Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chuẩn bị nhiều kịch bản để tránh...ăn đong

04/04/2020 06:21
Vũ Ninh
(GDVN) - Một số chuyên gia ví von những quyết sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay giống như tình trạng ăn đong. Hết gạo đến đâu thì đong gạo đến đấy.

Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào đã có phương án tinh giản chương trình học để đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. 

Theo đó, việc tinh giản được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo chuẩn kiến thức cơ bản, nền tảng cho học sinh để đảm bảo các em có đủ năng lực học tiếp ở các lớp sau; đảm bảo thống nhất giữa các khối lớp trong cùng môn học, các môn học trong cùng khối lớp và cấp học.

Học 5 thi 5, học 7 thi 7, không nhất thiết phải kéo dài năm học
Học 5 thi 5, học 7 thi 7, không nhất thiết phải kéo dài năm học

Tất cả các môn học ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đều có hướng dẫn rất cụ thể, tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục theo hướng mở, linh hoạt trong quá trình thực hiện.

Trước thông tin này, nhiều giáo viên và các chuyên gia cho rằng: Họ không bất ngờ lắm với phương án trên và việc tinh giản chương trình học gần như là bắt buộc thay vì kéo dài thời gian năm học.

Cách đây gần 1 tháng, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra phương án kéo dài năm học sang tháng 7 và tổ chức kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia trong tháng 8, cô giáo Phạm Thái Lê (trường Marie Curie) đã dự đoán: Việc kéo dài năm học sẽ gây ra nhiều xáo trộn. Và trước hay sau, sớm hay muộn, Bộ cũng phải tính đến phương án tinh giản chương trình học.

Đến nay những dự đoán của nhiều chuyên gia, giáo viên đã đúng với thực tế.

Cô Lê so sánh: Những giải pháp kéo dài năm học hay học trực tuyến giống như ăn đong. Tức là hết gạo đến đâu thì đong đến đấy, cứ hết là đong gạo. Về cơ bản đây không phải là những phương án lâu dài.

Thi tuyển hay xét tuyển, thiết nghĩ Bộ đều cần phải có phương án chuẩn bị cho 2 kịch bản trên (Ảnh:V.N)
Thi tuyển hay xét tuyển, thiết nghĩ Bộ đều cần phải có phương án chuẩn bị cho 2 kịch bản trên (Ảnh:V.N)

“Việc kéo dài năm học sẽ tăng chi phí xã hội cũng như ảnh hưởng đến năm học năm sau. Bộ cũng nên mạnh dạn tính đến phương án tinh giản chương trình học, giới hạn dung lượng ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi.

Thậm chí trong tình huống xấu nhất chúng ta chấp nhận mất học kỳ 2 thì vẫn có thể ôn và thi trong giới hạn của học kỳ 1”.

Với cách phản ứng của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể thấy Bộ vẫn còn lúng túng trong việc đưa ra các quyết sách.

Thời gian đầu song song với việc triển khai học trực tuyến việc học qua truyền hình cũng xuất phát từ kiến nghị của Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần đưa ra phương án thay đổi khung thời gian và kéo dài năm học 2020.

Tuy nhiên việc kéo dài năm học đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính của nhiều trường đặc biệt là trường tư, ảnh hưởng đến tâm lý của phụ huynh, học sinh.

Cuối cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quay về với phương án tinh giản chương trình học, giới hạn cấu trúc đề thi. Phương án này được dư luận xã hội rất ủng hộ.

Sự thay đổi phương án liên tục sẽ ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh, học sinh, giáo viên (Ảnh:V.N)
Sự thay đổi phương án liên tục sẽ ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh, học sinh, giáo viên (Ảnh:V.N)

Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề đang gây tranh cãi: Thi Quốc gia hay xét tuyển; tổ chức thi bao nhiêu môn; Bộ tổ chức thi hay giao cho các địa phương, giao cho các trường.

Rõ ràng trong tình thế dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay, Bộ không thể chỉ hành động theo luồng ý kiến dư luận tương tự việc triển khai dạy trên truyền hình và tinh giản chương trình học.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ đánh giá: “Tất cả những giải pháp chúng ta đang thực hiện đều chỉ mang tính chất tạm thời, đối phó trong giai đoạn hiện nay. Có thể đây là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo lâm vào tình huống như vậy. 

Nhưng về cơ bản trong các năm tiếp theo chúng ta phải có các chính sách, chiến lược mang tính dài hơn, mang tầm Quốc gia đề phòng các trường hợp thiên tai,dịch bệnh như hiện nay”.

Bộ cần có những thay đổi mạnh tay trong khoảng thời gian còn lại trong năm học
Bộ cần có những thay đổi mạnh tay trong khoảng thời gian còn lại trong năm học

Một trong những vấn đề mà các chuyên gia chỉ ra: Chúng ta không thể đánh giá chắc chắn đến thời điểm nào dịch Covid-19 sẽ được hoàn toàn khống chế.

Nếu giả sử dịch kéo dài đến hết năm nay thì việc tổ chức kỳ thi Quốc gia, thi đầu cấp sẽ như thế nào?

Vì thế một số khuyến nghị cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải xây dựng nhiều kịch bản khác nhau và thậm chí cần tính đến tình huống xấu nhất - dịch bệnh không thể khống chế được trong năm 2020.

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo không được loại trừ bất kỳ phương án nào: Kể cả thi tuyển và xét tuyển trong kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm nay. Phải xây dựng các phương án thi tuyển và xét tuyển tùy theo tình hình diễn biến của dịch bệnh.

Thứ hai, Xây dựng nhiều phương án tinh giản chương trình học khác nhau tương ứng với các mốc học sinh có thể trở lại trường. Trong tình huống xấu nhất chấp nhận bỏ học kỳ II và chỉ thi kiến thức trong học kỳ I.

Cần phải có nhiều kịch bản cho năm học này (Ảnh:V.N)
Cần phải có nhiều kịch bản cho năm học này (Ảnh:V.N)

Thầy giáo V.H.L (Hà Nội) cho biết: “Tôi mong trong thời gian tới nếu có bất kỳ thay đổi nào Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tính đến một phương án lâu dài cho năm học này. 

Vì bất kỳ thay đổi nào cũng tác động đến tâm lý của hàng triệu phụ huynh, học sinh và giáo viên. 

Việc chúng ta dự đoán càng sát với tình hình và có phương án chuẩn bị tốt nhất sẽ tiết kiệm đáng kể nhân lực và vật lực. Ngoài ra điều này cũng sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”.

Một vị chuyên gia cho rằng: Cái khó hiện nay là Bộ vẫn muốn đảm bảo lượng và chất của năm học. Tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 đang rất phức tạp không biết khi nào mới hết cho nên Bộ cần can đảm lựa chọn một phương án tối ưu nhất và chấp nhận một năm học lịch sử - một năm học không trọn vẹn. Trong tình hình này Bộ cần có những bước đi chắc chắn; không thể mãi nương theo ý kiến của dư luận xã hội được.

Vũ Ninh