Lùi thực hiện chương trình GDPT mới ở lớp 10 đến năm 2023-2024 được không?

12/07/2022 06:52
Minh Khoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, môn Lịch sử có phần bắt buộc và tự chọn, mọi tính toán, xây dựng tổ hợp của các trường sẽ phải thay đổi nhiều.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã ký ban hành kế hoạch về việc thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó nêu rõ phần nội dung bắt buộc.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy cho tất cả học sinh.

Cùng đó, biên soạn, thẩm định tài liệu tập huấn thực hiện chương trình Lịch sử bắt buộc; Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các Sở Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện chương trình Lịch sử phần bắt buộc 52 tiết đối với lớp 10, lớp 11, lớp 12.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Vụ Giáo dục Trung học thành lập Ban phát triển chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông và thực hiện nhiệm vụ xây dựng, rà soát, điều chỉnh chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông; biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình. Thời gian hoàn thành các việc này trước ngày 25/8/2022.

Ngoài ra, thành lập và tổ chức thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc đối với lớp 10, lớp 11, lớp 12. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/8/2022.

Bộ cũng yêu cầu các Sở Giáo dục triển khai tập huấn đại trà về tổ chức dạy học chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc cho cán bộ quản lý, giáo viên để nâng sự phù hợp với điều kiện địa phương.

Việc xây dựng dự toán, thanh quyết toán các hợp đồng liên quan hoàn thành trước ngày 12/7. [1]

Ảnh minh họa - Nguồn vtv

Ảnh minh họa - Nguồn vtv

Liệu có thay đổi kịp khi năm học mới 2022-2023 đã cận kề?

Kế hoạch vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành là một trong những công việc cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết của Kỳ họp thứ 3.

Theo Nghị quyết số 63/2022/QH15 Kỳ họp thứ 3 được Quốc hội khóa XV đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành, môn Lịch sử trong chương trình trung học phổ thông sẽ gồm cả phần bắt buộc và lựa chọn.

“Nghiên cứu ý kiến cử tri, Nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.”.

Đây là một trong những nội dung được nêu rõ tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. [2]

Người viết băn khoăn, chỉ còn thời gian ngắn khoảng 1 tháng để bắt đầu thực hiện chương trình mới, với khối lượng công việc đồ sộ như kế hoạch do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký nêu rất cụ thể liệu có triển khai kịp?

Đồng thời, sẽ rất khó để các trường trung học phổ thông có thể áp dụng vào đầu năm học 2022-2023 đối với lớp 10 khi còn quá nhiều vấn đề còn tồn tại, vướng mắc.

Hiện nay, các trường như ngồi trên lửa với việc sắp xếp, bố trí phương án để thực hiện chương trình mới ở lớp 10, nhưng dù rất nóng lòng nhưng không thể làm gì khác vì phải chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các trường phải xây dựng các tổ hợp với rất nhiều phương án cho học sinh lựa chọn tổ hợp chọn môn, tư vấn học sinh, bố trí giáo viên,…không khéo sẽ rất dễ “vỡ trận”, có thể sẽ khó khăn hơn so với các phương án cũ với 108 tổ hợp chọn môn.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng cho bậc trung học phổ thông từ năm học 2022-2023 theo chương trình gốc gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Lùi thời gian triển khai được không?

Chương trình đã được thông qua trước đây có 5 môn học tự chọn được chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm có ít nhất 1 môn, đó là nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật)).

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 1496/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023, trong đó có nội dung về tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, mỗi trường trung học phổ thông xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn gồm 5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học); vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu học tập của học sinh và đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Sau khi có công văn của Bộ, các trường đã gần như xây dựng các tổ hợp để cho các học sinh lựa chọn để chuẩn bị bắt đầu chương trình mới.

Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, giờ là kế hoạch của Bộ, mọi tính toán, xây dựng tổ hợp của các trường sẽ phải thay đổi nhiều.

Số môn học bắt buộc từ 7 môn thành 8 môn, do có thêm môn Lịch sử bắt buộc. Bên cạnh đó, phải thay đổi các môn lựa chọn trong tổ hợp chọn môn.

Cho dù thực hiện theo phương án nào, tổng số tiết học/năm học của học sinh lớp 10 và các lớp 11, 12 các năm tiếp theo sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp, phải thay đổi khá nhiều.

Chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh bậc trung học phổ thông sẽ học tổng số tiết là 1.015 tiết/năm (chưa kể các môn tự chọn Ngoại ngữ 2 hoặc Tiếng dân tộc thiểu số), nếu thay đổi ở môn Lịch sử tổng số tiết học này có thể phải thay đổi.

Trước đó, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An có 4 nội dung đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, xem xét, trong đó có nội dung đề nghị Bộ xem xét lùi lộ trình thực hiện Chương trình sách giáo khoa lớp 10 (thay vì thực hiện từ năm học 2022-2023 lùi sang năm học 2025-2026) vì lý do, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực xây dựng chương trình, sách giáo khoa, thiết bị dạy học, đội ngũ … để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình. [3]

Do việc đổi môn Lịch sử thành môn có phần tự chọn và bắt buộc diễn ra vào “phút 90” và với khối lượng công việc, thời gian như kế hoạch về việc thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 vừa được Bộ Giáo dục ban hành liệu việc triển khai có đảm bảo chất lượng? Chúng ta có nên lùi lại 1 năm để công tác chuẩn bị tốt nhất cho việc đổi mới ở bậc trung học phổ thông thay vì quá gấp gáp như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/lich-su-vua-lua-chon-vua-bat-buoc-bo-gd-dt-sua-chuong-trinh-trong-1-thang-2038928.html

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/quoc-hoi-yeu-cau-thiet-ke-mon-lich-su-cap-thpt-gom-ca-phan-bat-buoc-va-lua-chon-post227551.gd

[3] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/de-xuat-lui-thoi-gian-thuc-hien-chuong-trinh-sach-giao-khoa-moi-voi-lop-10-post220576.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khoa