Từ chàng trai rửa bát thuê đến hiệu trưởng người Việt đầu tiên tại Nhật Bản

22/02/2024 06:39
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Từ chàng trai rửa bát thuê đến Hiệu trưởng người Việt đầu tiên tại Nhật Bản khi mới 34 tuổi, thầy Nguyễn Duy Anh đã truyền cảm hứng cho nhiều học sinh Việt.

Nhật Bản là một trong những quốc gia có nền giáo dục phát triển hiện đại thuộc top các quốc gia Châu Á. Người Nhật cũng nổi tiếng với tính kỷ luật cao trong học tập, công việc và cuộc sống hàng ngày.

Trở thành hiệu trưởng người Việt đầu tiên tại Nhật Bản (năm 2021, khi mới 34 tuổi) đã khẳng định sự nỗ lực rất lớn của thầy Nguyễn Duy Anh (quê gốc ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội). Hành trình vượt khó vươn lên suốt 17 năm ở đất nước mặt trời mọc của nam giáo viên đã truyền cảm hứng cho rất nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam, nhất là những bạn đang có ý định đi du học.

Hiện thầy Duy Anh hiện là Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG ở thành phố Fukuoka, Nhật Bản. Bên cạnh đó thầy còn là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka; Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam; Ủy viên Hiệp hội Giáo dục tiếng Nhật JLAN - đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

120272583_10207908978838710_88785937566186264_n.jpg
Thầy Nguyễn Duy Anh - Hiệu trưởng người Việt đầu tiên tại Nhật Bản. (Ảnh: NVCC)

Hành trình trở thành hiệu trưởng người Việt đầu tiên tại Nhật Bản

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về hành trình trở thành hiệu trưởng người Việt đầu tiên tại Nhật Bản, thầy Duy Anh cho biết, khi mới sang Nhật, xuất phát điểm của thầy là “3 không” (không biết tiếng Nhật, không bạn bè, không người thân). Ban đầu chàng trai người Việt cảm thấy choáng ngợp với cuộc sống ở đất nước mặt trời mọc. Thời điểm đó, mỗi lần nhớ nhà, thầy Duy Anh phải mua thẻ điện thoại rồi ra bốt điện thoại công cộng gọi về cho gia đình. Nỗi nhớ nhà khiến chàng du học sinh năm ấy nhiều lần rơi nước mắt.

“Để động viên nhau, các anh chị em trong hội người Việt thỉnh thoảng tổ chức tiệc cuối tuần. Có lần, trong khi tiệc đang diễn ra, một bạn nữ bật khóc. Thế là, mọi người bao gồm cả tôi ôm nhau khóc nức nở”, thầy Duy Anh nhớ lại.

Để cải thiện khả năng giao tiếp cũng như sớm thích nghi với môi trường xung quanh, thầy Duy Anh xin làm rửa bát tại một quán ăn. Công việc bắt đầu vào chiều tối (sau giờ học) và kéo dài khoảng 4 tiếng. Đều đặn hàng ngày, chàng trai Việt đạp xe khoảng 30 phút từ phòng trọ đến nơi làm việc.

Thấy cậu thanh niên người Việt nhanh nhẹn, ham học hỏi, chủ quán giao cho chàng du học sinh làm bếp, chế biến các món tempura hay sushi, cũng nhờ vậy mà việc giao tiếp tiếng Nhật ngày càng cải thiện. Khi đã tự tin hơn, Duy Anh bắt đầu xin làm việc ở siêu thị và làm phiên dịch.

Kết thúc hai năm học tiếng, Duy Anh theo học khóa dự bị đại học tại Học viện EHLE (thành phố Osaka) rồi thi đỗ khoa Kinh tế, Đại học công lập tỉnh Hyogo (thành phố Kobe) - trường top 3 về khối ngành Kinh tế của Nhật Bản. Năm đó, Duy Anh cũng là sinh viên Việt Nam duy nhất thi đỗ vào trường.

Trong thời gian học đại học, Duy Anh liên tục giành học bổng toàn phần 4 năm liền và tốt nghiệp loại giỏi. Ra trường, thầy làm biên, phiên dịch và xử lý hồ sơ cho du học sinh của trường Nhật ngữ Osaka Minami (thành phố Osaka) để tích lũy kinh nghiệm. Hai năm sau, Duy Anh trở thành Giám đốc điều hành Học viện Nhật ngữ GAG.

Vượt qua bốn ứng viên người bản địa, tháng 5/2021, thầy Nguyễn Duy Anh được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG thuộc thành phố Fukuoka khi mới 34 tuổi.

thay-Duy-Anh-2.jpg
Thầy Duy Anh trở thành hiệu trưởng người Việt đầu tiên tại Nhật Bản khi mới 34 tuổi. (Ảnh: NVCC)

Thầy Duy Anh cũng cho biết thêm: Học viện Nhật ngữ GAG tập trung đào tạo ngôn ngữ, văn hóa, kỹ năng giao tiếp cho học sinh và người đi làm. Với các bạn có mong muốn thi vào cao đẳng, đại học, trường nghề tại Nhật Bản sẽ được dạy sâu hơn về các môn văn hóa bằng tiếng Nhật, được thầy cô hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ năng lực tiếng Nhật, tập luyện phỏng vấn xin học bổng...

Với những bạn muốn đi làm sau khi tốt nghiệp, học viện thành lập riêng một công ty kết nối nhân lực, nhằm giúp đỡ các bạn xin vào làm tại doanh nghiệp Nhật Bản đúng với nguyện vọng, sở thích và năng lực của bản thân.

Luôn đau đáu với du học sinh Việt và cộng động người Việt tại Nhật Bản

Từng trải qua những năm tháng bắt đầu từ con số không, thầy Duy Anh hiểu rõ những khó khăn mà du học sinh Việt trải qua nơi đất khách quê người. Chính vì thế, Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG thường xuyên tư vấn, giúp đỡ để sinh viên có cơ hội học tập và làm việc. Không ít du học sinh được thầy Duy Anh giúp đỡ đã có công việc ổn định và thành công ở xứ sở hoa anh đào. Nhận được tin nhắn báo tin của các bạn nam giáo viên rất vui và cảm thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn.

Bên cạnh đó, thầy Duy Anh còn thường xuyên tổ chức các hoạt động gắn kết cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, đặc biệt là vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Ở trường thầy cũng tổ chức nhiều hoạt động đón Tết ý nghĩa để các bạn du học sinh Việt vơi bớt nỗi nhớ nhà.

422856241_10211715269233591_6016278010732197324_n.jpg
Thầy Duy Anh thường xuyên tổ chức các hoạt động ý nghĩa gắn kết cộng đồng người Việt tại Nhật Bản. (Ảnh: NVCC)

“Khi không thể về Việt Nam đón Tết, tôi thường tổ chức lễ hội Tết cho cộng đồng người Việt tại Fukuoka, nơi tôi đang sinh sống. Cùng với các thành viên trong hội người Việt Nam tại Fukuoka (AVF) phối hợp với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Hiệp hội xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam tại Kyushu, chúng tôi đã tổ chức chương trình Xuân Quê Hương 2024 – Tết Việt Nam tại Fukuoka lần thứ 5, là một trong những sự kiện Tết Việt lớn nhất tại Nhật Bản.

Năm nay, Học viện Nhật Ngữ GAG đã đồng hành và tài trợ cho chương trình này với rất nhiều điểm nhấn như: “Tuần lễ áo dài tại Fukuoka từ 18 - 21/01/2024” nhằm quảng bá văn hóa áo dài Việt Nam, đồng thời quảng bá cho du lịch của Fukuoka và Kyushu; “Thiết lập kỷ lục người Việt Nam Nhật Bản mặc áo dài Việt Nam xếp bản đồ Việt Nam vào ngày 20/01/2024”, “Lễ hội Tết Xuân Quê Hương 2024” diễn ra trong hai ngày 20 - 21/1.

Tôi cũng thường tổ chức và tham gia các hoạt động: gói bánh chưng, lì xì cho các em nhỏ, và tổ chức các trò chơi truyền thống như đập niêu, kéo co, cờ người…

Ngoài ra, chúng tôi cũng tạo không khí Tết bằng cách trang trí không gian văn hoá truyền thống, có mai, đào và những bức thư pháp được khai bút đầu năm", Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG thông tin.

DSC05078.jpg
Nhiều hoạt động truyền thống ý nghĩa quảng bá văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản được thầy Duy Anh tổ chức. (Ảnh: NVCC)
DSC03155.jpg
Các hoạt động mà thầy Duy Anh tổ chức được cộng đồng người Việt tích cực hưởng ứng. (Ảnh: NVCC)

Kỳ vọng một thế hệ học sinh Việt vươn tầm quốc tế

Với nhiều năm kinh nghiệm hỗ trợ các bạn du học sinh Việt Nam, thầy Duy Anh cũng kỳ vọng một thế hệ trẻ nước nhà có thể vươn tầm quốc tế. Không chỉ thành công trong học tập, công việc mà còn góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa của con người Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

"Trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ngày càng được củng cố và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, lòng tự hào dân tộc của tôi lại càng dâng cao khi chứng kiến ngày càng nhiều thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam bản lĩnh, có nền tảng kiến thức vững chắc đến với đất nước mặt trời mọc để du học.

Chúng ta, người Việt Nam, luôn tự hào về truyền thống hiếu học, khao khát tri thức và tinh thần không ngừng nỗ lực vươn lên. Điều này càng được thể hiện rõ nét qua số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản - quốc gia hàng đầu về giáo dục và công nghệ. Tôi kỳ vọng, thế hệ trẻ của chúng ta sẽ không chỉ học hỏi được kiến thức chuyên môn sâu rộng, kỹ năng làm việc tiên tiến mà còn hiểu sâu sắc về bản sắc văn hóa, tinh thần kỷ luật và sự tỉ mỉ trong công việc của người Nhật Bản.

Hơn nữa, trong hành trình du học, các bạn trẻ Việt Nam còn là những sứ giả văn hóa, mang theo bản sắc dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Điều này không chỉ là niềm tự hào mà còn là cơ hội để chúng ta học hỏi, giao lưu và mở rộng tầm nhìn, tạo dựng những mối quan hệ lâu dài giữa hai dân tộc", Hiệu trường Học viện Nhật ngữ GAG bày tỏ.

Trong tương lai, thầy Duy Anh cũng mong muốn thấy ngày càng nhiều chương trình hợp tác, học bổng và dự án giữa Việt Nam và Nhật Bản được triển khai, không chỉ giúp ích cho sự nghiệp phát triển giáo dục mà còn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế, văn hóa giữa hai quốc gia.

"Với lòng tự hào dân tộc và tinh thần học hỏi, tôi tin tưởng rằng thế hệ trẻ Việt Nam sẽ vươn lên mạnh mẽ, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Cá nhân tôi cùng tập thể giảng viên tại Học viện Nhật ngữ GAG sẽ tiếp tục vai trò làm cầu nối, mang tới cơ hội du học tại Nhật Bản cùng những suất học bổng giá trị dành cho các em học sinh có thành tích tốt", thầy Duy Anh nhấn mạnh.

thay-Duy-Anh-1.jpg
Thầy Duy Anh tích cực giúp đỡ các bạn du học sinh Việt sang Nhật Bản du học. (Ảnh: NVCC)

Nhân dịp năm mới thầy Duy Anh cũng gửi lời chúc đến các bạn du học sinh Việt Nam có một năm mới tràn đầy sức khỏe, niềm vui và có thêm động lực học Ngoại ngữ, nhất là tiếng Nhật.

“Sức khỏe là thứ quan trọng nhất để chúng ta có thể học tập và làm việc tốt ở nơi xa quê, đặc biệt là khi không có gia đình và người thân ở bên cạnh. Bên cạnh đó, tôi cũng mong các bạn du học sinh sẽ có những thành công trong học tập, đặc biệt là nâng cao trình độ tiếng Nhật của bản thân.

Học là hành trình không ngừng, và mỗi kiến thức mới sẽ là chìa khóa mở cánh cửa cho tương lai. Việc giỏi tiếng Nhật sẽ giúp bạn thích nghi và dễ dàng làm việc trong môi trường xã hội Nhật Bản nghiêm khắc. Đừng ngần ngại đặt ra những mục tiêu lớn và kiên trì theo đuổi chúng, nhất định thành công sẽ đến với các bạn", thầy Duy Anh bày tỏ.

Nhật Lệ