Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã khẳng định: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế Hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng, Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng trường”.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nhiều Bí thư Đảng ủy không phải là Chủ tịch Hội đồng trường/ Hội đồng đại học. Điều này cho thấy, một nghị quyết lớn của Trung ương nhưng hiện nay vẫn chưa được thực hiện đồng bộ ở tất cả các cơ sở giáo dục đại học.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. (Ảnh: NVCC) |
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cho rằng, trong một cơ sở giáo dục đại học, Đảng lãnh đạo toàn diện và Hội đồng trường cụ thể hóa chủ trương lãnh đạo của Đảng bằng các Nghị quyết tập thể, vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản trị của Hội đồng trường có sự tương đồng nên khi Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường thì việc triển khai thực hiện công việc của nhà trường thuận lợi.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc trường đại học thực hiện theo đúng Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương.
Bên cạnh đó, nếu Bí thư Đảng ủy không kiêm Chủ tịch Hội đồng trường thì sẽ dẫn tới việc không phát huy được vai trò, năng lực của Hội đồng trường khiến khó đạt được mục tiêu tự chủ đại học.
Ngược lại, nếu một người đảm nhận hai chức vụ Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Hội đồng trường thì sẽ hài hòa được những xung đột có thể xảy ra trong trường đại học, đặc biệt trong bối cảnh thể chế Hội đồng trường còn khá mới ở nước ta.
Mặt khác, hiện nay Hội đồng trường đang là tổ chức kết nối giữa Ban chấp hành Đảng bộ và chính quyền cũng như với hệ thống các đơn vị, thủ trưởng trong nhà trường. Đảng lãnh đạo toàn diện, Hội đồng trường sẽ cụ thể hóa chủ trương của Đảng, sau đó, Hiệu trưởng và các bộ máy trong nhà trường thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng, nghị quyết mà Hội đồng trường thông qua.
Ngược lại, khi nhà trường muốn đề xuất xin chủ trương từ phía chính quyền, cơ quan quản lý thì cũng có được sự thống nhất. Nhờ đó, việc triển khai các chủ trương, thực hiện chức năng nhiệm vụ của Hội đồng trường sẽ dễ dàng hơn nhiều.
“Hiện nay, việc phân cấp và phân chia chức năng, nhiệm vụ giữa Hiệu trưởng, Hội đồng trường và Ban chấp hành Đảng bộ (tổ chức Đảng) ở nhiều trường đại học còn khó khăn. Chức năng của tổ chức lãnh đạo (Đảng bộ) và tổ chức quản trị (Hội đồng trường) có tính tương đồng nên cần thực hiện thống nhất Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ đồng trường.
Thực hiện theo đúng chủ trương của Nghị quyết 19-NQ/TW sẽ dần dần định hình được vai trò của Hiệu trưởng là quản lý, còn Hội đồng trường có chức năng quản trị.
Nếu Bí thư Đảng ủy kiêm Hiệu trưởng thì vô tình người đưa ra chủ trương cũng chính là người tổ chức thực hiện. Điều này hoàn toàn trái với tinh thần tự chủ, đi ngược lại với nguyên lý trong quản lý, không thể một người "vừa đá bóng vừa thổi còi" được”, Phó Giáo sư Lê Thanh Tùng nhận định.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Tiền Giang cho rằng, khi Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường theo đúng tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW thì công việc, hoạt động của nhà trường được thực hiện thuận lợi.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Tiền Giang. (Ảnh: NVCC) |
Về nguyên tắc, Đảng lãnh đạo toàn diện, Hội đồng trường có vai trò quản trị và Hiệu trưởng thực hiện vai trò quản lý.
Vai trò lãnh đạo và quản trị có điểm chung là đưa ra quyết sách cho trường hoạt động và phát triển, để trên cơ sở đó, Hiệu trưởng tổ chức thực hiện. Vì vậy khi Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường thì sẽ tránh được tình trạng "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" trong vấn đề ra quyết sách cho các hoạt động của nhà trường.
Mặt khác, theo quy định của Luật 34/2018 thì Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất trong trường, Chủ tịch Hội đồng trường là người đứng đầu Hội đồng trường. Trong khi theo Điều lệ Đảng thì Đảng lãnh đạo toàn diện, Bí thư Đảng ủy lại là người đứng đầu tổ chức Đảng trong trường.
“Do đó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường thì hai vị trí đứng đầu này không mâu thuẫn nhau, ngược lại còn cộng hưởng rất tốt cho vai trò của nhau.
Nếu Bí thư Đảng ủy nếu kiêm Hiệu trưởng sẽ xảy ra tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi".
Đặc biệt, nếu Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng là 3 người khác nhau thì sẽ khó phát huy được vị thế của Hội đồng trường, thực tiễn hoạt động tự chủ khó đi vào thực chất, và rất khó để Hội đồng trường là cơ quan có thực quyền cao nhất trong trường đại học như Nghị quyết 19-NQ/TW đã nêu.
Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là về mặt tổ chức, dù Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường nhưng 3 tổ chức này phải độc lập nhau, thể hiện qua quy chế liên tịch phối hợp công tác giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Hiệu trưởng trong trường đại học”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh khẳng định.