Nếu cho phép tuyển dụng GV trình độ cao đẳng thì thầy cô đó dạy ở cấp học nào?

11/11/2022 06:47
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mong xem xét có thêm chính sách hỗ trợ kinh phí 1 phần (hoặc toàn phần) cho giáo viên cao đẳng học nâng chuẩn trình độ. 

Thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị thực hành học tập, dạy 2 buổi/ngày khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là những thách thức mà ngành giáo dục đang phải đối mặt.

Liên quan đến vấn đề này, tại buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030.

Bên cạnh ý kiến ủng hộ, nhất trí cao, một số quan điểm cho rằng cần quy định rõ các yêu cầu, hướng dẫn cụ thể để tránh bất cập trong quá trình thực hiện nếu nghị quyết được ban hành.

Nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030 được ủng hộ, nhất trí cao. (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển).

Nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030 được ủng hộ, nhất trí cao. (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một vị Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Đắk Lắk cho rằng, nghị quyết được ban hành như một giải pháp nhằm mang lại ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh thừa, thiếu giáo viên cục bộ hiện nay.

Theo đó, năm học 2022-2023 đã đi được nửa chặng đường của học kì I nhưng tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học trên địa bàn vẫn chưa khắc phục triệt để. Để đảm bảo tiến độ chương trình, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo, nhiều giáo viên ở một số cơ sở trên địa bàn buộc phải dạy “tăng tiết” nhất là giáo viên thực hiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

"Năm học này, môn Tiếng Anh, Tin học là môn học bắt buộc, dù đã có sự chuẩn bị trước về đội ngũ giáo viên nhưng vẫn chưa tuyển đủ số lượng. Do vậy, tinh thần chung là giáo viên sẽ dạy liên trường, liên cấp. Theo đó, giáo viên ở trường thừa sẽ sang trường thiếu để dạy ”, vị này thông tin.

Thiếu giáo viên đang khiến công tác giảng dạy chương trình mới gặp nhiều khó khăn. Do đó, vị này cho rằng, nếu cho phép tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng thì sẽ phù hợp với tình hình hiện tại.

“Có 2 ưu điểm lớn nhất nếu nghị quyết cho phép tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng được ban hành. Một là sẽ tận dụng được nguồn giáo viên trước đây chưa đi dạy do gặp vấn đề về bằng cấp. Từ đó giúp họ có cơ hội được trở lại cống hiến cho ngành giáo dục.

Hai là sẽ tạo thêm nguồn tuyển dụng để các địa phương ngay lập tức lấp khoảng trống thiếu giáo viên, đáp ứng đủ đội ngũ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới”, vị này nói.

Trong quá trình tuyển dụng giáo viên, căn cứ theo Luật Giáo dục 2019, giáo viên tiểu học phải đạt trình độ đại học nên nhiều sinh viên tốt nghiệp sư phạm hệ cao đẳng không được tuyển dụng. Rõ ràng, điều này dẫn đến thực trạng trớ trêu đó là có chỉ tiêu, có nguồn tuyển đảm bảo chất lượng nhưng quy định lại không được phép tuyển dụng.

Bàn về vấn đề này, vị Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo này cho rằng, nếu nghị quyết được ban hành thì sẽ thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo. Tuy nhiên, một số điểm cũng cần quan tâm lưu ý đó là:

Thứ nhất, quy định rõ cho phép tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng ở cấp học nào?

Hiện nay, thiếu giáo viên xảy ra ở hầu hết các cấp học, nhất là tiểu học và trung học cơ sở.

“Trước đây, giáo viên dạy tiểu học chỉ cần trình độ cao đẳng, thậm chí là trung cấp vẫn có thể đáp ứng yêu cầu dạy học bình thường. Nhưng đối với cấp trung học cơ sở trở lên thì từ trước đến nay vẫn quy định chuẩn giáo viên là trình độ đại học. Như vậy, vấn đề đặt ra là nghị quyết cho phép tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng thì được áp dụng cho cấp học nào?

Nếu tuyển giáo viên trình độ cao đẳng dạy trung học cơ sở luôn thì có đảm bảo được chất lượng không, kể cả khi giáo viên này vừa dạy vừa tự bồi dưỡng? (Bởi cấp trung học cơ sở kiến thức nặng hơn, khó hơn, yêu cầu giáo viên cao hơn)”, vị này đặt câu hỏi.

Thứ hai, cần có yêu cầu cụ thể để tuyển dụng giáo viên.

Tuyển giáo viên cao đẳng cũng cần có yêu cầu tiêu chuẩn cụ thể, không phải cứ thấy thiếu giáo viên trầm trọng mà ai đăng ký cũng được tuyển, nhất là đội ngũ giáo viên dạy chương trình mới. Trong bối cảnh thiếu giáo viên, thì những trường hợp giáo viên trình độ cao đẳng chưa từng đi dạy ở đâu, chưa có kinh nghiệm dạy học thì có được tuyển dụng không? Hoặc giáo viên bỏ việc lâu, nay muốn đi dạy lại thì có được tuyển dụng không?

Thứ ba, có cam kết của người được tuyển dụng về thời gian đạt chuẩn trình độ cũng khó thực hiện.

Theo vị Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, khoảng thời gian yêu cầu giáo viên đạt chuẩn từ nay đến năm 2030 là hợp lý. Song cũng cần tính đến trường hợp “không như ý” có thể phát sinh.

Giáo viên cao đẳng được tuyển dụng thì cần phải có cam kết về lộ trình thời gian đảm bảo đạt chuẩn trình độ. Căn cứ vào điều này, phải chăng nếu qua năm 2030 mà giáo viên không đạt chuẩn trình độ thì sẽ không được tiếp tục tuyển dụng, tự đào thải. Song, cũng cần phải tính đến mặt trái đó là khi đến năm 2030, giáo viên không đạt chuẩn trình độ, không được tuyển dụng nữa thì vị trí đó trống và lại tiếp tục tuyển dụng? Chưa tính đến chuyện giáo viên này trong quá trình giảng dạy thể hiện được kiến thức và kỹ năng sư phạm tốt, chỉ là chưa có điều kiện để nâng chuẩn.

Thứ tư, hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên.

Trong quá trình tuyển dụng, nguồn giáo viên trình độ cao đẳng vẫn thiếu (có thể do họ không muốn đi dạy), hoặc giáo viên không có tiền để chắc chắn nâng chuẩn, thì cấp thiết cần có sự quan tâm đầu tư của địa phương, có thêm chính sách của nhà nước hỗ trợ cho giáo viên đi học nâng chuẩn.

Theo phó trưởng phòng, có được sự quan tâm này là điều rất quan trọng. Sở dĩ, lương khởi điểm của giáo viên hiện còn thấp nên sẽ có những giáo viên gia đình khó khăn nên không đủ tiềm lực kinh tế để đi học nâng chuẩn. Do vậy, nếu như có thêm chính sách hỗ trợ kinh phí 1 phần (hoặc toàn phần) cho những giáo viên trình độ cao đẳng, có hoàn cảnh khó khăn khi học nâng chuẩn thì sẽ tạo động lực, giúp giáo viên ổn định tinh thần, hoàn thành nhiệm vụ và ở lại công tác lâu dài.

Thứ năm, cần hướng dẫn về chế độ chính sách đối với giáo viên trình độ cao đẳng được tuyển dụng. Điều này liên quan đến chế độ chính sách toàn quốc, do đó, Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc tuyển dụng giáo viên cao đẳng như: đánh giá xếp loại, bổ nhiệm giáo viên…

Ngọc Mai