Nhiều dịch vụ đang “ăn theo” chương trình mới và chuyện đồng phục trong giáo dục

14/03/2023 06:32
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không ít các kế hoạch bài dạy (giáo án); đề kiểm tra.. hiện nay đã được khoác chung 1 chiếc áo “đồng phục” giữa các môn học, các nhà trường với nhau.

Bắt đầu từ năm học 2020-2021, ngành giáo dục triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1, đến năm học 2022-2023 này đã thực hiện lên đến lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Song song với việc thực hiện chương trình mới, ngày 18/12/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục trong trường học.

Bên cạnh đó, ngày 21/7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông yêu cầu: “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết”.

Trước những thay đổi lớn như vậy, nhiều dịch vụ ăn theo đã ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận lớn giáo viên phổ thông hiện nay. Từ đây, không ít các kế hoạch bài dạy (giáo án); đề kiểm tra; câu trả lời trong tập huấn cũng đã được khoác chung 1 chiếc áo “đồng phục” giữa các môn học, các nhà trường với nhau.

Rất nhiều sản phẩm ra đời nhằm phục vụ cho giáo viên và học sinh (Ảnh chụp từ màn hình facebook của giáo viên)

Rất nhiều sản phẩm ra đời nhằm phục vụ cho giáo viên và học sinh (Ảnh chụp từ màn hình facebook của giáo viên)

Bây giờ có tiền…sướng thật

Không phải đợi đến khi chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai đến cả 3 cấp học mới có dịch vụ ăn theo ra đời mà ngay từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương triển khai việc tập huấn online qua các module đã có dịch vụ…tập huấn mướn.

Những năm qua, mỗi môn học đều có hàng chục trang facebook được giáo viên lập ra để đăng tin quảng cáo tập huấn thay; bán kế hoạch bài dạy (giáo án); bán đề kiểm tra; bán sách tài liệu giảng dạy…

Một giáo viên cấp Trung học cơ sở (xin được giấu tên) chia sẻ với chúng tôi rằng bây giờ có tiền… sướng thật. Thay vì ngồi đọc, xem hết các module và làm các bài tập theo yêu cầu thì tôi bỏ ra mấy trăm ngàn thuê người học cho thuận lợi.

Mình chỉ mất mấy trăm ngàn nhưng đỡ cực, đỡ vất vả nhiều ngày. Nếu tôi ngồi mà thực hiện xong các yêu cầu thì không biết mò đến bao giờ mới xong vì yếu công nghệ thông tin nên khó khăn trong việc thực hiện các bài tập. Thôi thì, bớt đi chút tiền nhưng mình khỏe mà Ban giám hiệu cũng không phải nhắc nhở gì đến mình vì đã thực xong công việc.

Đó là chuyện tập huấn, chỉ có một số rất ít giáo viên thuê làm việc này, còn chuyện soạn giáo án theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì nhiều giáo viên hiện nay sẵn sàng bỏ tiền ra mua hoặc xin từ đồng nghiệp đã mua từ một dịch vụ nào đó trên mạng xã hội để giảng dạy và phục vụ cho việc ký duyệt giáo án hàng tháng của tổ chuyên môn và nhà trường.

Những lớp đầu tiên thực hiện chương trình mới, mọi thứ đều mới toanh, soạn được 1-2 tiết học theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì giáo viên phải ngồi cả ngày chưa xong vì phải thực hiện rất nhiều các hoạt động. Mỗi hoạt động lại trải qua nhiều bước.

Trong khi, nhiều môn học có số tiết lớn lên đến 140 tiết học/ năm/lớp khiến cho nhiều giáo viên không thể ngồi mà thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ mà giáo viên bây giờ đa số được phân công giảng dạy 2 khối lớp.

Trong khi, các trang mạng xã hội bây giờ họ đứng ra bán nhiều lắm, cứ mở facebook ra là thấy liền. Môn nhiều tiết thì 7-8 trăm ngàn, môn ít tiết thì vài trăm ngàn có cả giáo án word để in, giáo án powerpoint để dạy công nghệ thông tin nên rất thuận lợi.

Trong mỗi trường, vài giáo viên được phân công dạy cùng khối với nhau, họ chung tiền rồi một người đứng ra mua sau đó chia sẻ lại cho nhau. Nếu chia ra, người chỉ vài trăm ngàn đối với những môn nhiều tiết nên bây giờ chẳng mấy giáo viên ngồi mà soạn giáo án như trước kia nữa.

Giáo viên nào cẩn thận, sau khi mua về thì chỉnh sửa lại cho ngắn gọn, phù hợp với khả năng khi đứng lớp, nếu không- họ cứ để vậy mà dạy không ai bắt bẻ được vì giáo án được các dịch vụ đứng ra bán trên mạng xã hội soạn khá chi tiết, đầy đủ, đúng với hướng dẫn của ngành.

Đối với các dạng đề kiểm tra theo yêu cầu mới bây giờ cũng đang được bán tràn lan trên mạng xã hội. Những dịch vụ bán đề kiểm tra cũng luôn bám sát với những hướng dẫn của ngành. Nào là phát triển phẩm chất năng lực, nào là lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa…cái gì cũng có.

Không chỉ các trang mạng xã hội bán giáo án, bán đề kiểm tra một cách tự phát mà nhiều nhà xuất bản cũng cho ra đời hàng loạt các dạng tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy, kiểm tra, nâng cao, mở rộng. Có những tác giả sách giáo khoa còn là những thành viên tích cực tương tác, quảng bá các sản phẩm do nhóm của mình viết ra.

Chính vì một số tác giả viết các loại tài liệu này chủ biên, đồng chủ biên là sách giáo khoa, là tác giả chương trình môn học nên cũng đang tạo được sự tin cậy, tín nhiệm từ phía giáo viên.

Liệu có xảy ra tình trạng đồng phục về giáo án, đề kiểm tra?

Như phần trên chúng tôi đã trình bày, chính vì mỗi giáo án, mỗi đề kiểm tra hay một tài liệu nào đó được bán ra cũng đồng nghĩa không chỉ bán cho 1 giáo viên, bán cho 1 trường mà bán cho rất nhiều giáo viên ở rất nhiều trường. Rồi, cứ thế được nhân bản dần lên.

Thời đại công nghệ thông tin, chỉ cần vài cái nhấp chuột là cái file giáo án, đề kiểm tra, bài giảng PowerPoint được chuyển đến địa chỉ cần chuyển qua email, zalo; facebook trong tích tắc và những giáo án, đề kiểm tra đó nghiễm nhiên trở thành tài liệu riêng của người mua, người xin.

Tất nhiên, một khi giáo viên đã mua, đã xin thì họ sẽ sử dụng và cũng vì thế nó đã trở thành những chiếc áo “đồng phục” chung cho nhiều giáo viên.

Bên cạnh đó, dạy học chương trình mới hướng tới phát triển phẩm chất năng lực cho học trò nên các hoạt động giảng dạy hiện nay được Bộ hướng dẫn thì giáo viên sẽ giao nhiệm vụ học tập cho học trò chuẩn bị.

Sau đó, lên báo cáo trước lớp và học sinh trong lớp sẽ trao đổi, nhận xét về sản phẩm học tập. Cuối cùng, giáo viên là người chốt lại vấn đề.

Nghe qua thì có vẻ hay, nhằm giúp cho học sinh chủ động trong học tập. Thế nhưng, học sinh chuẩn bị bài trước sẽ chuẩn bị như thế nào đây? Một khi các em chưa được học bài mới thì có mấy em hiểu bài mà chuẩn bị? Bởi thực tế, phải là những học sinh thực sự xuất sắc mới nắm được kiến thức từ chưa học.

E rằng, để hoàn thành nhiệm vụ có em sẽ lên mạng chép. Bây giờ, trên mạng internet bài nào cũng đã được soạn sẵn theo câu hỏi của sách giáo khoa, câu hỏi mở rộng. Vì thế, học sinh chuẩn bị trước bằng cách chép để đối phó với giáo viên. Hoặc, nhiều em đã học trước chương trình ở các lớp học thêm.

Những sản phẩm học tập đó đa phần đều rất đúng. Vì thế, bạn bè nhận xét, giáo viên nhận xét cũng không thể nào chê được. Nhưng, nếu giáo viên hỏi một học sinh khác thì cũng có nội dung chuẩn bị giống y chang bạn mình vừa báo cáo. Vì…nó cùng có một nguồn gốc, xuất xứ với nhau.

Những sản phẩm “đồng phục” từ giáo viên cho đến học sinh như vậy đang khá phổ biến ở các nhà trường khi giảng dạy chương trình mới. Điều này cho thấy có rất nhiều bất cập khi triển khai chương trình mới cùng với việc thực hiện các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH hiện nay ở nhiều trường phổ thông.

Những cá nhân, tổ chức bán các sản phẩm như giáo án, đề kiểm tra, tài học giảng dạy và học tập đương nhiên họ sẽ có lợi nhuận. Những giáo viên, học sinh vì nhiều lý do chủ quan, khách quan khác nhau mà đang sử dụng dịch vụ này…Những vấn đề mà chúng tôi đã đề cập trong bài viết tưởng chừng rất lạ nhưng đó là thực tế đang diễn ra công khai.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG