Luật 08 ra đời, rất nhiều trường đại học trong cả nước đã thành lập hội đồng trường, nhưng nhìn chung cũng muôn màu, muôn vẻ. Vai trò quản trị của hội đồng trường còn rất mơ hồ. Có nơi thậm chí còn ví như hội đồng trường như “bù nhìn”.

Đến năm 2017, Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW khẳng định: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng, hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch hội đồng trường”.

Năm 2018, Luật 34 ra đời, lần này quy định và làm rõ hơn về vai trò hội đồng trường trong các trường đại học. Sửa đổi và bổ sung Điều 16 rất nhiều nội dung quan trọng. Trong đó quy định:

1. Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan.

2. Hội đồng trường của trường đại học công lập có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:

a) Quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hằng năm của trường đại học; chủ trương phát triển trường đại học thành đại học hoặc việc sáp nhập với trường đại học khác;

b) Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở của trường đại học phù hợp với quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan…”.

Ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 99/2019/NĐ-CP “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học”.

Nghị định này dành phần lớn hướng dẫn về hội đồng trường. Chính vì vậy mà một số nhà quản lí giáo dục cho rằng, Luật 34 là luật về tự chủ đại học hay luật về hội đồng trường.

Như vậy, xuất phát từ kinh nghiệm quản trị đại học ở các nước trên thế giới và thực tiễn triển khai ở Việt Nam gần 20 năm (từ năm 2003 đến năm 2020), mô hình quản trị đại học bởi hội đồng trường mới ngày càng rõ ràng, cụ thể.

Đây cũng là một giải pháp quan trọng nhằm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013.

Từ chủ trương đổi mới đến đổi mới thực sự trong thực tế vẫn là chặng đường dài và chưa hẳn dễ dàng thông suốt, nếu không có sự quyết tâm chính trị vì một nền giáo dục – đào tạo chuyên nghiệp.

Con đường hiện thực hóa chủ trương và các quy định pháp luật

Đến nay, căn cứ để thành lập và hoạt động của hội đồng trường chính là Luật 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP.

Tuy nhiên, trong thực tế hội đồng trường được thành lập nhưng nhiều trường bộ máy lãnh đạo, quản lí (từ ban giám hiệu đến bộ môn) đã ổn định theo quy trình vừa mới bổ nhiệm trước đó.

Mặt khác, khoảng 1/2 số trường đại học trong cả nước đến nay vẫn chưa thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 19/NQ-TW năm 2017.

Điều đó cũng có nghĩa là mô hình quản trị bởi hội đồng trường vẫn phải vận hành “mềm dẻo”, “linh hoạt”, “quá độ”…

Để hiện thực hoá và vận hành hội đồng trường trong bối cảnh “quá độ” như vậy, một số việc quan trọng cần triển khai để đảm bảo đúng luật, gồm:

Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động hội đồng trường; phân công nhiệm vụ cho các thành viên hoặc thành lập các ban theo tình hình thực tế; ban hành chương trình công tác của nhiệm kì.

Thông qua quy chế tổ chức và hoạt động nhà trường, quy chế tài chính, quy chế dân chủ cơ sở và những quy định liên quan.

Phê duyệt kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường; trên cơ sở đó phê duyệt kế hoạch hàng năm và từng quý.

Căn cứ vào quy chế tổ chức và làm việc của hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát các nghị quyết của hội đồng trường;

Thẩm định các đề án, tờ trình của hiệu trưởng,… dựa trên các quy định của pháp luật; nghị quyết của Đảng, của Quốc hội; nghị quyết của đảng bộ, quy chế tổ chức và hoạt động, kế hoạch chiến lược phát triển của nhà trường…

Thực hiện quy định về lưu trữ, báo cáo định kì với cấp trên cũng như giải trình với xã hội (nếu có).

Đối với nhiều trường và nhiều thành viên hội đồng trường, công việc thực hiện nhiệm vụ quản trị đại học là rất mới.

Chính vì vậy, bước đầu “vào vai” chắc chắn sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ, khó khăn. Nhất là giải quyết mối quan hệ giữa các bên liên quan cũng như phân định vai trò kiêm nhiệm.

Tự chủ đại học đúng nghĩa sẽ nâng cao chất lượng đào tạo và người hưởng lợi lớn nhất sẽ là sinh viên. (Ảnh minh họa: Sinh viên Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng tham gia một tiết học thực hành).

Tự chủ đại học đúng nghĩa sẽ nâng cao chất lượng đào tạo và người hưởng lợi lớn nhất sẽ là sinh viên. (Ảnh minh họa: Sinh viên Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng tham gia một tiết học thực hành).

Một số mong đợi ở mô hình quản trị bởi hội đồng trường

Giáo dục đại học Việt Nam đã phát triển và hội nhập sâu trong những năm gần đây, thông qua chủ trương kiểm định chất lượng giáo dục và tự chủ đại học.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển vẫn có trường bế tắc về đường hướng hoặc gặp khó khăn, mất nhịp trong lộ trình phát triển do biến động về nhân sự, sự tác động của chính sách, sự thay đổi thị trường lao động…

Điều đó, đòi hỏi cần phải có mô hình quản trị chuyên nghiệp theo hướng tự chủ để tổ chức và hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết những vấn đề bất cập một cách căn bản, có tính hệ thống và bền vững. Cụ thể:

Một là, thiết lập được quy chế tổ chức - hoạt động và chiến lược phát triển phù hợp với sứ mệnh, phù hợp với quy định của pháp luật cũng như điều kiện thực tế của Nhà trường;

Hai là, vận hành hiệu quả hệ thống quản trị thông qua quy chế hoạt động cũng như mục tiêu chiến lược phát triển, dựa trên vai trò điều hành của hiệu trưởng và vai trò định hướng, giám sát của tập thể hội đồng trường;

Ba là, huy động sức mạnh của tập thể, các bên có lợi ích liên quan trong xây dựng và phát triển nhà trường, dưới sự giám sát của xã hội và trách nhiệm giải trình.

Mô hình quản trị bởi hội đồng trường vận hành hiệu quả rất cần sự nhận thức đúng đắn, đầy đủ của xã hội; trách nhiệm của viên chức – người lao động và nhất là các thành viên hội đồng trường “vào đúng vai và làm đúng việc”.

Như vậy, thực chất mô hình quản trị bởi hội đồng trường là “hợp lực” của các bên liên quan, chứ không phải thực hiện “quyền lực” của một hoặc một nhóm người như mô hình quản trị “tập quyền”.

Tại một số trường đại học, các sinh viên xuất sắc được bầu chọn vào hội đồng trường. Ảnh: AN

Tại một số trường đại học, các sinh viên xuất sắc được bầu chọn vào hội đồng trường. Ảnh: AN

Bước chuyển tiếp của mô hình quản trị đại học chuyên nghiệp

Mặc dù đến nay, Đảng đã có chủ trương rõ ràng và pháp luật đã quy định cụ thể, hội đồng trường đã được thành lập, nhưng tại nhiều trường vẫn còn lúng túng trong việc thực hiện theo mô hình quản trị này.

Về cơ bản, phần lớn các trường đã có bộ máy điều hành từ ban giám hiệu đến bộ môn trước khi có hội đồng trường. Chính vì vậy, hoạt động của hội đồng trường vẫn vận hành “linh hoạt” theo cơ chế “vừa cũ, vừa mới”. Đây được xem là bước chuyển tiếp.

Để đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng như phù hợp với thực tế, phải đến năm 2024 mới là lúc các trường đại học ở Việt Nam kết thúc bước chuyển tiếp để tiến lên mô hình quản trị đại học thực sự chuyên nghiệp – Hội đồng trường thực quyền.

Nghĩa là sau khi đại hội đảng bộ nhà trường thành công, bí thư đảng uỷ chỉ đạo bầu hội đồng trường và tất nhiên bí thư kiêm chủ tịch hội đồng trường.

Tiếp đến, hội đồng trường bầu hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng và kế toán trưởng. Hiệu trưởng chủ trì thực hiện quy trình bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lí theo phân cấp.

Đồng thời xây dựng lại quy chế, quy định, chiến lược, kế hoạch,… và thực hiện quyền giám sát.

Lúc đó, mô hình phát triển đại học sẽ đảm bảo chất lượng hệ thống đến đảm bảo chất lượng về chức năng. Nghĩa là đã phân định rạch ròi vai trò lãnh đạo thuộc về đảng ủy; vai trò quản trị thuộc về hội đồng trường và vai trò điều hành thuộc về hiệu trưởng.

Quản trị đại học bởi hội đồng trường là mô hình quản trị đảm bảo giới hạn “an toàn” cho hiệu trưởng của các trường đại học trong bối cảnh hội nhập và xu thế tự chủ đại học.

Một hội đồng trường được thiết lập khách quan, khoa học, dân chủ chắc chắn sẽ có đủ những thành phần đại diện đúng luật định và chất lượng.

Hội đồng trường đúng nghĩa phải là cầu nối giữa chủ sở hữu cộng đồng và nhà trường, thực hiện chức năng quản trị và giải trình xã hội.

Chỉ khi được xã hội thông hiểu, đồng trách nhiệm, cũng như khi có sự nhận thức đúng đắn và trách nhiệm của các thành viên hội đồng trường, thì mô hình hội đồng trường mới thực sự phát huy hiệu quả và giáo dục đại học Việt Nam mới thực sự “cất cánh” hội nhập.

Phó giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)