Những thay đổi của các hoạt động dạy và học bộ môn Ngữ văn ở các nhà trường

27/03/2019 06:59
NGUYỄN VĂN KHÁNH
(GDVN) - Nhiều hoạt động trên lớp, thầy cô chỉ đảm nhận vai trò định hướng và đánh giá, nhận xét sự chuẩn bị, thực hiện của học trò ở trên lớp.

Việc đổi mới dạy và học môn Ngữ văn nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tiễn xã hội từ lâu luôn được ngành giáo dục chú trọng.

Nếu như trước đây, việc giảng dạy môn Văn chỉ thiên về thuyết giảng một chiều, thầy nói-trò nghe và ghi chép thì hiện nay việc giảng dạy bộ môn Ngữ văn đang từng bước đổi mới để phù hợp.

Đặc biệt, phần Ngữ văn địa phương luôn được các thầy cô giáo hướng tới những di tích lịch sử của địa phương mình.

Chính vì vậy, bộ môn Ngữ văn của huyện Châu Thành (An Giang) luôn bám sát việc đổi mới, hướng dẫn của ngành giáo dục để thay đổi cách giảng dạy của từng giáo viên ở trên lớp.

Các giáo viên Ngữ văn huyện Châu Thành (An Giang) tại đền thờ Đức Quản cơ Trần Văn Thành
Các giáo viên Ngữ văn huyện Châu Thành (An Giang) tại đền thờ Đức Quản cơ Trần Văn Thành

Mỗi tiết học Văn không chỉ hướng cho học sinh nắm được những nội dung cơ bản của bài học mà điều quan trọng là hướng tới các kỹ năng để sau mỗi bài học, học sinh có thể áp dụng cho cuộc sống.

Chính vì lẽ đó, khi giảng dạy thì giáo viên đã cố gắng liên hệ với thực tiễn cuộc sống xung quanh mình.

Điều quan trọng là giáo viên giao nhiều phần việc cho học trò tự đảm nhận.  Nhiều hoạt động trên lớp, thầy cô chỉ đảm nhận vai trò định hướng và đánh giá, nhận xét sự chuẩn bị, thực hiện của học trò.

Để làm tốt được vấn đề này, những tiết thao giảng của Hội đồng bộ môn trong huyện luôn được chú trọng đầu tư để xây dựng.

Ngay từ đầu năm học, Hội đồng bộ môn họp và định hướng những chuyên đề mới, quan trọng để xây dựng làm tiết dạy mẫu.

Từ đó, có những cái chuẩn chung cho giáo viên trong huyện về dự giờ có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.

Những thay đổi của các hoạt động dạy và học bộ môn Ngữ văn ở các nhà trường  ảnh 2Thầy Nguyễn Văn Lự hướng dẫn học Văn để Thi quốc gia được điểm cao

Điều quan trọng  các giáo viên có thể là lĩnh hội những cái hay, cái mới của các tiết thao giảng để áp dụng cho việc giảng dạy hàng ngày của mình ở trên lớp.

Điều chúng tôi ấn tượng là vừa được dự tiết thao giảng về Ngữ văn địa phương do Hội đồng bộ môn xây dựng và trường Trung học cơ sở Vĩnh Bình đảm nhận tiết thao giảng.

Đây là bài học giới thiệu về một di tích lịch sử đền thờ Đức Quản cơ Trần Văn Thành tại địa phương.

Quản cơ Trần Văn Thành gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (1867-1873) trên địa bàn An Giang.

Với vai trò là thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa, ông đã cùng với nghĩa quân ở đây duy trì cuộc khởi nghĩa được suốt 6 năm trời.

Trong khi, triều đình nhà Nguyễn đã ký hòa ước với thực dân Pháp vào năm 1862 và tỉnh An Giang bấy giờ đã rơi vào tay quân Pháp vào năm 1867.

Mặc dù cuộc khởi nghĩa thất bại những đã gây nên một tiếng vang cho cùng đất An Giang và các tỉnh lân cận lúc bấy giờ về tinh thần yêu nước chống quân xâm lược của nhân dân ta.

Tái hiện lại cuộc khởi nghĩa và giới thiệu được đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành không chỉ đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo của giáo viên, học sinh nhà trường về lịch sử cuộc khởi nghĩa.

Điều không kém phần quan trọng là sưu tầm hình ảnh về quá trình hình thành, xây dựng đền thờ một người đã có công với nước, với vùng đất nơi đây.

Học sinh tái hiện lại cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa của Quản cơ Trần Văn Thành
Học sinh tái hiện lại cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa của Quản cơ Trần Văn Thành

Vì thế, vai trò định hướng, xây dựng các chuyên đề của Hội đồng bộ môn Ngữ văn trong huyện cũng rất quan trọng.

Bởi, đây là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục khi hướng học sinh biết trân trọng những thế hệ cho ông thuở trước để nâng cao nhận thức, lòng tự hào quê hương của mình.

Điều cốt lõi là giúp cho các em học sinh thích thú trong việc tiếp nhận những giá trị cơ bản của môn học.

Song, điều mà những thầy cô giáo từ các đơn vị trong huyện cùng các thành viên Hội đồng Bộ môn Ngữ văn tỉnh An Giang đến dự tiết học này đều đánh giá rất cao vai trò của trường sở tại và Hội đồng Bộ môn huyện.

Ngoài việc tái hiện lại cuộc khởi nghĩa, giao nhiệm vụ cho học trò đảm nhận một số hoạt động trên lớp thì cái hay nhất đó là sau tiết học này, các thầy cô giáo có dịp trực tiếp được rút kinh nghiệm và tham quan khu di tích đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành.

Việc thực tế khu di tích giúp cho giáo viên có cái nhìn cận cảnh và những trải nghiệm thú vị sau khi dự giờ tiết dạy của giáo viên.

Các thầy cô giáo rút kinh nghiệm sau tiết dạy
Các thầy cô giáo rút kinh nghiệm sau tiết dạy

Phát biểu tại buổi rút kinh nghiệm tiết dạy, cô Nguyên Thị Kim Hoàn- tổ trưởng Hội đồng bộ môn Ngữ văn của huyện đã chia sẻ:

"Việc thay đổi phương pháp dạy học, hướng tới phát triển năng lực của học sinh luôn được Hội đồng bộ môn chú trọng.

Hàng năm, huyện tổ chức từ 4-5 chuyên đề, mỗi chuyên đề đều gắn với tiết thao giảng nhằm hướng tới việc giáo viên Ngữ văn trong toàn huyện làm chủ các hoạt động dạy học theo tinh thần đổi mới dạy và học môn Ngữ văn của ngành.

Điều quan trọng là chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong những năm tới đây.

Chính vì thế, các tiết học thường hướng cho học sinh đảm nhận một số phần việc và hướng các em biết liên hệ các bài học để giải quyết các tình huống thực tế xung quanh mình nhằm phát triển năng lực bản thân của mình".

Việc chuẩn bị những bước tạo đà cho Chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây là cần thiết của từng địa phương và cá nhân mỗi thầy cô giáo.

Trong đó, vai trò của những tiết thao giảng chuyên đề của các Hội đồng bộ môn sẽ giúp cho giáo viên chia sẻ kinh nghiệm và có những thống nhất về nội dung, phương pháp của các bài học.

NGUYỄN VĂN KHÁNH