LTS: Đây là bài viết của thầy Nguyễn Cao, theo thầy, lúc này điều cần bàn là làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục chứ không phải là bàn về tên gọi phí hay giá dịch vụ giáo dục đào tạo.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả quan điểm này.
Những ngày qua, các đại biểu Quốc hội và dư luận tranh cãi gay gắt khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra khái niệm “giá dịch vụ đào tạo”. Vậy nhưng, xét đến cùng thì tên gọi cũng không thể thay đổi được bản chất vấn đề.
Có điều, cái tên gọi đó có thực sự cần thiết không khi mà chất lượng của ngành giáo dục đang là vấn đề cần bàn bạc nhất thì ít có ai quan tâm.
Vì thế, lẽ ra chuyện đáng bàn nhất hiện nay là chất lượng giáo dục chứ không phải là tên gọi “phí” hay “giá” mà học sinh, sinh viên phải đóng.
Bởi, thay đổi tên gọi mà thay đổi được các khoản tiền phụ huynh phải đóng góp cho con em mình thì nên đề xuất.
Điều chúng ta cần bàn luận đó chính là chất lượng giáo dục (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Chưa bao giờ, chất lượng học tập của học sinh, sinh viên Việt Nam lại có tỉ lệ xuất sắc, giỏi và khá nhiều như bây giờ.
Những ngày cuối năm học, chỉ cần điểm qua vài tờ báo chúng ta cũng cảm nhận rõ điều này.
Đa phần các địa phương, các trường học có tỉ khá giỏi nhiều hơn học sinh trung bình.
Nhưng, thực tế có phải vậy không?
Nếu đúng vậy thì không có chuyện, chiều ngày 29/5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo và Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực đã phải trăn trở:
"Một câu hỏi lớn đặt ra là tại sao đánh giá như vậy nhưng thứ hạng của các đại học Việt Nam rất thấp trong khu vực, đặc biệt là nguồn nhân lực đào tạo ra chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, hay cạnh tranh thị trường lao động trong khu vực và quốc tế?”.
Trăn trở của người đứng đầu Chính phủ cũng là trăn trở chung của các thầy cô giáo và toàn xã hội.
Nhà trường buộc chỉ tiêu cứng nhắc, sao có thể “chống bệnh dối trá”? |
Thước đo để đánh giá học trò là điểm số, là những đánh giá của giáo viên qua quá trình giảng dạy.
Vậy nhưng, cấp trên cứ ấn chỉ tiêu xuống và bắt buộc giáo viên phải thực hiện.
Trong khi học lực của một bộ phận học sinh rất thấp. Mỗi lớp, may ra có vài em giỏi nhưng chỉ tiêu đưa xuống là mấy chục % thì bắt buộc giáo viên phải đẩy lên cao mãi.
Học sinh yếu không dám để ở lại, học sinh kém thì tuyệt nhiên không có. Vì thế, điểm số càng cao bao nhiêu thì xã hội càng lo bấy nhiêu bởi đó không phải là chất lượng thật, đó là vì bệnh thành tích mà ra.
Ai cũng biết, chất lượng giáo dục quyết định mục tiêu giáo dục nước nhà.
Nếu ngành giáo dục đào tạo ra những con người trung thực, có tri thức và nhân cách tốt, có khả năng thích ứng với môi trường xã hội thì tương lai mới có những công dân tốt đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho đất nước.
Đồng thời, đánh giá đúng học lực của trò không chỉ giúp cho các nhà hoạch định chính sách có những quyết sách đúng đắn mà quan trọng hơn là thầy cô giáo mới phát huy được tính trung thực để làm tấm gương cho trò noi theo.
Đằng này, có nơi thầy cô vì chỉ tiêu mà gian dối, học sinh học dở cũng đẩy lên khá, học sinh chẳng biết gì cũng khen thưởng vì đã có cố gắng để đạt được thành tích “vượt trội”…học sinh bỏ học cả tháng trời vẫn vận động vào thi để giữ sĩ số lớp và quan trọng hơn là sẽ giảm được học sinh yếu của trường. Cứ thế, học sinh ngày càng coi thường nhà trường, càng kệ mặc cho tương lai.
Bởi, nhiều em ham chơi hơn ham học đã thừa hiểu là điểm số đã có nhà trường và thầy cô lo chu đáo cho rồi, miễn là cứ lai rai đến trường cho có mặt thì bèo lắm cũng được lên lớp.
Chính vì thế, chất lượng giáo dục phải đặt lên hàng đầu còn chuyện tên gọi “phí” hay “giá” thì phụ huynh cũng cứ phải đóng tiền cho con em họ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Học phí và Giá dịch vụ đào tạo có nội hàm khác nhau |
Nhà trường thu “giá dịch vụ đào tạo” thì phụ huynh học sinh phải trả giá dịch vụ đào tạo. Chuyện này, cũng không khác mấy là trả học phí.
Tuy nhiên, việc đưa ra hái niệm mới cũng cần phải cân nhắc. Trong khi Bộ Giáo dục lại là Bộ có đội ngũ chuyên gia tham mưu đông đảo, đa phần có học hàm, học vị cao nữa.
Vì thế, Bộ giáo dục cũng cần cân nhắc khi đưa ra đề xuất hay ban hành các văn bản phải phù hợp và hoàn thiện tốt nhất để tránh những dư luận trái chiều và ồn ào như thời gian qua.
Hãy tập trung lo phát triển đội ngũ giáo viên tốt, thúc đẩy việc dạy thật, học thật và đánh giá thật - đó mới là điều mà xã hội cần nhất lúc này.