Hiện nay, Việt Nam đang trong điều kiện nguồn ngân sách dành cho giáo dục đại học còn hạn hẹp, do vậy, thực hiện tự chủ tài chính của các trường đại học công lập là một tất yếu để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đồng thời vận động các nguồn lực của xã hội cho phát triển giáo dục đại học.
Thế nhưng, để thực hiện được tự chủ tài chính đối với các trường đại học của nước ta hiện nay không phải dễ dàng, đặc biệt là với các trường đào tạo khối ngành nông, lâm vốn đã khó tuyển sinh, khó đảm bảo được nguồn thu.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế cho biết, hiện trường đang tự chủ tài chính ở mức 2 của Nhóm 3: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên với mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên, và một phần được Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí (khoảng 52%) theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo thầy Hòa, mức chi thường xuyên khoảng 52% này được trường xác định từ năm 2021, tuy nhiên, với tình hình đang chồng chất nhiều vướng mắc như hiện tại, trường khó có thể thực hiện tiếp tục mức chi thường xuyên này trong những năm tới.
Chương trình Tư vấn tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế (Nguồn: Fanpage nhà trường). |
Thực tế, các trường đại học, đặc biệt là các trường đào tạo khối ngành đặc thù về nông, lâm nghiệp như Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) còn nhiều vướng mắc, khó khăn khi thực hiện tự chủ tài chính.
Khó khăn này thể hiện rõ rệt nhất qua tình trạng số sinh viên của trường ngày càng giảm những năm gần đây. Việc tuyển sinh của trường gặp khó khăn, không đủ chỉ tiêu tuyển sinh cần đạt, một số ngành chỉ có vài người học.
Điều này đã dẫn đến nguồn thu của trường bị suy giảm nghiêm trọng khiến trường khó có thể tự chủ tài chính. Bởi, không chỉ riêng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế mà với nhiều trường đại học thì gần 90% nguồn thu đến từ học phí thu được của sinh viên.
Việc một số ngành của trường khó tuyển sinh cũng là vấn đề khiến lãnh đạo nhà trường trăn trở, băn khoăn vì nhu cầu tuyển dụng nhân lực về các lĩnh vực này của các công ty, doanh nghiệp, hay cơ quan nhà nước, thậm chí là nhu cầu tuyển dụng từ các quốc gia trên thế giới đều rất nhiều nhưng lại không được nhiều người học lại lựa chọn.
Lý do xảy ra tình trạng này có thể do các lĩnh vực về nông, lâm nghiệp chưa được chú trọng nhất là định hướng nghề nghiệp ở bậc phổ thông, gia đình và xã hội.
Hơn nữa, những ngành nghề nông- lâm- ngư nghiệp chắc chắn cũng vất vả nhiều hơn so với các ngành khác, do vậy, Nhà nước cũng cần có chính sách để có thể thu hút được nhiều người học hơn vào các khối ngành này, cũng là để đảm bảo nguồn lực cho xã hội.
Nếu thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn, nhà trường phải gánh những thua lỗ trong đào tạo của những ngành học đang khó tuyển sinh này, dẫn tới phải tái cấu trúc lại ngành nghề hoặc thậm chí là xóa ngành. Trong khi đó, xã hội vẫn đang rất nhiều nguồn nhân lực của các lĩnh vực nông, lâm nghiệp nên nếu không được đào tạo, không có nguồn nhân lực này nữa sẽ rất nguy hiểm.
Chưa kể, việc tự chủ một phần cũng khiến nhà trường gặp vướng mắc khi muốn sử dụng hay cho thuê, bảo tồn, nâng cấp cơ sở vật chất rất khó.
Mặt khác, việc xây dựng, mua bán cơ sở vật chất cũng chủ yếu lấy từ nguồn thu nội lực của nhà trường. Thế nhưng, nguồn thu nội lực của nhà trường hiện nay trả lương cho nhân sự còn chưa chắc đã đủ nên việc xây dựng, phát triển, đầu tư cơ sở vật chất hay các khía cạnh khác khó mà thực hiện được.
Hiện cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu của nhà trường đang ngày càng xuống cấp trầm trọng, không đủ điều kiện để giảng dạy và nghiên cứu. Việc này đã gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng đào tạo, chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội.
Bên cạnh đó, đối với vấn đề về đội ngũ cán bộ, giảng viên, trường cũng gặp khó trong việc cân đối nhân sự giữa các ngành đào tạo. Bởi, có những ngành học, giảng viên có trình độ cao nhưng lại có rất ít người học, khiến trường phải trăn trở nhiều trong việc sử dụng đội ngũ đó như thế nào cho hợp lý.
Thậm chí, nhiều cán bộ giỏi thấy thu nhập không đủ, ngành học ít người học nên chuyển việc sang đơn vị khác. Trong khi đó, nhà trường đã phải bồi dưỡng, đào tạo nhiều để có được đội ngũ giảng viên chất lượng cao, có năng lực như hiện tại. Hiện tượng "chảy máu chất xám" này dường như là một thách thức mà các trường sẽ phải đối mặt trong cả thời điểm hiện tại và tương lai.
“Theo tôi, rất cần thiết phải có quan điểm nhất quán về tự chủ bởi tự chủ mà để các trường tự lo là rất khó. Các cơ sở giáo dục đại học có thể tự chủ ở những mặt như khoa học, nhân sự hay chương trình đào tạo,...nhưng những khía cạnh như tài chính, cơ sở vật chất vẫn cần phải có sự đầu tư của nhà nước nếu không sẽ phải đứng trước nhiều nguy cơ khó lường”, thầy Hòa bày tỏ quan điểm.
Chia sẻ từ Tiến sĩ Khổng Trung Thắng, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nha Trang cho hay, hiện mức độ tự chủ tài chính của trường đang thuộc nhóm 3 với mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên khoảng 90%.
Tuy nhiên, nếu tự chủ hoàn toàn sẽ có một số ngành học phải đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ như lĩnh vực kỹ thuật, thủy sản, do lượng giáo viên còn nhiều nhưng lượng sinh viên lại ít vốn đã khiến nhà trường khó khăn trong việc cân đối thế nào cho phù hợp.
Sinh viên ngành Nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Nha Trang trong buổi học ngoại khóa (Nguồn: Fanpage nhà trường). |
Bên cạnh đó, khó khăn của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay khi thực hiện tự chủ tài chính là nguồn chi ngày càng tăng nhưng nguồn thu lại ngày càng giảm (do ngân sách nhà nước cho các trường giảm). Để cân đối được nguồn thu và nguồn chi, các trường sẽ phải tăng học phí.
Hiện tại, Trường Đại học Nha Trang cũng đang rốt ráo thực hiện kiểm định lại các chương trình học để có thể tăng học phí, bù lại nguồn thu đang và sẽ bị thiếu hụt mạnh trong thời gian tới, từ đó mới có kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất hay phát triển mạnh mẽ chương trình học được.
Thế nhưng, nhìn nhận từ thực tế, các trường thuộc khu vực miền Trung như Trường Đại học Nha Trang phải có tính toán việc tăng học phí làm sao cho hợp lý và kỹ lưỡng bởi với khu vực này, kinh tế người dân còn khó khăn, thu nhập chưa cao.
Ngoài ra, để tăng thêm nguồn thu, theo thầy Thắng, các trường cần chú trọng hơn trong vấn đề đầu vào, đặc biệt là với các ngành khó tuyển sinh cần tăng cường quảng bá, tuyên truyền thông tin tuyển sinh. Bởi những ngành lĩnh vực thủy sản khó tuyển sinh của trường không phải không có đầu ra mà thậm chí là đầu ra đang cần rất nhiều. Không những vậy, các trường cũng cần tăng cường thêm mảng nghiên cứu để mang thêm nguồn thu cho trường.