Luật sư cho rằng Tổng liên đoàn lập hội đồng kỷ luật ông Danh không đúng luật

08/10/2020 06:23
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Luật sư Nguyễn Thành Công: "Việc thành lập một hội đồng kỷ luật, xem xét kỷ luật mà chưa đúng với pháp luật thì bản thân hội đồng này không có giá trị pháp lý".

Ngày 22/9/2020, tại cuộc họp giao ban báo chí quý 3 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, phó chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn thông tin rằng sẽ tiếp tục xử lý về mặt chính quyền với Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều dư luận cho rằng việc kỷ luật này không thuộc thẩm quyền của Tổng Liên đoàn. Để cung cấp thêm thông tin cho độc giả, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với Luật sư Nguyễn Thành Công, Thạc sĩ Luật, Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương Luật xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa Luật sư, ông đánh giá như thế nào về thông báo trên của Tổng Liên đoàn?

Tôi thấy việc Tổng Liên đoàn tuyên bố và có tiếp tục làm như vậy hay không là quyền của họ nếu họ xác định là đúng pháp luật.

Riêng bản thân tôi, như đã từng có ý kiến trước đây, theo góc độ chuyên môn, thì tôi thấy ở việc thành lập Hội đồng kỷ luật và tiến hành kỷ luật Giáo sư Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng là chưa phù hợp về thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, căn cứ Luật Viên chức và Khoản 1, Điều 14, Nghị định 27/2012/NĐ-CP (Nghị định được nêu trong căn cứ thành lập Hội đồng kỷ luật GS. Danh), thì “Đối với viên chức quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật”.

Luật sư Nguyễn Thành Công, ảnh do nhân vật cung cấp.

Luật sư Nguyễn Thành Công, ảnh do nhân vật cung cấp.

Nhưng theo Điều 16 sửa đổi của Luật Giáo dục đại học hiện hành và Nghị định 99/2019/NĐ-CP; đối với một đại học tự chủ như Trường Đại học Tôn Đức Thắng thì Hội đồng trường chính là cấp quyết định nhân sự Hiệu trưởng; cấp này mới là cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thành lập hội đồng và xem xét hình thức kỷ luật. Điều này cũng đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 19-NQ/TW

Trong giai đoạn chuyển tiếp chờ bầu hội đồng trường mới và hiệu trưởng mới (do hội đồng trường và Ban giám hiệu cũ đã hết nhiệm kỳ và Hiệu trưởng được kéo dài nhiệm vụ theo Khoản 6, Điều 7 Nghị định 99/2019/NĐ-CP), thì cấp có thẩm quyền là Chính phủ chứ không phải Tổng Liên đoàn.

Ngoài vấn đề về thẩm quyền nói trên, ông thấy còn vấn đề gì nữa không?

Tôi đã tìm hiểu kỹ những thông tin liên quan trong quá trình tư vấn cho Nhà trường, nhận thấy việc thành lập hội đồng xem xét kỷ luật Giáo sư Danh với các thành viên cũng chưa bảo đảm theo quy định của pháp luật; vì theo Khoản 2, Điều 17, Nghị định 27 thì thành phần Hội đồng kỷ luật viên chức gồm:

a) “Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm viên chức”.

Theo quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật của Tổng Liên đoàn, ông Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn làm Chủ tịch hội đồng. Trong khi theo Luật 34/2018 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP thì phải là Chủ tịch Hội đồng trường hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng trường. Trong giai đoạn chuyển tiếp khi chưa có hội đồng trường mới và chủ tịch/phó chủ tịch, thì sẽ do Đại diện Chính phủ.

Như vậy, việc Ông Thuật làm Chủ tịch hội đồng là không phù hợp với quy định pháp luật.

b) “Một ủy viên Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức”.

Thành viên này sẽ là Hiệu trưởng hoặc Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Nhưng hiện nay Ban giám hiệu nhà trường đã hết nhiệm kỳ, chỉ có hiệu trưởng được kéo dài theo Nghị định 99/2019.

Cứ giả định rằng việc Tổng Liên đoàn cử nhân sự tạm quyền điều hành trong 90 ngày là có căn cứ pháp lý (chúng tôi đã từng xác định việc này thực chất là không có căn cứ pháp lý); thì thành viên này sẽ là ông Trần Trọng Đạo, người được giao nhiệm vụ tạm điều hành Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Nhưng ông Trần Trọng Đạo hiện cũng đang bị xem xét kỷ luật ở một hội đồng kỷ luật khác cùng với nội dung xem xét như của Giáo sư Danh. Điều này khiến cho việc cử ông Đạo tham gia hội đồng xem xét kỷ luật Giáo sư Danh không phù hợp với Khoản 3, Điều 17, Nghị định 27.

Tuy nhiên, theo thông tin mà tôi được biết (Nhà trường vẫn chưa nhận được quyết định thay thế thành viên nào) thì gần đây, Tổng Liên đoàn đã thay ông Đạo bằng bà Đồng Sỹ Thiên Châu, Trưởng khoa Khoa Điện – Điện tử của Trường Đại học Tôn Đức Thắng làm thành viên. Nếu điều này là sự thật, thì lại càng không đúng với quy định của pháp luật, do bà Châu không phải là thành viên của Ban giám hiệu hoặc là người tạm quyền điều hành Nhà trường.

c) “Một ủy viên Hội đồng là đại diện cấp ủy của đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức hoặc đơn vị được phân cấp quản lý viên chức”.

Thành viên này rõ ràng là đại diện Đảng ủy Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Theo quyết định thành lập thì thành viên này là ông Võ Hoàng Duy, Phó Bí thư Đảng ủy và đang phụ trách công tác Đảng ủy.

Nhưng ông Duy là người cũng đã nhận hình thức kỷ luật Khiển trách của Đảng ủy Khối đại học – cao đẳng Thành phồ Hồ Chí Minh; và ông này cũng là người đang bị xem xét kỷ luật chính quyền ở hội đồng khác cùng với nội dung như của Giáo sư Danh. Do đó, ông Duy cũng không phù hợp với Khoản 3, Điều 17, Nghị định 27, giống trường hợp ông Đạo nói trên.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng. (Ảnh: TDT)

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng. (Ảnh: TDT)

Theo thông tin mới thì Tổng Liên đoàn dự kiến đưa bà Định Thị Thảo Trang, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy khối đại học, cao đẳng thành phố Hồ Chí Minh thay ông Duy làm thành viên hội đồng kỷ luật (vì Nhà trường vẫn chưa nhận được quyết định chính thức về sự thay đổi thành viên này). Nhưng nếu điều này mà xảy ra, thì cũng lại hoàn toàn không phù hợp với điều khoản nói trên của Nghị định 27.

Bên cạnh đó, thông tin từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết là theo đề nghị của Tổng Liên đoàn, Đảng ủy Trường đã biểu quyết với tỷ lệ đa số giới thiệu một thành viên khác trong Đảng ủy để thay vai trò Thành viên hội đồng kỷ luật của ông Duy. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy có quyết định của Tổng Liên đoàn về việc thay thế này mà lại thấy là tên bà Trang.

d) “Một ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là người đại diện bộ phận làm công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật viên chức”.

Như đã nói ở trên thì cơ quan có thẩm quyền ở đây là Hội đồng trường, vì vậy người đại diện hợp pháp phải là đại diện của Phòng tổ chức-hành chính của Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Nhưng theo quyết định thành lập hội đồng của Tổng Liên đoàn, thì vị trí này lại có ông Vũ Anh Đức, Trưởng ban Ban tổ chức Tổng Liên đoàn làm thành viên. Việc này rõ ràng không phù hợp với quy định của pháp luật.

Như vậy, với một hội đồng xem xét kỷ luật một hiệu trưởng đại học công lập lớn, có uy tín cao trong lẫn ngoài nước, mà thành phần Hội đồng kỷ luật đã có 4/5 thành viên không đúng theo Nghị định 27, thì liệu Hội đồng này có giá trị pháp lý để làm việc không?

Chưa kể là khi chưa có quyết định thay thế thành viên thì bà Châu và bà Trang không phải là Thành viên. Vì vậy họ không có quyền tham dự họp Hội đồng kỷ luật Giáo sư Danh.

Nếu Tổng Liên đoàn vẫn đưa ra quyết định kỷ luật đối với Giáo sư Lê Vinh Danh thì Giáo sư Danh có quyền khiếu nại không thưa ông?

Tất nhiên, bản thân việc thành lập một hội đồng kỷ luật, xem xét kỷ luật mà chưa đúng với pháp luật thì bản thân hội đồng này không có giá trị pháp lý.

Những kết luận của hội đồng do đó cũng không phù hợp pháp luật và Giáo sư Danh có quyền khiếu nại lên cấp có thẩm quyền cao hơn. Trường hợp việc kỷ luật đem lại tổn thất về danh dự, uy tín, tinh thần, vật chất nếu có và chứng minh được thì Giáo sư Danh hoàn toàn có thể khởi kiện quyết định này ra Tòa án để giải quyết.

Trân trọng cảm ơn Luật sư!.

Thùy Linh