Có giáo viên giờ sợ cả học sinh và phụ huynh

12/11/2023 06:33
Nguyễn Mạnh Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tự tin làm những điều vì học sinh thân yêu, nâng cao chất lượng giáo dục, những hành vi đó không thể vi phạm pháp luật, không phải sợ học trò, sợ phụ huynh.

Các phương tiện truyền thông báo chí đăng tải, ngày 4/9/2023, hàng chục nghìn giáo viên Hàn Quốc đã tham gia các cuộc biểu tình được tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau, bỏ lớp và nghỉ dạy bất chấp cảnh báo của chính phủ rằng họ có thể bị kỷ luật.

Làn sóng biểu tình đã bùng phát sau khi một giáo viên tiểu học 23 tuổi ở Seoul tự tử vào tháng 7, nhưng các cuộc tuần hành thường diễn ra vào cuối tuần. Hôm 4/9 là lần đầu tiên phong trào biểu tình diễn ra trong ngày đến trường của học sinh.

Theo lời khai từ phía gia đình, giáo viên này đã tự kết liễu mạng sống sau khoảng thời gian dài chịu áp lực nghiêm trọng do những lời công kích, đe dọa từ phụ huynh. [1]

Giáo viên Hàn Quốc sợ học sinh, sợ phụ huynh, chịu áp lực vậy, còn giáo viên nước ta có phải chịu cảnh đáng buồn này không?

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc dạy mầm non ở thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Từ ngày lớp học lắp camera giám sát đến nay tôi thấy căng thẳng quá.

Mình vừa làm việc vừa có cảm giác ai đó nhìn lén, giám sát, luôn cảm giác nóng cả gáy, chỉ sợ phụ huynh hiểu lầm, phản ánh với lãnh đạo là khổ. Cứ thấy phụ huynh đi vào trường dáng giận dữ hay to tiếng là cứ như rắn ng năm”.

Nhiều học sinh không còn sợ các hình thức kỷ luật hiện nay (Ảnh minh họa: TTXVN)

Nhiều học sinh không còn sợ các hình thức kỷ luật hiện nay (Ảnh minh họa: TTXVN)

Một đồng nghiệp lại “sợ” phụ huynh kiểu khác: “Mình sợ nhất là những phụ huynh cậy mình giàu có, tặng quà cho giáo viên rồi đòi hỏi con phải nhất nhì lớp.

Ngày 20/11 họ tặng quà mà mình không nhận thì coi là chảnh, nghèo mà làm cao, nhận rồi khó nói lắm, há miệng mắc quai, chẳng sung sướng gì.

Năm ngoái, có phụ huynh nói thẳng “Tôi gửi cô chút quà mọn, của ít lòng nhiều, mong cô đừng từ chối, coi như cảm ơn cô kèm cặp thêm cho cháu ở lớp”.

Trước khi ra về còn nói thêm “Mong rằng cô kèm cháu thêm cuối năm cháu đạt nhất lớp thì tốt quá”.

Cuối năm, cuối học kì, nếu con cái họ không đạt kết quả mong muốn, nhìn ánh mắt phụ huynh mình thấy cứ như lời trách móc, hờn dỗi, đầy ám ảnh”.

Giáo viên dạy trung học, đặc biệt là trung học cơ sở, nhiều người rất sợ học sinh "gài bẫy". Thầy giáo Lê Văn Nam dạy Thể dục chia sẻ: “Tôi đã từng gặp học sinh vô cùng ngổ ngáo, cố tình chọc phá trong giờ học để cài bẫy thầy.

Vào giờ học, học sinh này cầm que chọc bạn, tôi đi lại để lấy cái que, ổn định nề nếp, nó ù té chạy, sau đó nghịch với bạn, bị té trầy xước, lên phòng y tế bôi thuốc, nó bảo tại thầy Thể dục đuổi đánh.

Mẹ đến đón về, nó bảo với mẹ tại thầy Thể dục đuổi đánh, phụ huynh chẳng cần biết đầu đuôi thế nào, đã làm ầm ĩ lên, cũng may có cả lớp chứng kiến, tôi giờ sợ cả phụ huynh cả học sinh luôn”.

Ngay tại đơn vị người viết, có cô giáo dạy toán, lên lớp bị học sinh viết bậy vào tà áo dài, kiểm tra camera biết rõ học sinh H. viết bậy.

Học sinh này có bố và mẹ đều giáo viên, thay vì hợp tác giáo dục, phụ huynh còn bênh con chằm chặp “Cháu ở nhà ngoan lắm, có nghịch phá gì đâu, ba cái chuyện nhỏ nhặt này nhà trường bỏ qua đi, làm chi to chuyện”.

Sau đó, chính giáo viên phụ huynh này đã gửi cho giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm các văn bản quy định những điều giáo viên được làm và không được làm, tiếc thay, giáo viên này ... chưa hướng dẫn con mình những điều học sinh không được làm để cùng giáo dục.

Qua tìm hiểu, được biết bố mẹ học sinh đã ly hôn, có duyên mới, cháu như bị bỏ rơi, theo bạn xấu, bỏ bê học hành, quậy phá.

Thực tế, người viết nhận thấy, những học sinh có cha mẹ bênh vực, không hợp tác với nhà trường để giáo dục thường vi phạm pháp luật ngay trong tuổi học trò.

Cách đây ba năm, khi tư vấn cho một giáo viên làm chủ nhiệm, người viết thấy giáo viên này rất sợ học sinh cài bẫy và phụ huynh cả tin vào con em mình. Họ có xu hướng chỉ đổ lỗi cho nhà trường, nên giáo viên không dám liên hệ với phụ huynh để giáo dục học trò, chỉ đến khi người viết cùng làm công tác chủ nhiệm, cùng xử lý tình huống gặp phụ huynh, giáo viên này mới vơi đi nỗi sợ.

Trên thế giới, hiếm có nền văn hóa nào tôn vinh vai trò, vị trí của người thầy như nước ta. Thời phong kiến, làm trai nói riêng, làm người nói chung, trên đời chỉ có ba người cần phải tuân theo: Quân, Sư, Phụ, tức là nhất Vua, nhì Thầy, thứ ba mới đến Cha.

Thế giới đã có nhiều thay đổi, vai trò người thầy cũng thay đổi nhưng thay đổi thế nào đi chăng nữa, giáo viên vẫn là yếu tố cốt yếu để tạo nên thành công của giáo dục.

Tự tin làm những điều vì học sinh thân yêu, vì nâng cao chất lượng giáo dục, chắc chắn những hành vi đó không thể vi phạm pháp luật, không phải sợ học trò, sợ phụ huynh.

Chương trình 2018 hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực cho người học, đòi hỏi mỗi giáo viên phải tự tin, không ngừng học tập, nâng cao năng lực, phẩm chất của chính mình, xử lý tình huống sư phạm một cách chuẩn mực nhất, có tác dụng giáo dục nhất.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/giao-vien-han-quoc-xuong-duong-ram-ro-vi-bi-phu-huynh-ap-buc-20230904173827395.htm

Nguyễn Mạnh Cường