Trường phổ thông công lập có phải thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước?

03/07/2019 11:30
Hồng Thủy
(GDVN) - Trường phổ thông công lập nào đang thu học phí như tư thục thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, thuế suất thu nhập doanh nghiệp có thể tới 20%.

Tuần qua, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh hiện tượng xu hướng các trường đại học mở trường phổ thông không đúng quy định của Luật Giáo dục với loại hình công lập, nhưng lại được thu học phí và tuyển sinh như tư thục.

Trong khi các trường phổ thông tư thục đều phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước, thì một vấn đề đặt ra được dư luận đặc biệt quan tâm là:

Các trường phổ thông công lập, các nguồn thu "xã hội hóa" trong trường công lập và đặc biệt là các trường công lập "tự chủ tài chính", có phải thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước hay không, các văn bản quy phạm pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này?

Quy định về hóa đơn, thuế, lệ phí đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo

Theo cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính [1], kể từ ngày 1/1/2017 khoản thu học phí không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội XIII, mà chuyển sang cơ chế giá theo quy định pháp luật và thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật thuế.

Trường đại học tuyển sinh lớp 1, bóng ma đầu tư ngoài ngành phủ lên giáo dục?
Trường đại học tuyển sinh lớp 1, bóng ma đầu tư ngoài ngành phủ lên giáo dục?

Cơ sở giáo dục, đào tạo nhà nước khi cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo theo mức khung học phí và mức trần học phí theo quy định của nhà nước thì sử dụng hóa đơn theo quy định tại quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ và Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính; 

Hóa đơn được lập theo hướng dẫn tại Khoản 2.1, Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC.

Vậy các trường phổ thông công lập phải thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước các loại thuế, phí và lệ phí nào, được miễn loại thuế / phí và lệ phí nào?

- Thứ nhất, trường phổ thông công lập phải đóng lệ phí môn bài.

Theo Điều 2, Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định: 

Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trong đó có đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

Khoản 1, Điều 4, Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về mức thu lệ phí môn bài như sau:

Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định trên, các đơn vị sự nghiệp (công lập, ngoài công lập) cung cấp sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo thuộc đối tượng nộp lệ phí môn bài theo mức 1.000.000 đồng/năm. [1]

Trên thực tế, một số địa phương đã bắt đầu thu lệ phí môn bài đối với trường phổ thông công lập, như huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An từ tháng 5/2018 [2], thành phố Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng [3]...

- Thứ hai, cơ sở giáo dục - đào tạo được miễn đóng thuế giá trị gia tăng.

Trường chất lượng cao chỉ biết xin ngân sách, thu tiền, Hà Nội còn giữ làm gì?
Trường chất lượng cao chỉ biết xin ngân sách, thu tiền, Hà Nội còn giữ làm gì?

Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 31/2013/QH13 ngày 19/06/2013, Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 và Luật số 71/2013/QH13 ngày 26/11/2014) quy định:

Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Theo đó, doanh thu về dạy học, dạy nghề không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.

- Thứ ba, trường hợp cơ sở giáo dục - đào tạo công lập chưa phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngày 12/6/2017 Bộ Tài chính ban hành văn bản số 7686/BTC-CST về chính sách thuế đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, cho biết:

Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu học phí trong phạm vi khung giá theo quy định của cơ quan có thẩm quyền ban hành chưa tính đầy đủ chi phí. Cụ thể:

Học phí các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập; 

Học phí trong các cơ sở giáo dục và đào tạo đại học công lập, giáo dục nghề nghiệp (kể các các trường thực hiện cơ chế tự chủ toàn bộ chi đầu tư và chi thường xuyên) đối với hệ đào tạo đại trà.

Trường phổ thông công lập phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong những trường hợp nào, thuế suất bao nhiêu?

Cũng theo giải thích của Bộ Tài chính trong văn bản số 7686/BTC-CST, trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cung cấp dịch vụ, có các nguồn thu như sau sẽ phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định:

Đào tạo tại chức; liên doanh, liên kết; đào tạo chất lượng cao; đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; xã hội hóa; 

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang phát biểu tại hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn quản lý mô hình trường học tự chủ chất lượng cao ở Hà Nội” được Sở tổ chức ngày 20/3/2015, ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: Báo An ninh Thủ đô.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang phát biểu tại hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn quản lý mô hình trường học tự chủ chất lượng cao ở Hà Nội” được Sở tổ chức ngày 20/3/2015, ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: Báo An ninh Thủ đô.

Thu từ các hoạt động khác như: nghiên cứu khoa học của đơn vị theo hợp đồng dịch vụ, dịch vụ ký túc xá, nhà sách, sân thể thao, ăn uống, trông xe, bán sản phẩm thực hành, hoạt động sản xuất, gia công cho bên ngoài, thu dịch vụ khác.

- Thuế suất 20%.

Điểm b), Khoản 1, Điều 2, Chương I, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định:

Đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập có sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế trong tất cả các lĩnh vực.

Điều 11, Chương II, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính quy định:

Kể từ ngày 01/01/2014, doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam (kể cả hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp) hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20%.

- Thuế suất ưu đãi 10%.

Kỳ thị tư thục vì quan niệm sai lầm về thương mại hóa, kinh doanh giáo dục
Kỳ thị tư thục vì quan niệm sai lầm về thương mại hóa, kinh doanh giáo dục

Theo Khoản 3, Điều 19, Chương II, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính:

Thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động áp dụng đối với phần thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường (sau đây gọi chung là lĩnh vực xã hội hóa).

Danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa được thực hiện theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quy định.

- Thuế suất 2%.

Theo Khoản 5, Điều 3, Chương II, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính:

Đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác không phải là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp mà các đơn vị này xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ, cụ thể như sau:

+ Đối với dịch vụ (bao gồm cả lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay): 5%.

Riêng hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật: 2%.

+ Đối với kinh doanh hàng hóa: 1%.

+ Đối với hoạt động khác: 2%.

Hà Nội đang lấy chỗ học của con em nhân dân lao động để làm dịch vụ?
Hà Nội đang lấy chỗ học của con em nhân dân lao động để làm dịch vụ?

Ví dụ: Đơn vị sự nghiệp A có phát sinh hoạt động cho thuê nhà, doanh thu cho thuê nhà một (01) năm là 100 triệu đồng, đơn vị không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động cho thuê nhà nêu trên do vậy đơn vị lựa chọn kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ như sau:

Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp = 100.000.000 đồng x 5% = 5.000.000 đồng.

Hiện tại trên địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có khá nhiều trường phổ thông công lập được phép thu học phí và các khoản thu khác gần như trường tư thục. 

Tại Hà Nội là các trường chất lượng cao, các lớp thí điểm mô hình song bằng và các trường công lập tự chủ tài chính, chưa kể tiền học buổi 2 và các khoản thu dịch vụ trong các trường công lập ở đô thị như bán trú, đồng phục, trải nghiệm...

Tại thành phố Hồ Chí Minh là các trường công lập theo "mô hình trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế", các trường triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường...[4]

Đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật về thuế, chúng tôi nhận thấy đây là các đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, thiết nghĩ Cục Thuế thành phố Hà Nội, Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh cần sớm vào cuộc hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về thuế, đảm bảo kỷ cương phép nước và công bằng giữa các đơn vị.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btc/r/m/hoidap/tcth/hdtcth_chitiet?id=143127&_afrLoop=72208969604153032#!%40%40%3F_afrLoop%3D72208969604153032%26id%3D143127%26_adf.ctrl-state%3D7xw4zowpb_78

[2]http://laodongnghean.vn/thoi-su/dung-quy-dinh-phap-luat-27348.html

[3]https://vietnammoi.vn/truong-cong-lap-phai-nop-thue-mon-bai-76275.htm

[4]http://hcm.edu.vn/truong-tien-tien-qd-3036/cac-van-ban-chi-dao-thuc-hien-mo-hinh-truong-tien-tien-hien-dai-va-hoi-nhap-quo-c41677-57487.aspx

Hồng Thủy