“Mẹ ơi, truyền hóa chất mà bị trọc đầu, các bạn có chơi với con không?”

08/03/2023 06:42
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo, cậu học trò Lê Bá Luân có mặt ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, ở trường, nhưng quyết không bỏ lỡ kiến thức và bài kiểm tra nào.

“Mẹ ơi, truyền hóa chất mà bị trọc đầu, các bạn có chơi với con không?”

Đó là câu mà cậu học trò Lê Bá Luân - học sinh lớp 7A3, Trường Trung học cơ sở Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) hỏi mẹ, khi biết mình phải chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo - hội chứng thực bào máu.

Trong lúc các bạn đồng trang lứa đang hằng ngày cắp sách tới trường và tung tăng vui đùa cùng chúng bạn, thì Luân lại phải dừng việc đến trường để bước vào “cuộc chiến” nơi bệnh viện.

Trò chuyện với phóng viên, chị Trương Thị Ngọc (43 tuổi), mẹ của Luân nhớ lại: “Từ 2-3 năm trước, Luân bắt đầu có những biểu hiện như sốt cao, chảy máu cảm nhiều lần... Hồi đầu, gia đình cũng chưa biết đó là một căn bệnh nguy hiểm đến mức nào, tuy nhiên, khi thấy con bị vậy ngày một nhiều, gia đình mới đưa con đến bệnh viện.

Lúc nhận kết quả chẩn đoán về căn bệnh hiểm nghèo, hai vợ chồng cảm giác như muốn suy sụp đến nơi, nhưng vẫn phải tự vực mình dậy để cùng con chiến đấu.

Thú thực, thời gian đầu, tôi cũng khóc nhiều lắm, mặc dù ban ngày, tôi phải cố gồng mình tỏ ra mạnh mẽ, không dám khóc trước mặt các con, nhưng đêm đến nhiều khi không kìm được mà bật khóc.

Cậu bé Lê Bá Luân tựa vào vai mẹ - chị Trương Thị Ngọc. Ảnh: Mộc Trà.

Cậu bé Lê Bá Luân tựa vào vai mẹ - chị Trương Thị Ngọc. Ảnh: Mộc Trà.

Những lúc như vậy, chồng tôi lại cố gắng động viên: Nếu chúng ta gục ngã thì ai sẽ là người cùng con điều trị, cùng con bước tiếp? Tôi cũng bắt đầu bình tâm hơn, nhìn thấy con đau thì vừa thương vừa xót, nhưng tự dặn mình không được yếu đuối hay nản lòng”.

Căn bệnh hiểm nghèo đã biến Lê Bá Luân từ một học sinh năng động, hoạt bát và tràn đầy sức sống trở thành một cậu bé xanh xao, không còn sức chạy nhảy nô đùa như trước mà thay vào đó là hầu hết thời gian chỉ quanh ra quẩn vào với 4 bức tường bệnh viện và những sợi dây truyền chằng chịt...

Mẹ Luân cho biết, đợt vừa rồi, con trai bị sốt li bì, triền miên mấy ngày không cắt được sốt. Thể trạng của Luân cũng đang còn yếu, nhiều lúc truyền thuốc xong là mỏi người ê ẩm, thậm chí không muốn ăn uống gì, thường chỉ ăn được một chút cơm, một chút cháo, có hôm uống được tí sữa thì lại nôn...

Ngồi một lát trên chiếc ghế đá trong khuôn viên Bệnh viện Nhi Trung ương, Luân có vẻ mệt, tựa vào vai mẹ, mắt nhắm hờ, bảo mẹ: “Mẹ ơi, hình như chân con bị chuột rút”.

Người mẹ vội đỡ con nằm ngả ra ghế, đôi tay nhẹ nhàng xoa bóp hai ống chân cậu con trai. Chị tâm sự: “Lâu rồi, con không được đi lại, có lẽ chân còn mỏi nhiều... Hiếm hoi lắm mới có một buổi cuối tuần, bác sĩ truyền thuốc xong sớm, tôi đưa con xuống khu vực sân chơi để hít thở bầu không khí trong lành hơn. Ở trên kia, phòng bệnh thì sạch sẽ, nhưng luôn có mùi nước lau sàn, diệt khuẩn, hai mẹ con không quen nên cảm thấy hơi khó chịu”.

Hai mẹ con mua thức ăn cho bữa trưa trong bệnh viện. Ảnh: Mộc Trà.

Hai mẹ con mua thức ăn cho bữa trưa trong bệnh viện. Ảnh: Mộc Trà.

Việc điều trị với lịch truyền thuốc dày đặc khiến Luân gặp nhiều phản ứng phụ, tóc cậu rụng đi nhiều so với trước đây. “Đã có lần con từng hỏi: Mẹ ơi, con truyền hóa chất điều trị mà bị rụng tóc, trọc đầu thì các bạn có chơi với con không? Nghe câu ấy mà tim tôi như thắt lại, vội ôm con vào lòng và động viên: Chúng ta phải tin tưởng vào bác sĩ, tích cực điều trị để sớm khỏe lại, lúc ấy, con còn được đi học, được gặp bạn bè và thầy cô chứ... Con nghe vậy thì cũng khẽ gật đầu và mỉm cười” - chị kể.

Luân trong những ngày đầu điều trị. Ảnh: NVCC.

Luân trong những ngày đầu điều trị. Ảnh: NVCC.

Khát khao được đi học của cậu “học sinh đặc biệt”

Mặc dù đang chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo, Lê Bá Luân vẫn luôn ham học và không muốn việc học của mình bị gián đoạn.

Chị Trương Thị Ngọc cho biết: “Luân thích đi học. Bất cứ khi nào sức khỏe ổn định và không phải đến bệnh viện, con sẽ đến lớp. Tuy nhiên, năm học này, sức khỏe của con bị yếu đi... Kỳ học vừa rồi, do phần lớn thời gian con phải nằm viện, nên chỉ đi học trực tiếp ở trường được khoảng hơn một tháng, các thầy cô gợi ý gia đình cho con bảo lưu kết quả học tập, nhưng con khóc suốt, nhất định đòi đi học, nên nhà trường cũng ưu tiên, tạo điều kiện cho con được học kết hợp qua hình thức trực tuyến.

Bên cạnh đó, những hôm nào con phải truyền thuốc hoặc quá mệt, cô giáo bộ môn hoặc các bạn sẽ chụp lại bài học ngày hôm đó và gửi lại qua Zalo, khi con đỡ mệt sẽ mở lên tự học. Có lần, các bạn cùng lớp còn gọi điện cho con để tham khảo cuộc thi Viết thư quốc tế UPU.

Có những đợt điều trị, các cô giáo khuyên con là nếu mệt thì cứ nghỉ ngơi, nhưng con nhất định đòi bố mẹ mang theo sách vở vào viện để học. ‘Con không muốn bỏ lỡ kiến thức’ - Luân nói vậy...”.

Khát khao được đi học, Luân mang theo cả sách vở vào viện, tranh thủ học từ bài giảng của thầy cô và các bạn gửi qua điện thoại. Ảnh: NVCC.

Khát khao được đi học, Luân mang theo cả sách vở vào viện, tranh thủ học từ bài giảng của thầy cô và các bạn gửi qua điện thoại. Ảnh: NVCC.

Nhắc đến cậu học trò nhỏ, cô giáo Hoàng Mai Tuyết - giáo viên chủ nhiệm lớp 7A3 (Trường Trung học cơ sở Xuân Sơn) cũng chia sẻ: “Sức khỏe của Luân không đảm bảo để đi học đều đặn được như các bạn khác. Thế nên, thầy Hiệu trưởng đã tạo điều kiện để Luân có thể học theo một cách khác.

Và kỳ lạ thay, các thầy cô bộ môn và các bạn chỉ gửi bài học qua điện thoại, nhưng Luân vẫn tiếp thu một cách rất tuyệt vời. Với tư chất thông minh và tinh thần ham học, Luân “bắt kịp” bài giảng của các cô, thậm chí hiểu bài hơn và nhiều lúc còn chỉ bài lại cho các bạn khác”.

“Không những thế, Luân còn là một học sinh tự giác và rất nghiêm túc. Vào những dịp có bài kiểm tra, giáo viên sẽ chụp và gửi đề qua điện thoại, ngay lập tức, em ngồi làm bài một cách nghiêm túc, thậm chí bấm giờ theo đúng thời lượng bài kiểm tra cho phép. Vừa hết giờ, em gửi lại bài cho cô giáo, chứ không hề xin thêm một phút nào.

Mặc dù đau ốm như vậy, nhưng kết quả làm bài của em vẫn rất tốt, em học đều tất cả các môn, hoàn thành xuất sắc chương trình học và đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đây thực sự là một tấm gương cho các bạn trong lớp, trong trường noi theo. Và Luân cũng chính là cậu “học sinh đặc biệt” nhất trong trường...” - cô Tuyết bày tỏ.

Cô giáo Hoàng Mai Tuyết cũng bộc bạch: “Luân là cậu học sinh sống rất tình cảm. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa rồi, mặc dù đang phải điều trị tại bệnh viện, em vẫn viết một bức thư tay, gửi đến cô giáo. Đọc những dòng tâm sự của Luân mà tôi xúc động, không kìm được nước mắt...

Không chỉ thân thiết với thầy cô, Luân cũng luôn vui vẻ, chan hòa với bạn bè. Mặc dù bị ốm, nhưng bạn bè cần hỏi gì là em cũng sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ.

Bởi thế, thầy cô và các bạn, ai cũng đều yêu quý Luân. Các cô giáo bộ môn thường tranh thủ giờ ra chơi để gọi điện cho Luân, các bạn trong lớp xúm lại tíu tít hỏi thăm qua điện thoại”.

Cô giáo Hoàng Mai Tuyết và bức thư nhận được nhân ngày 20/11 từ Luân. Ảnh: FBNV.

Cô giáo Hoàng Mai Tuyết và bức thư nhận được nhân ngày 20/11 từ Luân. Ảnh: FBNV.

Ước mơ trở thành nhà văn

Mặc dù học tốt tất cả các môn, nhưng Luân chia sẻ: “Môn học mà con yêu thích nhất là Ngữ văn... Và ước mơ của con là sau này sẽ trở thành một nhà văn”.

Để theo đuổi ước mơ ấy, trước tiên, Luân phải chiến thắng được căn bệnh quái ác đang ngày ngày đeo đẳng.

Sinh ra trong gia đình có 4 chị em, Luân là con trai út, nên được ông bà, bố mẹ và các chị hết mực yêu thương. Nhiều tháng nay, Luân thường xuyên không có mặt ở nhà, vì thời gian điều trị của em ở bệnh viện ngày một dày đặc hơn, khiến ông bà nội thêm mong nhớ.

“Ông bà nội tuổi cũng đã cao, nên vợ chồng tôi không muốn để ông bà biết Luân bị bệnh gì. Mặc dù vậy, nhưng bà nội thấy cháu đi viện suốt cũng lờ mờ đoán ra, bà khóc suốt vì thương cháu. Còn ông nội thì cứ luôn miệng hỏi cháu ông đâu rồi, có hôm còn lấy xe định chạy đi tìm cháu...

Lần gần đây nhất mà Luân được ở nhà cũng đã hơn một tháng trước, người thân, họ hàng ai cũng nhớ, hỏi han liên tục và thỉnh thoảng lại ra thăm... Bệnh tình của Luân như hiện tại, cũng không biết trước ngày nào được ở nhà, ngày nào phải vào viện. Như hôm Tết, gia đình vừa đưa con về nhà thì đến 29-30 Tết, con lại lên cơn sốt... Ăn Tết xong, gia đình lại tức tốc đưa con lên nhập viện” - giọng người mẹ ấy như nghẹn lại.

Gia đình đông người, nên đồng lương eo hẹp từ công việc phụ xây của hai vợ chồng chị Trương Thị Ngọc và anh Lê Văn Lý càng thêm khó khăn khi đứng trước căn bệnh hiểm nghèo của cậu con trai. Mấy tháng nay, vợ chồng chị phải nghỉ việc, thay phiên túc trực ở bệnh viện để chăm sóc cho Luân.

Thầy cô, bạn bè và hội phụ huynh đến thăm cậu học trò Lê Bá Luân. Ảnh: NTCC.

Thầy cô, bạn bè và hội phụ huynh đến thăm cậu học trò Lê Bá Luân. Ảnh: NTCC.

Để có tiền chữa trị cho con, hai vợ chồng đã phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi... Mặc dù có bảo hiểm, nhưng có nhiều loại thuốc phát sinh để giảm tác dụng phụ của hóa chất, cùng chi phí sinh hoạt suốt nhiều tháng liền... vẫn khiến gia đình chị Ngọc ngày một chật vật hơn.

Biết bố mẹ phải vất vả khi đồng hành cùng mình đi qua các bệnh viện lớn nhỏ, Luân cũng dần trở nên mạnh mẽ hơn. Có lần, đêm đến, do người đau nhức, Luân chưa kịp ngủ thì nhìn thấy giọt nước mắt rơm rớm trên gương mặt mẹ, cậu nén đau, động viên ngược lại mẹ: “Mẹ đừng khóc. Mẹ cố gắng lên nhé!”.

Với Luân, ước mơ trở thành nhà văn còn cách một đoạn đường khá dài phía trước, và để bước đến, cậu học trò nhỏ đang từng ngày mong mình sớm chiến thắng căn bệnh này để trở lại trường học. “Con mong mình sớm khỏi bệnh để được đi học, được gặp thầy cô và các bạn. Hiện tại, con chỉ được gặp các bạn qua điện thoại, vì kể cả khi con hết đợt điều trị và trở về nhà thì vẫn phải hạn chế tiếp xúc để tránh bị nhiễm trùng máu, nên con cũng ít được chơi cùng các bạn” - Luân nói, ánh mắt như đang ánh lên một niềm hy vọng mạnh mẽ.

Thầy Nguyễn Xuân Sanh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Xuân Sơn cũng cho biết: “Trước hoàn cảnh và tinh thần ham học của học sinh Lê Bá Luân, nhà trường, đã chung tay đóng góp, ủng hộ về vật chất cũng như tinh thần nhằm hỗ trợ cho gia đình vơi bớt đi một phần khó khăn trong quá trình điều trị. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn cũng thường xuyên thăm hỏi, trao đổi nội dung bài học và tạo điều kiện cho Luân được học và làm bài thi qua điện thoại”.

Mọi sự chia sẻ giúp đỡ xin gửi về tài khoản của anh Lê Văn Lý (bố của Luân):

Ngân hàng Quân đội - MB Bank

Số tài khoản: 03631593 80976

Họ và tên: Lê Văn Lý

Mộc Trà