Ngày 17/5/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cung cấp một số thông tin quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, cho các phóng viên phụ trách lĩnh vực này tại các cơ quan thông tấn, báo chí ở khu vực phía Nam.
Lượng người học đại học ở Việt Nam vẫn còn rất thấp
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Phạm Như Nghệ chia sẻ: Tổng chỉ tiêu xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng năm nay ở mức hơn 480.000 em, tăng 7,5% so với năm trước.
Cho dù tổng chỉ tiêu tuyển sinh tăng, nhưng ông Phạm Như Nghệ nói rằng, chỉ có 28% số người đi học đại học ở nước ta là trong độ tuổi đi học đi học đại học. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Thái Lan, Malaysia là 43% hay 48%, còn tại những nước phát triển thì tỷ lệ này còn cao hơn nữa.
“Như vậy, số lượng người đi học đại học ở tại Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các nước khác” – ông Phạm Như Nghệ kết luận.
Trong tổng số gần 900.000 thí sinh đăng ký dự thi trung học phổ thông quốc gia năm nay, chỉ có khoảng 400.000 em là có thể vào học ở các trường đại học, cao đẳng (đạt 82 đến 85% tổng chỉ tiêu đã đưa ra).
Có nghĩa rằng, còn khoảng 500.000 em học sinh nữa đã tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng không vào học các trường đại học, cao đẳng. chưa kể những em đã tốt nghiệp của những năm trước.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Phạm Như Nghệ chia sẻ tại buổi gặp gỡ phóng viên báo chí (ảnh: P.L) |
Ngoài ra, còn khoảng 250.000 đến 300.000 em học sinh, đã tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng không vào học trung học phổ thông.
Đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học khẳng định, nguồn tuyển cho các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn còn rất lớn, không hề lo thiếu. Vấn đề là các trường này có thể thu hút được học sinh hay không mà thôi?
Chỉ tiêu ngành sư phạm tăng khoảng 10.000 em
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Phạm Như Nghệ nói: Tổng chỉ tiêu vào ngành sư phạm của các trường năm nay vào khoảng 46.000 em, tăng khoảng 10.000 em so với năm ngoái. Các chỉ tiêu này được xây dựng dựa trên nhu cầu nhân sự từ các địa phương gửi về.
Thi tốt nghiệp năm nay thí sinh, phụ huynh đừng nghĩ có thể gian lận được |
Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi công văn tới các địa phương, yêu cầu lãnh đạo rà soát nhu cầu về giáo viên cụ thể ở từng ngành học, từng trình độ, yêu cầu có báo cáo, để Bộ có căn cứ đưa ra chỉ tiêu cho ngành.
Về vấn đề các trường công khai không đầy đủ thông tin tuyển sinh của trường mình trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, ông Phạm Như Nghệ khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã kiểm tra các khâu rất chặt chẽ trước khi đăng lên cổng thông tin tuyển sinh.
Nhưng muốn có các thông tin chi tiết, đầy đủ thì các em phải vào cổng thông tin của từng trường.
Cả nước có khoảng 400 cơ sở xét tuyển đại học, cao đẳng, mà nguồn nhân lực của Bộ thì không đủ, nên mỗi năm cũng chỉ có thể kiểm tra khoảng 20 cơ sở giáo dục, đi trường nào cũng cần phải có sự tính toán.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo Mai Văn Trinh bổ sung: “Chúng tôi có một phần mềm liên quan đến vấn đề này. Nếu rà soát thấy trường nào tăng chỉ tiêu đột biến, thì chúng tôi sẽ xem xét, kiểm tra kỹ”.