Chuyên gia đề xuất 2 loại kĩ năng nghề cần cấp thiết bồi dưỡng, rèn luyện cho GV

20/04/2023 06:46
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-GS Nguyễn Đức Chính: Vẫn còn giáo viên còn chưa đầy đủ kiến thức cơ bản về lí luận dạy học mới, chương trình giáo dục, dạy học định hướng phát triển năng lực.

Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ rõ điểm xuất phát của giáo dục Việt Nam là “nền giáo dục chủ yếu truyền thụ kiến thức” và điểm đến là “nền giáo dục chủ yếu rèn luyện phẩm chất năng lực người học”.

Đây là con đường tất yếu, duy nhất để nước ta có thể tồn tại và phát triển trong thế giới số, hội nhập và cạnh tranh. Và đây cũng chính là nhiệm vụ lịch sử của ngành giáo dục, của toàn xã hội.

Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính (bên phải). Ảnh: Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội

Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính (bên phải). Ảnh: Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính (Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, khó khăn hiện nay là vẫn còn một số nhà quản lí giáo dục, giáo viên chưa hiểu thật đầy đủ về những đặc trưng cơ bản của chương trình giáo dục định hướng phát triển năng lực, quan trọng hơn chưa tạo đủ các điều kiện cần và đủ để triển khai hiệu quả chương trình và sách giáo khoa mới.

Muốn thực hiện hiệu quả chương trình mới thì cần phải hiểu rõ những đặc trưng cơ bản của chương trình định hướng phát triển năng lực.

Năng lực là của từng cá thể, do học sinh tự rèn luyện cho bản thân, không ai có thể học hộ ai, năng lực của các học sinh khác nhau là khác nhau. Năng lực chỉ có thể được bộc lộ và phát triển trong bối cảnh thực của cuộc sống, không phải trong lớp, trong phòng thí nghiệm hay các tình huống giả định.

Năng lực chỉ có thể được bộc lộ và phát triển trên cơ sở những kiến thức do người học tự kiến tạo, tất nhiên dưới sự hướng dẫn, tổ chức của thầy cô. Năng lực cần được rèn luyện suốt đời.

7 nguyên tắc để thực hiện thành công chương trình định hướng phát triển năng lực

Theo Giáo sư Nguyễn Đức Chính, để thực hiện thành công chương trình định hướng phát triển năng lực cần tuân thủ 7 điều kiện.

Thứ nhất, chương trình phải lấy việc học làm gốc: Chương trình được đặt trên nền tảng của một tiền đề là kiến thức phải được học sinh tự kiến tạo. Một lẽ rất tự nhiên là không ai học hộ được người khác, người học chính là kiến trúc sư của kiến thức và năng lực của chính mình.

Thứ hai, phải hiểu đúng cách tiếp cận “lấy người học làm tâm”: Lấy người học làm trung tâm không có nghĩa là người học muốn học gì, học vào lúc nào,… đều được thỏa mãn.

Nếu nhà quản lí hiểu một cách tường minh cách tiếp cận, hướng dẫn cho giáo viên cách thực hiện các nguyên tắc này một cách đầy đủ thì học sinh sẽ là người thụ hưởng, kết quả dạy học sẽ tốt hơn rất nhiều.

Thứ ba, kiến thức là cơ sở hình thành năng lực: Các loại kiến thức khác nhau tạo nguồn để học sinh có được các giải pháp tối ưu hoặc có cách ứng xử phù hợp trong bối cảnh phức tạp.

Khả năng đó là đặc trưng của năng lực, tuy nhiên, khả năng đó lại được dựa trên sự đồng hoá và sử dụng có cân nhắc các kiến thức, kĩ năng cần thiết trong từng hoàn cảnh cụ thể. Những kiến thức có ích để rèn luyện năng lực chỉ là những kiến thức mà người học tự kiến tạo; và phạm vi của năng lực trực tiếp tuỳ thuộc vào phạm vi và mức độ phù hợp của kiến thức mà học sinh huy động vào giải quyết vấn đề đó.

Năng lực được kiến tạo trên cơ sở mức độ phức tạp, đa dạng của vấn đề. Điểm xuất phát để sử dụng và phát triển năng lực là toàn cảnh thách thức cần vượt qua, còn điểm đến là phương án tối ưu để giải quyết vấn đề hoặc cách ứng xử phù hợp trong tình huống đã cho.

Rèn luyện năng lực được tiến hành theo đường xoắn ốc trong đó các năng lực có trước được sử dụng để kiến tạo kiến thức mới, và đến lượt mình, kiến thức mới lại đặt cơ sở để hình thành những năng lực mới.

Thứ tư là chỉ dạy những vấn đề cốt lõi: Rèn luyện năng lực đòi hỏi phải có đủ thời gian, học sinh phải sử dụng nhiều lần, lặp đi lặp lại mới có thể tăng cường năng lực cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Nếu chương trình tập trung rèn luyện năng lực thì cũng có nghĩa chỉ nên tập trung vào số lượng năng lực chọn lọc và lượng kiến thức tương ứng để học sinh có đủ thời gian rèn luyện, kiến tạo và phát triển những năng lực đó.

Ảnh minh hoạ: Nguyên Phương

Ảnh minh hoạ: Nguyên Phương

Việc lựa chọn cách tiếp cận theo năng lực trong nhà trường còn hàm ý trong thời gian học tập tại trường, người học phải được rèn luyện những năng lực cho phép họ tự kiến tạo những kiến thức, kĩ năng mới để thích nghi với môi trường sống luôn thay đổi sau này.

Đây chính là lí do để xác định các năng lực chung, xuyên suốt chương trình giáo dục với tư cách là công cụ để học tập suốt đời.

Thứ năm là dạy học tích hợp: Thế giới hiện đại có đặc trưng là sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng trong tất cả các lĩnh vực khoa học và đời sống. Do vậy, mức độ năng lực cần thiết để thích ứng với thực tế đó cũng ngày càng tăng.

“Và dĩ nhiên là những kiến thức đơn lẻ được truyền đạt từ giáo viên không còn phù hợp nữa. Phải học tích hợp, học phương pháp luận, học cách kiến tạo kiến thức để rèn luyện khả năng kết hợp các nguồn kiến thức khác nhau, người học mới có khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp trong cuộc sống lao động sau này”, thầy Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh.

Thứ sáu là mở cửa trường học ra thế giới bên ngoài: Nhà trường không phải là đích đến, mà chỉ là nơi chuẩn bị cho người học sẵn sàng bước vào cuộc sống lao động.

Mở cửa trường cũng là cách tốt nhất để người học có cơ hội vận dụng kiến thức, kĩ năng học được trong trường vào giải quyết các vấn đề khác nhau đang diễn ra trong xã hội, trong nhà trường phổ thông.

Đây cũng là phương thức đào tạo tốt nhất để học sinh sau khi ra trường tự tin học lên hay đi vào cuộc sống lao động.

Thứ bảy là đánh giá thúc đẩy quá trình học tập: Đánh giá không phải là mục đích tự thân. Học sinh đi học không phải để bị đánh giá, nhưng có quyền được đánh giá để tiến bộ không ngừng.

Đánh giá là công cụ để học tập (learning-tool), một điều quan trọng cần nhận thức đúng là, đánh giá trên hết là công cụ giúp học sinh học tốt và giúp giáo viên hướng dẫn học sinh trong suốt quá trình học trong trường, tạo động lực cho học sinh tiến bộ không ngừng trong suốt quá trình học môn học.

Kiểm tra đánh giá phải được tích hợp vào quá trình dạy học để giúp học sinh có động lực học tập và không ngừng tiến bộ trong suốt quá trình học tập.

2 kỹ năng nghề quan trọng để giáo viên thực hiện chương trình mới

Giáo sư Nguyễn Đức Chính khẳng định, việc xây dựng đội ngũ nhà giáo chuyên nghiệp, tâm huyết sáng tạo là động lực, nhân tố quyết định việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Trong mọi nền giáo dục, giáo viên không chỉ là động lực mà là nhân tố quyết định tới chất lượng, hiệu quả của cả nền giáo dục, cũng như của cơ sở giáo dục, của một lớp học, một học sinh cụ thể (đương nhiên giáo viên phải được làm việc trong một cơ chế quản lí phù hợp).

Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, khi nền giáo dục chuyển từ “chủ yếu truyền thụ kiến thức sang chủ yếu rèn luyện phẩm chất, năng lực học sinh” thì vai trò quyết định của giáo viên lại được khẳng định một lần nữa.

“Song, đây cũng chính là một “vật cản” khá lớn, khó có thể khắc phục một sớm một chiều. Với một đội ngũ đông đảo rất nhiều năm chỉ quen cầm sách giáo khoa lên lớp, “truyền thụ” hết nội dung trong sách giáo khoa và làm các việc khác theo cách “cầm tay chỉ việc” của cấp quản lí.

Nhiều giáo viên thiếu kiến thức cơ bản về lí luận dạy học mới, về chương trình giáo dục, về dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, về kiểm tra đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, dùng đánh giá như một phương pháp dạy học, làm công cụ để học… và không có ý niệm về dạy cách học. Thậm chí còn có giáo viên thiếu cả những kĩ năng nghề nghiệp cơ bản”, thầy Chính nêu vấn đề.

Giáo sư Nguyễn Đức Chính cho rằng, việc đào tạo lại đội ngũ này là bài toán khó cần giải của các cấp quản lí. Đó là chưa kể đời sống của đa số giáo viên, nhất là ở các vùng sâu, xa, miền núi hải đảo… còn không ít khó khăn, thiếu thốn. Và còn phải thực hiện nhiều chứng chỉ, sổ sách, hồ sơ… các loại.

Vì vậy trước khi các nhà quản lí mong muốn giáo viên trở thành những nhà giáo dục, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội và cả nhà cách tân thì hãy đào tạo lại họ trở thành giáo viên chuyên nghiệp, giáo viên đúng nghĩa để có thể thực hiện được thiên chức của nghề là “dạy người”.

Giáo sư Chính nhấn mạnh: Giáo viên là một nghề, đã là nghề thì phải có những kĩ năng đặc thù và ai không có những kĩ năng này thì chưa phải là giáo viên.

Hiện nay giáo viên có thể phân loại: Thứ nhất, là truyền đạt hết nội dung sách giáo khoa (chúng ta vẫn quen gọi là “thợ dạy”); Thứ hai, dạy để học sinh thi đỗ; Thứ ba, dạy để học sinh “thành người” - tức là giúp mỗi học sinh phát huy hết tiềm năng riêng vốn có của mình để thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Vậy câu hỏi đặt ra là cần bồi dưỡng những kĩ năng nghề nghiệp nào để có giáo viên loại thứ 2 hay ít nhất cũng là loại 2 và không có giáo viên loại 1?

Giáo sư Nguyễn Đức Chính cho rằng, giáo viên phải có kỹ năng phát triển chương trình môn học, bài học. Ảnh minh họa: Nguyên Phương

Giáo sư Nguyễn Đức Chính cho rằng, giáo viên phải có kỹ năng phát triển chương trình môn học, bài học. Ảnh minh họa: Nguyên Phương

Giáo sư Nguyễn Đức Chính cho biết, hiện nay cần cấp thiết bồi dưỡng, rèn luyện 2 loại kĩ năng nghề cho giáo viên.

Một là, kĩ năng phát triển chương trình môn học, bài học:

Đây là kĩ năng nghề đặc thù nhất và cũng là quan trọng nhất của nghề giáo viên (tương đương kĩ năng khám bệnh kê đơn, đưa phác đồ điều trị cho từng người bệnh của thầy thuốc). Điều này càng quan trọng khi dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Phát triển chương trình môn học, bài học thực chất là xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình môn học (quốc gia) cho phù hợp nhất với học sinh trường mình, lớp mình, với bối cảnh địa phương mình.

Chương trình giáo dục phổ thông và chương trình các môn học (quốc gia) qui định các phẩm chất, năng lực chung cũng như chuyên biệt cho học sinh cả nước để rèn luyện trong suốt 12 năm... Đây được xem như là "pháp lệnh" về phát triển năng lực, phẩm chất.

Tuy nhiên, học sinh với tư cách là chủ thể rèn luyện các phẩm chất, năng lực nêu trên, mỗi nơi mỗi khác, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, địa lí, lịch sử…. mỗi nơi mỗi khác, các điều kiện cụ thể về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kĩ thuật mỗi trường mỗi khác. Và để rèn luyện phẩm chất, năng lực cho những học sinh khác nhau thì mỗi nơi cũng phải mỗi khác.

Mỗi giáo viên phải có kĩ năng căn cứ chương trình quốc gia xây dựng kế hoạch giáo dục môn học, bài học phù hợp nhất với học sinh trường mình, với điều kiện cụ thể của trường mình, trong bối cảnh thực tế của địa phương mình. Như vậy, nếu các mục tiêu được qui định trong chương trình là chung và duy nhất, thì cách tổ chức rèn luyện cho học sinh, lộ trình… sẽ mỗi nơi mỗi khác.

Và chỉ có bằng con đường như vậy các phẩm chất, năng lực được qui định trong chương trình mới có thể được thực hiện thành công. Không thực hiện được việc này không thể nói tới thành công của đổi mới giáo dục. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò quyết định của giáo viên.

Hai là, kĩ năng đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh (assessment for learning):

“Chúng ta cần nhớ rằng, học sinh đi học không phải chỉ để kiểm tra, đánh giá, nhưng học sinh đi học không phải để bị đánh giá, nhưng có quyền được đánh giá để tiến bộ không ngừng.

Đánh giá vì sự tiến bộ của người học là đánh giá đặc trưng của giáo dục và chỉ có trong giáo dục. Học sinh đến trường hàng ngày được học, được đánh giá để biết mình đang ở đâu còn thiếu gì, cần làm gì để khắc phục những điểm yếu, và hôm nay tiến bộ hơn hôm qua. Đây là quyền của người học.

Rất tiếc là ở Việt Nam hầu hết mới chỉ biết “đánh giá kết quả”, tức là đánh giá thành tích học tập của học sinh sau một giai đoạn học tập. Đánh giá này chỉ phục vụ các nhà quản lí, còn học sinh chỉ biết mình đỗ hay trượt”, thầy Chính cho hay.

Để đánh giá ấy giúp học sinh tiến bộ hàng ngày, trong mỗi bài học, giáo viên phải xác định được từng học sinh đang ở đâu, cần đi đến đâu và trong quá trình dạy học xác định được học sinh nào có khó khăn gì để giúp các em đạt mục tiêu học tập.

Sau giờ học phải đánh giá mức độ đạt mục tiêu học tập của học sinh, phát hiện học sinh chưa đạt mục tiêu để hỗ trợ hoặc hướng dẫn các em tự khắc phục. Nếu tất cả học sinh, bài nào cũng đạt tất cả các mục tiêu học tập thì việc kiểm tra đánh giá cuối cùng sẽ rất vui vẻ vì giáo viên biết chắc chắn rằng toàn thể học sinh của mình sẽ đạt.

Nếu không xây dựng được một đội ngũ nhà giáo chuyên nghiệp, tâm huyết, sáng tạo có đủ năng lực, kỹ năng hành nghề một cách chuyên nghiệp chắc chắn việc thực hiện chương trình sách giáo khoa mới sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới còn nhiều khó khăn, thách thức, Giáo sư Nguyễn Đức Chính kiến nghị, cần xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản quản lí phù hợp với chương trình giáo dục định hướng năng lực, có khả năng hướng dẫn giáo viên thực hiện chương trình mới.

Trang bị cho đội ngũ cán bộ quản lí nhà nước những kiến thức cơ bản về khoa học giáo dục và khoa học quản lí; Có văn bản pháp lý tạo điều kiện cho các nhà trường phổ thông được tự chủ.

Cùng với đó, cần tuân thủ các điều kiện thực hiện chương trình định hướng phát triển năng lực học sinh; cần xác định những điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ dạy học.

Nguyên Phương