Mã số 48

Vẫn còn đó nỗi đau da cam

10/05/2012 06:00
Minh Quân - Phương Anh
(GDVN) - Chiến tranh đã đi qua, nhưng những hậu quả của nó thì vẫn còn hiện diện trên dải đất hình chữ S này. Vẫn còn đó di chứng, những hậu quả đau xót mà nhiều người phải gánh chịu.
Gia đình bác Đỗ Quang Hải chính là những câu chuyện như vậy. Sau thời gian hy sinh tuổi xuân cho đất nước, may mắn hơn bao đồng đội phải nằm lại nơi chiến trường, bác trở về quê hương khi nước nhà đã độc lập. Nhưng niềm vui ấy không được bao lâu thì bác phải đối mặt với điều đau khổ hơn ngàn lần, đó là người con trai thứ hai của bác – anh Đỗ Khắc Nhân đã phải sống với căn bệnh thiểu năng trí tuệ ba mươi năm do ảnh hưởng của chất độc màu da cam…

Khuôn mặt ngây ngô của anh Nhân.
Khuôn mặt ngây ngô của anh Nhân.


Hạnh phúc chỉ thoáng qua

Tôi đến nhà bác Hải vào đúng một ngày mưa. Bác Đỗ Quang Hải đang cùng vợ - bác Nguyễn Thị Tâm lợp lại mái nhà. “Chỗ mái ấy dột không biết bao nhiêu lần rồi, cứ mưa bão lại tung ra. Làm gì có tiền mà sửasang lại nhà cửa hả cháu, ăn còn không xong…”.

Tiếp xúc với bác, tôi mới hiểu rõ thêm về hoàn cảnh éo le của gia đình. Khuôn mặt khắc khổ kể về những ngày tháng khó khăn khi ấy.

Sinh năm 1957, quê ở Bình Lục, Hà Nam nhưng để kiếm miếng ăn vì nhà quá nghèo, từ nhỏ bác đã theo gia đình lên thành phố sinh sống.

Theo tiếng gọi của tổ quốc và ý chí dũng cảm của một thanh niên, bác tham gia nghĩa vụ quân sự vào chiến trường miền trung để bảo vệ tổ quốc từ năm 1976 đến 1981. Đến khi trở về quê hương, bác Hải yêu và kết duyên với cô Nguyễn Thị Tâm.

Từ khi trở về, bác không bằng cấp, trình độ, vì vậy phải làm rất nhiều việc từ công nhân mỏ, bán bánh mì đến phụ xây. Bác Tâm sau khi nghỉ việc tại xí nghiệp theo chế độ 176 cũng về nhà bán xôi dạo. Gánh xôi ấy đi rao không biết bao nhiêu con đường, bao nhiêu phiên chợ.

Dù nghèo nhưng vợ chồng rau cháo có nhau và hạnh phúc của họ càng nhân đôi khi chào đón người con gái ra đời. “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Và còn gì hạnh phúc hơn khi lần mang thai thứ hai bác Tâm lại mang đến cho gia đình một bé trai kháu khỉnh.

Nhưng niềm hạnh phúc chưa nguôi thì hai bác như bị sét đánh - anh con trai thứ hai mắc phải can bệnh thiểu năng trí tuệ , khi ấy bác mới phát hiện ra những năm tháng tại chiến trường mình đã bị nhiễm chất độc màu da cam. “Đau xót lắm chú ạ, trời cho mình suốt đời rau cháo cũng chịu nhưng sao lại đổ lên đầu đứa trẻ nỗi đau kinh khủng thế” – bác Hải ngậm ngùi.

Từ khi sinh ra (1981) anh Nhân đã phải sống với căn bệnh thiểu năng quái ác hành hạ. Anh chỉ có thể sinh hoạt cá nhân bình thường được nhưng không làm được việc gì khác mà đáng ra ở tuổi anh có thể làm. “Bảo nó trông nhà thì nó lại đi chơi” bác Tâm cho biết.

Nỗi vất vả ngày càng đè nặng lên đôi vai của hai bác khi đã có tuổi
Nỗi vất vả ngày càng đè nặng lên đôi vai của hai bác khi đã có tuổi


Bước chân đã mỏi mòn

Từ khi biết mình bị nhiễm chất độc da cam, bác Hải đã đi nhiều nơi đến các cơ quan công quyền nhiều lần để xin được chứng nhận và trợ cấp bởi kinh tế quá khó khăn, số tiền nhờ vào gánh xôi của bác Tâm và bác Hải đi phụ hồ chẳng đáng là bao so với tiền chạy chữa cho con. Nhưng đôi chân ấy đã quá mệt mỏi, gương mặt ấy đã quá khắc khổ, vậy mà đã đến rất nhiều nơi, làm nhiều thủ tục cũng chẳng có kết quả gì.

Chán chường hai bác không dám hi vọng được trợ cấp nữa. Những hi vọng nhỏ nhoi rằng có một ngày con trai sẽ khỏe mạnh, nó sẽ lớn khôn, thành đạt, lấy vợ đẻ con như bao người cùng trang lứa của bác có lẽ đã lâu rồi bác không còn nghĩ tới. Giờ đây chắc chắn điều đó chỉ là giấc mơ không bao giờ thành hiện thực. Vì thế bây giờ anh Nhân đang ngồi chơi cùng mấy đứa trẻ, tôi cố gắng nghĩ rằng những điều đó là vô tư chứ không phải là ngây dại.

Người con gái cả đã đi lấy chồng, có tổ ấm riêng của mình nhưng cuộc sống cũng vẫn vất vả không giúp đỡ gì được bố mẹ. Căn nhà đơn sơ chỉ còn lại hai bác và anh Nhân sống dựa vào gánh xôi mỗi buổi sớm của bác gái. Không biết rồi sau này khi hai bác già yếu không làm được nữa thì liệu họ sẽ sống ra sao. Và còn mái nhà bao năm dột kia không biết có khi nào anh Nhân trèo lên sửa được cho bố mẹ…..


Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Bác Đỗ Quang Hải, Bình Lục, Hà Nam

Mã số 48

2. Hoặc gửi về Quỹ Tấm Lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

3. Qua Ngân hàng:

- Tên Tài khoản: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu
Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn



Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip


Minh Quân - Phương Anh