Nếu đúng bản chất, đại học phi lợi nhuận tồn tại vì ai?

19/09/2014 06:50
Xuân Trung
(GDVN) - Tài sản chung của trường không chia, số lãi hàng năm được đầu tư trở lại trường, giúp cơ sở vật chất nhà trường tốt lên và người học hưởng lợi.

Đó là nhận định của một số chuyên gia cho rằng, tương lai chúng ta phải chuyển đổi mô hình trường đại học hoạt động không vì lợi nhuận để đảm bảo quyền lợi cho người học, cao hơn nữa là mục tiêu đưa giáo dục đại học tư và công phát triển.

Không nên nhập nhằng giữa các mô hình

Trao đổi về vấn đề trường đại học không vì lợi nhuận hay trường vì lợi nhuận, PGS. Nguyễn Văn Hùng  - Hiệu trưởng Trường Đại học Lương Thế Vinh nhận định, dấu hiệu cơ bản của mô hình trường không vì lợi nhuận là những người đầu tư vào trường mà không lấy lãi, tuy rằng điều này ở Việt Nam chưa thể đòi hỏi có ngay. Nhưng những nhà giáo dục, những người đầu tư vào giáo dục hết phải là người chuyên tâm, có tâm thực sự vì sự nghiệp giáo dục.

Nếu đúng bản chất, đại học phi lợi nhuận tồn tại vì ai? ảnh 1

PGS. Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Lương Thế Vinh.

PGS. Hùng cũng đồng ý, Nhà nước phải có những tiêu chí cụ thể, rõ ràng để làm rõ thế nào là trường không vì lợi nhuận, trường vì lợi nhuận. Theo ông, trường không vì lợi nhuận sẽ thuyết phục được học sinh, sinh viên vào trường, người học thấy được trường đó là trường không vì lợi nhuận, trường theo mô hình này có khả năng thu hút người học cao hơn. Nhà nước cũng nên tạo điều kiện để cho các trường hoạt động theo mô hình không vì lợi nhuận phát triển và đương nhiên là không đánh thuế.

PGS. Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, tiêu chí đầu tiên để phân biệt trường hoạt động theo mô hình không vì lợi nhuận và lợi nhuận là những người góp vốn không được hưởng cổ tức cao hơn trái phiếu Chính phủ. Lúc này đồng tiền cũng giống như gửi tiết kiệm, tiền lãi sẽ được đầu tư để phát triển đội ngũ và cơ sở vật chất, quan tâm tới lợi ích của sinh viên. 

Nếu đúng bản chất, đại học phi lợi nhuận tồn tại vì ai? ảnh 2Hội đồng quản trị Đại học Hoa Sen quyết… trái luật

(GDVN) - Chúng tôi tha thiết đề nghị cơ quan báo đài và các cấp có thẩm quyền hãy xem xét thông tin nhiều chiều và thấu đáo để bảo vệ uy tín trường Đại học Hoa Sen.

Cũng có quan điểm cho rằng, với điều kiện đất nước ta chưa có các tiêu chí để xác định trường hoạt động theo mô hình nào, ngay cả không vì lợi nhuận thì trước mắt hãy cứ để các trường hoạt động vì lợi nhuận vừa phải, để sau đó chuyển dần sang không vì lợi nhuận? Nhận định về quan điểm này, PGS. Nguyễn Văn Hùng nêu quan điểm, chỉ nên có một mức không vì phi lợi nhuận.

Cũng theo PGS. Hùng, khi đã là trường không vì lợi  nhuận thì những người trong Hội đồng quản trị, những người thay mặt Hội đồng quản trị tham gia quản lý nhà trường sẽ không chia lãi, tư tưởng lúc đó mới cảm thấy thanh thản và chú tâm phát triển nhà trường, lúc đó mới vì mục đích giáo dục. 

Thực tế, các nước trên thế giới mô hình trường đại học không vì lợi nhuận không phải là điều mới mẻ, các nước rất thuận lợi để phát triển giáo dục đại học theo mô hình này, tuy nhiên ở Việt Nam tại sao lại khó như vậy? PGS. Hùng nhận định, cái chính chúng ta lâu nay chưa có tiêu chí nhận biết đâu là trường lợi nhuận hay không vì lợi nhuận, nếu các trường thỏa mãn các tiêu chí đó sẽ quy định thì không khó để phân biệt, và trường theo mô hình nào cứ thế để phát triển. 

“Trường không vì lợi nhuận người học sẽ được nâng lên về chất lượng, tiền thuế không phải đóng thì quay lại đầu tư cho trường, cơ sở vật chất tốt lên thì người học được hưởng, đầu tư trên mỗi sinh viên chắc chắn cũng tốt lên. Như vậy học liệu sẽ tốt hơn” PGS. Hùng chia sẻ.

PGS. Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, ở Việt Nam kinh tế đang phát triển thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì không nên để cho các trường hoạt động vì lợi nhuận trước mắt, để rồi sau này mới chuyển dần sang không vì lợi nhuận, mà phải làm rõ ràng ngay từ đầu và nên theo mô hình không vì lợi nhuận, đó chính là đáp ứng yêu cầu, mục đích của Đảng.

“Trong tương lai giáo dục đại học phải không vì lợi nhuận mới phát triển được, theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, đúng yêu cầu của Đảng. Mọi người làm giáo dục hãy làm vì giáo dục, vì thế hệ tương lai của xã hội” GS. Hùng khẳng định.

Thành viên HĐQT không là người góp vốn?

Vấn đề quan trọng nhất bây giờ ở nhiều trường đại học tư thục tuyên bố hoạt động không vì lợi nhuận, nhưng thực tế có chia cổ tức cao, gây mâu thuẫn nội bộ, ảnh hưởng tới quá trình phát triển của trường, của sinh viên? Theo như PGS. Nguyễn Văn Hùng, chúng ta sớm cần có một quy chế về vấn đề này, quy định không được chia lợi tức cao hơn trái phiếu Chính phủ. 

Nếu đúng bản chất, đại học phi lợi nhuận tồn tại vì ai? ảnh 310 năm vững bước của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập

(GDVN) - Trong 10 năm, kể từ khi có quyết định thành lập, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (VIPUA) đã làm tròn trách nhiệm, nhiệm vụ.

Cũng theo đó, thành viên Hội đồng quản trị phải được tách ra, không thể là những người góp vốn, Hội đồng quản trị phải là những người đại diện xã hội, đại diện cho nhà giáo, cho những người có trình độ giáo dục để phát triển mục tiêu giáo dục của nhà trường. 

Lấy dẫn chứng cụ thể từ mô hình hoạt động của Trường Đại học Hoa Sen vừa qua, việc trường tuyên bố hoạt động không vì lợi nhuận nhưng trên thực tế có chia cổ tức, hơn nữa đất của nhà trường được nhà nước ưu đãi hơn 11.000 mét vuông, câu hỏi đặt ra ở đây tài sản đó là của nhà nước hay tư nhân, mô hình này có phải là mô hình không vì lợi nhuận hay không? PGS. Nguyễn Văn Hùng khẳng định, làm như vậy là không được, muốn gì thì muốn chia lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng là lợi nhuận. 

Khẳng định lại quan điểm, PGS. Hùng đề nghị cần sớm có bộ tiêu chí quy định về mô hình trường lợi nhuận hay không vì lợi nhuận, căn cứ vào đó các trường hoạt động đúng quy định. Nếu trường không vì lợi nhuận sẽ được miễn thuế, và tiền thuế hoàn lại đó thuộc tài sản xã hội và được đầu tư lại trường. Và chuyển đổi sang mô hình trường đại học không vì lợi nhuận là bắt buộc phải làm trong xu thế mới?

Xuân Trung