Luật giáo dục đại học phải triệt tiêu cơ chế “xin – cho”

26/10/2011 06:51
Xuân Trung
(GDVN) -“Luật GDĐH phải khẳng định được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cộng đồng xã hội đối với giáo dục đại học”.
Đó là  một trong những quan điểm của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam về dự thảo luật GDĐH sắp tới.
Theo Hiệp hội, sau 5 lần góp ý cho dự thảo luật GDĐH vừa qua, Ban soạn thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì đã làm việc tích cực, lắng nghe ý kiến, tiếp thu và sửa chữa bổ sung liên tục các phiên bản soạn thảo, đặc biệt tiếp thu một số góp ý kiến của Thường vụ Quốc hội và từ xã hội bổ sung vào dự thảo.
Ảnh minh họa Internet
Ảnh minh họa Internet
Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm và ý thức xã hội để bản dự thảo luật được hoàn chỉnh hơn, Hiệp hội có đưa ra những kiến nghị sau:

Thứ nhất: Đề nghị Bộ Giaó dục và Đào tạo và Ban soạn thảo xem xét bổ sung một số tiền đề soạn thảo Luật Giaó dục đại học mà đến nay chúng ta chưa có, hoặc chưa nghiên cứu thấu đáo.

Cụ thể, chiến lược phát triển nền giáo dục đại học nước ta theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà”. Hiện nay thiếu cơ sở nền tản này khó mà dự thảo Luật Giaó dục đại học phù hợp và thúc đẩy sự đổi mới ấy.

Một số vấn đề lớn của nền giáo dục đại học chưa được nghiên cứu thấu đáo như: Nền giáo dục đại học Việt Nam nên mang tính đại chúng hay tinh hoa; Vấn đề cơ cấu hệ thống giáo dục đại học; Vấn đề công bằng xã hội trong giáo dục đại học; Khái niệm tự chủ đại học và nội hàm của nó; Vấn đề xã hội hóa trong giáo dục đại học; Vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận; Vấn để phân tầng, đa dạng của giáo dục đại học; Vấn đề hội đồng trường; Quan điểm về quản lý nhà nước đối với các trường đại học ...

Thứ hai: Để sửa chữa, bổ sung, tu chỉnh cho dự thảo Luật Giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước giai đoạn mới cần bố trí  đủ thời gian, lực lượng và các điều kiện cần thiết khác cho công việc quan trọng này.

Theo Hiệp hội, luật GDĐH phải định hướng cho sự hình thành một hệ thống giáo dục đại học mang tính đại chúng (trong đó có bộ phận tinh hoa), đa dạng, phân tầng, thống nhất, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hơn nữa, phải khẳng định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy quyền tự chủ thực sự, hợp lý (trên tất cả các phương diện) và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đại học. Phải khẳng định được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cộng đồng xã hội đối với giáo dục đại học, thể hiện rõ quan điểm xã hội hóa của Đảng về giáo dục đào tạo.

Phải triệt tiêu cơ chế “xin – cho” đang làm nảy sinh tiêu cực trong hoạt động quản lý giáo dục đại học. Nguồn gốc của tệ nạn này chính là cơ chế quản lý một chiều: Nhà nước - Nhà trường, trong đó Nhà nước vừa đưa ra các chính sách, vừa làm luôn nhiệm vụ kiểm soát, giám sát.
Tổng quát về dự thảo lần 5:

Dự thảo Luật Giáo dục đại học (lần 5) tuy có tiếp thu một số góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và từ xã hội, nhưng cũng còn nhiều điều khoản chưa hợp lý, khó sửa chữa bổ sung một cách riêng rẽ từng điều khoản, mà phải xem xét trong tổng thể. Về tính chất và nội dung, Luật (dự thảo) này chưa mang tính chất của Luật Giáo dục đại học mà nghiêng về Luật của các cơ sở giáo dục đại học - thường chỉ được trình bày dưới dạng văn bản “dưới Luật”, tức Điều lệ trường đại học.

Trong kết cấu, cần đưa thêm vào 2 chương mới: Chương về Hệ thống giáo dục đại học; Chương về Quan hệ xã hội. Chương Hệ thống Giáo dục đại học cần có các nội dung như: Cơ cấu hệ thống giáo dục đại học, các chuẩn mực quốc gia về giáo dục đại học, các trình độ đào tạo, hệ thống văn bằng, các cơ sở giáo dục đại học, mạng lưới các hội và hiệp hội về giáo dục đại học. Chương Quan hệ xã hội, gồm nội dung về nguyên tắc bình đẳng trong cơ hội và điều kiện tiếp cận với giáo dục đại học của mọi công dân có nguyện vọng được học đại học, về trách nhiệm và quyền lợi của công dân, trong đó có các nhà tuyển dụng đối với giáo dục đại học, về vai trò của các hội và hiệp hội nghề nghiệp trong việc giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học...
Xuân Trung