Có nằm mơ chúng tôi cũng không dám thấy mức lương cao như thế

26/11/2017 07:12
Bùi Nam
(GDVN) - Với hơn một triệu giáo viên trên cả nước, nếu tăng gấp 3 lần thì ngân sách cần bao nhiêu để tăng được? Con số chắc chắn là không hề nhỏ.

LTS: Vấn đề tăng lương giáo viên đang được rất nhiều người quan tâm.

Đánh giá từ thực tế, thầy giáo Bùi Nam cho rằng việc tăng lương giáo viên ở mức cao nhất trong thang, bảng lương hành chính sự nghiệp là rất khó được thông qua.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục ngày 16/11.

Trong đó, quy định về tiền lương nhà giáo cụ thể ở “điều 81: Tiền lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp”.

Đây chắc chắn là tin rất vui đối với hàng triệu giáo viên đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Nhưng bản thân tôi là nhà giáo đang giảng dạy, tôi tin rằng dự thảo Luật trên khó được Quốc hội thông qua. Vì sao?

Việc tăng lương cho giáo viên cao nhất trong các ngành sự nghiệp có khả thi? (Ảnh minh họa: TTXVN)
Việc tăng lương cho giáo viên cao nhất trong các ngành sự nghiệp có khả thi? (Ảnh minh họa: TTXVN)

Lương giáo viên xếp cao nhất là bao nhiêu?

Để độc giả có cái nhìn đầy đủ về thang bảng lương hiện tại của giáo viên đang nhận.

Cụ thể mức lương của giáo viên đang hưởng hiện nay là giáo viên mầm non, tiểu học xếp hạng B có hệ số từ 1.86 đến 4.06, giáo viên trung học cơ sở xếp hạng A0 từ 2.1 đến 4.89, giáo viên trung học phổ thông hạng A1 từ 2.34 đến 4.98, giảng viên đại học (giáo viên cao cấp) hạng A2 từ 4.0 đến 6.38.

Còn xếp cao nhất là viên chức hạng A3 có hệ số từ 6.2 đến 8.0 (Bác sĩ, huấn luyện viên, giáo sư, giảng viên cao cấp,…).

Nếu theo dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi nếu được Quốc hội thông qua dự kiến trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2018 và có hiệu lực vào năm 2019 thì giáo viên xếp cao nhất tức là ngang với viên chức loại A3 tức là hệ số lương từ 6.2 đến 8.0.

Có nằm mơ chúng tôi cũng không dám thấy mức lương cao như thế ảnh 2Lương giáo viên cao nhất đang xấp xỉ 11 triệu đồng/tháng

Theo tính toán của tôi, giáo viên đang công tác từ mầm non đến phổ thông rất ít có giáo viên hưởng lương giáo viên cao cấp từ 4.0 đến 6,38 mà chủ yếu hưởng mức lương tương ứng từ 1.86 đến 4.98, nếu tăng lên như trên tức là trung bình tăng gấp 3 lần!?!.

Ví dụ một giáo viên mầm non, tiểu học đang hưởng lương bậc 1 là 1.86 thì nhận được lương hiện tại là khoảng 3.200.000 đồng (chưa tính các khoản trừ bảo hiểm, các khoản khác), nếu tăng theo dự thảo Luật Giáo dục thì hệ số lương sẽ là 6.0 thì tiền lương nhận được tăng lên khoảng trên dưới 10 triệu đồng!?

Đó là đúng là số liệu “trên trời”, có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến chứ đừng mong nó trở thành hiện thực vì ngân sách nhà nước không thể gánh được việc tăng lương như trên. Nó quá tầm với của ngân sách.

Tăng lương gấp 3 lần như trên có khả thi?

Với hơn một triệu giáo viên trên cả nước, nếu tăng gấp 3 lần thì ngân sách cần bao nhiêu để tăng được?

Con số chắc chắn là “khủng”, nhà nước một năm phải chi thêm vài trăm ngàn tỷ đồng để thực hiện việc tăng lương trên.

Đó chắc chắn là điều không thể làm được, hay có thể nói là điều viển vông trong khi ngân sách nhà nước đang còn eo hẹp, áp lực nợ công tăng cao, biên chế phình to, chương trình phổ thông mới nếu áp dụng chắc chắn biên chế tiếp tục tăng thêm do có nhiều bộ môn mới xuất hiện ở 3 cấp học, cơ sở vật chất phải tăng thêm để đáp ứng việc dạy và học của giáo viên và học sinh, kinh phí biên soạn chương trình, sách giáo khoa,…

Do đó các đại biểu Quốc hội khó mà thông qua khi biết nó không bao giờ thực hiện được.

Vì ngân sách không cho phép. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhất về hành pháp và lập pháp. Quốc hội chắc chắn nắm rất rõ về nguồn ngân sách có thể chi là ba nhiêu.

Nếu được thông qua thì chắc chắn phải thực hiện vì mọi thứ phải làm theo luật, khi đó nếu không thực hiện được phải xử lý người tham mưu, người ký văn bản đề nghị khi đó chắc chắn sẽ rất phức tạp.

Tăng lương phải đi kèm tăng thời gian làm việc, tăng chất lượng, cấm dạy thêm

Có nằm mơ chúng tôi cũng không dám thấy mức lương cao như thế ảnh 3"Lương giáo viên sẽ cao hơn sĩ quan công an, quân đội" có phải bánh vẽ?

Với việc tăng như dự thảo Luật Giáo dục khó thành hiện thực nên tôi chỉ hy vọng tăng ở mức vừa phải, “liệu cơm gắp mắm” chủ yếu tăng ở đối tượng các giáo viên mới ra trường có mức lương thấp để kích thích các em giỏi vào trường sư phạm để các em chuyên tâm làm việc đào tạo những học sinh giỏi.

Khi chính phủ cân đối ngân sách tăng lương giáo viên phải kết hợp tăng thời gian làm việc.

Theo tôi nên quy định tất cả giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông làm việc 8 tiếng/ngày (mỗi giáo viên chỉ được luân phiên nghỉ một ngày).

Giáo viên có thể dạy một buổi kiến thức, buổi còn lại có thể dạy học sinh hoạt động trải nghiệm (trồng rau, nấu ăn, chăn nuôi, sáng tạo,…), thực hành thí nghiệm, ngoại khóa, thể dục thể thao, nghệ thuật, hay giáo viên dành thời gian trên để họp nhóm trao đổi kinh nghiệm, soạn bài, hay làm đồ dùng dạy học, hay tham gia các phong trào, hay phụ đạo các em học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi,…

Dành một phần kinh phí tạo điều kiện cao nhất cho những giáo viên không theo kịp ứng dụng công nghệ thông tin, theo kịp sự đổi mới được tự nguyện nghỉ việc hưởng lương hưu ở mức cao.

Trả lương giáo viên theo vị trí làm việc, cho nghỉ việc đối với những giáo viên không yêu nghề, không tâm huyết với nghề, hay kêu ca, than vãn, bôi nhọ sự thiêng liêng cao quý của nghề giáo.

Tạo điều kiện cho các giáo viên trẻ luôn toàn tâm toàn ý lo cho giáo dục.

Nhận các em sinh viên giỏi mới ra trường vào giảng dạy, không để phí nguồn nhân lực chất lượng cao.

Có nằm mơ chúng tôi cũng không dám thấy mức lương cao như thế ảnh 4Xin Bộ Giáo dục đừng "tăng lương đãi bôi" nhà giáo

Giáo viên đã dạy ngày nên không thể dạy thêm. Nên khi áp dụng đề nghị cấm dạy thêm trên toàn quốc, cho thôi việc với bất kỳ trường hợp vi phạm, không loại trừ bất kỳ lý do gì?

(Xin lưu ý lại là theo quy định dạy thêm là hoạt động dạy học có thu tiền, nếu học sinh học còn yếu giáo viên yêu cầu học sinh học yếu vào trường dạy không thu tiền thì không coi là vi phạm).

Sự quan tâm, giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các Mạnh Thường Quân, các cấp các ngành chăm lo cho giáo dục cũng là cách để giáo viên thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ và thiên chức người thầy.

Khi đó các em học sinh học tập tốt hơn, ngoan hơn, thành đạt trong cuộc sống, gia đình bớt đi nỗi lo lắng, tăng thêm người có tài, có đức, có ích cho xã hội

Khi tất cả thực hiện đồng bộ từ nghị quyết của Trung ương, Luật được Quốc hội thông qua, sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và toàn thể giáo viên trong cả nước thì chất lượng giáo dục chắc chắn tăng cao như mong muốn của đồng bào và nhân dân cả nước.

Bùi Nam