Từ nay đến 2025, Vĩnh Phúc dự kiến chi gần 7.650 tỷ đồng cho CSVC của ngành GD

03/04/2023 06:43
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Kế hoạch ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất, thiết bị còn thiếu hiện nay tại các CSGD trên địa bàn tỉnh để thực hiện CTGDPT mới.

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 602/QĐ-UBND ngày 17/3/2023 về Kế hoạch thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình Giáo dục mầm non và Giáo dục phổ thông tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025.

Theo đó, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí thực hiện kế hoạch là: 7.646,518 tỷ đồng, trong đó: Đầu tư xây mới, chuyển địa điểm trường, lớp học: 5.970,957 tỷ đồng; Mua sắm thiết bị: 1.675,561 tỷ đồng. Nguồn kinh phí được xác định từ nguồn ngân sách nhà nước các cấp, huy động xã hội hóa và nguồn hợp pháp khác.

Trường Phổ thông Liên cấp Newton Vĩnh Phúc. Ảnh: Fanpage nhà trường

Trường Phổ thông Liên cấp Newton Vĩnh Phúc. Ảnh: Fanpage nhà trường

Nội dung Kế hoạch gồm các nhiệm vụ chính:

Xây dựng trường lớp học, phòng học bộ môn, công trình phụ trợ các các cấp học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông của tỉnh; xây dựng Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Vĩnh Phúc; cải tạo, nâng cấp nhà kho thành nhà sao in đề thi Sở Giáo dục và Đào tạo;

Mua sắm thiết bị dạy học các cấp, các bậc học.

Kế hoạch được thực hiện trong giai đoạn 2023-2025. Trong đó, năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc kế hoạch tập trung xây dựng đủ phòng học, nhà học bộ môn còn thiếu; cải tạo, sửa chữa các công trình giáo dục đăng ký chuẩn quốc gia, đã hết niên hạn sử dụng; chuyển địa điểm một số trường học; mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu các khối lớp 2, 3, 6, 7, 10; mua sắm thiết bị dùng chung, bàn ghế lớp học, thiết bị phòng học bộ môn và phòng chức năng, thiết bị dành cho hoạt động ngoài trời, thiết bị nhà bếp; thí điểm trang bị thiết bị tiên tiến, hiện đại, thiết bị công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số.

Giai đoạn 2024-2025, tiếp tục cải tạo, sửa chữa, xây mới các công trình giáo dục, đáp ứng đủ nhu cầu dạy – học; tiếp tục chuyển địa điểm một số trường học; mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu các khối lớp 4, 5, 8, 9, 11, 12; tiếp tục mua sắm bổ sung thiết bị trường học; mở rộng các thiết bị tiên tiến, hiện đại; trang bị phần mềm, thiết bị công nghệ thông tin thí điểm thực hiện chuyển đổi số rộng rãi trong ngành Giáo dục.

Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2023 sẽ có thêm 161 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 66,6%. Nhiệm vụ được đặt ra trong bối cảnh nhiều thách thức và khó khăn: Hệ thống trường học các cấp của tỉnh xây dựng trước đây đều thiếu diện tích; quy hoạch, mật độ xây dựng chưa phù hợp, đến nay hầu hết đã xuống cấp. Kinh phí duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn hạn hẹp, làm giảm hiệu quả quản lý và sử dụng. Việc đầu tư thiết bị dạy học còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu tiên tiến, hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin. Hệ thống thư viện chậm đổi mới, chưa thúc đẩy văn hoá đọc cho học sinh trong và ngoài nhà trường.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan yêu cầu, trong quá trình triển khai thực hiện phải ưu tiên cho các trường đạt chuẩn mức độ 1 để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; đầu tư mua sắm trang thiết bị bảo đảm yêu cầu tối thiểu theo danh mục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu dạy và học; ưu tiên đầu tư xây dựng cho các trường thiếu phòng học, thiếu sơ sở vật chất do xuống cấp.

Giáo dục là một trong những lĩnh vực được Vĩnh phúc quan tâm và đầu tư rất lớn. Được biết, hằng năm, tỉnh bố trí 20% ngân sách, các huyện, thành phố bố trí 20-40% ngân sách để đầu tư cho giáo dục. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đầu tư hơn 700 tỷ đồng xây mới và đưa vào sử dụng 4 trường trung học phổ thông; đầu tư 160 tỷ đồng xây dựng trường trung học cơ sở trọng điểm tại huyện Vĩnh Tường; huy động nguồn lực xây dựng Trường liên cấp quốc tế Newton đi vào hoạt động từ năm học 2022-2023...

Doãn Nhàn