Những con số biết nói về kết quả thực hiện tự chủ của Đại học Tôn Đức Thắng

29/08/2020 07:37
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại học Tôn Đức Thắng là đại học công lập duy nhất có lịch sử thành lập đặc biệt: đầu tiên là đại học dân lập (tư thục), rồi chuyển sáng bán công, rồi sang công.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Tôn Đức Thắng khởi đầu là Trường đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng do Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh làm hồ sơ xin thành lập; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 787/QĐ-TTg thành lập Trường ngày 24/9/1997.

Ngày 28/01/2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 18/QĐ-TTg chuyển loại hình tổ chức và đổi tên Trường đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng thành Trường đại học bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Đến năm 2006, theo chủ trương xóa bỏ loại hình trường học bán công, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chuyển 6 trường đại học và cao đẳng bán công thành đại học tư thục, trong đó có Trường đại học bán công Tôn Đức Thắng.

Theo nguyện vọng của Nhà trường và Tổ chức công đoàn, Thủ tướng Chính phủ sau đó đã ban hành Quyết định số 747/QĐ-TTg, đổi tên Trường đại học bán công Tôn Đức Thắng thành Trường đại học Tôn Đức Thắng; chuyển về trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng liên đoàn); hoạt động theo mô hình đại học công lập tự chủ tài chính.

Ngày 29/01/2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 158/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Nhà trường giai đoạn 2015–2017.

Một số đặc điểm quan trọng từ quá trình thành lập và phát triển của Trường Đại học Tôn Đức Thắng:

Thứ nhất, là đại học công lập duy nhất trong cả nước có lịch sử thành lập đặc biệt: đầu tiên là đại học dân lập (tư thục), rồi chuyển sáng bán công, rồi sang công.

Thứ hai, từ 2009 đến nay là đại học công lập, nhưng là một đại học công ngoài Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học bởi không có đầu tư ban đầu từ ngân sách nhà nước để bảo đảm điều kiện hoạt động.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng cơ sở Nha Trang (ảnh: tdtu.edu.vn)

Trường Đại học Tôn Đức Thắng cơ sở Nha Trang (ảnh: tdtu.edu.vn)

Thứ ba, tính từ ngày thành lập đến nay, thì Trường là đại học công duy nhất trong cả nước tự bảo đảm hoàn toàn chi thường xuyên và chi đầu tư.

Thứ tư, Nhà trường là cơ sở giáo dục đại học chỉ có chủ quản trên hình thức mà không có chủ quản trong thực chất:

Thứ năm, 5 năm đầu (1997-2003) là trường dân lập. Vì là dân lập nên không có ngân sách đầu tư của nhà nước hay của Công đoàn vì luật không cho phép. Thời kỳ này có một cơ quan chủ quản duy nhất là Hội đồng quản trị.

Trên hình thức thì có Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh; nhưng Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã giao cho Trường và Hội đồng quản trị tự quản. Như vậy, 5 năm đầu tiên Trường không có khái niệm cơ quan chủ quản trừ Bộ Giáo dục và đào tạo quản lý nhà nước về chuyên môn.

Thứ sáu, 5 năm kế tiếp (2003-2008) Trường trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và vẫn tiếp tục có Hội đồng quản trị. Trên con dấu của Trường có cơ quan chủ quản là Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhưng Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tôn trọng lịch sử phát triển 5 năm trước đó, cũng giao toàn quyền cho Hội đồng quản trị. Tổng cộng là 10 năm, quyền chủ và quản đều thuộc về Hội đồng quản trị.

Thứ bảy, Nhà trường cho biết khi chuyển về Tổng liên đoàn năm 2008, khi phê duyệt qui chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường, Tổng liên đoàn có quy định tại Điều 2: ủy quyền cho Hội đồng trường là cơ quan chủ quản Trường đại học Tôn Đức Thắng. Từ đó đến nay, cơ quan chủ quản là Hội đồng trường.

Những kết quả và thành công lớn của Nhà trường có thể tóm tắt trong một số điểm như sau:

Phát triển đội ngũ nhân sự hơn 1.420 người với lực lượng chuyên môn hơn 50% có trình độ tiến sĩ (và đang học tiến sĩ); trong số đó có 224 tiến sĩ và giáo sư là người nước ngoài; quy mô sinh viên, học viên đến nay là 27.000 người.

Chương trình, giáo trình, tài liệu đã hội nhập theo TOP 100 đại học tốt nhất thế giới.

Tất cả các ngành học đều có phòng thí nghiệm hiện đại, phòng mô phỏng thực tiễn, xưởng thực hành (một số phòng thí nghiệm tiên tiến, hiện đại nhất thế giới như phòng thí nghiệm cơ xương, phòng thí nghiệm quan trắc môi trường...).

Sự thành công của Đại học Tôn Đức Thắng từ cơ chế tự chủ đại học đã trở thành hình mẫu để cải cách hệ thống giáo dục đại học công lập cả nước; được Chính phủ mời báo cáo điển hình vào tháng 8/2014. Từ thực tiễn hoạt động của Đại học Tôn Đức Thắng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Đại học Tôn Đức Thắng là hình mẫu về quản trị đại học hiệu quả và chất lượng;một môi trường văn minh, lịch sự, công bằng, và ổn định. Đến nay đã có hơn 300 đại học trong và ngoài nước, hơn 1.000 trường trung học phổ thông đã đến học tập kinh nghiệm, tham khảo mô hình quản trị trường học và cơ sở vật chất của trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Về giáo dục: Số liệu của Trường cho thấy, sinh viên ra trường có việc làm đạt tỷ lệ 100%; được doanh nghiệp tín nhiệm và nổi tiếng về “đạo đức nghề nghiệp”: Lễ phép, Kỷ luật, Trách nhiệm với công việc, Phối hợp tốt với mọi người; Kỹ năng nghề nghiệp tốt (với IELTS 5.0, Tin học văn phòng theo chuẩn MOS: 750/1000; chơi tốt thể thao và bơi lội...), Hiệu quả công việc cao. Hầu hết các em đều có thu nhập khởi điểm cao hơn thị trường.

Về khoa học - công nghệ: Trường đã có 6.492 bài công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc Danh mục ISI/Scopus (gấp 20 lần thời điểm cuối năm 2015).

Trường cũng là đại học đầu tiên và duy nhất hiện nay của hệ thống đại học Việt Nam được cấp Bằng sáng chế khoa học công nghệ. Tính từ năm 1975 đến nay, cả nước mới có 26 Bằng sáng chế Mỹ do Việt Nam đứng tên chủ sở hữu, trong đó có 07 Bằng sáng chế là của Đại học Tôn Đức Thắng

Trường đã đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng bằng nguồn tài chính tự tích lũy để xây dựng cơ sở vật chất đại học hiện đại nhất Việt Nam; sánh ngang với các đại học tiên tiến.

Đến nay Đại học Tôn Đức Thắng đã có trên 100ha đất thuộc sở hữu của Trường với 6 cơ sở; đạt tiêu chuẩn đại học đẳng cấp quốc tế.

Ngoài ra, trường Đại học Tôn Đức Thắng Là đại học các tổ chức quốc tế uy tín nhất công nhận:

Hội đồng cấp cao về kiểm định nghiên cứu và giáo dục Cộng hòa Pháp (HCÉRES) kiểm định và công nhận đại học đạt chuẩn đại học Cộng hòa Pháp (và cũng là đạt chuẩn Châu Âu).

Mạng lưới bảo đảm chất lượng đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network-Quality Assurance) kết nạp làm Thành viên.

Liên hiệp UNESCO Việt Nam chứng nhận là đại học đạt chuẩn “khuôn viên học đường thân thiện môi trường”.

Tổ chức xếp hạng đại học Academic Ranking for World Universities (ARWU) xếp Đại học Tôn Đức Thắng là số 1 Việt Nam và thuộc Top 1000 đại học xuất sắc nhất thế giới năm 2019.

Tổ chức xếp hạng đại học thế giới qua thành tựu học thuật (URAP) xếp Đại học Tôn Đức Thắng đứng thứ 1 Việt Nam và thứ 960 thế giới.

Tổ chức xếp hạng các đại học phát triển bền vững nhất thế giới (UI Metric) xếp Đại học Tôn Đức Thắng thứ 165 thế giới.

Tổ chức xếp hạng những đại học có ảnh hưởng nhất thế giới đến sự phát triển kinh tế xã hội (THE Impact Rankings) xếp Đại học Tôn Đức Thắng thuộc Top 301-400 thế giới; và là đại học thuộc Top 200 trường có chất lượng giáo dục tốt nhất thế giới.

Cơ sở dữ liệu khoa học thế giới (Web of Science: ISI) xếp Đại học Tôn Đức Thắng thứ 7 trong Top 10 đại học hàng đầu Đông Nam Á (ASEAN).

Tháng 12/2019, US News and Global Report xếp Đại học Tôn Đức Thắng là đại học Top 400, 500, 600 và 900 của thế giới theo ngành/nhóm ngành trong 1500 đại học tốt nhất thế giới.

Tháng 4/2020, URAP xếp Đại học Tôn Đức Thắng vào Top 400 và 500 thế giới theo ngành.

Tháng 7/2020, ARWU xếp Đại học Tôn Đức Thắng là đại học duy nhất của Việt Nam vào Top 300 đến 500 những đại học tốt nhất thế giới theo ngành/nhóm ngành.

(Còn tiếp...)

Thùy Linh